Những nội dung cơ bản trong văn hoá Quan họ Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 29 - 45)

Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG VĂN HOÁ QUAN HỌ BẮC NINH

1.1. Cơ sở lý luận 14 1. Một số khái niệm cơ bản

1.1.2. Những nội dung cơ bản trong văn hoá Quan họ Bắc Ninh

“Kết bạn Quan họ” tức là các bọn Quan họ ở các làng Quan họ kết nghĩa với nhau gọi là kết bạn Quan họ. Nếu không kết bạn Quan họ thì không thể tham gia “chơi Quan họ”. Chính vì thế kết bạn Quan họ là phong tục phổ biến chung, trở thành một “tục”, cho nên mới gọi là “tục kết bạn Quan họ”.

Từ khái niệm trên, đưa ta đến tìm hiểu về tổ chức của “Bọn Quan họ”.

“Bọn Quan họ” là tên gọi do các liền anh, liền chị Quan họ ngày xưa đặt ra để chỉ tổ chức của Quan họ. “Chơi quan họ” đã trở thành “nghề chơi” cho nên những người chơi phải chuyên tâm, chuyên nghiệp. Vì vậy, ai muốn tham gia

“chơi Quan họ” buộc phải tham gia vào một “bọn Quan họ” nào đó của làng.

“Bọn” về nguyên nghĩa, là để chỉ một tập thể đồng chất. Tức là, đối với Quan họ thì chỉ một tập thể cùng giới tính, nghĩa là “bọn nam” thì toàn nam và “bọn nữ” thì toàn nữ. Như vậy có hai loại bọn Quan họ đó là bọn Quan họ nam và bọn Quan họ nữ. Quy định về “bọn Quan họ” hết sức chặt chẽ đến mức, người đứng đầu bọn Quan họ nam là “ông trùm” và tương tự người đứng đầu bọn Quan họ nữ là “bà trùm”. Cũng có nơi không gọi là “ông trùm”

và “bà trùm” mà gọi là “anh Cả” và “chị Cả” (Lũng Giang).

Tổ chức nhân sự của một bọn Quan họ cũng hết sức chặt chẽ. Đã là một bọn Quan họ thì bắt buộc phải có những thành phần sau:

Ông trùm hoặc bà trùm: Các liền anh, liền chị đã lớn tuổi, không trực tiếp “chơi Quan họ” nữa, đứng ra tập hợp lực lượng để thành lập bọn Quan họ. Những người này gọi là “ông trùm” (nếu là bọn Quan họ nam) hoặc “bà trùm” (nếu là bọn Quan họ nữ). Một số nơi thì gọi là anh Cả (bọn nam) hoặc chị Cả (bọn nữ). Họ làm nhiệm vụ quản lý, điều hành mọi hoạt động của bọn Quan họ, có thể họ dạy hát chứ không tham gia vào các cuộc hát đối đáp của bọn Quan họ. Trong một bọn Quan họ chỉ được có 5 liền anh (nếu là bọn nam) hoặc 5 liền chị (nếu là bọn nữ). Đây là quy định bất di bất dịch. Lý giải về điều này, các cụ nghệ nhân nói nôm na, dễ hiểu rằng: Bàn tay, bàn chân của con người có 5 ngón, thì Quan họ cũng chỉ được có 5 người. Nhưng xét về nguyên thuỷ thì người Quan họ tuân thủ theo thuyết âm dương ngũ hành của phương Đông: vũ trụ được tạo ra và hoàn thiện bởi 5 yếu tố, 5 đại nguyên tố, nguyên thuỷ của tự nhiên đó là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Thuyết âm dương ngũ hành (trong Kinh dịch) đã thấm nhuần trong nhiều loại hình văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc ta. Trong đó, Quan họ có ảnh hưởng trực tiếp. Trong ngày lễ hội dân gian, bao giờ cũng có cờ ngũ hành 5 màu mà chúng ta quen gọi là “cờ ngũ sắc”. Cờ ngũ hành là biểu hiện cho: trời đất, thế giới vạn vật đều được sinh ra do sự vận động của 5 đại nguyên tố với 5 hình thái, chất văng, chất loáng, chất dao động, chất nóng và chất đất. Và dân gian cho rằng đây chính là biểu hiện của kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.

Người sáng tác: Do hát Quan họ là đối giọng, nên nếu bên kia ra bài sáng tác mới, thì bên này phải sáng tác bài để đối lại (cùng giai điệu âm nhạc với bài kia nhưng lời khác). Nên nhu cầu là thường xuyên phải sáng tác bài bản mới, mới cả nhạc lẫn lời. Vì vậy mỗi bọn Quan họ thường phải có một người sáng tác bài mới và bài để đối lại. Ngoài việc sáng tínhra các bài hát mới và đối đáp lại thì người sáng tác còn phải nghĩ ra các câu giao tiếp giàu

tính văn chương để các liền anh, liền chị học thuộc sau này đi hát tuỳ cơ ứng biến trong các hoàn cảnh khác nhau.

Những người phục vụ: Những người này thường là người nhà của các thành viên trong bọn Quan họ, chuyên làm việc như dọn dẹp “nhà chứa”, têm giầu, làm “cơm Quan họ”… (Nhà chứa là nhà để chứa bọn Quan họ luyện tập và ca hát. Ngày xưa từ đó không có nghĩa xấu, miệt thị như bây giờ).

Những em nhỏ học nghề: Mỗi bọn Quan họ xưa thường dìu dắt một số em nhỏ từ 9 -10 tuổi để đến năm mười tám, đôi mươi các em có vốn, dần thay thế lớp liền anh, liền chị cao tuổi. Những em nhỏ này thường là con cháu trong nhà các liền anh, liền chị hoặc ở trong cùng xóm với các bọn Quan họ. Các em nhỏ học nghề này được “đào tạo” theo 2 cách: Thứ nhất, là do các liền anh, liền chị trực tiếp giảng dạy từ giao tiếp đến những hiểu biết toàn diện về Quan họ. Các liền anh, liền chị thường tranh thủ dạy cho các em nhỏ vào buổi tối, vì ban ngày họ còn bận việc lao động, sản xuất, buôn bán. Có những hôm học khuya quá, không về nhà được, nên các em ngủ lại

“ nhà chứa”, gọi là “ngủ bọn”. Thứ hai, là học bằng cách tiếp cận thực tế, nghĩa là các em nhỏ đi theo các liền anh, liền chị đi “chơi Quan họ” hoặc được dự các buổi bọn Quan họ tiếp đón Quan họ bạn trong các dịp lễ hội.

Qua việc tiếp cận thực tế như vậy, dần dần các em thuộc câu, thuộc lối chơi Quan họ một cách tự nhiên. Thông thường, thì bọn Quan họ nam sẽ kèm cặp các em nhỏ nam và bọn Quan họ nữ thì kèm cặp các em nhỏ nữ, nhưng đôi khi có một bọn Quan họ lại kèm cặp cả nam - nữ. Qua đây cho thấy rằng ngay từ xa xưa ông cha ta đã rất quan tâm tới việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Họ coi trọng việc đào tạo đội ngũ kế cận rất công phu, nhằm bảo tồn dân ca Quan họ lâu dài theo hướng “tre già, măng mọc”. Có tổ chức “bọn Quan họ”, có cơ sở vật chất là “nhà chứa”, nhưng nếu không có kết bạn với bọn Quan họ nào thì cũng không thể có sinh hoạt Văn hoá

Quan họ. Chính vì vậy, yêu cầu bắt buộc cho mỗi bọn Quan họ là phải kết bạn với ít nhất là một bọn Quan họ khác.

Có thể nói rằng, Quan họ có thiết chế văn hoá rất hoàn chỉnh, bao gồm tổ chức, cơ sở vật chất và phương thức hoạt động. Các mặt này đều được gắn kết chặt chẽ với nhau.

Nhà chứa: ngoài những cơ sở vật chất và địa điểm sẵn có để sinh hoạt Quan họ của làng như đình, đền, chùa, sân đình, sân đền, sân chùa, hoặc bờ đê, bờ ao, hồ.... còn có một cơ sở vật chất quan trọng hơn cả dành riêng của từng bọn Quan họ với nhau đó là “nhà chứa”. Ngày nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng dùng từ “nhà chứa” và “bọn Quan họ” là không hay, không mỹ miều và làm xấu Quan họ. Nhưng thực ra, đó chính là cách gọi của người Quan họ xưa và họ hiểu theo đúng nghĩa. Theo nguyên nghĩa, thì “nhà chứa” hiểu là

“nhà” để “chứa” bọn Quan họ. “Nhà chứa” là nơi tụ họp, tập luyện, nơi “ngủ bọn” của bọn Quan họ và lớp đàn em học nghề chơi. Đây cũng chính là nơi bọn Quan họ tiếp đãi bạn Quan họ, mời “cơm Quan họ”, nơi tổ chức các canh hát Quan họ giữa bọn Quan họ và Quan họ kết nghĩa với mình trong các dịp lễ hội mùa xuân của làng. Có tổ chức “bọn Quan họ”, có cơ sở vật chất “nhà chứa”, nhưng nếu không kết bạn với “bọn Quan họ” nào thì không thể có sinh hoạt Văn hoá Quan họ. Bởi vì, chỉ có kết bạn mới có bạn chơi, có nhiều mối quan hệ, có hoạt động Quan họ. Ngày xưa, chỉ có bọn Quan họ kết bạn với nhau thì mới chơi Quan họ với nhau. Còn nếu hai bọn Quan họ không kết bạn với nhau mà ca hát với nhau, mặc dù giọng Quan họ nhưng chỉ coi là “hát Ghẹo”, tức là trai gái hát để “ghẹo” nhau.

Tục kết bạn Quan họ: muốn “chơi Quan họ” thì nhất định phải kết bạn với nhau, mỗi một bọn Quan họ phải kết bạn với ít nhất một bọn Quan họ khác. Yêu cầu này đã trở nên phổ biến trong Quan họ, không ngoại trừ trường hợp nào cả, nên đã trở thành tập tục quy định của Quan họ, gọi là “Tục kết bạn Quan họ”.

Nguyên tắc kết bạn Quan họ (2 nguyên tắc): Một là, nguyên tắc “âm dương tương cầu”, có nghĩa là bọn Quan họ nam phải kết bạn với bọn Quan họ nữ. Không có chuyện hai bọn Quan họ nam hoặc hai bọn Quan họ nữ kết bạn với nhau. Hai là, nguyên tắc “làng đối làng”, nghĩa là bọn Quan họ nam của làng này phải kết bạn với bọn Quan họ nữ của làng kia. Không có chuyện hai bọn Quan họ cùng làng kết bạn với nhau. Căn cứ vào tính bền vững của tình bạn Quan họ mà chia thành 2 loại kết bạn Quan họ: Loại kết bạn không bền vững: loại kết bạn này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và có thể thay bạn hoặc kết thêm bạn. Loại kết bạn này thường không phải là giữa các làng kết chạ với nhau. Loại kết bạn bền vững truyền đời: Đó là loại kết bạn lâu dài, vĩnh viễn, bền vững, truyền từ đời này sang đời khác. Loại kết bạn này chỉ có ở những làng kết chạ với nhau. Như vậy, có thể khẳng định rằng: Tục kết bạn Quan họ chính là bắt nguồn từ tục kết chạ vốn có của các làng. Lâu dần, do nhu cầu giao lưu ngày càng mở rộng, mới phát triển đến mức có kết bạn Quan họ giữa những làng không cùng chạ. Do tục kết chạ với tục kết bạn có những điểm tương đồng, nên cho tới ngày nay vẫn nhiều người nhầm lẫn giữa tục kết chạ và tục kết bạn. Chính sự nhầm lẫn ấy mà cho rằng Quan họ yêu nhau không lấy được nhau. Quan họ không lấy nhau chỉ diễn ra ở “bọn Quan họ” giữa hai làng kết chạ với nhau, còn đối với “bọn Quan họ”

kết bạn với nhau nhưng giữa hai làng không kết chạ với nhau thì Quan họ vẫn nên duyên vợ chồng.

Trong xã hội phong kiến với giáo lý hà khắc của Nho giáo “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nên nam nữ Quan họ tất yếu không được phép tự do giao lưu với nhau. Chỉ khi nào hai bọn Quan họ nam nữ đã kết bạn với nhau thì mới được qua lại “chơi Quan họ” với nhau. Sự kết bạn giữa các bọn Quan họ với nhau cũng phải trải qua rất nhiều bước, thậm chí còn mang yếu tố duy tâm, họ phải được sự chứng giám và đồng ý của thần Thành hoàng cả hai nơi,

đôi bên mới có danh chính để thường xuyên “chơi Quan họ” với nhau, tương tự như câu nói của người xưa “Danh có chính thì ngôn mới thuận”.

Khi đã kết bạn rồi Quan họ coi nhau như anh em một nhà. Trong ngày lễ hội mùa xuân, bọn Quan họ trước ngày hội làng sẽ cử đại diện sang gặp bọn Quan bạn có “nhời mời” (lời mời). Quan họ bạn nhận lời mời đến hẹn lại lên, còn Quan họ sở tại kéo nhau ra tận sân đình hoặc đầu làng đón bạn. Khi bạn tới, sau mấy câu chào hỏi, đôi bên hát chúc, hát mừng, mừng sức khoẻ và đầu năm mới. Ngay sau đó, Quan họ sở tại dẫn Quan họ bạn vào đình thắp nhang làm lễ thần, hát thờ thần, gọi là “Quan họ ca sự tại đình”. Rồi đó, mời Quan họ bạn về nhà chứa họ tổ chức hát chúc, hát mừng, mời khách xơi nước, xơi giầu bằng các câu hát chẳng hạn như:

“Khách đến chơi nhà

Đốt than, quạt nước pha trà mời người xơi Chén trà này quý vậy, đôi người ơi

Mỗi người xơi một chén cho em vui lòng…” [30, tr.45].

Hoặc như câu mời giầu:

“Tay em nâng cái cơi đựng giầu,…

Giầu têm cánh phượng dâng lên em mời người?

Ai ơi có nhớ,

Người ơi nay có nhớ đến chúng em chăng?” [30, tr.46].

Giầu, nước xong, Quan họ sở tại mời Quan họ bạn xơi bữa “cơm Quan họ” thật thịnh soạn. Cuối cùng đôi bên tổ chức hát canh cho tới tận sáng. Buổi đón tiếp và hát canh như vậy gọi là “Quan họ du ca tại gia”.

Sáng hôm sau buổi “Quan họ du ca tại gia” thì bọn Quan họ khách sẽ đến từng gia đình các thành viên bọn Quan họ làng bạn mở hội để hỏi thăm sức khoẻ các gia đình. Tại các gia đình họ lại tổ chức hát chúc, hát mừng, hát cầu may mắn và cầu vui. Kết thúc chuyến du xuân trẩy hội, họ giã bạn tạm

chia tay nhau ra về và hẹn nhau đến hẹn lại lên. Cuộc chơi cứ như vậy cho hết ngày hết hội mới thôi. Hội xuân của các làng Quan họ kéo dài từ ngày mùng 4 tháng Giêng tới ngày 15 tháng hai hàng năm. Vậy nên các cuộc chơi Quan họ kết bạn cứ triền miên say sưa theo chiều dài giêng hai của hội xuân Quan họ.

Quan họ đã kết bạn rồi, thì giữa họ có rất nhiều mối quan hệ và hoạt động giao lưu thường xuyên với nhau. Đó chính là toàn bộ mọi quan hệ, mọi hoạt động của văn hoá Quan họ. Người Quan họ thường xuyên chăm lo cho nhau trong cuộc sống, kể cả vật chất lẫn tinh thần, thăm viếng nhau mỗi khi bản thân hoặc gia đình mỗi thành viên trong bọn có việc vui hay buồn, thậm chí còn giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất…

Trong lao động sản xuất, các nghệ nhân Quan họ giữa bạn Quan họ với nhau còn mang cả trâu cày bừa sang giúp bạn. Các bạn nữ thì sang cấy giúp.

Mục đích của họ là mong muốn cho bạn của mình cày cấy kịp thời vụ và đồng thời cũng là giúp bạn mình có thời gian tham gia “chơi Quan họ” vào dịp xuân sang, mở hội. Khi mỗi một thành viên trong bọn Quan họ có việc vui như cưới xin, sinh con trai, làm nhà.... thì bọn Quan họ sang thăm hỏi, chúc mừng, sau là hát cầu may mắn, cầu vui... Không chỉ chia sẻ niềm vui mà giữa bọn Quan họ với nhau còn chia sẻ với nhau những nỗi buồn, nỗi bất hạnh như ốm đau hoặc nhà có tang bọn Quan họ tổ chức đến thăm hỏi, động viên, chia buồn. Nếu nhà có tang thì bọn Quan họ tổ chức hát thờ, cầu mong cho linh hồn người đã khuất sang thế giới bên kia được thanh thản hoặc cầu cho con thuyền tới Tây Trúc được êm đềm, lặng sóng.

Như vậy, có thể khẳng định văn hoá Quan họ đã kế thừa các yếu tố lễ nghĩa truyền thống của văn hoá cộng đồng công xã Bắc Ninh. Đó là sự kế thừa theo hướng càng phát triển mở rộng, từ gốc là các yếu tố của tục kết chạ giữa các làng, tới chỗ là phổ biến chung cho cả làng Quan họ, trở thành đặc điểm, đặc trưng chung cho tất cả các liền anh, liền chị, tất cả các bọn Quan

họ. Chính quá trình mở rộng và hoàn thiện ấy là nét mới của văn hoá lễ nghĩa Quan họ so với truyền thống.

1.1.2.2. Văn hoá hành vi Quan họ

Văn hoá hành vi Quan họ là những biểu hiện về phong cách của người Quan họ, thái độ của người Quan họ đối với nhau thông qua các hành vi trong giao tiếp và ca hát. Văn hoá hành vi Quan họ được bắt nguồn từ văn hoá lễ nghĩa và văn hoá lễ hội. Trong văn hoá Quan họ có sự tiếp thu và mang đặc điểm của các loại hình văn hoá trên.

Ngôn ngữ cũng như lời ca của người Quan họ trong giao tiếp thường sử dụng thủ pháp chuyển nghĩa bằng uyển ngữ. Trong đời thường hay trong thơ ca chúng ta thường bắt gặp những hiện tượng ngoa dụ. Ngoa dụ là cách diễn đạt cường điệu tính chất, đặc trưng của sự vật và hiện tượng. Ví dụ câu ngoa dụ trong ca dao:

“Cầu này cầu ái, cầu ân

Một trăm con gái rửa chân cầu này” [31, tr.82].

Đối lập với ngoa dụ là uyển ngữ, là cách diễn đạt giảm đi, ít đi so với hiện thực bản chất của sự vật, hiện tượng. Ví dụ như:

“Đàn ông nông nổi giếng khơi,

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu…” [31, tr.82].

Người Quan họ bao giờ cũng cung kính, nhún nhường với bạn mình, nên thủ pháp uyển ngữ được sử dụng rất rộng rãi, nhất là trong giao tiếp. Chẳng hạn như trong bữa cơm thiết đãi bạn rất thịnh soạn nhưng người mời vẫn nói “Đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa”. Hay trong lời hát của liền anh, liền chị nào đó nói với bạn hát rằng: “Chúng em đã ca đôi câu. Thật đúng là “Cầm đèn soi giăng, đánh trống qua cửa nhà sấm”. Giờ xin mời Quan họ người ca đôi câu để chị em chúng em theo tiếp” [41, tr.197].

Trong ca hát và giao tiếp, người Quan họ không bao giờ gọi tên thật của bạn mà thường dùng những đại từ phiếm chỉ mang tính trân trọng, tế nhị

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 29 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)