Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG VĂN HOÁ QUAN HỌ BẮC NINH
2.5. Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị triết lý nhân sinh
2.5.4. Phối hợp giữa các tổ chức, đoàn hội trong việc khắc phục những mặt hạn chế và phát huy những giá trị triết lý nhân sinh
Hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa Văn hoá Quan họ đang chịu nhiều tác động và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mai một, đòi hỏi phải xây dựng và triển khai thực hiện những chương trình hành động quốc gia bảo tồn di sản văn hoá Quan họ.
Nguy cơ mai một Dân ca Quan họ thuần chất, tuyệt đẹp từng có cũng đã xuất hiện tại nơi được coi là cái gốc của dân ca Quan họ, nơi dân ca Quan họ nảy nở, phát triển, thăng hoa và đạt đến những đỉnh cao của nghệ thuật. Một vấn đề không thể không bàn đến đó là xu thế thương mại hoá các hoạt động Quan họ. Trên thực tế đã thấy rằng không chỉ có ca hát Quan họ mới trở thành hàng hoá mà cả văn hoá Quan họ cũng đã trở thành hàng hoá. Chúng ta đến với những lễ hội hôm nay cả những sân khấu ca nhạc mà nghe Quan họ thì tất cả đều thương mại. Vậy thương mại có gì xấu ở đây khi mà thương mại đang nuôi sống Quan họ và còn cả truyền bá Quan họ nữa, đó cũng là một vấn đề cần phải giải quyết và làm rõ.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do sự thiếu hiểu biết toàn diện, sâu sắc về truyền thống Quan họ, về những đặc trưng nghệ thuật và quy luật bảo tồn và phát triển của nó cũng như sự bối dối mất phương hướng trong việc giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giao lưu và hội nhập.
Như vậy, văn hoá Quan họ đang đứng trước những nguy cơ bị mai một.
Trước thực trạng trên cần phải đưa ra một số giải pháp để khắc phục thực trạng đó:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức đúng về Văn hoá Quan họ cho cấp uỷ Đảng, để từ đó đề ra những chủ trương đúng đắn và tư tưởng đổi mới sự
lãnh đạo và quản lý về văn hoá Quan họ, làm chuyển biến tư duy cho cán bộ Đảng viên thấy được đầy đủ ý nghĩa, giá trị vô cùng quý giá của di sản văn hoá Quan họ và đặc biệt là giá trị triết lý nhân sinh trong văn hoá Quan họ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Nó là viên ngọc mà loài người và dân tộc Việt Nam giao cho Đảng Bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh gìn giữ và phát triển. Tránh tư tưởng của một số người, trong đó có cả một số lãnh đạo xem Quan họ là thứ đàn hát, vui chơi giải trí. Đặc biệt là trong quá trình đổi mới hiện nay, cần phải nhìn văn hoá Quan họ là một nguồn lực văn hoá đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, phối hợp với Nhà hát dân ca Quan họ, các câu lạc bộ định kỳ hàng tuần tổ chức các hoạt động, vừa giới thiệu, vừa biểu diễn Quan họ truyền thống, để nhiều người được tiếp cận, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá Quan họ. Đây là hoạt động cần phải kiên trì, có đầu tư, vừa lắng nghe vừa rút kinh nghiệm.
Thứ ba, cần phải xác định đúng vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn di sản văn hoá Quan họ. Có thể nói trong dân gian danh từ “nghệ nhân”
được sử dụng khá phổ biến, nhưng hầu hết là sự suy tôn và tôn vinh. Bởi các nghệ nhân là nhân chứng sống cho sự tồn tại, phát triển và lan toả của Quan họ. Những nghệ nhân Quan họ chính là những “báu vật sống”, đảm bảo cho Quan họ phát triển từ bao đời nay và trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống văn hoá phi vật thể của đất nước ta. Các nghệ nhân Quan họ còn giữ vai trò rất Quan trọng là người bảo tồn các giá trị của văn hoá Quan họ từ đời này sang đời khác, đảm bảo cho văn hoá Quan họ không bị mai một, không bị đồng hoá. Nghệ nhân Quan họ có vai trò rất to lớn trong việc truyền nghề, chính là việc đào tạo các diễn viên Quan họ hiện nay.
Thứ tư, các cơ quan tham mưu như: Sở văn hoá du lịch và thể thao, Nhà hát dân ca Quan họ… phải thực hiện được đầy đủ năng lực quản lý và
tham mưu đề xuất những biện pháp đúng đắn, kịp thời có hiệu quả về hoạt động văn hoá Quan họ một cách toàn diện, hợp lý và khoa học. Thí dụ: cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình giảng dạy văn hoá Quan họ vào các trường phổ thông hoặc đưa hoạt động văn hoá Quan họ vào đúng môi trường dân gian… Cần đào tạo những cán bộ quản lý, để tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về văn hoá.
Thứ năm, văn hoá Quan họ gắn liền với văn hoá lễ hội, văn hoá lễ hội là mảnh đất tốt để văn hoá Quan họ phát triển, cho nên cần phải chỉ đạo và tạo điều kiện cho những lễ hội lành mạnh ở địa phương phát triển đúng hướng. Cần khắc phục tình trạng thương mại hoá, hủ tục, mê tín… trong hoạt động lễ hội.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích và khen thưởng những tổ chức, cá nhân có công trong việc giữ gìn, phát huy văn hoá Quan họ, trong việc tổ chức truyền dạy dân ca, sưu tầm các bài Quan họ cổ, sáng tạo các bài bản Quan họ mới…
Thứ bảy, cần khôi phục tục kết bạn Quan họ trên cơ sở mối quan hệ vốn có của truyền thống. Ngày nay không còn các tổ chức “bọn Quan họ”
nhưng các tổ, đội, câu lạc bộ của làng thường xuyên giao lưu với tổ, đội, câu lạc bộ Quan họ ở những nơi mà vốn xưa có các bọn Quan họ kết bạn với bọn Quan họ ở làng mình, đặc biệt là giao lưu trong dịp lễ hội mùa xuân của từng làng. Ví dụ như đội Quan họ của làng Diềm giao lưu với các đội Quan họ ở Hoài Thị, Hoài Trung và Đống Cao…Việc giao lưu thường xuyên tạo sự gắn bó của Quan họ giữa các địa phương, sau là việc tạo sự tự giác tham gia các hoạt động của Quan họ.
Tiểu kết chương 2
Văn hoá Quan họ thể hiện chiều sâu văn hoá, triết lý nhân sinh sâu sắc.
Tính triết lý đó được thể hiện khá đầy đủ và rõ nét trong từng mối quan hệ cụ thể. Khi nói tới mối quan hệ giữa con người với con người, văn hoá Quan họ
khuyên con người nên sống hoà thuận, thuỷ chung, trọn nghĩa vẹn tình, tôn trọng và bình đẳng với nhau. Triết lý nhân sinh trong văn hoá Quan họ khi bàn tới tình yêu lao động, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống có ý nghĩa giáo dục con người phải yêu và bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ tổ quốc không chỉ đơn thuần là bảo tồn những giá trị mà cha ông để lại mà chúng ta phải phát triển nó lên và nâng lên tầm cao mới.
Nghiên cứu văn hoá Quan họ là điều kiện giúp chúng ta rút ra những triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh tư tưởng, quan điểm của nhân dân về những vấn đề cuộc sống. Tính triết lý đó được biểu hiện khá đầy đủ thông qua các mối quan hệ cụ thể. Đặc biệt hơn là những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời về chính bản thân con người đã trải qua những chiêm nghiệm, thăng trầm trong cuộc sống được người dân rút ra. Những triết lý ấy như tấm gương phản chiếu, nhìn nhận mọi mặt của đời sống để mỗi người sống có ý nghĩa hơn.
Văn hoá Quan họ không chỉ mang tính chất giải trí mà sâu thẳm nó mang tính giáo dục đạo đức con người về cách ăn ở, cách sống trọn đạo, đẹp đời. Tất cả các yếu tố ấy hoà quyện vào nhau, trở thành công cụ hữu hiệu để con người Bắc Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung có những nhận thức, tác động, cải tạo xã hội, tự nhiên và chính bản thân con người ngày càng tốt đẹp hơn.