Nâng cao nhận thức của người “chơi Quan họ” và nhân dân về giá trị của triết lý nhân sinh trong văn hoá Quan họ

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 88 - 92)

Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG VĂN HOÁ QUAN HỌ BẮC NINH

2.5. Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị triết lý nhân sinh

2.5.3. Nâng cao nhận thức của người “chơi Quan họ” và nhân dân về giá trị của triết lý nhân sinh trong văn hoá Quan họ

Ngày nay để bảo tồn dân ca Quan họ phải cần nghiên cứu từ đời sống làng, từ nhu cầu vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư, cũng như thiết chế văn hoá thôn làng, từ nguồn gốc, tính chất, nội dung của lễ hội… để tìm đến một phương thức nội dung và cách thức bảo tồn phù hợp tránh sự khiên cưỡng, cực đoan hay sự áp đặt. Trước hết phải nhận thức rõ ràng: Chính người dân vùng Quan họ, đặc biệt là người “chơi Quan họ” giữ vai trò chủ chốt, quyết định việc giữ gìn bảo tồn văn hoá Quan họ chứ không ai khác, còn Đảng, Nhà nước và các cơ quan văn hoá chỉ định hướng khuyến khích và tạo điều kiện. Đồng thời có những chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá Quan họ trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên việc cần làm và

đáng làm ngay là phải quan tâm đến làng Quan họ gốc. Bởi vì đây là những làng có bề dày truyền thống, ở đó còn có lớp nghệ nhân đầy kinh nghiệm, tích luỹ nhiều lối chơi Quan họ, thuộc nhiều lời ca cổ. Tuy nhiên, quá trình ấy con người phải biết chọn lọc, kế thừa những nhân tố hợp lý cho phù hợp với tâm lý người xem và đời sống kinh tế hiện đại.

Ví dụ như hiện nay, nếu dập khuôn tục kết bạn như trước đây thì không phù hợp. Vì đời sống xã hội, đời sống con người hiện nay có rất nhiều mối quan hệ, nhiều tổ chức rằng buộc, hoặc không gian Quan họ như đình chùa, ao làng, khuôn viên những thiết chế văn hoá truyền thống đang bị thu hẹp, cũng như lễ hội diễn ra không còn được tự nhiên như trước đây, nhất là tâm lý lớp trẻ bây giờ không mặn mà với lối chơi, cách hát Quan họ truyền thống.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người “chơi Quan họ” không chỉ là nhu cầu giải trí mà làm phong phú thêm đời sống tinh thần, khắc sâu tình yêu thương giữa người với người, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần lao động, mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Quan họ có câu:

“Chị Hai ơi!

Bốn phương tôi đã kể rồi,

Nghề chơi Quan họ trải mùi đối mới xong” [30, tr.93].

Vì là “nghề” nên “chơi Quan họ” phải là những người chuyên tâm, chuyên nghiệp, vừa tu thân vừa tu chí mới đủ tiêu chuẩn để gia nhập vào nghề chơi. Quan họ trước đây, ai muốn có nghề chơi Quan họ thì phải tu dưỡng, học tập công phu để có đủ bốn yêu cầu: Một là, có tình cảm trong sáng, chân thực, thuỷ chung. Hai là, có hiểu biết sâu sắc về sinh hoạt văn hoá Quan họ.

Ba là, phải tham gia trong các tổ chức “bọn Quan họ”. Bốn là, luôn biết “giữ nghề” bằng cách truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình, xóm giềng. Đó là lề luật, phép tắc của người “chơi Quan họ” trong bối cảnh xã hội truyền thống

trước kia. Nhưng đến xã hội ngày nay liệu những phép tắc, lề luật đó phải chăng còn phù hợp?

Ngày nay, về bản chất cốt lõi người “chơi Quan họ” vẫn dựa trên cơ sở nền tảng của lối chơi truyền thống nhưng biểu hiện về mặt hình thức, cũng như quy định đối với người chơi Quan họ không quá khắt khe mà đã linh hoạt hơn để phù hợp với xu thế mới của thời đại. Điều này biểu hiện rõ nét nhất ở không gian diễn xướng ngày càng có sự “chuyển động” đa dạng, mở rộng chứ không còn bó hẹp như trước. Ngoài không gian truyền thống gắn với lễ hội làng mộc mạc, giản dị, thân thuộc như cây đa, bến nước, sân đình, nhà chứa…

thì nay Quan họ đã lên sân khấu với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng hiện đại góp phần đưa Quan họ đến gần với công chúng hơn. Chính sự chuyển đổi khéo léo trong việc chuyển đổi không gian trình diễn từ chức năng thực hành lao động sang chức năng giải trí cộng đồng của người chơi đương đại mà văn hoá Quan họ đã trở lại đời sống sâu rộng. Cũng nhờ vậy mà người Bắc Ninh đã gìn giữ được di sản văn hoá cho đến ngày nay một cách toàn vẹn, vừa bảo tồn vừa phát triển. Sự chuyển dịch ấy không phải là sự biến tướng Quan họ như nhiều người vẫn lầm tưởng mà ngược lại nó làm đầy hơn, phong phú hơn đời sống văn hoá của cộng đồng. Và sự chuyển biến đó là sự tất yếu của văn hoá. “Chơi Quan họ” truyền thống không có khán giả, người chơi đồng thời là người thưởng thức. Còn Quan họ ngày nay thường mang tính trình diễn vì luôn có khán giả, người chơi trao đổi tình cảm với khán giả chứ không còn là tình cảm giữa người chơi với nhau. Tuy nhiên, Quan họ ngày nay không chuẩn chỉ theo đúng lề lối nguyên bản như xưa nhưng cũng không thể cho rằng lối chơi Quan họ kém phần tinh tế. Nếu như người xưa “chơi Quan họ”

trong không gian văn hoá truyền thống chơi theo cách mà họ cảm thấy tự do và thoả mãn thì ngày nay, người “chơi Quan họ” đã sáng tạo ra cách chơi làm sao cho họ cảm thấy thú vị nhất, được giải trí và được sống thật với nó.

Lễ hội Lim

Như vậy, nếu chúng ta nhìn nhận đúng bản chất của tiến trình toàn cầu hoá sẽ thấy sự hội nhập không thể nào xoá bỏ gốc dễ. Vì thế, văn hoá Quan họ bước sang thế kỷ mới với phong cách, lối chơi dù ít nhiều có sự thay đổi cho phù hợp với bối cảnh với xã hội đương đại thì nó vẫn giữ nguyên và xuất phát từ gốc dễ đó là tình yêu đối với văn hoá Quan họ. Tình yêu đó sẽ ngày càng đẹp và toả sáng khi mỗi người “chơi Quan họ” nói riêng và nhân dân Bắc Ninh nói chung đều có ý thức biến tình yêu thành những việc làm thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá Quan họ. Văn hoá Quan họ là tài sản vô giá của người Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, vì thế cần phải gìn giữ và lưu truyền. Hơn nữa, văn hoá Quan họ còn là triết lý của con người về cuộc sống, là tâm tư tình cảm, lý tưởng sống của con người, là triết lý sống, triết lý về tình yêu… Từ sự hiểu biết, rồi chơi Quan họ thì nhân dân và người “chơi Quan họ” nhận thấy được sứ mệnh của mình là phải giữ gìn, bảo vệ, phát huy văn hoá Quan họ, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy những truyền thống giá trị văn hoá, đạo đức quý báu của dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)