Đề cao tình yêu quê hương đất nước

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 74 - 79)

Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG VĂN HOÁ QUAN HỌ BẮC NINH

2.3. Đề cao tình yêu quê hương đất nước

Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm gắn bó, yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc xây dựng quê hương. Tình yêu quê hương đất nước không phải là tình cảm trìu tượng, nó được biểu hiện rất cụ thể, rất rõ nét. Đó là dạng tình cảm được cụ thể hoá bằng hành động. Quê hương là cái nôi đầu tiên cất tiếng khóc trào đời, là những bước đi chập chững gắn với những kỷ niệm, là nơi ai cũng muốn trở về và gắn bó. Tình yêu quê hương đất nước

không phải cái gì xa lạ mà nó gần gũi gắn liền với yêu gia đình, làng xóm, cây đa, bến nước, sân đình… Đó là những tình cảm xuất phát từ trái tim.

Bắc Ninh - nơi một miền quê mà cách đây hàng nghìn năm đã sản sinh ra một loại hình văn hoá đặc biệt làm say đắm lòng người. Khách phương xa được đặt chân đến một lần mà chẳng muốn về, về rồi lại muốn đến mãi.

Người đến bị mê hoặc bởi những nét đẹp văn hoá truyền thống của văn hoá Quan họ Bắc Ninh, bởi những giọng hát ngọt ngào, tình tứ của những con người được sinh ra và lớn lên cũng như những câu ca Quan họ quê mình.

Cùng với khao khát yêu đương mãnh liệt, Quan họ còn biểu đạt một tình yêu chân thật, sâu đắm đó là tình yêu đối với quê hương đất nước. Họ yêu mái đình, cây đa, xóm dưới, quán chợ, chùa chiền, con sông… Những hình ảnh ấy đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân nơi đây. Bắc Ninh là một vùng quê trù phú có “sơn thuỷ hữu tình”, có “đường về Quan họ”, đầu làng có cây đa, cây gạo chon von, một quán Dốc chợ Cầu, một quán trắng phố Nhồi, những cửa chùa mở rộng cho trai thanh gái lịch sum vầy ca hát, những đêm trăng suông, những dòng sông phẳng lặng nước đầy, một sông Cầu nước chảy lơ thơ, sông Dâu ba bốn nước thuyền kề, những chuyến đò ngang vang vọng tiếng gọi, những hội bơi trải, hội chùa Tiêu… quanh miếu, quanh đền…

những mùa xuân chơi hội thong dong, mùa hè tắm mát ở sông Lục Đầu và trăm thú hoa đua nở… Người dân Bắc Ninh không chỉ thể hiện tình yêu quê hương đất nước mà họ còn ngợi ca quê hương mình:

“Trai xinh gái lịch,

Quê hương ta sơn thuỷ hữu tình,

Nhác nhìn phong cảnh tựa nhìn bức tranh.

Trên non cao vách đá xây thành,

Dưới hồ sen mọc, trước đình trông reo.

Ngắm đôi bên mai - trúc sánh bày, Lắng nghe tùng bách gió chiều vi vu.

Khá khen ai khéo vẽ địa đồ” [30, tr.166].

Đền bà Thuỷ tổ Quan họ

Gắn với những bức tranh làng quê tươi đẹp ấy là những con người có vẻ đẹp tâm hồn toả ra từ đôi mắt “lúng liếng”, cái duyên trong nụ cười má

“lúm đồng tiền”, trong vành nón ba tầm thao tua, biết làm “một nong tằm thành năm nong kén”, biết gắn cuộc đời mình với những thửa ruộng “năm sào” với những canh hát thâu đêm bổng trầm, năn nỉ… cảnh và người ấy đã tạo nên một quê hương Quan họ và một tình yêu quê hương đất nước nồng thắm, thiết tha. Quê hương ấy, con người ấy sẽ vô cùng đau đớn, xót xa nếu như họ phải chứng kiến sự phôi pha các giá trị văn hoá, tinh thần mà các thế hệ cha ông đã dày công tạo dựng.

Tình yêu quê hương đất nước của người Bắc Ninh không chỉ được thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, yêu những bức tranh làng quê tươi đẹp mà nó còn được thể hiện qua cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước. Những người con trai đeo ba lô lên đường nhập ngũ, tạm xa bến nước, cây đa, sân đình, xa mái nhà thân thương, xa những buổi hát trao duyên Quan họ… để ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Người con gái ở nhà làm hậu phương vững

chắc cho các anh yên tâm đánh giặc, chăm lo cha mẹ già, lao động sản xuất để phục vụ tuyền tuyến. Buổi chia tay thẫm đẫm những giọt nước mắt không hẹn ngày trở về: Tiễn đưa anh đi em hát bài Quan họ, xin gửi cả ánh trăng quê mình trong lời hát tiễn anh lên đường… Tiễn đưa anh đi em hát bài Quan họ, khúc Quan họ lướt trên bom đạn thù. Trong lời hát nhắn ai nhớ làng Quan họ quê tôi, hay những năm bom Mỹ thả “loan phượng vẫn ăn xoài”, “hương thơm đồng lúa chín”. Những ca từ mang âm hưởng Quan họ như một lời nhắn nhủ các anh dù có đi bất cứ đâu, đến với phương trời nào cũng nhớ về quê hương, nơi sinh ra và nuôi dưỡng các anh trưởng thành, nơi có những mẹ già ngóng con từng buổi chiều tà, nơi có những người thương đang ngày đêm mong nhớ. Ca từ Quan họ thật giản dị mà gần gũi làm cho người nghe cảm thấy ngọt ngào, tình tứ, chạm đến trái tim của mỗi con người.

“Em đi khắp bốn phương giời

Không đâu thanh lịch bằng người ở đây” [41, tr.156].

Câu ca ấy, không biết là của người tỉnh khác khen về cái lịch sự của người Kinh Bắc hay chính người Kinh Bắc tự hào về chính quê hương của mình. Những mùa xuân về với quê hương Quan họ, đặc biệt là hội Quan họ chúng ta mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của “người nơi đây” như chính lời ca Quan họ ca ngợi vậy. Chính vẻ đẹp tổng thể của văn hoá Quan họ đã níu giữ tâm hồn biết bao người bao thế hệ mỗi khi đến mảnh đất này.

Vẻ đẹp ấy, trước hết là những bức tranh quê hương sống động, là phong tục, lề lối của văn hoá Quan họ mà trong thơ đã chấm phá rất đẹp. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách khi về với vùng quê Quan họ đã sáng tác bài thơ

“Làng Quan họ quê tôi” sau này được nhạc sĩ Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài thơ đã tả cảnh làng quê Quan họ, từ quê cảnh đến lề lối phong tục đẹp đẽ khác so với những làng quê khác:

Làng Quan họ quê tôi Tháng giêng mùa hát hội Áo nâu ướp hương trầm Nón thúng quai thao rủ Buông dài nếp xống thâm…

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách còn miêu tả cái duyên dáng của liền chị Quan họ:

Em đi trẩy hội làng Quan họ Áo the năm sắc nón ba tầm

Khăn xanh thêu rí nghiêng đầu đội Môi cười cắn chỉ mắt lá răm

Em đứng chờ ai sau quán đá

Tìm trong dải yếm trắng khẩu giầu Hát với tôi vài canh Quan họ Cho mầu vôi đỏ quện say cau.

Có phải chăng ở đây, cái tình cảm của tâm hồn người nghệ sĩ dường như đã trùng với con mắt của nhà dân tộc học. Phải là người có điều kiện tiếp xúc với những “anh hai, chị hai” vào những ngày hội Quan họ mới có thể thấy được sự tinh tế, thanh tao của người Quan họ đến vậy.

Từ xưa, vùng Bắc Ninh nổi tiếng là vùng đất hiếu học. Ở mọi thời kỳ, Bắc Ninh đều đóng góp những nhân tài cho đất nước. Những con người ở miền đất này luôn coi trọng việc học hành và thành đạt trên con đường công danh. Bởi vậy mà với người Quan họ, cái chữ luôn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người.

Với vẻ đẹp của vùng quê Quan họ ấy, người Bắc Ninh không chỉ giới thiệu cho quý khách vẻ đẹp thiên nhiên của vùng quê Quan họ mà còn muốn truyền đạt tới mọi người về tình yêu quê hương đất nước, tự hào về quê

hương của mình. Để từ đó, người Quan họ mong muốn những thế hệ đi sau sẽ tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta xây dựng từ ngàn đời, góp phần chung tay bảo vệ, giữ gìn và xây dựng quê hương đẹp giàu không chỉ đẹp bề ngoài mà còn đẹp trong mỗi tâm hồn con người.

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh trong văn hoá quan họ bắc ninh (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)