Đề tài sử dụng số liệu thứ cấp được thu thập từ xuất bản Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre các năm trong giai đoạn từ 2011 đến 6 tháng đầu năm 2014, các trang web của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sách, báo và các phương tiện truyền thông để phân tích thực trạng sản xuất và xuất khẩu ca cao trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là ở tỉnh Bến Tre.
2.2.2 Phương pháp phân tích số liệu
Đối với mục tiêu (1), sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích, xử lý số liệu thứ cấp, đánh giá và so sánh số liệu thứ cấp qua từng năm, từng giai đoạn để phân tích thực trạng sản xuất và xuất khẩu ca cao ở tỉnh Bến Tre.
- Phương pháp số tương đối: So sánh hai chỉ tiêu để đánh giá mức độ biến động của hai chỉ tiêu đó theo thời gian, từ đó làm cơ sở phân tích, nhận định về một sự việc (thường dùng để tính tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ hoàn thành kế hoạch, v.v…). Với Y1 là chỉ số ở kỳ nghiên cứu, Y0 là chỉ số của kì gốc, ta áp dụng công thức:
- Tỉ lệ chênh lệch = (Y1-Y0) / Y0 * 100%
- Phương pháp số tuyệt đối: gồm số tuyệt đối thời kì và số tuyệt đối thời điểm, dùng để phân tích sự biến động của chủ thể, được tính bằng đơn vị cụ thể, mang tính chính xác cao.
- Mức độ chênh lệch = Y1- Y0
15
Đối với mục tiêu (2), sử dụng phương pháp thống kê mô tả, so sánh số tương đối, tuyệt đối, tổng hợp số liệu thứ cấp của nhiều mục tiêu qua từng năm để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu ca cao tỉnh Bến Tre.
Đối với mục tiêu (3), sử dụng phương pháp phân tích ma trận SWOT cùng chuỗi giá trị để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu ca cao tỉnh Bến Tre, từ đó đề ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ca cao trong địa bàn tỉnh thời gian sắp tới.
- Phương pháp phân tích ma trận SWOT: SWOT là viết tắt của 4 từ Strenghts (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ). Phương pháp phân tích mô hình SWOT được dùng để xác định các ưu điểm, khuyết điểm, cơ hội phát triển, tổng hợp các yếu tố từ bên trong và các yếu tố bên ngoài và thách thức mà một công ty, hoặc đối tượng nghiên cứu phải đương đầu. Mô hình ra đời từ những năm 60-70 tại viện nghiên cứu Stanford, do nhóm nghiên cứu gồm Marion Dosher, Dr. Otis Benepe, Albert Humphrey, Robert F. Stewart và Birger Lie thực hiện.
Nguồn: Lê Nguyễn Đoan Khôi, 2013.
Hình 2.2. Mô hình phân tích SWOT SO: Giải pháp công kích
(Nhóm giải pháp này tận dụng điểm mạnh để tận dụng cơ hội)
ST: Giải pháp thích ứng (Nhóm giải pháp này tận dụng điểm mạnh
để hạn chế những đe dọa có thể xảy ra)
WO: Giải pháp điều chỉnh (Nhóm giải pháp này tận dụng cơ hội để khắc phục điểm yếu)
WT: Giải pháp phòng thủ (Nhóm giải pháp này đưa ra các hoạt động
nhằm tối thiểu hóa điểm yếu và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra)
16
- Phương pháp Phân tích chuỗi giá trị
Chuỗi giá trị (Value chains) là khái niệm về quản lý kinh doanh, được đề xuất bởi học giả marketing - GS Michael Porter vào năm 1985 trong quyển Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance (Tạm dịch: Lợi thế Cạnh tranh: Tạo và duy trì hiệu suất ở mức cao) khi khảo sát về các hệ thống sản xuất, thương mại dịch vụ. Chuỗi giá trị là một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau nhằm tạo ra giá trị của một sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này, từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến, thương mại và cuối cùng là tiêu dùng. Chuỗi giá trị bao gồm 3 thành phần:
Hoạt động chính: là những hoạt động diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau, các hoạt động này có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra giá trị cho sản phẩm
1. Vận chuyển đầu vào (Inbound Logistic): tiếp nhận nguyên liệu, vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu đầu vào.
2. Sản xuất (Operations): tạo ra sản phẩm
3. Vận chuyển đầu ra (Outbound Logistics): vận chuyển thành phẩm và lưu giữ trong kho bãi
4. Tiếp thị và bán hàng (Marketing and Sales)
5. Dịch vụ (Services): chăm sóc và hỗ trợ khách hàng
Hoạt động hỗ trợ: là những hoạt động diễn ra song song với các hoạt động chính nhằm hỗ trợ việc tạo thành sản phẩm, có tác dụng gián tiếp tạo ra giá trị cho sản phẩm
1. Mua hàng (Procurement): thu mua máy móc, thiết bị và các nguyên liệu đầu vào
2. Phát triển công nghệ (Technology development): cải tiến sản phẩm và các quy trình sản xuất
3. Quản lý nguồn nhân lực (Human resource management): tuyển dụng, đào tạo, phát triển và đãi ngộ nhân lực
4. Cơ sở hạ tầng (Firm infrastructure): các hoạt động quản lý, kế toán, pháp lý,…
Phân tích chuỗi giá trị giúp xác định những khó khăn của từng khâu trong chuỗi, từ đó đưa ra các giải pháp để khắc phục, giúp sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, việc phân tích còn giúp tạo ra nhiều cơ hội tăng giá trị gia tăng trong tương lai
17
CHƯƠNG 3