Chương 1: TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN GÓC NHÌN PHÁP LUẬT SO SÁNH
1.1. Khái niệm trách nhiệm sản phẩm và nguồn luật điều chỉnh
1.1.2. Nguồn luật điều chỉnh
Trách nhiệm sản phẩm được điều chỉnh bởi nhiều nguồn luật, trong đó phổ biến là các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ và các học thuyết pháp lý. Sự kết hợp giữa các nguồn luật này giúp tạo ra các căn cứ pháp lý đa dạng nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy trách nhiệm của các nhà sản xuất.
(1) Văn bản quy phạm pháp luật:
Đây là nguồn luật phổ biến điều chỉnh pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở các quốc gia trên thế giới. Ở phạm vi khu vực, Liên minh Châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 85/374/EEC ngày 25/07/1985, và Chỉ thị số 1999/34/EC ngày 10/05/1999 (sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 85/374/EEC) về trách nhiệm sản phẩm. Các chỉ thị này được ban hành nhằm mục đích hài hòa hóa các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia thành viên. Ở phạm vi các quốc gia, nhiều nước đã xây dựng chế định trách nhiệm sản phẩm thành một đạo luật riêng hoặc xây dựng chế định này thành một bộ phận của Bộ luật Dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác,… Ví dụ: Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật của Cộng hòa Liên bang Đức (1989, sửa đổi 2017), Luật bảo vệ người tiêu dùng của Vương quốc Anh (1987), Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản (1994), Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc (2001), Luật Chất lượng sản phẩm của Trung Quốc (2009),…
(2) Án lệ:
Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ cũng là một nguồn luật quan trọng điều chỉnh trách nhiệm sản phẩm. Dưới đây, tác giả sẽ đưa ra một số án lệ tiêu biểu về trách nhiệm sản phẩm.
Án lệ MacPherson khởi kiện Buick Motor Co.
Án lệ MacPherson khởi kiện Buick Motor Co. của Tòa án Phúc thẩm New York năm 1916 là một bước ngoặt của trách nhiệm sản phẩm. Trong vụ án này, Tòa án đã bác bỏ điều kiện yêu cầu về “mối liên hệ hợp đồng” (privity of contract) để người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất khi sản phẩm có khuyết tật. Vụ việc bắt nguồn từ tai nạn của ông MacPherson khi bánh xe của chiếc xe Buick ông mua bị gãy do lỗi thiết kế. Mặc dù ông MacPherson không mua xe trực tiếp từ hãng Buick mà qua một đại lý, Tòa án vẫn phán quyết rằng hãng Buick phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm của mình. Án lệ này đã giúp đặt nền móng cho các lý thuyết hiện đại về trách nhiệm sản phẩm, xác định rằng các nhà sản xuất phải chịu
trách nhiệm về an toàn của sản phẩm, kể cả trong trường hợp người tiêu dùng không có mối liên hệ hợp đồng trực tiếp với họ [59].
Án lệ Greenman khởi kiện Yuba Power Products, Inc.
Án lệ Greenman khởi kiện Yuba Power Products, Inc. của Tòa án Tối cao California vào năm 1963 là án lệ đầu tiên áp dụng nguyên tắc trách nhiệm tuyệt đối (strict liability) đối với các vụ việc trách nhiệm sản phẩm. Trong vụ án này, ông Greenman bị thương khi sử dụng một công cụ đa năng do công ty Yuba Power Products sản xuất, thiết bị này gặp sự cố do lỗi thiết kế. Mặc dù ông Greenman kiện Yuba Power Products dựa trên thuyết bất cẩn và vi phạm bảo hành, Tòa án đã phán quyết rằng nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật, bất kể có lỗi của nhà sản xuất hay không [53].
Án lệ Henningsen khởi kiện Bloomfield Motors, Inc.
Án lệ Henningsen khởi kiện Bloomfield Motors, Inc. do Tòa án Tối cao New Jersey xét xử vào năm 1960 đã thách thức tính hợp lý của các điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong bảo hành sản phẩm. Trong vụ án này, ông Henningsen bị thương do lỗi trong hệ thống lái của xe do hãng Bloomfield Motors bán. Ông Henningsen kiện nhà sản xuất, lập luận rằng sản phẩm có khuyết tật nghiêm trọng trong thiết kế.
Hãng Bloomfield Motors cố gắng bác bỏ trách nhiệm của mình dựa trên một điều khoản bảo hành giới hạn trách nhiệm. Tuy nhiên, Tòa án đã tuyên bố rằng điều khoản bảo hành giới hạn này là không công bằng và không hợp lý, vì nó gần như loại bỏ hoàn toàn quyền lợi của người tiêu dùng khi sản phẩm có khuyết tật. Án lệ này mở ra tiền lệ rằng các nhà sản xuất không thể sử dụng điều khoản bảo hành để miễn trừ trách nhiệm đối với sản phẩm có khả năng gây hại cho người sử dụng [54].
(3) Học thuyết pháp lý:
Trách nhiệm sản phẩm xuất phát từ thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra đã trải qua quá trình phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Ban đầu, ở nhiều khu vực pháp lý, trách nhiệm sản phẩm chỉ đơn thuần được xem là một ứng dụng của luật hợp đồng hoặc luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ở châu Âu, đến tận cuối
thế kỷ XX, trách nhiệm sản phẩm mới được xem là một vấn đề pháp lý riêng biệt thông qua việc ban hành Chỉ thị số 85/374/EEC về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu [51, 478].
Sự phát triển của lĩnh vực trách nhiệm sản phẩm như một lĩnh vực pháp luật riêng biệt đã diễn ra ở Hoa Kỳ sớm hơn so với các quốc gia khác. Trước thế kỷ XX, trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra chủ yếu được điều chỉnh bởi luật hợp đồng [51, 479]. Theo đó, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh từ các giao dịch giữa người mua bị thiệt hại và người bán trực tiếp, tức là những người có mối liên hệ hợp đồng (privity of contract) [51, 479]. Thuyết mối liên hệ hợp đồng này đã loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của những nhà sản xuất không có mối quan hệ hợp đồng trực tiếp với người tiêu dùng. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của thuyết mối liên hệ hợp đồng bắt đầu suy giảm [51, 479], dẫn đến sự chuyển dịch các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm từ phạm vi luật hợp đồng sang luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dựa trên nguyên tắc trách nhiệm do lỗi bất cẩn và sau đó là trách nhiệm nghiêm ngặt.
Về mặt lý luận khoa học, dựa trên tiêu chí yếu tố lỗi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể được phân loại như sau [4, 85]:
(i) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên lỗi, theo đó nghĩa vụ chứng minh yếu tố lỗi của bị đơn thuộc về nguyên đơn;
(ii) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có sự chuyển giao nghĩa vụ chứng minh lỗi (suy đoán lỗi), theo đó nghĩa vụ chứng minh lỗi được chuyển giao từ nguyên đơn sang bị đơn, nếu bị đơn chứng minh được mình không có lỗi sẽ không bị xác lập trách nhiệm bồi thường;
(iii) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt. Đây là trách nhiệm nghiêm ngặt vì không dựa trên yếu tố lỗi, nhưng không hoàn toàn loại bỏ yếu tố lỗi vì vẫn tồn tại các quy định miễn trừ trách nhiệm dựa trên lý thuyết rủi ro phát triển.
(iv) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không dựa trên lỗi. Loại trách nhiệm pháp lý này còn gọi là trách nhiệm tuyệt đối, do hoàn toàn không xét đến yếu tố lỗi của bị đơn và cũng không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm.
Cho đến nay, có ba học thuyết cơ bản làm cơ sở cho việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, đó là học thuyết về sự bất cẩn (negligence), học thuyết về vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (breach of warranty) và học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability).
Học thuyết về sự bất cẩn gắn với việc xem xét hành vi con người [8, 33].
Nếu bên bán hoặc nhà sản xuất có hành vi lơ là, bất cẩn dẫn đến khuyết tật của sản phẩm và gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì họ phải chịu trách nhiệm. Theo học thuyết này, ngay cả khi không có mối quan hệ hợp đồng trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, và nhà sản xuất ở rất xa trong chuỗi cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng, thì nhà sản xuất vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu người tiêu dùng chứng minh được rằng khuyết tật của sản phẩm xuất phát từ lỗi bất cẩn của nhà sản xuất [1, 40]. Như vậy, học thuyết về sự bất cẩn xem xét trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên lỗi.
Theo học thuyết về vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhà sản xuất, nhà phân phối được xem như đã đưa ra những bảo đảm nhất định về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng [8, 30]. Vì vậy, nếu sản phẩm có khuyết tật và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, có nghĩa là nhà sản xuất, nhà phân phối đã vi phạm bảo đảm của mình và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành vi vi phạm đó. Các dạng bảo đảm bao gồm bảo đảm công khai (express warranty), bảo đảm ngầm định về tính thương mại (implied warranty of merchantability) và bảo đảm ngầm định về tính phù hợp của công dụng sản phẩm (implied warranty of fitness). Có thể thấy, thuyết vi phạm nghĩa vụ bảo đảm đã một phần dựa trên luật hợp đồng, theo đó nhà sản xuất, nhà phân phối đã đưa ra một số bảo đảm nhất định về sản phẩm và người tiêu dùng đồng ý mua, sử dụng sản phẩm dựa trên những bảo đảm đó [65, 449].
Khác với học thuyết về sự bất cẩn, học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt không xem xét hành vi con người mà tập trung vào chất lượng sản phẩm được lưu thông trên thị trường [8, 36]. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với việc sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi. Đây là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không dựa trên lỗi, nhưng cho phép áp dụng cơ chế miễn trừ nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định [4, 85].
Với bản chất pháp lý khác nhau, việc lựa chọn áp dụng học thuyết nào để xây dựng luật trách nhiệm sản phẩm ở mỗi quốc gia sẽ dẫn đến sự khác biệt về pháp luật trách nhiệm sản phẩm trên thế giới. Ở Mỹ, pháp luật trách nhiệm sản phẩm cho phép người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất theo cả ba học thuyết trên, với việc áp dụng cả Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Luật hợp đồng (Điều 2-313 và 2-314 Bộ luật thương mại thống nhất UCC quy định về các bảo đảm công khai và bảo đảm ngầm định của bên bán) [1, 41].
Chỉ thị số 85/374/EEC về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu được xây dựng dựa trên học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt, như đã được khẳng định tại phần đầu của Chỉ thị này: “Xét rằng trách nhiệm pháp lý không dựa trên lỗi từ phía nhà sản xuất là phương tiện duy nhất để giải quyết thỏa đáng vấn đề, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật ngày càng phát triển của chúng ta, về việc phân bổ công bằng các rủi ro vốn có trong sản xuất công nghệ hiện đại” [47].
Ở Nhật Bản, trước đây, người tiêu dùng có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật theo Bộ luật Dân sự Nhật Bản, nhưng kể từ tháng 7 năm 1995 khi Luật Trách nhiệm sản phẩm 1994 có hiệu lực, họ có thể đưa ra yêu cầu khởi kiện theo Luật này. Bộ luật Dân sự Nhật Bản cho phép người tiêu dùng yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng chế định về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng [52, 197]. Theo các quy định này, việc giải quyết trách nhiệm của nhà sản xuất chỉ đặt ra khi nhà sản xuất có lỗi trong việc gây ra thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu (Điều 415, 709 Bộ Luật dân sự 1896). Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm sản phẩm 1994, được lấy cảm hứng từ Chỉ thị về trách
nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu [66, 323], đã giảm bớt gánh nặng chứng minh cho người tiêu dùng. Theo nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, họ chỉ cần chứng minh sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật đó là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại của người tiêu dùng(Điều 3 Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản).