Hậu quả pháp lý của trách nhiệm sản phẩm

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 34 - 38)

Chương 1: TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN GÓC NHÌN PHÁP LUẬT SO SÁNH

1.4. Hậu quả pháp lý của trách nhiệm sản phẩm

Hậu quả pháp lý là những nghĩa vụ và trách nhiệm mà nhà sản xuất, nhà phân phối phải thực hiện để khắc phục các vấn đề phát sinh do việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng. Mặc dù các quy định về

nghĩa vụ này có sự khác biệt tùy theo pháp luật của từng quốc gia, nhưng thường bao gồm các trách nhiệm như bồi thường thiệt hại gây ra bởi sản phẩm có khuyết tật, ngừng cung cấp sản phẩm có khuyết tật, thu hồi và xử lý sản phẩm có khuyết tật,... [11, 44].

1.4.1. Bồi thường thiệt hại bằng một khoản tiền

Ở Hoa Kỳ, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho thương tích cá nhân và thiệt hại tính mạng, bao gồm cả chi phí cho nỗi đau đớn và chịu đựng, chi phí y tế, mất thu nhập, mất hỗ trợ tài chính,... [52, 315]. Như vậy, những tổn thất, thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về kinh tế (economic compensation) và thiệt hại phi kinh tế (non-economic compensation) [9, 32]. Người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu bồi thường cho thiệt hại tài sản, bao gồm thiệt hại đối với chính sản phẩm và thiệt hại đối với các tài sản khác. Một điểm khác biệt nổi bật trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ so với các quốc gia khác là bên cạnh bồi thường thiệt hại mang tính chất đền bù (compensation damages), thì còn cho phép người tiêu dùng yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính chất trừng phạt (punitive damages). Đây là loại thiệt hại có tính chất răn đe, nhằm mục đích trừng phạt bị đơn và ngăn chặn hành vi “xấu” trong tương lai [52, 6]. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại trừng phạt, nguyên đơn thường phải chứng minh, cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục, rằng bị cáo hành động có chủ ý, bất cẩn hoặc ác ý. Pháp luật nhiều bang yêu cầu phải có bồi thường thiệt hại thực tế trước khi áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt [52, 316]. Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ, một số bang không giới hạn số tiền bồi thường thiệt hại mà một người có thể yêu cầu từ nhà sản xuất, cho phép nguyên đơn được yêu cầu số tiền bồi thường vượt quá giá trị thiệt hại đã phát sinh [52, 316].

Theo quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Liên minh châu Âu, bồi thường thiệt hại tập trung vào việc bù đắp cho các tổn thất thực tế mà người tiêu dùng phải chịu, gồm: thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, thiệt hại về tài sản cá nhân của người tiêu dùng (mà không phải sản phẩm có khuyết tật) với ngưỡng giá trị tối thiểu là 500 ECU (Điều 9 Chỉ thị 85/374/EEC). Chỉ thị

85/374/EEC cho phép pháp luật các quốc gia quy định về thiệt hại phi vật chất. Đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng do các sản phẩm giống nhau có cùng khuyết tật gây ra, pháp luật các quốc gia có thể đặt ra giới hạn số tiền bồi thường nhưng không thấp hơn 70 triệu ECU (Điều 9, Điều 16). Chỉ thị này không quy định về thiệt hại mang tính chất trừng phạt, và các quốc gia thành viên thường không áp dụng loại thiệt hại này.

Hệ thống pháp luật dân sự Nhật Bản được xây dựng nhằm mục đích bù đắp thiệt hại chứ không nhằm mục đích trừng phạt, và do đó pháp luật trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản không cho phép áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt [66, 332]. Hàn Quốc cũng không chấp nhận hình thức bồi thường có tính chất trừng phạt, nhưng không đưa ra giới hạn về mức bồi thường, nhất là trong trường hợp thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, thân thể [8, 148].

Mặc dù các quy định về bồi thường mang tính chất trừng phạt chưa phổ biến trong luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và luật trách nhiệm sản phẩm tại các quốc gia theo hệ thống dân luật Civil Law, nhưng chúng đã được áp dụng tại Trung Quốc và Đài Loan.

Theo Điều 47 của Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Trung Quốc, trong trường hợp nhà sản xuất hoặc người bán biết rõ về khiếm khuyết của sản phẩm nhưng vẫn tiếp tục sản xuất hoặc kinh doanh, và khiếm khuyết này gây ra tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng cho người tiêu dùng, người đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính chất trừng phạt. Tuy nhiên, điều luật này không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách xác định mức tối đa của khoản bồi thường mang tính trừng phạt, để lại một khoảng trống trong việc thực thi. Luật Bảo vệ Người tiêu dùng của Trung Quốc cũng có quy định tương tự, trong đó nêu rõ rằng nếu nhà cung cấp biết về khiếm khuyết của sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng vẫn tiếp tục cung cấp và các hành vi này gây tử vong hoặc tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường mang tính trừng phạt với mức tối đa là gấp ba lần giá trị thiệt hại thực tế.

Tại Đài Loan, Điều 51 của Luật Bảo vệ Người tiêu dùng cho phép người tiêu dùng yêu cầu bồi thường trừng phạt lên đến gấp ba lần giá trị thiệt hại thực tế nếu thiệt hại do hành vi cố ý của nhà cung cấp gây ra. Nếu thiệt hại chỉ do bất cẩn, thì mức bồi thường trừng phạt có thể yêu cầu lên đến 100% giá trị thiệt hại thực tế.

Quy định này đã cụ thể hóa mức bồi thường trừng phạt tùy thuộc vào mức độ lỗi của nhà cung cấp, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng [55, 225 - 226].

1.4.2. Thu hồi sản phẩm và cảnh báo sau bán hàng

Thu hồi sản phẩm là một hậu quả pháp lý đối với nhà sản xuất và người bán hàng, nhà phân phối để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại mà sản phẩm có khuyết tật có thể gây ra cho người tiêu dùng. Thời điểm áp dụng thu hồi là ngay khi có chủ thể phát hiện ra sản phẩm có khuyết tật. Về nguyên tắc, để thu hồi sản phẩm, cần xác định các yếu tố sau: (i) Nguyên nhân thu hồi sản phẩm; (ii) Thủ tục thu hồi sản phẩm, (iii) Thông báo thu hồi sản phẩm và (iv) Thủ tục sau thông báo thu hồi [42].

(i) Đối với nguyên nhân thu hồi sản phẩm: Nhìn chung, nguyên nhân thu hồi sản phẩm phải là sản phẩm có khuyết tật. Tại Australia, các sản phẩm được thu hồi nếu có khả năng gây thương tích cho người tiêu dùng hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn hiện hành. Điều này bao gồm cả việc sử dụng sai mục đích có thể dẫn đến nguy hiểm cho người tiêu dùng (Phụ lục 2, Luật Người tiêu dùng và Điều 122(1)(b) và 128(1)4 Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010 của Australia). Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, nguyên nhân thu hồi là do sản phẩm vi phạm quy định an toàn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sản phẩm có khuyết tật, có lo ngại về an toàn hoặc đã được thông báo công khai rằng sản phẩm có khuyết tật [45, § 108042 (i)]. Đối với EU, sản phẩm bị thu hồi là sản phẩm nguy hiểm, được xác định là có nguy cơ cho sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng trong điều kiện sử dụng bình thường [49, 3].

(ii) Đối với thủ tục thu hồi sản phẩm: Theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Australia, có hai loại thủ tục thu hồi: bắt buộc và tự nguyện. Thủ tục thu hồi được

áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, trong khi thủ tục tự nguyện cho phép nhà cung cấp tự quyết định. Ở Hoa Kỳ, cũng có hai loại thu hồi tương tự, với yêu cầu nhà sản xuất phải thông báo cho khách hàng và thực hiện các bước theo trình tự cụ thể để xử lý sản phẩm bị lỗi. Còn tại EU, thủ tục thu hồi được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan giám sát thị trường, yêu cầu nhà cung cấp phải thực hiện theo quy trình đã được xác định nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

(iii) Đối với Thông báo thu hồi và (iv) Thủ tục sau thu hồi: Các quốc gia Australia, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều quy định về người, cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật. Cụ thể, Australia có Bộ trưởng khối thịnh vượng chung chịu trách nhiệm giám sát hoạt động thu hồi và đảm bảo thông tin được công bố công khai. Các doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo cho Bộ trưởng về việc thu hồi và cung cấp thông tin chi tiết cho người tiêu dùng, bao gồm việc mô tả sản phẩm, nguyên nhân thu hồi và các biện pháp khắc phục. Bộ trưởng sẽ giám sát quá trình thu hồi để đảm bảo rằng các biện pháp được thực hiện đúng cách.

Ở Hoa Kỳ, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) giám sát các hoạt động thu hồi sản phẩm của nhà xuất, nhà phân phối, đảm bảo rằng các sản phẩm bị thu hồi được xử lý đúng cách. Theo đó, CPSC có quyền giám sát và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tiến trình thu hồi, với trách nhiệm thông báo cho CPSC và người tiêu dùng về sản phẩm bị thu hồi. CPSC cũng có thể công bố thông tin về các sản phẩm nguy hiểm để cảnh báo người tiêu dùng. Với Liên minh châu Âu, các cơ quan giám sát thị trường (MSA) có quyền theo dõi và yêu cầu các nhà cung cấp thực hiện hành động thu hồi, đồng thời thông báo cho công chúng về các sản phẩm nguy hiểm.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)