Khái niệm trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 45 - 50)

Chương 2: PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

2.1. Khái niệm trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Việt Nam và nguồn luật điều chỉnh

2.1.1. Khái niệm trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về trách nhiệm sản phẩm, song đến nay, khái niệm trách nhiệm sản phẩm vẫn chưa được sử dụng như một thuật ngữ pháp lý chính thức trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam có tương đối nhiều và đa dạng các quy định pháp luật điều chỉnh trách nhiệm sản phẩm, cũng như sử dụng một số khái niệm cơ bản thuộc chế định pháp luật này.

(1) Khái niệm sản phẩm:

Ở Việt Nam, các khái niệm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau và được quy định tại nhiều văn bản pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ, hướng tới mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng. Cũng theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, những sản phẩm được đưa ra thị trường, tiêu dùng thông qua các hoạt động trao đổi, mua bán và tiếp thị thì được gọi là hàng hóa (Khoản 2 Điều 3) [24]. Từ một góc độ khác, Luật Thương mại 2005 giải thích khái niệm hàng hóa bằng cách liệt kê, theo đó hàng hóa gồm tất cả các loại động sản và những vật gắn liền với đất đai (Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005) [23]. Luật Giá 2023 có cách tiếp cận khá tương đồng với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 về khái niệm hàng hóa khi quy định hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, Luật này còn đưa ra khái niệm dịch vụ, là những hàng hóa có tính vô hình, có quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau (Khoản 1, Khoản 2 Điều 4) [29].

Có thể thấy, do góc độ tiếp cận khác nhau của mỗi ngành luật, các khái niệm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tại các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa được quy định một cách đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, từ các quy định trên, có thể rút ra rằng theo quan điểm của các nhà lập pháp Việt Nam, (i) Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ (tức là sản phẩm bao gồm cả dịch vụ); (ii) Có sự phân biệt giữa sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; trong đó, hàng hóa là sản phẩm hữu hình, còn dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình [12, 84].

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không đưa ra khái niệm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ nhưng có quy định giải thích về “sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật” (Khoản 4 Điều 3). Đây là một sự khác biệt lớn của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, bởi lẽ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ quy định về “hàng hóa có khuyết tật”, cho thấy chế định pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam trước đây mới chỉ đề cập sản phẩm là hàng hoá hữu hình [32, 60]. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm cụm từ “sản phẩm”, dường như pháp luật Việt Nam đã mở ra khả năng áp dụng chế định trách nhiệm sản phẩm với sản phẩm nói chung, bao gồm cả dịch vụ. Mặc dù chưa có quy định giải thích, làm rõ về vấn đề này, nhưng nếu pháp luật Việt Nam cho phép mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng trách nhiệm sản phẩm với dịch vụ thì sẽ có khác biệt đáng kể với các nước trên thế giới. Bởi lẽ, phạm vi “sản phẩm” theo phần lớn pháp luật các nước chỉ bao gồm hàng hóa hữu hình, chỉ có hai quốc gia ASEAN là Philippines và Indonesia quy định áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với dịch vụ[32, 60]. Ngoài ra, khi so sánh với pháp luật các quốc gia trên thế giới, có thể thấy pháp luật trách nhiệm Việt Nam chưa đưa ra được một khái niệm riêng về sản phẩm, cũng chưa làm rõ phạm vi “sản phẩm” có bao gồm những đối tượng đặc biệt như máu, điện năng, bất động sản như một số quốc gia khác hay không.

(2) Khái niệm sản phẩm có khuyết tật:

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được đề cập tại hai văn bản là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 sử dụng thuật ngữ không thống nhất, khi thì gọi là “hàng hóa không bảo đảm chất lượng”, khi lại là “hàng hóa có khuyết tật”, và có khi là “sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” (Điều 3 khoản 4). Luật này cũng không đưa ra định nghĩa rõ ràng về hàng hóa có khuyết tật hay hàng hóa không bảo đảm chất lượng [1, 46]. Từ giải thích về “chất lượng sản phẩm” tại Khoản 5 Điều 3, có thể thấy Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa đang tiếp cận sản phẩm không đảm bảo chất lượng từ góc độ quản lý nhà nước. Cụ thể, những sản phẩm, hàng hóa có các đặc tính không đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì mặc nhiên được xác định là sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Ngược lại, các chủ thể kinh doanh sẽ không phải chịu trách nhiệm theo Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa nếu sản phẩm, hàng hóa của họ đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Trong nhiều trường hợp, không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn với thiệt hại mà sản phẩm, hàng hóa gây ra. Điều này có thể dẫn đến tình huống trách nhiệm bồi thường phát sinh ngay cả khi không có mối quan hệ nhân quả giữa việc không đáp ứng tiêu chuẩn và thiệt hại xảy ra.

Ngược lại, một sản phẩm tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn nhưng vẫn có thể chứa đựng các khuyết tật ngoài tiêu chuẩn, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành không quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường, dẫn đến việc chỉ cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng, nhà sản xuất hoặc người bán hàng có thể không phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Điều này là do các tiêu chuẩn và quy chuẩn, dù do nhà nước ban hành hay nhà sản xuất tự công bố, không thể bao quát hết tất cả các yêu cầu về an toàn cho mọi sản phẩm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là luật chuyên ngành trực tiếp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quy định về khái niệm “sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”. Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 4 yếu tố sau: (i) không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, (ii) có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, (iii) chưa

phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, và (iv) được sản xuất theo tiêu chuẩn, kỹ thuật hiện hành. Khái niệm này có sự khác biệt so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 ở yếu tố (iv), do khái niệm “hàng hóa có khuyết tật” theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có thể được hiểu là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, bất kể có được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hay không.

Theo quan điểm của tác giả, nội hàm của “sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”

theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không còn bị chồng lấn với nội hàm của “sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng”. Mặc dù đều để chỉ sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng, nhưng khả năng mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng bắt nguồn từ việc không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Trong khi đó, sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng vẫn có thể gây mất an toàn do “có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; hoặc từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng; hoặc không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.”

Có thể thấy, cách thức quy định về khái niệm sản phẩm có khuyết tật của Việt Nam là đưa ra định nghĩa, sau đó liệt kê, phân loại các dạng khuyết tật. Tương đồng với pháp luật phần lớn các quốc gia trên thế giới, pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam đưa ra ba loại khuyết tật gồm: Khuyết tật trong thiết kế, khuyết tật trong sản xuất và khuyết tật trong cảnh báo. Tuy nhiên, các thuật ngữ về sản phẩm có khuyết tật chưa được quy định thống nhất, mà dùng nhiều thuật ngữ khác nhau:

“sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”, “hàng hóa có khuyết tật”, “hàng hóa không đảm bảo chất lượng”, “sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn”.

(3) Khái niệm nhà sản xuất, người bán hàng:

Về cách sử dụng thuật ngữ, nếu như pháp luật các quốc gia thường gọi chung chủ thể chịu trách nhiệm sản phẩm là “nhà sản xuất”, và liệt kê làm rõ nội hàm bên

trong (trong đó có người bán hàng, nhà nhập khẩu,…), thì pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về cách thức quy định, tương tự pháp luật của các nước trên thế giới, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam quy định chủ thể chịu trách nhiệm sản phẩm là các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối và cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng.

Dựa vào các công đoạn chính trong quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng gồm hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hàng và cung cấp dịch vụ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 sử dụng thuật ngữ “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” để gọi các chủ thể chịu trách nhiệm đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gồm nhà sản xuất, người nhập khẩu, người xuất khẩu, và người bán hàng (Khoản 6 Điều 3).

Tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định chủ thể chịu trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là “tổ chức, cá nhân kinh doanh”

(Điều 33). Theo Luật này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ít nhất một công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi (Khoản 2 Điều 3).

Như vậy, có thể thấy rằng khái niệm và cách định nghĩa về chủ thể chịu trách nhiệm sản phẩm theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có sự tương đồng.

(4) Khái niệm người tiêu dùng:

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định chủ thể được yêu cầu bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra là người tiêu dùng, tuy nhiên không có định nghĩa thế nào là người tiêu dùng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Theo đó, phạm vi các đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra đã được quy định rõ ràng, chỉ bao gồm người

tiêu dùng (người sử dụng) và không mở rộng đến người thứ ba. Như vậy, có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam không cho phép người thứ ba trực tiếp yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thông qua các quy định về trách nhiệm sản phẩm. Nói cách khác, phạm vi bảo vệ của pháp luật trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam chỉ giới hạn trong phạm vi người tiêu dùng [4, 84]. Để làm rõ hơn, phạm vi đối tượng được xác định là "người tiêu dùng" theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không chỉ hạn chế ở các cá nhân mà còn bao gồm cả các tổ chức, với điều kiện các hàng hóa và dịch vụ mua sắm phải được sử dụng cho mục đích tiêu dùng, không nhằm mục đích kinh doanh.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)