Cơ chế miễn trừ

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 60 - 66)

Chương 2: PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

2.4. Cơ chế miễn trừ

Mặc dù việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm chiếm vai trò, vị trí quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, song luật cũng cần đặt ra các cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản phẩm cho nhà sản xuất, nhà phân phối để cân bằng lợi ích giữa các bên và thúc đẩy các chủ thể này chủ động đáp ứng các điều kiện để được miễn trừ

trách nhiệm, kể cả trong trường hợp trách nhiệm nghiêm ngặt. Quan hệ tiêu dùng là một quan hệ bất cân xứng, vì vậy pháp luật bảo vệ người tiêu dùng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nhằm điều chỉnh lại sự cân bằng này. Tuy nhiên, pháp luật không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể sản xuất và cung cấp hàng hóa [40].

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật trực tiếp điều chỉnh cơ chế miễn trừ trách nhiệm với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tương tự với Luật trách nhiệm sản phẩm trong hệ thống pháp luật của một số nước thừa nhận nguyên lý trách nhiệm nghiêm ngặt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với khái niệm “rủi ro phát triển” [4, 87]. Trước đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ quy định duy nhất một trường hợp được miễn trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh là phải chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm cung cấp cho người tiêu dùng, và cũng không làm rõ là trình độ khoa học, kỹ thuật của Việt Nam hay thế giới (Điều 24). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã có quy định rõ ràng, cụ thể hơn, theo đó nhà sản xuất, nhà phân phối được miễn trách “khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại” (Khoản 1 Điều 35). Có thể thấy, sự thay đổi trong cách xác định khoảng thời gian chứng minh như trên đã tạo điều kiện có lợi hơn cho người tiêu dùng, vì để được miễn trừ trách nhiệm thì nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh phải chứng minh trình độ khoa học, công nghệ của thế giới không thể phát hiện ra khuyết tật của sản phẩm đến tận thời điểm sản phẩm gây thiệt hại, mà không chỉ dừng lại ở thời điểm cung cấp sản phẩm, hàng hóa đó cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 còn bổ sung thêm hai trường hợp được miễn trừ trách nhiệm sản phẩm, gồm: (i) Nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh đã áp dụng đầy đủ

các biện pháp luật định khi phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa đó; (ii) Thừa nhận các trường hợp miễn trách khác theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Bằng việc kéo dài thời gian phải chứng minh khuyết tật không thể phát hiện được, nếu trong quá trình sản phẩm lưu thông đến người tiêu dùng mà nhà sản xuất, nhà tiêu dùng, bằng trình độ khoa học, kỹ thuật tiến bộ phát hiện ra được khuyết tật, và đã thực hiện cảnh báo, thu hồi, người tiêu dùng đã nhận thức được sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà vẫn sử dụng thì họ sẽ đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm gây ra. Bởi lẽ, khuyết tật, tính mất an toàn lúc này không còn nằm ngoài kỳ vọng hợp lý của người tiêu dùng và họ là chủ thể chủ động lựa chọn tiếp tục sử dụng sản phẩm, dẫn đến thiệt hại. Với quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà sản xuất, người bán, tác giả đánh rằng cơ chế này là hợp lý vì các bằng chứng có thể thu thập được, vì họ là người nắm được khoa học, công nghệ, khuyến khích họ không ngừng cải tiến công nghệ để phù hợp với trình độ thế giới, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm bán cho người tiêu dùng, cũng như khuyến khích họ áp dụng các biện pháp để thông báo, thu hồi, cảnh báo người tiêu dùng về khuyết tật ngay khi phát hiện ra.

Tuy nhiên, khi so sánh với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, tiêu biểu là Chỉ thị 85/374/EEC của Liên minh châu Âu hay pháp luật Hoa Kỳ, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 vẫn còn tương đối ít ỏi. Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại phổ biến khác như: thiệt hại xảy ra do lỗi của người tiêu dùng, hàng hóa có khuyết tật được sản xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền… không hề được đề cập đến.

Trong khi đó, các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặc thù trên lại được quy định tại Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, áp dụng với hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Luật này cũng có sự phân định trách nhiệm giữa nhóm nhà sản xuất, người nhập khẩu và nhóm người bán hàng. Nhìn chung, các trường hợp miễn trừ tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 bao

gồm: (i) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng; (ii) Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đã hết; (iii) Người sản xuất, nhập khẩu đã có thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người tiêu dùng trước thời điểm hàng hoá gây thiệt hại; (iv) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (v) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại; (vi) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng (áp dụng đối nhà sản xuất, nhà nhập khẩu); (vii) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

Có thể thấy, các điều kiện cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo Luật Chất lượng sản phẩm 2007 được xác định dựa trên trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên lỗi, nên để được miễn trừ trách nhiệm, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh phải chứng minh được họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, và có lỗi của người tiêu dùng dẫn đến thiệt hại xảy ra.

Về chủ thể có trách nhiệm chứng minh đáp ứng các điều kiện miễn trừ trách nhiệm sản phẩm, cả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (trước đây là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 đều quy định trách nhiệm chứng minh để được hưởng cơ chế miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hay hàng hóa không đảm bảo chất lượng thuộc về nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh (Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007). Việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm chứng minh được dựa trên đặc điểm của mối quan hệ giữa thương nhân và người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng luôn ở vị thế bất lợi và thường thiếu năng lực tài chính, kỹ thuật, chuyên môn để đưa ra bằng chứng chống lại nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh. Do đó, pháp luật trách nhiệm sản phẩm khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, người tiêu

dùng cần chứng minh được các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm được quy định bởi pháp luật. Ngược lại, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh phải thu thập, xuất trình các chứng cứ để chứng minh mình thuộc các trường hợp miễn trừ pháp luật quy định để giảm trừ trách nhiệm.

Tuy nhiên, một điểm bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu đồng nhất tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bất kể có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật hay không, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm cũng không ghi nhận họ được miễn trừ nếu chứng minh được là họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, và cả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 trước đây, và Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đều quy định nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại (Khoản 2 Điều 69 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, điểm a Khoản 1 Điều 91 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015). Như vậy, việc quy định nghĩa vụ chứng minh không có lỗi của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không mang lại ý nghĩa, vì nguyên tắc cấu thành trách nhiệm sản phẩm và cơ chế miễn trừ trách nhiệm theo Luật này đều không dựa trên lỗi.

2.5. Một số hạn chế, vướng mắc trong pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam

Thứ nhất, nhìn chung, quy định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam hiện nay chưa được xây dựng một cách có hệ thống, mà còn khá rời rạc, lẻ tẻ. Có thể thấy, mặc dù đã thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng nguyên tắc này chưa được nâng tầm thành một nguyên tắc chung mà tồn tại song song cùng trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên lỗi. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về trách nhiệm sản phẩm chủ yếu được lồng ghép vào nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thay vì tập trung vào một văn bản hay một chương quy định thống nhất. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong việc áp dụng, và đôi khi gây ra sự mâu thuẫn giữa các quy định.

Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa đưa ra được một khái niệm riêng biệt về

"sản phẩm". Điều này dẫn đến sự không rõ ràng về phạm vi áp dụng của các quy định về trách nhiệm sản phẩm. Chẳng hạn, không có quy định rõ ràng liệu các đối tượng đặc biệt như máu, điện năng, hoặc bất động sản có được coi là "sản phẩm"

hay không. Điều này gây khó khăn trong việc xác định và áp dụng các quy định về trách nhiệm đối với những sản phẩm này, tạo ra sự bất cập trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Pháp luật cũng cần giải thích dịch vụ có thuộc đối tượng áp dụng của trách nhiệm sản phẩm hay không.

Thứ ba, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các tiêu chí và điều kiện để xác định sản phẩm hoặc hàng hóa có khuyết tật. Điều này dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định khi nào một sản phẩm được coi là có khuyết tật, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.

Thứ tư, pháp luật Việt Nam quy định rất ít các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm. Các trường hợp phổ biến như thiệt hại xảy ra do lỗi của người tiêu dùng, hoặc sản phẩm có khuyết tật nhưng được sản xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền không được đề cập. Sự thiếu sót này làm giảm tính linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật và có thể gây ra bất lợi cho nhà sản xuất.

Thứ năm, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi, điều này không mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn, vì nguyên tắc cấu thành trách nhiệm sản phẩm và cơ chế miễn trừ trách nhiệm theo Luật này không dựa trên yếu tố lỗi.

Những vướng mắc, bất cập trên cho thấy pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam cần được bổ sung và hoàn thiện, nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như cân bằng quyền lợi của các bên liên quan.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)