Hậu quả pháp lý

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 56 - 60)

Chương 2: PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

2.3. Hậu quả pháp lý

Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đặt ra các hậu quả pháp lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn sản phẩm và yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối chịu trách nhiệm về các sản phẩm họ đưa ra thị trường. Việc vi phạm pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý sau:

2.3.1. Bồi thường thiệt hại bằng một khoản tiền

Hậu quả pháp lý cơ bản nhất là bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng bằng một khoản tiền. Pháp luật trách nhiệm sản phẩm của một số nước trên thế giới có quy định về bồi thường tương xứng và bồi thường mang tính chất trừng phạt. Chế định pháp luật trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam không mở ra khả năng áp dụng các quy định yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính chất trừng phạt như Hoa Kỳ, Trung Quốc mà chỉ áp dụng bồi thường thiệt hại tương xứng, mang tính chất bù đắp tổn thất cho người tiêu dùng về những gì đã và có thể mất đi.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 liệt kê rõ các loại chi phí được yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Luật này là thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định tại Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 và được làm rõ hơn tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP. Theo đó, mọi thiệt hại thực tế (đã xảy ra) đều phải được bồi thường nhanh chóng, nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại đã xảy ra. Như đã trình bày trước đó, các loại thiệt hại được bồi thường gồm thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng và thiệt hại về sức khỏe.

Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật bao gồm (i) Nhà sản xuất, (ii) Người nhập khẩu, (iii) Người gắn tên thương mại, nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn thương mại khác lên sản phẩm, hàng hóa, cho phép người tiêu dùng nhận biết đó là nhà sản xuất, người nhập khẩu của sản phẩm, (iii) người thực hiện hoạt động trung gian, thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa (Đại diện cho thương nhân, Môi giới thương mại, Ủy thác mua bán hàng hoá, Đại lý thương mại); (iv) Người trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng; (v) Người khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định pháp luật. Như vậy, về nguyên tắc, Luật này quy định các chủ thể tham gia vào các giai đoạn sản xuất, phân phối và trực tiếp bán sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đến

người tiêu dùng đều phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng.

Về cách xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu không thể xác định được các chủ thể là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu,… thì người bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Một điểm tiến bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 là Luật này đã khẳng định vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới, theo đó nếu có nhiều chủ thể thuộc các trường hợp trên cùng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (Khoản 3, 4 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023). Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 không đề cập đến vấn đề này, cho thấy chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại độc lập trước người tiêu dùng (Điều 23).

Trong trường hợp phát hiện sản phẩm có khuyết tật, bất kể sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng hay không, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh vẫn phải gánh chịu một số hậu quả pháp lý khác như được trình bày dưới đây.

2.3.2. Thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, việc thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được quy định như sau [42]:

(i) Đối với nguyên nhân thu hồi: Giống với pháp luật các quốc gia trên thế giới, nguyên nhân thu hồi theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam là sự kiện phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Dựa theo loại thiệt hại mà sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có thể gây ra cho người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chia chúng làm hai nhóm (Khoản 1 Điều 33): Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng được xác định là nhóm A; Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng được xác định là nhóm B. Trường hợp sản

phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây ra cả ba loại thiệt hại nói trên cho người tiêu dùng thì được xếp vào nhóm A.

(ii) Đối với thủ tục thu hồi: Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Điều 18 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, đối với cả hai nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh đều có trách nhiệm (i) Thực hiện các biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp và thu hồi các sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đang lưu hành trên thị trường trong vòng 24 giờ(Khoản 1 Điều 17 Nghị định 55/2024/NĐ-CP); (ii) Công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm trong thời xác định, theo hình thức luật định. Tuy nhiên, đối với sản phẩm, hàng hóa ở nhóm A thì người sản xuất, chủ thể kinh doanh còn phát sinh thêm trách nhiệm nghiêm khắc hơn, phải thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi sản phẩm, hàng hóa đó lưu thông ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp. Bên cạnh đó, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh phát hiện sản phẩm, hàng hóa khuyết tật thuộc nhóm A phải thực hiện công khai, thông báo công khai trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện khuyết tật, hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong khi thời hạn thực hiện công khai đối với nhóm B thì ít khẩn cấp hơn, trong vòng 05 ngày làm việc.

(iii) Đối với thông báo thu hồi và thủ tục sau thu hồi: Căn cứ khoản 4 Điều 33 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, nội dung thông báo và công khai bao gồm: mô tả chi tiết sản phẩm hoặc hàng hóa cần thu hồi; lý do của việc thu hồi và cảnh báo về nguy cơ thiệt hại do lỗi của sản phẩm hoặc hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, cách thức thu hồi sản phẩm hoặc hàng hóa; thời gian và phương thức sửa chữa lỗi của sản phẩm hoặc hàng hóa; cùng với các thông tin liên quan khác (nếu có) nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để kiểm soát việc thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đặt ra cơ chế báo cáo của nhà sản xuất, chủ thể

kinh doanh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nghĩa vụ báo cáo được thực hiện ở ba thời điểm, một là trước khi tiến hành việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; hai là sau khi kết thúc sản phẩm hàng hóa có khuyết tật; và ba là khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 19 Nghị định 55/2024/NĐ-CP).

Như vậy, tương tự với pháp luật trách nhiệm sản phẩm của phần lớn quốc gia trên thế giới, pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam cũng đặt ra hai trường hợp thu hồi sản phẩm có khuyết tật: nhà sản xuất tự nguyện thu hồi và thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không quy định riêng trình tự, thủ tục thu hồi cho từng trường hợp thu hồi trên, mà chỉ quy định một cơ chế chung. Mức độ nghiêm khắc trong quy trình, thủ tục thu hồi sản phẩm có khuyết tật có sự phân hóa rõ ràng giữa sản phẩm nhóm A và sản phẩm nhóm B.

2.3.3. Một số hậu quả pháp lý khác

Bên cạnh các hậu quả pháp lý về bồi thường thiệt hại, thu hồi, xử lý hàng hóa không đảm bảo chất lượng tương tự như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cũng có quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh khi phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Không chỉ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất;

cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng; các chủ thể này còn có trách nhiệm sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại(Điều 10, 12, 16 Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa 2007).

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)