Điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 30 - 34)

Chương 1: TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN GÓC NHÌN PHÁP LUẬT SO SÁNH

1.3. Điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm

Với bản chất pháp lý khác nhau, các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm theo ba học thuyết: học thuyết về sự bất cẩn, học thuyết vi phạm nghĩa vụ bảo đảm và học thuyết trách nhiệm sản phẩm cũng có sự khác biệt đáng kể.

Các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất hoặc người bán theo thuyết bất cẩn gồm: (i) Nhà sản xuất hoặc người bán có nghĩa vụ quan tâm (duty of care) đối với người tiêu dùng. Nghĩa vụ này xuất phát từ kỳ vọng rằng các sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ an toàn cho mục đích sử dụng của chúng; (ii) Có sự vi phạm nghĩa vụ, nghĩa là nhà sản xuất hoặc người bán không hành động với mức độ cẩn thận hợp lý trong hoàn cảnh đó (có lỗi); (iii) Có thiệt hại xảy ra với người tiêu dùng; (iv) Có mối liên hệ nguyên nhân – kết quả giữa sự vi phạm nghĩa vụ quan tâm của nhà sản xuất và thiệt hại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất, người bán được xem là gánh nặng quá lớn với

người tiêu dùng vì hầu hết các chứng cứ chứng minh lỗi nằm trong tay nhà sản xuất, ví dụ bản vẽ thiết kế, các biện pháp bảo đảm an toàn họ đã thực hiện trong quá trình thiết kế, sản xuất và cảnh báo đối với rủi ro của sản phẩm.

Để yêu cầu nhà sản xuất và người bán chịu trách nhiệm pháp lý theo thuyết vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, người tiêu dùng thường cần phải chứng minh được các yếu tố, điều kiện sau: (i) có bảo đảm đưa ra bởi nhà sản xuất, người bán, (ii) có sự vi phạm bảo đảm, (iii) có thiệt hại xảy ra và (iv) có mối quan hệ nhân quả giữa sự vi phạm bảo đảm và thiệt hại xảy ra.

Theo học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt, người tiêu dùng không phải chứng minh rằng nhà sản xuất hoặc người bán có lỗi trong các khâu thiết kế, sản xuất, hay phân phối sản phẩm. Thay vào đó, họ cần chứng minh rằng: (i) Sản phẩm có khuyết tật, (ii) Có thiệt hại xảy ra với người tiêu dùng, và (iii) Mối liên hệ nhân quả giữa khuyết tật của sản phẩm và thiệt hại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, đối với người tiêu dùng, việc chứng minh khuyết tật của sản phẩm là một nhiệm vụ khó khăn gần như nghĩa vụ chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Sự khác biệt cơ bản giữa thuyết bất cẩn và trách nhiệm nghiêm ngặt được thể hiện rõ trong các trường hợp khuyết tật trong sản xuất, ví dụ, các thương tích gây ra bởi hòn đá trong hộp đậu, bong bóng khí trong lốp xe. Khi vấn đề chuyển từ khuyết tật trong sản xuất sang khuyết tật trong thiết kế hoặc khuyết tật trong cảnh báo, có thể có rất ít sự khác biệt giữa trách nhiệm do bất cẩn và trách nhiệm nghiêm ngặt vì trong trường hợp này, nguyên đơn phải chứng minh được rằng sản phẩm có chứa mối nguy hiểm bất hợp lý có thể thấy trước - có nghĩa là nhà sản xuất có thể và lẽ ra phải tránh được nó một cách hợp lý [48, 173 – 174].

Về mặt pháp luật thực định, có sự khác nhau trong quy định pháp luật của các quốc gia về các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm, cụ thể như sau:

Hiện nay, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm trên thế giới chủ yếu xây dựng theo học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt, qua đó các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sản phẩm có khuyết tật mà không cần chứng minh sự bất cẩn hoặc sai sót. Điều này được thể hiện rõ ràng

qua các quy định pháp luật của nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo đó, pháp luật trách nhiệm của các quốc gia được xây dựng trên cơ sở thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ đưa ra 3 điều kiện cấu thành trách nhiệm nghiêm ngặt gồm (i) Sản phẩm có khuyết tật; (ii) Có thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng và (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm có khuyết tật và thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, tiêu chí đoán định với từng điều kiện quy định tại pháp luật mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt nhất định.

Ví dụ, Bộ diễn giải Luật bồi thường thiệt hại (phiên bản lần thứ ba) của Hoa Kỳ và Chỉ thị 85/374/EEC của Liên minh châu Âu là hai trong những văn bản pháp lý quy định rõ ràng và chi tiết về cơ chế xác định khuyết tật của sản phẩm. Pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể về cách xác định các loại khuyết tật của sản phẩm, bao gồm khuyết tật trong sản xuất, khuyết tật trong thiết kế và khuyết tật trong cảnh báo, thông qua các tiêu chí tương đối rõ ràng (Điều 2 Bộ diễn giải Luật bồi thường thiệt hại (phiên bản lần thứ ba) năm 1997 của Hoa Kỳ). Với khuyết tật trong sản xuất, sản phẩm được coi là có khuyết tật khi không đáp ứng kỳ vọng hợp lý của người tiêu dùng [56, 898]. Tiêu chí cụ thể để xác định khuyết tật trong sản xuất là xem xét liệu sản phẩm có bị sai lệch so với thiết kế ban đầu trong quá trình sản xuất hay không. Khuyết tật này thường chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số sản phẩm cụ thể [1, 43]. Khuyết tật trong thiết kế được đánh giá thông qua phương pháp cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, tòa án sẽ xem xét các yếu tố như tính an toàn, tính hữu ích của sản phẩm và khả năng tồn tại của thiết kế thay thế hợp lý [56, 900]. Đối với khuyết tật trong cảnh báo, nguyên đơn cần chứng minh rằng nhà sản xuất đã không cung cấp đủ cảnh báo hoặc chỉ dẫn về rủi ro không hiển nhiên, tuy nhiên nhà sản xuất thường không phải chịu trách nhiệm nếu không cảnh báo về các rủi ro rõ ràng và đã được biết đến rộng rãi [56, 906 – 907].

Khác với pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật của Liên minh châu Âu không đặt ra các loại khuyết tật cụ thể trong từng giai đoạn sản xuất, thiết kế và cảnh báo. Theo

quy định tại Điều 6 của Chỉ thị, một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi không đáp ứng được mức độ an toàn mà người tiêu dùng có quyền kỳ vọng hợp lý. Để xác định điều này, cần phải xem xét các yếu tố liên quan, bao gồm: (a) cách thức sản phẩm được trình bày và giới thiệu đến người tiêu dùng; (b) mục đích sử dụng của sản phẩm mà người tiêu dùng có thể kỳ vọng một cách hợp lý; (c) thời điểm mà sản phẩm được đưa vào lưu thông. Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh rằng một sản phẩm không thể bị coi là có khuyết tật chỉ vì có sản phẩm tốt hơn được giới thiệu ra thị trường sau đó. Như vậy, Chỉ thị của Liên minh châu Âu áp dụng tiêu chí “sự kỳ vọng hợp lý của người tiêu dùng” để đánh giá khuyết tật của sản phẩm, xem xét liệu sản phẩm có gây ra mức độ nguy hiểm bất hợp lý đối với người tiêu dùng và liệu nó có đáp ứng được kỳ vọng hợp lý về an toàn của người tiêu dùng hay không[1, 44].

Với các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù đã thiết lập chế định trách nhiệm sản phẩm dựa trên nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc định nghĩa và xác định khuyết tật của sản phẩm.

Tại Nhật Bản, Luật Trách nhiệm Sản phẩm năm 1994 không đưa ra định nghĩa chi tiết về khuyết tật của sản phẩm mà chỉ quy định rằng sản phẩm có khuyết tật nếu nó không đảm bảo sự an toàn mà người tiêu dùng có thể kỳ vọng một cách hợp lý (Điều 2 (1) Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản). Tuy nhiên, khi bàn về việc xác định sự an toàn của sản phẩm, còn có nhiều luồng quan điểm và tranh cãi của giới học giả Nhật Bản. Quan điểm chiếm ưu thế là việc sản phẩm có khuyết tật hay không sẽ được đánh giá dựa trên kỳ vọng của một người bình thường về sản phẩm, trong khi một số học giả cho rằng một sản phẩm có khuyết tật nếu rủi ro nó đem lại lớn hơn tiện ích của nó và sản phẩm đó thiếu đi sự an toàn mà sản phẩm thường phải có [55, 67 – 68]. Tại Hàn Quốc, Luật Trách nhiệm sản phẩm định nghĩa thuật ngữ “khuyết tật”' là khuyết tật của bất kỳ sản phẩm nào trong quá trình sản xuất, thiết kế hoặc cảnh báo thuộc bất kỳ trường hợp nào sau đây, hoặc thiếu sự an toàn mà sản phẩm thông thường phải cung cấp: Khuyết tật do sản xuất; Khuyết tật do thiết kế và Khuyết tật do cảnh báo (Điều 2(2)).Tuy nhiên các việc xác định khuyết

tật còn khá mơ hồ, và trên thực tế các tòa án phải dựa vào đánh giá của chuyên gia để xác định khuyết tật [58].

Một khía cạnh quan trọng khác trong các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm là có thiệt hại xảy ra. Phần lớn các quốc gia chỉ áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với thiệt hại về tài sản và thiệt hại liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, mà không áp dụng đối với thiệt hại của chính sản phẩm có khuyết tật, ví dụ như Điều 9 Chỉ thị số 85/374/EEC của Liên minh châu Âu, Điều 3 Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản 1994. Quan điểm này dựa trên cơ sở rằng trách nhiệm sản phẩm thuộc phạm trù trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó không bao gồm thiệt hại đối với sản phẩm [12, 76]. Tuy nhiên, Điều 41 Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Trung Quốc quy định rằng “Trường hợp sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người khác thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.” [68], và do đó được diễn giải rằng đã đề cập đến cả thiệt hại gây ra đối với tài sản khác và với chính sản phẩm có khuyết tật[55, 35].

Một điểm đáng chú ý nữa là Luật Trách nhiệm sản phẩm 2008 của Thái Lan đã mở rộng phạm vi thiệt hại được bồi thường đối với thiệt hại về tinh thần. Cụ thể điều 4 Luật này quy định: “„Thiệt hại‟ có nghĩa là những thiệt hại do sản phẩm không an toàn gây ra hoặc là thiệt hại về tính mạng, cơ thể, sức khỏe, vệ sinh, tinh thần hoặc tài sản, nhưng không bao gồm thiệt hại đối với chính sản phẩm không an toàn đó.”; “„Tổn thương tinh thần‟ có nghĩa là đau đớn, tra tấn, ám ảnh, lo lắng, buồn phiền, xấu hổ hoặc các loại tổn hại tinh thần tương tự khác.”[61]. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 85/374/EEC của Liên minh châu Âu cũng cho phép các quốc gia thành viên quy định về thiệt hại phi vật chất (Điều 9).

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)