Chương 1: TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN GÓC NHÌN PHÁP LUẬT SO SÁNH
1.5. Cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản phẩm
Việc thiết lập các cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản phẩm là rất quan trọng.
Bằng cách cung cấp sự bảo vệ trước những vụ kiện tụng quá mức, các cơ chế này khuyến khích các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có mà không phải lo ngại về trách nhiệm đối với những tình huống không thể dự đoán trước. Hơn nữa, nhìn từ góc độ cân bằng quyền, cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản
phẩm giúp duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo rằng các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động mà không phải chịu gánh nặng quá mức, điều mà có thể dẫn đến việc tăng giá sản phẩm cho người tiêu dùng.
Nguyên tắc phổ biến được áp dụng để thiết lập cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật quốc gia là nhà sản xuất, nhà phân phối không biết và không thể biết về những khuyết tật có trong sản phẩm của mình. Điều 7 (c) của Chỉ thị 85/374/EEC cho phép nhà sản xuất được miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu chứng minh được “trình độ kiến thức khoa học và kỹ thuật tại thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông không cho phép phát hiện ra khuyết tật”. Điều khoản này thường được gọi là cơ chế miễn trừ dựa trên rủi ro phát triển (development risk), đã được đại đa số các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu áp dụng [50, 168 – 169].
Quy định này cho thấy, việc xác định một sản phẩm có khuyết tật hay không phải dựa trên sự đánh giá khách quan về trình độ khoa học và kỹ thuật tại thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường, mà không dựa trên kiến thức hoặc khả năng nhận biết chủ quan của các nhà sản xuất [21, 140].
Khái niệm “rủi ro phát triển” cũng khá tương đồng với khái niệm “trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến” (state-of-the-art) trong lý thuyết trách nhiệm sản phẩm Hoa Kỳ - một khái niệm dùng để chỉ tình trạng của công nghệ, khoa học, và kiến thức kỹ thuật tại thời điểm một sản phẩm được phát triển và đưa ra thị trường [48, 42]. Người ta nhận thấy rằng, có sự miễn cưỡng trong việc áp đặt trách nhiệm pháp lý lên nhà sản xuất đối với những nguy hiểm mà họ không thể biết trước hoặc không thể ngăn ngừa được tại thời điểm sản phẩm của họ được bán ra, hay chính là sự miễn cưỡng khi buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về những rủi ro mà họ không thể kiểm soát [48, 315 – 316]. Các vấn đề liên quan đến "trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến" thường được phân loại theo khuyết tật trong cảnh báo hoặc khuyết tật trong thiết kế. Trong các trường hợp khuyết tật do cảnh báo, vấn đề chính thường là liệu nhà sản xuất có nghĩa vụ cảnh báo về những nguy hiểm không thể lường trước được hay không, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến các chất độc hại như dược phẩm và hóa chất, mà hậu quả độc hại của chúng chỉ được phát
hiện sau nhiều năm sử dụng. Trong các trường hợp khuyết tật do thiết kế, vấn đề thường đặt ra là liệu nhà sản xuất có nghĩa vụ thiết kế để loại bỏ những nguy hiểm đã biết trước hay không. Nghĩa vụ này được xác định dựa trên việc liệu nguy hiểm đó có thể được loại bỏ hoặc giảm thiểu bằng các biện pháp thiết kế hợp lý, và những biện pháp này có thể thực hiện được trong điều kiện khoa học, công nghệ và thương mại hiện tại hay không [48, 315 – 316].
Cơ chế miễn trừ trách nhiệm sản phẩm được quy định tại pháp luật một số quốc gia như sau:
Pháp luật Liên minh châu Âu: Theo Điều 7 Chỉ thị 85/374/EEC, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bao gồm: (i) Nhà sản xuất không đưa sản phẩm vào lưu thông; (ii) Khuyết tật gây ra thiệt hại không tồn tại vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông hoặc khuyết tật này phát sinh sau đó; (iii) Sản phẩm không được sản xuất để bán hoặc phân phối vì mục đích kinh tế, cũng như không được sản xuất hoặc phân phối bởi nhà sản xuất trong quá trình kinh doanh; (iv) Khuyết tật hình thành do sản phẩm tuân thủ các quy định bắt buộc ban hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (v) Trình độ kiến thức khoa học và kỹ thuật tại thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông không cho phép phát hiện ra khuyết tật; (vi) Nhà sản xuất các bộ phận cấu thành sản phẩm không phải chịu trách nhiệm nếu khuyết tật do thiết kế của sản phẩm mà bộ phận đó được gắn vào sản phẩm hoàn chỉnh hoặc do các chỉ dẫn của nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Theo Điều 8 của Chỉ thị này, trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất sẽ không không được giảm trừ nếu thiệt hại gây ra bởi cả hai yếu tố (i) khuyết tật của sản phẩm và (ii) hành vi hoặc thiếu sót của bên thứ ba, tuy nhiên có thể được xem xét giảm trừ nếu thiệt hại phát sinh có lỗi của người bị thiệt hại hoặc những người mà người bị thiệt hại phải chịu trách nhiệm.
Pháp luật Hoa Kỳ: Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm sản phẩm có thể khác nhau giữa pháp luật các bang của Hoa Kỳ [62]. Một số trường hợp miễn trách gồm:
● Thuyết trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến (state-of-the-art).
● Chấp nhận rủi ro (Assumption of Risk): Nếu người tiêu dùng đã biết về khuyết tật của sản phẩm, nhận thức được nguy hiểm nhưng vẫn sử dụng sản phẩm và xảy ra thiệt hại, thì nhà sản xuất có thể được miễn trừ trách nhiệm sản phẩm [52, 312].
● Miễn trách nhiệm do ưu tiên luật của bang (Pre-emption): Mặc dù về nguyên tắc, luật Liên bang được ưu tiên để giải quyết các vấn đề về trách nhiệm sản phẩm nhưng vẫn có nhiều trường hợp nhà sản xuất được miễn trách nhiệm pháp lý do ưu tiên áp dụng pháp luật của bang [8, 97].
● Lỗi so sánh (Comparative Fault)/Lỗi do nguyên đơn gây ra (Contributory Negligence): Đây là nguyên tắc đánh giá mức độ lỗi của các bên để phân chia trách nhiệm. Trong trường hợp này, giá trị bồi thường thiệt hại nguyên đơn có thể yêu cầu sẽ bị giảm đi nếu hành vi của nguyên đơn góp phần gây ra thiệt hại [52, 312].
● Học thuyết người trung gian có chuyên môn (Learned Intermediary): Thuyết này quy định trách nhiệm cảnh báo về sự mất an toàn của sản phẩm của người có trình độ chuyên môn, đóng vai trò là người trung gian đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây là một trường hợp đặc thù, thường được áp dụng trong các trường hợp liên quan đến sản xuất, phân phối thuốc theo toa vì những sản phẩm này thường chỉ đưa đến người tiêu dùng thông qua bác sĩ được cấp phép, người có thể hiểu và đánh giá các cảnh báo về rủi ro của sản phẩm dựa trên tình trạng và lý lịch y tế của bệnh nhân [52, 311]. Nếu những người có chuyên môn này có điều kiện cảnh báo nhưng không thực hiện, khiến thiệt hại xảy ra thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngược lại nhà sản xuất và nhà phân phối được miễn trừ trách nhiệm.
Có thể thấy, pháp luật trách nhiệm sản phẩm Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm cho nhà sản xuất. Một số trường hợp tương tự như pháp luật của đa số quốc gia khác như khuyết tật nằm ngoài khả năng phát hiện
của khoa học kỹ thuật tại thời điểm sản phẩm lưu thông trên thị trường, có lỗi của người tiêu dùng trong việc gây ra thiệt hại,... Tuy nhiên, pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Hoa Kỳ cũng đưa ra một số trường hợp đặc thù là miễn trách nhiệm do ưu tiên luật riêng của bang và miễn trách nhiệm theo học thuyết người trung gian có chuyên môn [8, 99].
Pháp luật Nhật Bản: Theo quy định tại Điều 4 của Luật Trách nhiệm Sản phẩm Nhật Bản 1994, nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu họ chứng minh được một trong hai trường hợp sau: (i) Vào thời điểm giao sản phẩm, nhà sản xuất không thể phát hiện ra khuyết tật trong sản phẩm do tình trạng khoa học hoặc công nghệ tại thời điểm đó chưa cho phép, hoặc (ii) nếu sản phẩm được sử dụng làm thành phần hoặc nguyên liệu của sản phẩm khác, và khuyết tật xảy ra hoàn toàn do tuân thủ theo hướng dẫn thiết kế của nhà sản xuất sản phẩm khác, mà nhà sản xuất ban đầu không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. So với pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản tương đối khiêm tốn và ít ỏi. Có thể thấy, Nhật Bản đã áp dụng nguyên tắc "rủi ro phát triển" (development risk) làm cơ chế miễn trừ, tương tự như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Pháp luật Hàn Quốc: Nếu nhà sản xuất chứng minh được một trong các trường hợp quy định tại Điều 4(1) Luật Trách nhiệm sản phẩm Hàn Quốc 2001, người đó có thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Các trường hợp được miễn trừ bao gồm: (i) Nhà sản xuất không đưa sản phẩm vào lưu thông; (ii) Tình trạng kiến thức khoa học hoặc kỹ thuật tại thời điểm nhà sản xuất đưa sản phẩm vào lưu thông không cho phép phát hiện ra sự tồn tại của khuyết tật; (iii) Khuyết tật hình thành do sản phẩm tuân thủ bất kỳ đạo luật hay quy định pháp luật nào tại thời điểm đưa sản phẩm vào thị trường; (iv) Sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu thô hoặc phụ tùng cho sản phẩm khác và khuyết tật phát sinh do tuân thủ chỉ dẫn của nhà sản xuất sản phẩm mới. Theo Điều 4(2), nếu nhà sản xuất biết được hoặc có thể biết được sự tồn tại của khuyết tật trong sản phẩm sau khi sản phẩm được đưa vào lưu hành, nhưng không thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra,
người đó sẽ không được hưởng miễn trừ theo các trường hợp (ii), (iii) và (iv). Đây là một điểm khác biệt so với Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản, theo đó, để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý, nhà sản xuất phải theo dõi và thực hiện các biện pháp phù hợp nếu phát hiện ra khuyết tật, sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông.
Pháp luật Trung Quốc: Theo Luật Chất lượng sản phẩm 2009 của Trung Quốc, các trường hợp mà trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất được miễn hoặc giảm bao gồm: (i) Sản phẩm không được đưa vào lưu thông; (ii) Các khuyết tật không tồn tại vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông; (iii) Các khuyết tật không thể tìm thấy được vào thời điểm lưu hành sản phẩm vì các lý do khoa học và công nghệ.” (Điều 41(2)). Nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm sản phẩm thuộc về nhà sản xuất (Điều 4(1)(i) của Quy định của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về Chứng cứ trong Tố tụng dân sự) [64].
Pháp luật Malaysia: Điều 72 (1) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 của Malaysia đưa ra năm (5) trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm như sau: (i) Khuyết tật hình thành do tuân thủ các yêu cầu được quy định bởi luật thành văn, theo đó các yêu cầu này phải là các tiêu chuẩn bắt buộc tuân thủ; (ii) Nhà sản xuất không cung cấp sản phẩm có khuyết tật cho người khác, với khái niệm “cung cấp” được hiểu là buôn bán, trao đổi, cho thuê, thuê hoặc thuê mua sản phẩm (Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 của Malaysia) [46]; (iii) Khuyết tật không tồn tại trong sản phẩm vào thời điểm có liên quan, trong đó “thời điểm có liên quan” được hiểu là thời điểm nhà sản xuất cung cấp sản phẩm cho người khác (Điều 72(2)(b)(i) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 của Malaysia) [46];
(iv) Tình trạng của khoa học và kỹ thuật tại thời điểm có liên quan không cho phép nhà sản xuất của sản phẩm tương tự như sản phẩm đang được đề cập phát hiện ra khuyết tật theo kỳ vọng hợp lý, nếu khuyết tật đó tồn tại trong sản phẩm khi nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà sản xuất, theo đó, nhà sản xuất không những phải chứng minh rằng không thể phát hiện ra khuyết tật dựa trên kiến thức khoa học và kỹ thuật vào thời điểm cung cấp sản phẩm mà còn phải chứng minh các nhà sản xuất sản phẩm tương tự cũng không thể phát hiện ra khuyết tật; (v) Đó là khuyết tật
của một sản phẩm khác mà sản phẩm đang được đề cập là một bộ phận (gọi là "sản phẩm cuối cùng"); và khuyết tật hoàn toàn xuất phát từ thiết kế của sản phẩm cuối cùng; hoặc nhà sản xuất của sản phẩm đang được đề cập đã tuân thủ các chỉ dẫn của nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Pháp luật Thái Lan: Điều 7 Luật Trách nhiệm sản phẩm 2008 của Thái Lan cho phép thương nhân được miễn trừ trách nhiệm sản phẩm trong các trường hợp sau: (i) Sản phẩm không phải là sản phẩm không an toàn; (ii) Người bị thiệt hại đã biết sản phẩm đó không an toàn; (iii) Thiệt hại xảy ra do sử dụng, bảo quản sản phẩm không đúng cách trong khi thương nhân đã chỉ ra chính xác và rõ ràng cách sử dụng, bảo quản, cảnh báo hoặc các thông tin liên quan trên sản phẩm. Luật này cũng đưa ra hai trường hợp miễn trừ trách nhiệm đặc thù cho nhà sản xuất (Điều 8):
(i) Nhà sản xuất theo yêu cầu của người thuê không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được sản phẩm không an toàn là do thiết kế của người thuê hoặc do các chỉ dẫn của người thuê, mà nhà sản xuất đã không và không thể lường trước được sự không an toàn đó; (ii) Nhà sản xuất các bộ phận cấu thành sản phẩm sẽ không chịu trách nhiệm nếu người đó có thể chứng minh rằng sản phẩm không an toàn là do thiết kế, lắp ráp, chỉ dẫn, bảo quản, thông điệp cảnh báo hoặc thông tin được cung cấp bởi nhà sản xuất của sản phẩm (tổng thể) đó.
Chương 2