Chương 2: PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM
2.2. Điều kiện cấu thành
Do trách nhiệm sản phẩm là trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh ngoài hợp đồng, khi bị thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng hay sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, để yêu cầu nhà sản xuất, người bán bồi thường thiệt hại, người tiêu
dùng phải sử dụng cơ chế khởi kiện. Về nguyên tắc, Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo pháp luật chuyên ngành, Khoản 7 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 ghi nhận người tiêu dùng có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cũng ghi nhận bên cạnh thỏa thuận giữa các bên, việc bồi thường thiệt hại do nhà sản xuất, người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa được thực hiện thông qua quyết định của tòa án hoặc trọng tài.
Như đã trình bày trước đó, trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có đủ các điều kiện, yếu tố cấu thành được quy định bởi pháp luật mà không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, do chế định pháp luật trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam vẫn chưa được quy định thống nhất, nằm rải rác tại nhiều văn bản nên các điều kiện cấu thành trách nhiệm sản phẩm tại một số văn bản pháp luật cũng có sự khác nhau.
Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi chủ thể kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định này, để cấu thành trách nhiệm của chủ thể kinh doanh, cần xác định các điều kiện gồm: (i) có sự vi phạm bảo đảm chất lượng hàng hóa của chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, (ii) có thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng, (iii) mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm nghĩa vụ bảo đảm và thiệt hại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự chỉ dừng lại ở việc quy định các điều kiện cấu thành, mà không có quy định giải thích, làm rõ thêm các điều kiện cấu thành trách nhiệm pháp lý này, đặc biệt là thế nào là “không đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ”. Đối với điều kiện (i), có thể thấy rằng trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và cung cấp chúng cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh đã tạo ra một bảo đảm ngầm định về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Nội dung của bảo đảm này là hàng hóa, dịch vụ phải có chất lượng đáp ứng một tiêu chuẩn xác định, mà người tiêu dùng căn cứ vào
đó để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, khi chất lượng của hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng không đáp ứng được tiêu chuẩn xác định trên và gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, thì người tiêu dùng phải được bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Về nguyên tắc, các điều kiện cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 không yêu cầu yếu tố lỗi [5, 111]. Điều này có nghĩa rằng, Bộ luật Dân sự 2015 cũng mở ra khả năng áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt, cho phép cấu thành trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh ngay cả trong trường hợp họ không có lỗi khi người tiêu dùng bị thiệt hại, nếu luật có quy định như vậy.
Khi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không bảo đảm chất lượng hàng hóa của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh, về cơ bản, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định các điều kiện cấu thành trách nhiệm tương tự với Bộ luật Dân sự 2015, nhưng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố lỗi của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh (Điều 61). Theo quy định pháp luật Việt Nam, lỗi trong trách nhiệm dân sự được chia thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý (Điều 364 Bộ luật Dân sự 2015).
Lỗi cố ý là trường hợp mà người thực hiện hành vi nhận thức rõ ràng hành động của mình có thể hoặc chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho người khác, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện với mong muốn gây thiệt hại hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Ngược lại, lỗi vô ý là trường hợp mà người thực hiện hành vi không nhận ra rằng hành động của mình có thể gây thiệt hại, mặc dù lẽ ra họ phải biết hoặc có thể biết được hậu quả đó. Ngoài ra, lỗi vô ý còn bao gồm trường hợp người thực hiện hành vi nhận thức được khả năng gây thiệt hại nhưng tin rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Điều này cho thấy mức độ lỗi của người gây thiệt hại trong trách nhiệm dân sự được xác định dựa trên khả năng nhận thức và ý chí của họ đối với hành vi và hậu quả mà nó gây ra. Tuy nhiên, bản chất của lỗi là sự thể hiện ý chí chủ quan của người gây thiệt hại. Do đó, việc yêu cầu người tiêu dùng chứng minh lỗi của người bán hàng hoặc các chủ thể liên quan đến sản phẩm như nhà sản xuất, người nhập khẩu,... là một thách thức lớn, vì phần lớn các chứng cứ chứng minh nằm trong tay các chủ thể kinh doanh này, và người tiêu dùng khó có điều kiện tiếp
cận, thu thập các chứng cứ đó. Nếu người tiêu dùng không thể chứng minh được lỗi của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh, họ sẽ không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Có thể thấy, rõ ràng cơ chế bồi thường thiệt hại dựa trên lỗi chưa bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam.
Khác với quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên lỗi tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra, ngay cả khi không có lỗi (Khoản 1 Điều 34). Theo đó, các điều kiện cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh theo Luật này bao gồm:
(i) sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, (ii) có thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng, (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thiệt hại xảy ra. Với quy định trên, kế thừa từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 tiếp tục thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt.
- Về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật:
Tương tự như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chỉ đưa ra khái niệm về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà không đưa ra các tiêu chí, điều kiện để xác định khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa. Như đã trình bày, khái niệm về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đưa ra đặc điểm là (i) không đảm bảo an toàn, có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, (ii) không phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng, mà chỉ phát hiện được sau khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, (iii) sản phẩm, hàng hóa đã được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Việc thiếu vắng các tiêu chí, điều kiện xác định thế nào là sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có thể dẫn đến sự áp dụng, giải thích pháp luật không thống nhất trên thực tiễn.
- Có thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng
Theo phần luật chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015). Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đưa ra ba loại thiệt hại mà nhà sản xuất, người bán hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đưa sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đến người tiêu dùng, bao gồm: (i) thiệt hại về sức khỏe, (ii) thiệt hại về tính mạng, (iii) thiệt hại về tài sản. Về cơ bản, quy định về các loại thiệt hại được bồi thường của tại Điều 60 Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa 2007 không có sự khác biệt so với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Các loại thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không đảm bảo chất lượng được chia thành hai nhóm: (i) thiệt hại về tài sản, gồm thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị phá hủy; (iii) thiệt hại liên quan đến lợi ích từ việc sử dụng và khai thác hàng hóa, tài sản; chi phí hợp lý để ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục thiệt hại; và (ii) thiệt hại về tính mạng và sức khỏe con người.
Có thể thấy, trong quan hệ tiêu dùng, pháp luật trách nhiệm sản phẩm Việt Nam quy định thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng chỉ bao gồm ba loại thiệt hại vật chất cụ thể như trên, và loại trừ thiệt hại về danh dự, nhân phẩm [7, 47]. Quy định về các loại thiệt hại được bồi thường của Việt Nam khá tương đồng với pháp luật các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, chỉ dừng lại ở các thiệt hại vật chất.
Dựa trên nguyên tắc “việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan” (Khoản 5 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023), các tiêu chí xác định thiệt hại được quy định cụ thể hơn tại Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thiệt hại của người tiêu dùng
Để cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và đối với sản phẩm, hàng hóa nói riêng, nhất thiết phải chứng minh được mối liên hệ nguyên nhân - kết quả giữa thiệt hại xảy ra và khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, thiệt hại xảy ra mà người tiêu dùng phải gánh chịu phải là kết quả trực tiếp, tất yếu của sản phẩm có khuyết tật, ngược lại, sản phẩm có khuyết tật phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại đó. Nếu không chứng minh được mối liên hệ tất yếu này thì nhà sản xuất, người bán hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Về chủ thể có nghĩa vụ chứng minh, Điều 69 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định rằng trong các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng là bên có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng không cần chứng minh lỗi của chủ thể kinh doanh. Ngược lại, các chủ thể kinh doanh có trách nhiệm chứng minh rằng mình không có lỗi dẫn đến thiệt hại của người tiêu dùng. Nguyên tắc này một lần nữa được khẳng định tại điểm a Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Căn cứ các quy định trên, ta thấy rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 ghi nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt - trách nhiệm pháp lý không dựa trên lỗi, cho thấy sự hòa nhập vào xu hướng chung của pháp luật trách nhiệm sản phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, việc quy định nghĩa vụ chứng minh nhà sản xuất, chủ thể kinh doanh không có lỗi trong trường hợp này không có nhiều ý nghĩa, bởi lẽ kể cả trong trường hợp nhà sản xuất không có lỗi thì vẫn đủ các căn cứ cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại.