Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 78 - 82)

Chương 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

3.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm

Từ việc phân tích những vướng mắc và bất cập trong pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng quy định về trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam, kết hợp với việc nghiên cứu so sánh quy định pháp luật quốc tế và một số quốc gia tiêu biểu, tác giả đưa ra những định hướng chung sau đây nhằm hoàn thiện khung pháp lý và giải quyết những vấn đề tồn tại:

Một là, cần xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất về trách nhiệm sản phẩm. Hiện nay, các quy định về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam còn rời rạc, nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, tác giả đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về trách nhiệm sản phẩm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,...; hoặc tổng hợp các quy định về trách nhiệm sản phẩm thành một chương riêng biệt trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xác định Luật này là đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Đạo luật này cần bao gồm các nội dung cơ bản như định nghĩa về sản phẩm và sản phẩm khuyết tật, quy định về trách nhiệm của các bên liên quan, cơ chế bồi thường thiệt hại, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, và quy trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tác giả đề xuất nên bỏ các quy định về trách nhiệm sản phẩm tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, và xác định vai trò chủ đạo của Luật này là quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phục vụ mục đích quản lý của nhà nước.

Hai là, cần xác định nguyên tắc, học thuyết làm cơ sở nền tảng cho chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam. Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi

người tiêu dùng đã thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, nhưng việc áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế và một số tòa án có xu hướng áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên lỗi. Dựa trên kinh nghiệm của pháp luật của các nước trên thế giới, tác giả đề xuất cần quy định rõ ràng về việc áp dụng nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt trong các vụ việc liên quan đến trách nhiệm sản phẩm.

Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra, mà không cần chứng minh lỗi của họ. Từ đó, khuyến nghị bỏ quy định yêu cầu nhà sản xuất phải chứng minh mình không có lỗi tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoặc có thể giữ nguyên nhưng bổ sung thêm hậu quả pháp lý nếu nhà sản xuất chứng minh được, ví dụ như sẽ được giảm trừ trách nhiệm.

3.3.2. Kiến nghị cụ thể

Bên cạnh những định hướng chung, tác giả tiếp tục đưa ra các kiến nghị cụ thể sau để hướng tới hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm:

Thứ nhất, cần xác định rõ khái niệm "sản phẩm" và các tiêu chí để xác định sản phẩm khuyết tật. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về

"sản phẩm" trong luật trách nhiệm sản phẩm, cũng như thiếu các tiêu chí rõ ràng để xác định khi nào một sản phẩm được coi là có khuyết tật. Để khắc phục điều này, Việt Nam có thể tham khảo cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu, nơi "sản phẩm"

được định nghĩa bao gồm cả động sản và điện năng. Ngoài ra, cần làm rõ liệu dịch vụ có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trách nhiệm sản phẩm hay không. Về tiêu chí xác định sản phẩm khuyết tật, có thể áp dụng cách tiếp cận của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, sử dụng các tiêu chí như kỳ vọng hợp lý của người tiêu dùng, thiết kế thay thế hợp lý, và cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích. Việc quy định cụ thể các tiêu chí này sẽ giúp tòa án có cơ sở pháp lý rõ ràng để đánh giá và xác định trách nhiệm trong các vụ án liên quan đến sản phẩm khuyết tật.

Thứ hai, song song với việc làm rõ nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, cần mở rộng các trường hợp miễn trừ trách nhiệm để tạo sự cân bằng giữa quyền lợi của người

tiêu dùng và nhà sản xuất. Pháp luật Việt Nam hiện quy định rất ít về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sản phẩm. Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm cần được bổ sung bao gồm: lỗi của người tiêu dùng, tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, và các trường hợp bất khả kháng. Việc quy định cụ thể về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, đồng thời khuyến khích họ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm an toàn hơn.

Thứ ba, cần xem xét mở rộng và quy định cụ thể hơn về các loại thiệt hại được bồi thường trong luật trách nhiệm sản phẩm. Theo tác giả, pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm cần xem xét khả năng áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt (punitive damages) trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khi nhà sản xuất có hành vi cố ý hoặc cẩu thả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thứ tư, cần quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin và cảnh báo của nhà sản xuất. Quy định này cần bao gồm trách nhiệm cung cấp hướng dẫn sử dụng chi tiết, cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn, và thông tin về cách xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố. Đặc biệt, nghĩa vụ này cần được mở rộng đến cả giai đoạn sau khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường, yêu cầu nhà sản xuất phải cập nhật thông tin và cảnh báo khi phát hiện ra các rủi ro mới. Pháp luật cũng cần quy định rõ về hình thức và nội dung của việc cung cấp thông tin, đảm bảo thông tin được trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng.

Thứ năm, cần tiếp tục quy định cụ thể, làm rõ về trách nhiệm thu hồi sản phẩm. Tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới, các quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm nên quy định riêng trình tự, thủ tục thu hồi cho từng trường hợp (i) nhà sản xuất tự nguyện thu hồi và (ii) thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, pháp luật cần quy định rõ thời hạn và phương thức thông báo, các bước cụ thể trong quy trình thu hồi như xác định phạm vi sản phẩm cần thu hồi, thiết lập hệ thống tiếp nhận sản phẩm, và phương án xử lý đối với sản phẩm đã thu hồi.

Tóm lại, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, làm rõ các khái niệm và nguyên tắc cơ bản, mở rộng phạm vi bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cân bằng với quyền lợi của nhà sản xuất. Thông qua việc so sánh và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về trách nhiệm sản phẩm qua góc nhìn luật so sánh (Trang 78 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)