Ngoài những nhân tố nội sinh, khả năng sinh lời của ngân hàng còn chịu tác động bởi các nhân tố ngoại sinh liên quan đến đặc điểm ngành và đặc điểm nền kinh tế. Có nhiều nhân tố đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến, tác giả tổng hợp những nhân tố ngoại sinh quan trọng nhất thường được nghiên cứu là: tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát.
Tăng trưởng kinh kế (Economic growth)
Tăng trưởng kinh tế thường được đo bằng tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross domestic product). Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều cho rằng tăng trưởng kinh tế có tác động cùng chiều với khả năng sinh lời của ngân hàng. Theo Athanasoglou (2005), thông qua tăng trưởng kinh tế, ngân hàng tăng lợi nhuận của nó
bằng cách cải thiện năng suất lao động, cùng với những nhân tố khác, mang đến kết quả là chất lượng nguồn nhân lực cao hơn và giảm bớt số lượng người lao động. Một cách nhìn khác về tác động của tăng trưởng kinh tế là nghiên cứu tác động của chu kỳ kinh tế. Cách nghiên cứu này đòi hỏi phải có dữ liệu thời gian đủ dài để nhìn được chu kỳ đó và cho ra kết quả tổng quan hơn (Bikker & Hu (2002), Dermiguc-Kunt & Huizinga (2000)).
Tỷ lệ lạm phát (Inflation)
Lạm phát là hiện tượng tiền lưu thông vượt quá sự tăng trưởng hàng hóa sản xuất ra, từ đó dẫn đến giá cả của hầu hết hàng hóa trong nền kinh tế tăng lên (Theo Milton Friedman và John Maynard Keynes).Tỷ lệ lạm phát có tác động quan trọng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng vì nó tác động đến quyết định gửi tiền của người dân và chi phí hoạt động của ngân hàng. Khi tỷ lệ lạm phát lớn hơn mức lãi suất của ngân hàng (lãi suất thực của người gửi tiền bị âm) thì người gửi tiền sẽ chọn kênh đầu tư khác, từ đó tác động đến nguồn tiền vào để duy trì hoạt động của ngân hàng, mặt khác khi giá cả tăng lên thì chi phí lương, chi phí hoạt động hằng ngày của ngân hàng cũng tăng lên, buộc họ phải có những chính sách thích hợp để đối phó với lạm phát. Revell (1979) là một trong những tác giả nghiên cứu sớm nhất về mối quan hệ giữa tỷ lệ lạm phát và lợi nhuận của ngân hàng, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, tác động của lạm phát lên khả năng sinh lời của ngân hàng phụ thuộc vào tốc độ tăng chi trả lương và chi phí hoạt động khác so với tốc độ tăng của lạm phát. Câu hỏi đặt ra là làm sao để hoàn thiện nền kinh tế mà tỷ lệ lạm phát được dự báo chính xác và theo đó, ngân hàng có thể quản lí chi phí hoạt động. Theo hướng này, Perry (1992) chỉ ra rằng, mức độ tác động của lạm phát đến khả năng sinh lời của ngân hàng phụ thuộc vào liệu lạm phát kì vọng có được dự kiến đầy đủ, theo đó ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất của họ để doanh thu tăng nhanh hơn chi phí và từ đó gia tăng lợi nhuận kinh tế. Nhiều nghiên cứu (Bouker (1989), Molyneux and Thornton (1992)) chỉ ra tác động cùng chiều nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra tác động ngược chiều (Staikouras & Wood (2003)) của lạm phát đến khả năng sinh lời của ngân hàng.