Tác động của sản xuất làng nghề tái chế kim loại tới kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng

Một phần của tài liệu đánh giá hiện trạng môi trường nước và chất thải rắn làng nghề tái chế nhôm mẫn xá, xã văn môn, huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 20 - 25)

 Về mặt kinh tế

- Việc tái chế kim loại cung cấp nguyên nhiên liệu giá rẻ và được xem như là nguồn cung cấp đầu vào cho các chu trình sản xuất tiếp theo.

- Giảm chi phí mua nguyên liệu.

- Giảm chi chí xử lý chất thải, hạ giá thành sản phẩm.

 Về mặt xã hội

- Làng nghề góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tận dụng thời gian và lực lượng lao động ở nông thôn, tăng thêm thu nhập cho mọi người lúc nông nhàn.

Phát triển làng nghề tạo việc làm cho nhiều lao động. Trước hết là trong gia đình, trong làng xã, ngoài ra còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác. Mặt khác, làng nghề phát triển sẽ hình thành các nghề khác, các hoạt động dịch vụ liên quan, tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động.

Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, an ninh trật tự, bởi vì hạn chế được vấn đề di dân từ vùng này sang vùng khác, từ nông thôn ra thành thị. Phát triển làng nghề còn có ý nghĩa khác là góp phần tạo ra bình đẳng cho phụ nữ. Phát triển ngành nghề nông thôn đã thu hút được số lượng lớn phụ nữ với thu nhập ổn định, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ .

- Làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Làng nghề có vai trò tích cực góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN và dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng nông nghiệp, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp có

thu nhập thấp sang ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Sự phát triển này đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, từ đó đã tạo ra nền kinh tế đa dạng ở nông thôn, không chỉ có nông nghiệp thuần nhất mà còn có các ngành TTCN, thương mại, dịch vụ (Nguyễn Thị Kim Thái và Lương Thị Mai Hương, 2011).

- Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới

Với số lượng ngành nghề phong phú, đa dạng và với số lượng lớn các cơ sở, các hộ sản xuất nên các làng nghề đã tạo ra sản phẩm hàng hoá phong phú và đa dạng về chủng loại, khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Ngoài ra sản phẩm của các làng nghề còn đóng góp quan trọng làm tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo điều kiện để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Ở những nơi có làng nghề phát triển tỉ lệ hộ khá và giàu thường cao hơn, tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn hẳn so với những vùng thuần tuý sản xuất nông nghiệp.

Phát triển làng nghề cùng với việc tăng thu nhập tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân, không chỉ vật chất mà cả văn hoá, tinh thần. Đồng thời khi nghề nghiệp phát triển đến một mức độ nào đó thì xuất hiện các hình thức văn hoá gắn với nghề như các bài hát, bài vè về nghề nghiệp, kinh nghiệm làm nghề, các tục thờ tổ nghề, hội nghề… Làng nghề phát triển, thu nhập được nâng cao thì người dân có điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hoá. Trong các làng nghề, cùng với sự đổi mới về kinh tế, văn hoá của nhân dân là quá trình xây dựng và đổi mới nông thôn theo hướng HĐH (Dương Bá Phượng, 2001).

- Thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn

Làng nghề phát triển có nhu cầu xây dựng nhà xưởng, đường sá, hệ thống cấp điện, nước, bưu điện… Ngược lại làng nghề phát triển, người dân có thu nhập cao, có điều kiện đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời người dân có nhu cầu và điều kiện trao đổi hàng hoá, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nhà cửa và do đó hình thành trung tâm giao lưu buôn bán. Những trung tâm này ngày càng đựơc mở rộng và phát triển, tạo nên một sự đổi mới trong nông thôn.

- Góp phần bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch

“Mỗi một làng nghề là một địa chỉ văn hoá, nó phản ánh nét văn hoá độc đáo của từng địa phương, từng vùng” (Nguyễn Thị Kim Thái và Lương Thị Mai Hương, 2011). Nét văn hoá của làng nghề thể hiện qua các nét độc đáo của từng

sản phẩm, các lễ hội, các phong tục tập quán của làng nghề. Đặc biệt là ở các làng nghề truyền thống, các sản phẩm được làm bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, với các nguyên liệu, phong cách Việt Nam, được lưu giữ và phát triển qua các thế hệ, trở thành các sản phẩm truyền thống, không chỉ thể hiện nét văn hoá riêng của từng địa phương mà cũng là một văn hoá của Việt Nam. Ngoài ra, tại các làng nghề truyền thống thường tổ chức lễ cúng tổ nghề để tưởng nhớ các vị tổ nghề đó có công mang nghề và truyền nghề về cho làng. Đây là lễ hội có nhiều ý nghĩa, mang nhiều nét văn hoá dân gian, rất được các làng nghề coi trọng. Đồng thời, điều kiện kinh tế được nâng lên, các làng nghề có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian khác, tổ chức các cuộc thi như thi tay nghề, các cuộc thi gắn với nghề.

Do các làng nghề truyền thống là nơi kết tinh và phát triển các giá trị văn hoá, văn minh lâu đời của dân tộc, ngày càng có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch làng nghề là một sản phẩm mới, trong những năm gần đây đang có xu thế phát triển mạnh mẽ, như làng gốm Bát Tràng, khách du lịch đến đây có thể tham quan nơi sản xuất, vẽ thử lên đồ gốm sứ... (Dương Bá Phượng, 2001).

2.3.2. Tác động của sản xuất làng nghề tái chế kim loại tới môi trường và sức khỏe cộng đồng

2.3.2.1. Tác động của sản xuất làng nghề tái chế kim loại tới môi trường

 Tác động tích cực

- Tiết kiệm tài nguyên bởi việc dùng vật liệu tái chế thay cho vật liệu gốc.

- Giảm chi phí nhập khẩu vài kim loại như nguyên liệu nhôm không sẵn có trong nước.

- Tiết kiệm diện tích đổ thải.

- Hạn chế được các vấn đề ô nhiễm từ các bãi chôn lấp ra môi trường, giảm phát sinh các chất độc hại ra môi trường.

 Tác động tiêu cực

Bên cạnh những lợi ích như trên, hoạt động tái sinh tái chế hiện nay tại các làng nghề đã phát sinh rất nhiều vấn đề môi trường, gây tác động đến môi trường không khí, nước, đất và con người. Làng nghề càng phát triển môi trường càng ô nhiễm trầm trọng

- Môi trường nước: Nước thải từ các quá trình tái chế kim loại chủ yếu là

phế liệu, chủ yếu là nước để làm mát và vệ sinh máy móc thiết bị.

- Nước làm mát: Nguồn nước thải này chứa nhiều bụi bẩn, rỉ sắt và dầu mỡ.

- Nước từ quá trình tẩy rửa và mạ kim loại: Nước thải này có chứa hóa chất HCl, NaOH, CN-, Cr, Ni, ...

- Nước vệ sinh thiết bị, nhà xưởng: nước thải này chứa dầu mỡ bụi bẩn và một lượng nhỏ hóa chất.

Theo kết quả phân tích chất lượng nước tại một số làng nghề tái chế kim loại như: Vân Chàng - Nam Định, Chỉ Đạo – Văn Lâm, Đồng Tiến – Khoái Châu... thì tại đây hàm lượng chất hữu cơ trong nước luôn đạt QCCP; nhưng các chỉ tiêu SS, dầu mỡ luôn vượt QCCP (TS = 236  812 mg/l; SS = 22  511 mg/l; dầu mỡ = 0,08  1,5 mg/l). Ngoài ra, trong nước thải có chứa nhiều ion kim loại như Fe3+, CN-, Zn2+, Cr3+, Ni2+, ... sinh ra từ hoạt động thu mua nguyên liệu, từ quá trình gia công kim loại. Kết quả phân tích cho thấy các kim loại nặng trong nước tại làng nghề Vân Chàng – Nam Định có hàm lượng rất lớn, như Cr = 63,1  187,4; dầu mỡ = 1,5  1,8 mg/l, vượt QCCP nhiều lần (Lê Thị Cẩm Hồng, 2008).

- Môi trường đất: Nước thải phát sinh từ các làng nghề hầu hết chưa được xử lý mà chảy trực tiếp vào kênh mương, ao, hồ, sông… làm ô nhiễm môi trường nước tiếp nhận. Nguồn nước ô nhiễm này chảy qua các vùng đất, ngấm xuống và lưu giữ lại trong đất.

Chất lượng môi trường đất khảo sát tại một số làng nghề cho thấy đất đang có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, hàm lượng kim loại nặng phát hiện được Ni=0,005-0,001mg/l, Zn=0,02-0,025mg/l, là tương đối cao so với các khu vực khác (Đặng Kim Chi và cs., 2005).

- Môi trường không khí: Ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề cần quan tâm tại các làng nghề táí chế kim loại, đây là nguồn gây ô nhiễm chính trong loại hình tái chế này. Các thành phần khí ô nhiễm chủ yếu là: CO, CO2, SO2, NOx, nhiệt, hơi axit, hơi kim loại, bụi kim loại,...

Theo kết quả điều tra khảo sát tại một số làng nghề tái chế kim loại điển hình cho thấy: Bụi trong không khí dao động trong khoảng 0,098  2mg/m3, vượt QCCP trung bình 1 giờ và trung bình 24 giờ tương ứng là 1  10 và 1  15 lần, đặc biệt khu vực cạnh các lò đúc thép hàm lượng bụi rất cao (khoảng 2 mg/m3).

Bên cạnh đó, từ quá trình gia công cơ khí, vận chuyển nguyên vật liệu và sản

phẩm sau quá trình sản xuất sinh ra lượng bụi lớn. Lượng bụi này có chứa kim loại mà chủ yếu là Fe với nồng độ  0,5 mg/m3 làm không khí có mùi tanh. Hàm lượng các chất khí khác khi khảo sát thấp hơn tiêu chuẩn, nhưng cần lưu ý rằng các cơ sở sản xuất tại các làng nghề này hoạt động suốt ngày đêm, do đó mặc dự hàm lượng các khí như SO2, CO, NO2 không vượt quá QCVN trung bình trong 1 giờ nhưng ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe của cộng đồng là rất lớn (Đặng Kim Chi và cs., 2005)

Kết quả điều tra khảo sát tại một số làng nghề tái chế kim loại điển hình cho thấy hầu hết tại các điểm khảo sát tiếng ồn đều vượt quá QCVN từ 5  15 dBA.

Tiếng ồn, nhiệt độ và độ ẩm cao đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong làng. Nhiệt độ môi trường tại đây thường xuyên cao hơn điểm nền 3  50C (Nguyễn Thị Kim Thái và Lương Thị Mai Hương, 2011).

- Chất thải rắn

Theo số liệu điều tra tại một số làng nghề cho thấy lượng rác thải này tương đối lớn, làng nghề Đa Hội lượng chất thải rắn bao gồm xỉ than, kim loại vụn và phế loại từ công đoạn phân loại khoảng 11 tấn/ngày, một số làng nghề khác do quy mô hoạt động nhỏ nên lượng chất thải rắn ít hơn đáng kể như: Đình Bảng- Bắc Ninh: 1,4 tấn/ ngày ; Vân Chàng khoảng 7 tấn/ngày; Văn Môn- Bắc Ninh 0,6 tấn/ngày... (Nguyễn Thị Kim Thái và Lương Thị Mai Hương, 2011).

Nhìn chung, chất thải rắn của quá trình sản xuất tái chế có hàm lượng kim loại rất cao (từ 3  5 g/kg nguyên liệu). Bên cạnh đó, còn chất thải rắn chứa dầu mỡ, các chất khoáng với hàm lượng dao động từ 1  6 mg/kg nguyên liệu, hiện nay hầu như chưa có giải pháp xử lý thích đáng. Việc thải bỏ chất thải rắn không theo quy hoạch và không được quản lý nên đã ảnh hưởng tới chất lượng đất của làng nghề, hàm lượng kim loại trong đất khá cao (khoảng 2  3 g/kg). Lượng chất độc này dễ ngấm vào đất, tích tụ lại lâu dần sẽ làm suy thoái môi truờng đất (Đặng Kim Chi và cs., 2010).

- Tác động tới môi trường sinh thái - cảnh quan:

Các hoạt động sản xuất của làng nghề đã làm ô nhiễm và thay đổi môi trường sinh thái cảnh quan khu vực. Vật tư, sản phẩm và các loại chất thải đổ xung quanh nơi sản xuất và cả trên đường giao thông. Bụi, mùi hôi thối từ các cống rãnh, mức ồn cao và liên tục... đã tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và ô nhiễm.

2.3.2.2. Tác động của sản xuất làng nghề tái chế kim loại tới sức khỏe cộng đồng

Tại các làng nghề ở Việt Nam khu sản xuất đan xen với khu nhà ở, hầu hết dân cư của làng tham gia vào quá trình sản xuất nên nguy cơ ảnh hưởng của điều kiện lao động và chất thải sản xuất đến sức khỏe người dân là rất lớn. Do môi trường không khí, nước ngầm, nước mặt và đất tại các làng nghề thường bị ô nhiễm nên số người dân tại các làng nghề bị mắc các bệnh đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa là rất cao. Ngoài ra là một số bệnh mang tính nghề nghiệp như bệnh bụi phổi, ung thư, thần kinh, đau lưng, đau cột sống...

Kết quả điều tra mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học – công nghệ và môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội, 2009) cho thấy tại các làng nghề Tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu do môi trường sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước thải không được xử lý đổ thẳng ra ngoài môi trường.. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như: Ung thư, quái thai, nhiễm độc kim loại nặng (Nguyễn Thị Hồng Tú và cs., 2005).

Trong các làng nghề đã khảo sát thì 100% làng nghề đều có xảy ra tai nạn lao động tùy theo quy mô sản xuất. Nguyên nhân phần lớn do người lao động bất cẩn, gây chấn thương (64,1%), bỏng (19,2%), điện giật (16,7%) (Nguyễn Thị Hồng Tú và cs., 2005).

Một phần của tài liệu đánh giá hiện trạng môi trường nước và chất thải rắn làng nghề tái chế nhôm mẫn xá, xã văn môn, huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 20 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)