4.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Văn Môn nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 2 km về phía Bắc, bao gồm 5 thôn: Mẫn Xá, Phù Xá, Quan Đình, Quan Độ, Tiền Thôn. Với vị trí địa lý được xác định như sau:
- Phía Đông giáp xã Đông Thọ.
- Phía Tây giáp huyện Đông Anh – TP Hà Nội.
- Phía Nam giáp xã Hương Mạc – huyện Từ Sơn.
- Phía Bắc giáp xã Yên Phụ và Thị Trấn Chờ.
Trục đường TL277 chạy từ thị trấn Chờ qua xã Văn Môn đến thị xã Từ Sơn, thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán.
4.1.1.2. Điều kiện địa hình
Xã Văn Môn thuộc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, với vị trí nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nên địa hình khá bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được sông Ngũ Huyện Khê chi phối, một phần đất của Văn Môn là vàn thấp ven đê.
4.1.1.3. Điều kiện khí hậu
Văn Môn là xã thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ do vậy khí hậu mang tính chất đặc thù của khí hậu đồng bằng Bắc Bộ đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết trong năm chia thành hai mùa chính và hai mùa chuyển tiếp. Mùa hè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới lục địa đã biến tính nhiều trong quá trình di chuyển song vẫn còn khá lạnh.
Nhiệt độ không khí
Nhiệt độ không khí có liên quan và ảnh hưởng đến quá trình phát tán và chuyển hóa các chất ô nhiễm khí quyển. Nhiệt độ càng cao thì tốc độ lan truyền và chuyển hóa các chất ô nhiễm trong khí quyển càng lớn, tác động của các yếu tố gây ô nhiễm môi trường khí càng mạnh. Ngoài ra, nhiệt độ còn ảnh hưởng đến quá trình phát tán và chuyển hóa chất ô nhiễm nước và chất thải rắn.
Nằm trong vùng nhiệt đới, Văn Môn quanh năm được tiếp nhận một lượng bức xạ rất dồi dào trên nên nhiệt độ cao. Nhiệt độ không khí hàng năm dao động trong khoảng từ 17,7 -30,4 0C. Nhiệt độ cao nhất thường là tháng 6 và tháng 7 có năm cao tới 37 - 38 0C (Trạm khí tượng Bắc Ninh).
Độ ẩm không khí
Độ ẩm của không khí lớn tạo điều kiện cho vi sinh vật từ mặt đất phát tán vào không khí phát triển nhanh chóng, lan truyền trong không khí và chuyển hóa các chất ô nhiễm trong không khí gây ô nhiễm môi trường. Diễn biến độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa nên trong 1 năm thường có 2 thời kỳ, một thời kỳ độ ẩm cao và một thời kỳ độ ẩm thấp.
Chịu ảnh hưởng của các hoàn lưu biển, Văn Môn có độ ẩm tương đối lớn.
Độ ẩm tương đối trung bình các tháng trong năm thường lớn hơn 77% , độ ẩm tương đối cao nhất trung bình khoảng 84 -87% (Trạm khí tượng Bắc Ninh).
Vận tốc gió, hướng gió
Gió là yếu tố khí tượng cơ bản nhất có ảnh hưởng đến sự lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí và làm xáo trộn các chất ô nhiễm trong nước. Tốc độ gió càng lớn thì chất ô nhiễm trong không khí lan tỏa càng xa nguồn ô nhiễm và nồng độ các chất ô nhiễm càng được pha loãng bởi không khí sạch. Ngược lại, khi tốc độ gió càng nhỏ hoặc khi không có gió thì chất ô nhiễm sẽ bao trùm xuống mặt đất ngay cạnh chân các nguồn thải, làm cho nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí xung quanh nguồn thải sẽ đạt giá trị lớn nhất. Hướng gió thay đổi làm cho mức độ ô nhiễm và khu vực bị ô nhiễm cũng thay đổi theo.
Tại khu vực xã Văn Môn trong năm có 2 hướng gió chính. Mùa đông có gió hướng Đông Bắc và Bắc từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mùa hè có gió Đông và gió Đông Nam từ tháng 5 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm gây lên mưa rào
Tốc độ gió trung bình trong năm: 2 - 3 m/s (Trạm khí tượng Bắc Ninh)
Lượng mưa
Mưa có tác dụng làm sạch môi trường không khí và pha loãng chất thải lỏng, lượng mưa càng lớn thì mức độ ô nhiễm càng giảm. Vì vậy vào mùa mưa, mức độ ô nhiễm thấp hơn mùa khô.
Lượng mưa trung bình của các tháng dao động từ 0,7 – 345,6mm. Tháng có
lượng nước mưa trung bình thấp nhất là tháng 11, tháng có lượng mưa trung bình lớn nhất là tháng 6 và tháng 8 (Trạm khí tượng Bắc Ninh).
Bức xạ mặt trời
Bức xạ mặt trời là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ nhiệt trong vùng, ảnh hưởng đến quá trình phát tán cũng như biến đổi các chất ô nhiễm.
Các tháng có bức xạ cao nhất là các tháng 5, 7 và 8, tháng có bức xạ thấp nhất là các tháng 1 và 2. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1530 – 1776 giờ.
4.1.1.4. Các nguồn tài nguyên Tài nguyên đất
Trên địa bàn xã Văn Môn có 2 loại đất là đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng và đất bạc màu. Đất được hình thành trên nền phù sa cổ, được khai thác hàng ngàn năm, tầng đất mặt bị rửa trôi nên đất có thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ. Nói chung độ dinh dưỡng nghèo.
Tài nguyên nước
Phía nam xã Văn Môn có hệ thống sông Ngũ Huyện Khê chạy qua với chiều dài là 2,5 km là hệ thống tưới, tiêu chủ yếu cho cả khu vực. Hệ thống kênh mương nội đồng đã được cứng hóa khoảng 3.168m, còn khoảng 7.150m kênh đất. Bên cạnh nguồn nước do sông Ngũ Huyện Khê cung cấp, xã có hệ thống thủy lợi và hệ thống ao hồ dày đặc phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn xã.
Toàn xã có 5 trạm bơm với tổng công suất khoảng 5.000m3/h làm nhiệm vụ tưới và chống hạn cho các vùng cao.
Nguồn nước ngầm của xã phân bố không đều, được khai thác chủ yếu từ hệ thống các giếng đào. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của nhân dân trong xã.
4.1.2 Điều kiện kinh tế - xã hội.
Tình hình kinh tế - xã hội xã Văn Môn được đưa ra cụ thể theo Báo cáo số 446/BC-UBND của UBND xã Văn Môn ngày 30/10/2015 về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 như sau:
4.1.2.1. Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt
Đề án phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được thực hiện. Công tác xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp – thủy sản
được quan tâm. Việc cấy các giống lúa có năng suất chất lượng cao tiếp tục được khuyến khích. Công tác lảm thủy lợi cải tạo đất, khoanh vùng chống úng chống hạn được coi trọng. Việc đưa cơ giới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm, cả xã có 27 máy cày nhỏ và 16 máy tuốt lúa liên hoàn tham gia vào các khâu sản xuất. Công tác bơm dẫn nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất hoạt động tích cực. Việc phòng trừ sâu bệnh, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột được thực hiện thường xuyên, được huyện và xã hỗ trợ tiền thuốc sinh học diệt chuột, các HTX đã tích cực diệt chuột tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Công tác bảo vệ đồng ruộng được các HTX quan tâm thực hiện tốt. Kết quả cụ thể như sau:
Tổng diện tích gieo trồng cả năm là 1029 mẫu = 370,44 ha, đạt 79,5% kế hoạch năm. Hệ số quay vòng đất là 1,65 lần. Năng suất lùa bình quân: Vụ xuân 63,9 tạ/ha = 230 kg/sào; vụ mùa 50 tạ/ha = 180 kg/sào, màu vụ đông 69,4 triệu/ha = 2,5 triệu/sào. Tổng sản lượng thóc cả năm là 2072,2 tấn, so với năm 2014 giảm 159,4 lần. Lương thực bình quân đầu người 188 kg/năm, so với năm 2014 giảm 20 kg/năm. Tổng giá trị thu nhập ngành trồng trọt là 12933,2 triệu đồng so với năm 2014 giảm 956,4 triệu đồng, chiếm 27,5% trong nông nghiệp.
Chăn nuôi
Phong trào chăn nuôi luôn được duy trì. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm được quan tâm thực hiện thường xuyên, nhất là phòng cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh. Trong năm trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra. Theo thống kê, cả xã có 03 con trâu, so với năm 2014 giảm 1 con, có 26 con bò, so với năm 2014 tăng 3 con, đàn lợn có 6230 con, tăng hơn năm 2014 là 140 con, trong đó có 425 con lợn nái và 57 hộ nuôi trên 10 con.
Đàn gà có 6700 con, so với năm 2014 tăng 200 con, trong đó có 14 hộ nuôi công nghiệp được 4500 con, đàn ngan 365 con, đàn vịt 3000 con. Tổng diện tích nuôi thả cá là 26,68 ha. Ước tính thu nhập từ chăn nuôi cả năm là 34.096,8 triệu đồng, chiếm 72,5% trong nông nghiệp.
4.1.2.2. Tiểu thủ công nghiệp - thương nghiệp dịch vụ
Đây vẫn là thế mạnh của địa phương, ngoài 5 HTX dịch vụ nông nghiệp cả xã có 65 công ty, 33 doanh nghiệp tư nhân, 1 xí nghiệp, 4 HTX cổ phần hoạt động. Nghề tái chế nhôm được duy trì ở hơn 300 hộ. Nghề làm mộc và chạm khắc mỹ nghệ hoạt động ở hơn 600 hộ. Nghề làm men, nấu rượu, gò hàn, nề, v.v.
đáp ứng tiêu dùng và xây dựng trong nhân dân. Kinh doanh phế liệu, thương mại dịch vụ hoạt động nhộn nhịp, khu chợ đông vui, hàng hóa đa dạng, phong phú, phục vụ thuận tiện sinh hoạt cho nhân dân. Ước tính thu nhập từ TTCN - TNDV cả năm là 189.470 triệu đồng so với năm 2014, tăng 16.985 triệu, chiếm 80,5%
tổng thu.
4.1.2.3. Sự nghiệp y tế - giáo dục - dân số kế hoạch hóa gia đình – Môi trường
Sự nghiệp y tế
Thường xuyên tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm thực hiện khám cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân, điều trị an toàn không xảy ra tai biến. Các chương trình y tế thực hiện tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, vệ sinh phòng dịch thường xuyên được quan tâm.
Giáo dục
Công tác giáo dục của xã đã đạt được những thành tích đáng kể: Đảng, chính quyền và nhân dân luôn chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, có các hình thức khuyến khích và tạo điều kiện cần thiết từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Số học sinh lên lớp thẳng bậc tiểu học đạt 99,5 %. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, các trường đều đạt danh hiệu tiên tiến.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ)
Mạng lưới cộng tác viên được duy trì và hoạt động đều. Đã triển khai 2 đợt chiến dịch Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình và tổ chức hội nghị về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, giới tính khi sinh. Đã vận động được 492 đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai. Kết quả: Tỷ lệ sinh là 1,39%, so với năm 2014 giảm 0,17%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1,12% so năm 2014 giảm 0,01%.
Vệ sinh môi trường
Công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm được thực hiện thường xuyên. Tổ thu gom và vận chuyển rác thải ở trung tâm xã và các thôn hoạt động chưa đều. Rác thải sinh hoạt và công nghiệp chưa được phân loại. Việc đổ rác của một bộ phận người dân còn bừa bãi, chưa đúng nơi quy định. Việc xây dựng các công trình vệ sinh được khuyến khích. Đến nay cả xã có 2.180 giếng khoan, 2.270, 2.270 hộ dùng nước sạch của trạm nước sạch, 563 bể khí biogas.