4.4 Hiện trạng công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải tại làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn
4.4.3 Công tác quản lý, thu gom và xử lý nước thải
Làng nghề tái chế nhôm Văn Môn mang tính tự phát, quy mô nhỏ và trung bình là chủ yếu… nên việc đầu tư các công nghệ cho xử lý môi trường rất ít, chỉ có 2 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ bằng dung dịch nước vôi trong (cơ sở Vạn Lợi, Hùng Sáng), còn đối với hệ thống xử lý nước thải thì chưa có. Hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa chung nhau, được chảy dọc theo các tuyến cống chính, sau đó đổ vào ao hồ, kênh mương hoàn toàn chưa qua xử lý. Ngoại trừ tuyến cống chính dọc theo làng đã được đậy kín, các tuyến cống phụ tại các ngõ xóm hầu như lộ thiên, đen đục, tắc nghẽn, gây mùi hôi thối, khó chịu cho người dân sống tại đó.
Trước tình hình đó lãnh đạo thôn Mẫn Xá đã phải phát động chiến dịch tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước cống rãnh trong làng đảm bảo sức khỏe cho nhân dân theo định kỳ 2 tháng/1lần và giao cho chi hội phụ nữ thực hiện công tác vận động tuyên truyền.
Tuy nhiên qua điều tra khảo sát cho thấy hệ thống cống rãnh nhìn chung đều xuống cấp, lượng bùn cặn khá dày. Cần sự đầu tư thường xuyên định kỳ cho công tác khơi thông và cải tạo cống rãnh. Cần có biện pháp quản lý, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Đánh giá hiện trạng công tác quản lý môi trường tại làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá – Văn Môn
a/ Ưu điểm
- Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe con người, trong những năm vừa qua UBND xã Văn Môn cùng các ban ngành đoàn thể thôn Mẫn Xá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Thường xuyên phát thanh trên loa phát thanh thôn Mẫn Xá nhằm giúp nhân dân nhận thức và thực hiện.
- Định kỳ 2 tháng/1lần chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên sẽ tổ chức khơi thông toàn bộ cống rãnh trong làng đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
- Tổ vệ sinh môi trường hoạt động đều đặn, có hiệu quả.
một số cơ sở, doanh nghiệp tái chế nhôm trong việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đảng ủy – HĐND – UBND xã đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường như:
+ Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND về việc thông qua phương án thu quỹ vệ sinh môi trường, quản lý giao thông.
+ Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND về việc thông qua quy chế bảo vệ môi trường sửa đổi.
+ Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND về việc phê chuẩn phương án thực hiện công tác VSMT năm 2015.
b/ Hạn chế
- Thiếu cán bộ có chuyên môn về môi trường.
Như đã nói ở trên, hiện nay ở xã Văn Môn chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách vấn đề môi trường kiêm xây dựng, giao thông, thủy lợi, không có bằng cấp chuyên môn. Chính vì kiêm nhiệm nhiều chức năng nên việc quản lý các cơ sở sản xuất chưa cao, hơn nữa lại thiếu các kỹ năng chuyên môn gây nhiều khó khăn cho việc bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề.
Để quản lý tốt các vấn đề môi trường đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách, có kiến thức hiểu biết về đặc điểm của môi trường khu vực, nắm được các quy luật của tự nhiên và kinh tế xã hội, từ đó có thể thấy các mối liên hệ tác động lẫn nhau giữa chúng thì mới có thể giải quyết tốt các vấn đề xung đột môi trường trong quá trình phát triển.
- Công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả.
Việc giám sát, kiểm tra các vấn đề môi trường làng nghề của cấp xã, cấp huyện gần như là không có. Chỉ khi nào có cán bộ môi trường cấp tỉnh xuống địa bàn kiểm tra thì mới thấy chính quyền địa phương tham gia cùng đoàn trên một vài cơ sở sản suất. Chính sự lơ là trong việc kiểm tra hoạt động tái chế tại làng nghề khiến cho nhà quản lý không thể chủ động phát hiện và đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường làng nghề và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
- Các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Đối với làng nghề Mẫn Xá hiện nay, người sản xuất vẫn xả thải bừa bãi
nước thải, khí thải, xỉ than, xỉ kim loại ra môi trường làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các cơ sở hầu hết không có các thủ tục về môi trường như Cam kết BVMT, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản (chỉ có công ty Vạn Lợi và Hùng Sáng có Cam kết BVMT); không có các công trình xử lý các loại chất thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa đạt được hiệu quả mong muốn vì phần lớn vẫn dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý hiện nay chưa có biện pháp cưỡng chế phù hợp đối với các cơ sở vi phạm môi trường nên nhiều trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng cơ sở không chịu nộp phạt và chính quyền địa phương cũng không có cách nào để buộc họ phải nộp phạt.
- Công tác quy hoạch làng nghề chưa thực hiện triệt để
Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá – Văn Môn với diện tích 25 ha theo chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của xã và khuyến khích các cơ sở sản xuất chuyển ra sản xuất tập trung nhưng đến nay chưa có hộ nào đăng ký. Lý do theo họ là địa điểm quy hoạch cách xa làng, không tiện cho việc sản xuất, chuyên chở. Hơn nữa, khi vào cụm công nghiệp thì phải mất một khoản đầu tư khá lớn.
Điều này có thể cho thấy công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa được chú trọng, các cơ quan chức năng chưa có các biện pháp cưỡng chế người dân.
Đánh giá ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng người dân tại làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá – Văn Môn
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với vấn đề ô nhiễm môi trường của làng nghề hiện nay là ý thức bảo vệ môi trường của chính người dân tại làng nghề đó. Bởi vì, họ là tác nhân mà cũng là nạn nhân của vấn đề ô nhiễm môi trường Đây cũng là một trong những khó khăn chung của rất nhiều làng nghề Việt Nam chứ không riêng gì Mẫn Xá. Trước hết phải kể đến là khó khăn về trình độ của người lao động, những người trực tiếp tham gia sản xuất tại địa phương. Hiện nay, các lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề chủ yếu là có trình độ trung học cơ sở, thậm chí có tiểu học, họ cũng ít tham gia các chương trình tuyên truyền về sản xuất với môi trường, bởi vậy việc xả thải bừa bãi cũng là điều không tránh khỏi. Qua kết quả phỏng vấn bằng các phiếu điều tra tại Mẫn Xá cho thấy:
- Với những hộ không sản xuất tái chế: 100% số phiếu họ nhận thấy môi trường làng nghề bị ô nhiễm, những loại bệnh tật liên quan tới đường hô hấp mà người dân gặp phải có liên quan tới hoạt động tái chế. Tuy nhiên chỉ có một số cá nhân phản đối nghề tái chế còn đa phần người dân ủng hộ để nghề tái chế phát triển, vì nhờ có tái chế kim loại mà mức sống của phần lớn người dân được cải thiện, buôn bán thuận lợi hơn hoặc ít ra họ cũng được hưởng các phúc lợi như: phát triển trường học, trạm y tế, đình chùa…do các hộ sản xuất khuyên góp, tài trợ.
- Với những hộ tái chế: Họ không muốn nói đến khía cạnh ô nhiễm hoặc cho rằng đó là tình trạng chung của cả làng, không có cách nào khác là xả thải như hiện tại, đầu tư các trang thiết bị sản xuất mới và xử lý chất thải thì tốn kém.
Họ cho rằng bị ô nhiễm môi trường còn hơn là chết đói, không có tiền tiêu.
Khi có bất cứ nhà quản lý, cán bộ môi trường, hay nhà bảo, phóng viên nào đến hỏi han về tình hình sản xuất và ô nhiễm môi trường ở Mẫn Xá thì tất cả các hộ tái chế ở đây đều tỏ thái độ không hợp tác, không muốn nói chuyện, thậm chí là đóng cửa không tiếp. Để có thể phỏng vấn các hộ và phát phiếu điều tra thu thập số liệu phục vụ đề tài luận văn của mình, học viên đã phải nhờ đến sự giúp đỡ rất nhiều của bác trưởng thôn Mẫn Xá. Như vậy cho thấy các hộ tái chế nhôm chưa thực sự quan tâm tới vấn đề môi trường tại địa phương mình.
Nhìn chung, qua các ý kiến cho thấy cộng đồng có nhận thức được thực trạng ô nhiễm, song chưa thấy hết được mức độ nguy hại của tình trạng này. Đa phần vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên hết, và biện hộ cho sự xả thải bừa bãi bằng khó khăn về kinh tế, về nguồn vốn, về thực trạng chung của toàn xã và sự giải quyết của các cấp trên. Người sản xuất đa số còn hạn chế về trình độ, họ chủ yếu là các lao động phổ thông và sản xuất theo kinh nghiệm là chính, vì thế họ thiếu một cái nhìn tổng thể đối với các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường. Trong khi nhu cầu cuộc sống lại tăng lên không ngừng, vì vậy rất khó có thể thuyết phục họ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn này mà chưa có những giải pháp cân đối giữa kinh tế, xã hội.