Quan niệm nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 25 - 32)

CHƯƠNG 1. TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI TRONG DÒNG CHẢY TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.2. Trần Thuỳ Mai - Những con đường văn xuôi không ngừng sáng tạo

1.2.3. Quan niệm nghệ thuật

1.2.3.1. Nghệ thuật là sự lao động nghiêm túc

Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo, không có sự sáng tạo đó chỉ là nghệ thuật chết. Sáng tạo, đổi mới của nhà văn là tìm ra cho mình con đường riêng, đó là điều kiện tiên quyết để góp phần làm nên thành công và chỗ đứng của một người nghệ sĩ.

Với Trần Thùy Mai, sự lao động nghiêm túc của một nhà văn chính luôn ý thức đề cao về nghề viết. “Chị không coi văn chương là một cuộc chơi là nghề tay trái, mà với chị, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của chị” [25]. Trần Thùy Mai từng quan niệm, một người cầm bút trong hàng chục năm, tất nhiên không thể lặp lại mãi một cách viết. Nhà văn luôn phải biết chán mình trước khi người đọc chán mình. Và mỗi lần mấp mé đến bờ vực chán mình là một lần cặm cụi tìm một tỉ lệ mới, từ đó ngòi bút sẽ tự hướng về một chủ đề khác, một lãnh vực khác của cuộc sống, một cách biểu lộ khác đi về cuộc đời.

Trần Thùy Mai luôn ý thức cao về thiên chức và sứ mệnh của người cầm bút, sống hết mình với nghề viết. Có thể nhận thấy ở nhà văn một sự cố gắng không ngừng

nghỉ, một tinh thần lao động nghiêm túc và chỉn chu trong công việc. Nhà văn từng quan niệm: “Nghệ thuật cũng như tình yêu, phải khó khăn, không chấp nhận sự dễ dãi”

(Khói trên sông Hương). Với Trần Thùy Mai, “viết là một nghề. Nó giống như mọi nghề khác ở chỗ phải có kĩ năng và lương tâm…Đã đành sống bằng nhuận bút nhưng cũng phải gắng công làm ra thành phẩm của mình với tất cả tâm tư. Vì thế trong cuộc đời tôi đã có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ thấy chán viết, chưa bao giờ muốn bỏ bút”. Nhà văn quan niệm: “Người viết văn bẻ từng miếng nhỏ cuộc đời mình hay cuộc đời những người chung quanh, chắp gắn hòa trộn chúng với nhau để làm thành nhân vật trong tác phẩm” [15].

Với Trần Thùy Mai, lịch sử Việt Nam rất đẹp với đủ cung bậc sắc màu của nó từ hào hùng bi tráng đến trữ tình, lãng mạn. Với nữ văn sĩ, lịch sử là sợi dây gắn kết con người với tổ quốc, quê hương, là yếu tố làm sống dậy lòng tự tôn dân tộc và bộc lộ quan điểm của mình. Trần Thùy Mai rất tâm đắc với phát biểu của Judith Geary, một tác gia tiểu thuyết lịch sử đương đại: “Sử học mở cho ta cánh cửa sổ để nhìn vào quá khứ. Tiểu thuyết lịch sử cầm tay ta dẫn vào ngay trong thế giới ấy”. Từ sự ý thức thức sâu sắc về tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, Trần Thùy Mai hiểu muốn tái hiện cuộc sống lịch sử một cách chân thực và sinh động thì phải phục dựng được linh hồn của nó qua văn hóa, chính trị và đời sống tinh thần của thời đại đó, đồng thời, phải tìm ra được sợi chỉ đỏ liên kết, mạch nối từ quá khứ đến đời sống hiện tại.

Chính vì thế, khi viết tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã nói về những khó khăn, nỗ lực cố gắng của chị rất nhiều để hoàn thành tác phẩm: “Viết tiểu thuyết đòi hỏi một cách làm việc khác hẳn, phải nuôi dưỡng cảm hứng và cả sự kiên trì” [40], nhất là “xử lí số liệu cũng không đơn giản, vì triều Nguyễn dài 143 năm, quy chế luật lệ, cách sinh hoạt thay đổi, đầu triều với cuối triều rất khác nhau. Ngay cả diện mạo kinh thành, tên gọi các cung điện cũng thay đổi qua thời gian…Người viết trong khi phóng bút theo cảm hứng, vẫn luôn phải thận trọng để khỏi sai sót trong những chi tiết nhỏ” [27].

Viết về đề tài lịch sử, Trần Thùy Mai luôn “giữ vẹn cái nhã đạm, ung dung và trung dung trong bút pháp. Nữ văn sĩ không bị thúc bách, không bị ảnh hưởng bởi khát vọng cách tân”. Nhà văn từng quan niệm: “tôi chủ ý viết theo một dạng thức truyền thống nhất, mà tôi cho là thành công nhất trong tất cả các cách viết tiểu thuyết lịch sử từ trước đến nay: kết cấu chương hồi. Tiểu thuyết lịch sử, do đặc tính của thể loại, không chấp nhận sự rườm rà, kiểu cách, bởi vì nó vốn đã ôm trong mình một khối lượng quá lớn nhân vật, sự kiện và ý nghĩa. Cũng xin nói thêm, tôi vốn không có hứng thú với những kiểu lạ hóa có tính thời trang trong văn chương” [38], bởi với Trần Thùy Mai “chọn cách diễn tả tự nhiên chân thật của con người, và muốn nói thật dung dị những câu chuyện của người Việt…sự giản dị là con đường gần nhất đi đến trái tim”.

Với quan niệm: “Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại đặc biệt, trong đó tác giả phải

dung hòa được tính hư cấu nghệ thuật (không có hư cấu thì chỉ còn là “diễn sử”) và tính xác thực lịch sử. Trong đó, những phần cần phải xác thực là những sự kiện lớn, những tập tục và quy chế đương thời” [38], ngòi bút của Trần Thùy Mai đã soi chiếu vào những sự kiện lịch sử để mổ xẻ, vào mối quan hệ của các nhân vật để dựng nên những tính cách, để làm nổi bật những đặc sắc về văn hóa và cả hồn cốt, không khí của một giai đoạn nhà Nguyễn. Với Trần Thùy Mai, lịch sử là “những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi” (Alexandre Dumas), lịch sử chỉ là quá khứ nhưng nó vẫn tiềm ẩn những thông điệp, những bài học đối với hôm nay mà đòi hỏi những người nghệ sĩ cần tìm ra những thông điệp ấy. Với lợi thế là con người xứ Huế, am hiểu và yêu thích lịch sử triều Nguyễn, đó là tiền đề thuận lợi để Trần Thùy Mai khai thác và viết tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử triều Nguyễn còn lại khá đầy đủ so với các triều đại khác, song còn khôn khan cứng nhắc. Trần Thùy Mai đã dựa vào đó để “bổ sung những khoảng trống trong chính sử bằng những huyền tích, giai thoại, và cả trí tưởng tượng của mình. Bằng cách ấy, tro xương của quá khứ được tái tạo thành da thịt, trở thành sự sống” [38].

Theo Trần Thùy Mai, chất liệu chính để làm thành tác phẩm không ngoài hai chữ Thực và Mộng. Nhà văn từng chia sẻ: “Tôi thu góp và pha trộn hai yếu tố ấy để làm nên truyện ngắn của mình. Mỗi truyện tùy tính chất của nó, sẽ có tỉ lệ Thực và Mộng khác nhau. Nhưng tựu chung là vậy, có cái Thực để bám sâu vào buồn vui của cuộc sống quanh tôi và có Mộng để làm dịu bớt cái chát chúa của cuộc đời”. Trần Thùy Mai luôn muốn viết văn theo bút pháp của hội họa, bởi ngày nhỏ chị rất thích vẽ. Nữ sĩ quan niệm: “Tranh của Renois tươi sáng gần với vẻ đẹp của tự nhiên, tranh của Van Gogh thì ngoại giới thẫm đẫm màu sắc quằn quại của tâm thức, tranh của Dali thì không có chỗ nối giữa thực tế và tưởng tượng. Cái khác nhau giữa những phong cách ấy tất nhiên không thể nói hết trong một đôi câu, nhưng có điểm này không thể không nhận thấy, đó là sự khác nhau trong tỉ lệ giữa thực và mộng”. Chính vì sự kết hợp các thủ pháp sáng tác ấy, sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, Trần Thùy Mai đã đem đến sức sống mới, diện mạo mới cho những tác phẩm của mình. Mỗi truyện ngắn của chị là mỗi bức tranh về đời sống cũng như số phận con người hiện chân thực, thẫm đẫm tình đời, tình người, như Gió ở thiên đường, Trăng nơi đáy giếng, Mưa đời sau, Người bán linh hồn… Những tác phẩm ấy luôn lấp lánh những giá trị nhân văn và hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mĩ.

1.2.3.2. Viết văn để “được tồn tại”, “được sống với ước mơ” và để “thoát khỏi sự hữu hạn của đời người”

Đối với nhà văn, dường như “sống” và “viết” là hai khái niệm bất phân, không tách rời. Với Trần Thùy Mai, viết trở thành nhu cầu và niềm đam mê mãnh liệt. Chính điều đó đã thôi thúc nhà văn không ngừng viết, hăng say, cần mẫn lao động để cho ra đời những tác phẩm giá trị. Nữ sĩ coi văn chương như máu thịt, hơi thở của mình, như một cách để yêu thương, để sống một cách tốt đẹp nhất. Chính văn chương đã mang

đến cho nhà văn một điểm tựa, nơi tìm thấy chính mình, với một tình yêu trong trẻo, nguyên vẹn. Nhà văn từng tâm sự: “Hồi còn trẻ, mình cũng thích văn chương, thích viết. Nhưng có lẽ sau 40 tuổi, mình mới biết, viết văn phải trả giá bằng sự từng trải, trả giá cả cuộc đời. Hình như, khi người ta đổ vỡ càng lớn thì càng khát khao đến với nghệ thuật, giống như đi tìm một nơi nương tựa” [15]. Về sau, những trang văn của Trần Thùy Mai càng trở nên tinh tế sâu lắng, thấm đẫm tình người, tình đời. Dẫu cuộc đời còn nhiều biến động, đổi thay, thì nhà văn vẫn khát khao được chìm đắm trong hạnh phúc được sống, được yêu và được viết. Văn chương như một phép màu nhiệm dắt ta bước qua những chông gai, thử thách của cuộc sống vốn đa chiều, phức tạp. Văn chương với Trần Thùy Mai, là “hình chiếu của tâm hồn tôi”, cũng là sợi gây gắn kết thiêng liêng giữa con người với con người. Vì vậy, đọc văn của Trần Thùy Mai, chúng ta cảm giác như đang lắng nghe tiếng lòng, tiếng nói từ trái tim của một người phụ nữ giàu cảm xúc, tình yêu thương; như đang thấy bóng dáng cuộc đời của mình trong những trang viết dung dị mà tinh tế, đời thường mà sâu sắc của nhà văn.

Trần Thùy Mai từng tâm sự: “Viết để được tồn tại trong những cảnh đời khác, được sống những gì tôi mơ ước, được nói những điều không nói giữa đời thường, là một cách thoát ra khỏi sự hữu hạn của đời người” [22]. Trong các sáng tác của nữ sĩ, người phụ nữ chiếm một vị trí đặc biệt. “Những người phụ nữ trong truyện ngắn của Thùy Mai luôn gắn với tình yêu, sống chân thật với bản ngã của mình, chấp nhận trả giá cho những gì mình lựa chọn. Mỗi tác phẩm là một số phận, là một tình huống, một cảnh đời không hề lặp lại, thể hiện cảm nhận sâu sắc về con người và cuộc đời của nhà văn” [25, tr. 96], như Quyên (Cánh cửa thứ chín), Trúc (Chị Hai ơi), Mi (Gió thiên đường), Hạnh (Trăng nơi đáy giếng), Lan (Thương nhớ hoàng lan)…Trần Thùy Mai như đang sống với chính đời sống của nhân vật, mà nhà văn thấu hiểu, cảm thương, sẻ chia cũng như nâng niu, trân trọng những khát vọng thầm kín mà mãnh liệt, bình dị mà cao đẹp ở họ. Những nhân vật ấy chọn cho mình một lối đi riêng trên con đường kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, dù cho họ có bất ổn về mặt nội tâm, có rơi vào bi kịch cô đơn, lạc lõng nhưng vẫn rất nhân hậu, vị tha và giàu đức hi sinh. Trần Thùy Mai dành cả đời mình để sáng tạo nên những hình tượng nhân vật mang cốt cách và linh hồn của mình, cũng là để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của nhà văn về cuộc đời.

Đối với Trần Thùy Mai, văn chương là đôi cánh của tâm hồn gắn kết với thế giới bên ngoài, để giãi bày, bộc lộ những khát khao, những ẩn giấu thầm kín trong lòng, thậm chí để vươn tới những thế giới không có trong đời thực. Trần Thùy Mai từng chia sẻ, khi lớn lên “điều ám ảnh tôi nhiều nhất là những giới hạn bó buộc của đời người. Tôi mới hiểu vì sao xưa nay phụ nữ Huế nhiều người viết văn. Văn chương Huế nữ thường được cho là nổi loạn, nhưng tôi nghĩ chỉ đơn giản vì các tác giả đã dùng văn chương làm đôi cánh để bay đến những cõi miền họ không được phép đến trong đời thực”. Trần Thùy Mai “vẫn lặng lẽ, sâu sắc thấm nhuần vào lòng người đọc

bởi một lối viết riêng, bởi những đóng góp về mặt đề tài, cảm hứng sáng tác, giọng điệu, ngôn ngữ,...cho nền truyện ngắn Việt Nam hiện đại” [25, tr. 32].

Văn chương đã giúp Trần Thùy Mai vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, để được sống thỏa niềm khát khao của mình. Viết văn là cách giúp nữ sĩ mở rộng tâm hồn mình để đón nhận tất cả những gì nhỏ bé, đơn sơ bình dị đến những lớn lao của thế giới với những rung động trong góc nhỏ tâm hồn, đến những câu chuyện gai góc thị phi ngoài xã hội. Với Trần Thùy Mai, viết văn là để được sống với ước mơ, với niềm khao khát mãnh liệt của mình. Niềm khao khát ấy là được yêu thương, được hạnh phúc, được sống trọn vẹn, dù hi sinh và đánh đổi bằng mọi thứ, bởi lẽ “khi người ta thực lòng yêu thương nhau, có điều gì mà không thể hi sinh” (Trăng nơi đáy giếng).

Văn chương cũng là sợi chỉ đỏ liên kết với con người, nơi tìm thấy sự đồng cảm đồng điệu trong tâm hồn, xóa bỏ nỗi cô đơn, thỏa nguyện ước mơ của mình. Với Trần Thùy Mai, đến với nghề viết mà nhà văn có được người đọc, có được bạn bè, có những người hiểu và thương mình, đồng thời, nới rộng biên giới cuộc đời, đã thoát khỏi sự cô đơn, đã được đi đến những miền khát khao, mơ tưởng. Và chính văn chương đã góp phần làm vơi đi bao bộn bề, vất vả giữa dòng chảy cuộc đời, khiến cho “cuộc sống đang khó nhọc trở nên thật nhẹ nhàng” (Gió thiên đường).

Viết văn đem đến cho Trần Thùy Mai một nguồn sống mãnh liệt, niềm hạnh phúc lớn lao để vượt qua những giai đoạn, những năm tháng đau buồn và khó khăn trong cuộc đời của mình. Với Trần Thùy Mai, văn chương cũng như cuộc sống, nhà văn luôn đề cao giá trị chân thực của nó.

1.2.3.3. Thế giới văn chương là thế giới của tình yêu

Trần Thùy Mai đến với thế giới văn chương là thế giới của sự kiếm tìm trong nghệ thuật thể hiện những cung bậc, sắc thái tình yêu của nhà văn. Vì vậy, quan niệm ấy đã chi phối rất nhiều đến sáng tác của Trần Thùy Mai. “Trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, thế giới tình yêu với nhiều trạng huống và cảm xúc đã được trình bày rất tinh tế và đa dạng” [42, tr. 19]. Thế giới tình yêu trong văn Trần Thùy Mai đa sắc diện, chân dung về thế giới nội tâm, những góc khuất trong tâm hồn, cùng với khát vọng đẹp đẽ của nhân vật hiện lên chân thực, rõ nét qua ngòi bút tinh tế và giàu xúc cảm của nhà văn.

Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng chính, là dòng chảy bất tận trong các sáng tác của Trần Thùy Mai. Nhà văn viết rất thực về tình yêu, phản ánh đa dạng, muôn sắc diện của nó. Nữ sĩ từng khẳng định: “Tình yêu là đôi cánh giúp con người vượt qua biên giới của chính mình” [57]. Nhà văn đã vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của nữ giới, dám nói lên những khát vọng thầm kín, sâu xa nhất trong con người trước những biến thiên của cuộc đời. Ngay khi miêu tả khao khát tình yêu một cách trực diện, Trần Thùy Mai luôn hướng tới những giá trị giá trị đẹp đẽ, khơi dậy khát vọng chính đáng của con người, dù tình yêu ấy có trái ngang, dù phải đánh đổi bằng nhiều thứ, họ vẫn muốn được nếm trải hương vị trong thế giới tình yêu đa sắc màu ấy.

Khi viết về tình yêu, “Trần Thùy Mai hướng đến những điều bình dị ấm áp, giàu tình yêu thương. Là phụ nữ, chị thấm thía nỗi đau, sự tổn thương và mất mát trong tình yêu. Chính vì thế, tình yêu trong truyện ngắn Trần Thùy Mai không đơn thuần là một câu chuyện lãng mạn, thấm đẫm nước mắt để “câu khách” mà đó còn là cái cớ để chị nói về cuộc sống với những con người đang ngày ngày sống, yêu và ruồng bỏ tình yêu của chính mình” [30, tr. 4]. Những câu chuyện viết về tình yêu của Trần Thùy Mai đều thấm đượm những dư vị cay đắng, xót xa, sự mong manh, ngắn ngủi của cái đẹp và hạnh phúc đời người như Thương nhớ hoàng lan, Gió thiên đường, Đêm tái sinh,Trăng nơi đáy giếng, Cánh cửa thứ 9, Thập tự hoa…Trong mỗi truyện ngắn ấy đều chứa chan giá trị nhân sinh và giá trị nhân bản sâu sắc cũng như thông điệp, triết lí về cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc mà chị gửi gắm.

Trần Thùy Mai sống hết mình với tình yêu, trân trọng, nâng niu, gìn giữ và thấu hiểu nó: “Tôi là một người luôn tin vào giá trị của tình yêu. Với tôi tình yêu là một động lực khiến con người có đủ sức mạnh vượt ra khỏi sự trói buộc của những thành trì cũ để làm cho cuộc sống mới hơn, rộng hơn và chân thật hơn” [15]. Tìm đến với đề tài tình yêu, Trần Thùy Mai đã vượt qua đường biên giới hạn về nó, xóa bỏ những lớp rào cản, những quan niệm vốn trước đây là không thể, đó là “độ chênh” về tuổi tác, địa vị, dân tộc, quốc gia… như Mưa ở Strasbourg, Chiếc phong linh, Hoa sứ trắng, Thuốc ba màu…Tình yêu đôi khi với Trần Thùy Mai đối chọi lại với sự an bài của tạo hóa, giúp con người đủ bản lĩnh để đương đầu với miệng lưỡi thế gian; để yêu và biết giá trị người yêu mình, tìm thấy niềm tin vào sự quyết định, dù “nhân loại rất đông nhưng chẳng có ai thay thế được ai”. Hơn nữa, con người mới cảm nhận được hết thảy những vẻ đẹp và sự màu nhiệm của tình yêu, “mọi cảm xúc được khơi dậy với những khả năng kì lạ, khiến cơn mưa chợt có mùi thơm và màu trời buổi chiều cũng có độ sâu như tiếng nhạc” (Mưa đời sau). Những chuyện tình trong những sáng tác của Trần Thùy Mai hiện lên rất chân thực, chân thực như những gì vốn có trong cuộc sống hàng ngày mà nhà văn chứng kiến. Thế giới tình yêu trong văn học đã giúp nữ sĩ mở rộng tâm hồn mình, đón nhận tất cả muôn mặt của cuộc sống, nắm bắt được những rung động tinh vi trong sâu thẳm tâm hồn, để chuyển tải vào trong sáng tác của mình một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng; giản dị, trong sáng mà thấm đượm tinh thần nhân văn.

Đọc truyện ngắn Trần Thùy Mai, chúng ta nhận thấy, nhà văn luôn mang đến một thế giới muôn điệu của tình yêu. Tình yêu như một món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người, và họ luôn hướng đến để vượt lên mọi nỗi đau trong cuộc đời.

Nếu không có thế giới muôn màu sắc của tình yêu thì con người thật tẻ nhạt, không có niềm vui và hạnh phúc. “Trong tình yêu hạnh phúc thật ngọt ngào mà khổ đau cũng đầy thi vị, chỉ có sự trống rỗng, chán trường của những kẻ không yêu mà thật sự là khủng khiếp” (Gió thiên đường). Với Trần Thùy Mai, “mỗi cuộc tình là một tâm sự đời tư góp nhặt lại đưa đến đáp số chung: ở bất cứ nơi chốn nào nếu không có sự chân thành, không có tình yêu, ở đó tồn tại khổ đau, bất hạnh” [42, tr. 60].

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)