CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI
3.3. Kiến tạo không – thời gian nghệ thuật
3.3.3. Tô đậm sắc màu văn hóa Huế
Sự thành công của Từ Dụ thái hậu không chỉ thành công khi khai thác mảng không – thời gian nghệ thuật đậm chất đời tư mà còn là bức tranh đậm sắc thái văn hóa cung đình Huế. Không – thời gian văn hóa cung đình Huế gắn với những lễ nghi hoàng gia vương triều Nguyễn được Trần Thùy Mai tạo dựng với những nét đặc trưng nhất mang đậm bản sắc văn hóa Huế, được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng phong phú gắn liền với cuộc sống con người: lễ nghi, trang phục, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực…có mặt trong những sự kiện trọng đại của nhà Nguyễn.
Những chuỗi sự kiện được sắp xếp theo diễn tiến thời gian, đan xen những khoảng không gian trong đời sống cung đình. Những vấn đề của lịch sử, những con người lịch sử vì thế hiện lên chân thực và rõ nét hơn. Tài năng của Trần Thùy Mai là sự tổ chức và lắp ghép các chuỗi sự kiện một cách khéo léo, dịch chuyển linh hoạt theo trình tự logic của không – thời gian văn hóa mang đậm sắc thái cung đình Huế xưa.
Những quy tắc, điển lệ vốn khuôn phép và biểu tượng cho uy quyền, danh vọng của vương triều Nguyễn được Trần Thùy Mai mô tả đậm nét qua những lễ nghi lớn được tổ chức bề thế, sang trọng, phù hợp với quy định, tính chất của những sự kiện trọng đại ảnh hưởng lớn lao đến đời sống chính trị - xã hội nhà Nguyễn lúc bấy giờ như lễ Tấn phong Hoàng quý phi, Lễ nạp phi, Lễ tế Nam giao…đã đem đến cái nhìn đa diện về lịch sử, văn hóa kinh thành Phú Xuân xưa.
Lễ nạp phi là nghi lễ quan trọng đối với hoàng gia nhà Nguyễn, đánh dấu sự kiện Phạm Thị Hằng chính thức thành phi tử của Nguyễn Phúc Miên Tông. Lễ nạp phi là lễ lớn với hoàng triều nên tất cả mọi người phải chuẩn bị cẩn thận, chua đáo, tỉ mỉ, đảm bảo tính trang trọng trang nghiêm và đúng theo điển lệ. Không – thời gian thời gian được Trần Thùy Mai mô tả theo trình tự, từng địa điểm. Trong cung điện Từ Thọ là không khí tưng bừng, náo nhiệt, vui tươi, hồ hở; trước sân điện Phụng Tiên làm lễ rước dâu, “đám múa lân đang rộn ràng biểu diễn màn “Lân mẫu xuất lân nhi” [32, tr.
307]; không gian nơi phủ Thượng thư, trước bàn thờ ông bà và mẹ, Hằng “một mình bái gia tiên để ra đi” [32, tr. 308]. Trong khung cảnh vui tươi và trang nghiêm của Lễ nạp phi, sắc màu văn hóa cung đình hiện rõ trang phục, thái hậu Trần Thị Đang “khoác áo thêu phụng”, Miên Tông “mặc áo bào màu đỏ thắm thêu rồng bốn móng” với niềm vui hân hoan, và thành phần tham dự đầy đủ các vương phi, chánh sứ, phó sứ...tiến hành nghi thức rước dâu và lễ bái đường trong khung cảnh trang nghiêm, uy nghi và thành kính tại “điện Phụng Tiên, dưới sự chứng kiến của thái hậu” [32, tr. 309].
Trong nghi lễ hoàng gia triều Nguyễn có tính chất trọng đại, được Trần Thùy Mai tập trung mô tả theo không – thời gian từ bên ngoài vào bên trong, như Lễ tấn phong Hoàng quý phi cho Phạm Thị Hằng. Không gian bên ngoài điện Phụng tiên với cảnh tượng hoàng tráng, nhộn nhịp, hồ hở của “ từng đoàn cung nữ lũ lượt kéo nhau đến” với âm thanh rộn rã của tiếng kèn trống tưng bừng khẩn trương của “đội nhã nhạc đi đến từ phía Đại cung môn” và hình ảnh đông vui của “các quan đại thần, các mệnh phụ phu nhân cũng rậm rịch tề tựu” [33, tr. 360]. Từ khung cảnh bên ngoài, nhà văn soi chiếu vào bên trong điện, đó là một không gian trang trọng, bề thề, uy nghiêm,
“Thành phi khoác áo phụng bước lên bệ. Vua Thiệu Trị bước xuống bưng mũ phượng đặt lên đầu Thành phi…Nhạc tấu vang lên. Một đoàn cung nữ múa điệu Bát Dật”. Các phi tần công chúa đứng chung quanh ai nấy đều hớn hở vui mừng” [33, tr. 361].
Trong hai lễ lớn của hoàng triều nhà Nguyễn kể trên, lễ nghi cung đình bên cạnh sắc phục, thành phần để đảm bảo tính tôn nghiêm, trang trọng theo điển lễ quy định, một yếu tố không thể thiếu trong những sự kiện quan trọng trong các lễ nghi của hoàng gia nhà Nguyễn, đó là âm nhạc – nhã nhạc cung đình Huế, như Lân mẫu xuất lân nghi, múa Bát Dật… Là loại hình âm nhạc cung đình, nên nhã nhạc thường có lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái, biểu tượng cho quyền vương về sự vững bền, hưng thịnh của triều đại. Nếu múa Lân mẫu xuất lân nghi là vũ khúc được xây dựng trên điệu múa “Tứ linh” thường phục vụ trong các dịp khánh hỉ, với mục đích ca ngợi niềm vui, hạnh phúc và sự sinh sôi, phát triển và trường tồn, thì điệu múa Bát Dật là một hình thức quy mô rực rỡ và hoành tráng, trong một không gian linh thiêng, trang trọng nhằm ca ngợi sự hưng thịnh, quốc thái dân an của vương triều Nguyễn, hướng người dự lễ theo sự uy nghiêm, thành kính và tập trung cao độ của xúc con người vào điệu múa. Hay Tam luân cửu chuyển thuộc đại nhạc lễ, dùng trong Lễ đăng quang của vua, thường được tấu lên để mời thần linh quy tụ chứng giám cho buổi lễ. Yếu tố âm nhạc góp phần tạo nên bức tranh tổng thể đa dạng về sắc màu văn hóa Huế trong Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai.
Không chỉ là không – thời gian gắn liền với những sự kiện trọng đại đối với chính sự, mà còn nơi chốn hậu cung lấp lánh một sắc màu của văn hóa cung đình Huế, như Yến tiệc Đoan Ngọ vào ngày mùng năm tháng năm, tổ chức tại “vườn hoa nhà thủy tạ” để thái hậu Trần Thị Đang dành riêng đãi các cháu gái, cháu dâu; lễ Thôi nôi
cho hoàng tôn Hồng Bảo, lễ Ngũ đại đồng đường, đều tổ chứ trong cung Từ Thọ trước sự chứng kiến của Minh Mạng…
Ở Từ Dụ thái hậu, tái hiện về giai đoạn lịch sử nhưng thấm đẫm sắc màu văn hóa cung đình triều Nguyễn. Cái “lõi” văn hóa không chỉ được nhà văn miêu tả ở chiều sâu mà còn cả ở bề rộng, không chỉ không – thời gian bên trong mà còn ở bên ngoài, qua đó, tái hiện chân thực muôn mặt của cuộc sống chốn vương triều. Kiến trúc cung đình biểu tượng cho uy thế, tôn nghiêm cũng như tín ngưỡng tâm tinh uy quyền của bậc thiên tử
Công trình Cửu đỉnh đã được Minh Mạng cho xây dựng, lắp đặt, sắp xếp “với một dãy chín chiếc đỉnh đồng cao lớn đặt thành hàng thẳng tắp trong sân Thế Miếu”
[33, tr. 33]. Kiến trúc mang vẻ đẹp huy hoàng, tráng lệ trong hoàng cung với những hình “sông núi, cây cỏ, cầm thú của tất cả các tỉnh thành nước ta” và mang tính chất biểu tượng cho danh thế, cho hình ảnh non sông gấm vóc liền một dải, quy tụ dưới uy vũ của hoàng triều. Vì vậy, Minh Mạng dẫn Đăng Quế đi thưởng lãm Cửu đỉnh và tòa nhà Hiển Lâm “có ba lớp ngói lưu ly” ngay sau khi lập đại công, là cách nhà vua “vinh danh các công thần trước đây đã giúp nhà Nguyễn ta dựng nghiệp” và khích lệ Đăng Quế “bắt chước các bề tôi đời trước, lập nên công nghiệp lẫy lừng như vậy” [33, tr.
34]. Đặc biệt, những trang viết của Trần Thùy Mai miêu tả cảnh Lễ Tế Nam Giao mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh và văn hóa Huế. Tế Nam Giao là một trong tứ đại lễ của vương triều Nguyễn, được tổ chức hàng năm vào tháng ba, nhằm tạ ơn trời đất của đế vương, cầu cho nước thái dân an. Cách miêu tả của nhà văn theo điểm nhìn từ xa cho tới gần, từ ngoài vào trong để tạo dựng một không gian vừa rộng lớn, hùng vĩ, vừa uy nghi, trang nghiêm: “Đầu giờ Mão, trời vừa rạng, đạo Ngự bắt đầu khởi hành. Quan lính, voi, ngựa, cờ xí, xe kiệu kéo dài hơn chục trượng, từ cổng Ngọ Môn đi dần lên bến thuyền trước Phu Văn Lâu. Trong các khu vườn hai bên đường, các bô lão bày hương án, quỳ sụp bái vọng khi xe vua đi qua” [33, tr. 154]. Bên trong đàn tế là kiến trúc hài hòa, cân đối và trang trọng “gồm ba tầng: Thiên, địa, nhân. Trai cung được xây trên mặt bằng của nhân đàn, là một tòa cung điện nhỏ, bên trong bài trí đơn giản nhưng rất uy nghiêm” [33, tr. 156]. Như vậy, kiến trúc cung đình vừa biểu tượng cho uy thế, tôn nghiêm cũng như tín ngưỡng tâm tinh uy quyền của bậc thiên tử, vừa là dấu ấn văn hóa đậm nét của Huế qua từng thời kì lịch sử. Như vậy, dấu ấn văn hóa cung đình trở thành đặc điểm nổi trội, đem đến sắc diện mới cho Từ Dụ thái hậu.
Bằng việc đan kết những mảng không - thời gian trên trong Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã phác dựng nên bức tranh toàn cảnh về văn hóa, lịch sử, đời sống con người trong những thời điểm đầy biến động, thăng trầm, giữa những cuộc đấu tranh giành quyền lực đẫm máu nơi vương triều Nguyễn, tuy vậy, cuộc sống vẫn diễn ra với những gì bình dị, thân thuộc nhất, với bao cung bậc cảm xúc, nỗi ưu tư trước thế thái nhân tình.