CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.2. Tiểu thuyết hóa nhân vật lịch sử
Sau 1986, các nhà tiểu thuyết lịch sử đương đại không còn có theo xu hướng lí tưởng hóa, thần thánh hóa nhân vật lịch sử mà chú trọng đến việc đời thường hóa nhân vật lịch sử, nhìn nhận họ từ nhiều phương diện, nhiều tọa độ. Các nhà văn thậm chí còn có xu hướng giải thiêng lịch sử, hạ bệ thần tượng để đối thoại với lịch sử, luận giải lịch sử ở những tầng vỉa sâu của nó để đưa ra cách nhìn nhận mới. Nhân vật lịch sử, vì thế, hiện lên trong các tiểu thuyết lịch sử chân xác với những mảng khuất lấp trong tâm tư, tình cảm họ.
Với quan niệm xem lịch sử là phương tiện để thể hiện tính sáng tạo, quan điểm của nhà văn về con người lịch sử, cũng như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Quốc Hải, trong Từ Dụ Thái hậu, Trần Thùy Mai không chỉ khai thác nhân vật ở phương diện các bậc quân vương chí tôn, các phi tần, mỹ nữ mà còn soi chiếu ở họ góc độ cá nhân – con người đời thường.
Trong Từ Dụ thái hậu, vua Gia Long không chỉ là người đặt nền móng và mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn mà còn là người đàn ông bản năng. Ông lấy Tam phi Lê Thị Ngọc Bình, vợ của kẻ thù không đội trời chung với mình để thỏa mãn ham muốn đến mức đớn hén của mình. Nhà vua có “cảm giác hứng thú vô bờ bến” [32, tr. 59]
mỗi khi làm nàng đau khổ, vuốt ve âu yếm như một cách trả thù, một cách trút hết uất hận lên người nhà Tây Sơn. Ông xem người phụ nữ xuân sắc ấy như một “ngôi mộ sống” để chà đạp, đày đọa nàng cả về thể xác lẫn tinh thần. Còn ở Minh Mạng là sự đan xen giữa cái uy nghi, cao cả của bậc vĩ nhân với cái nhỏ nhen, ích kỉ của một con
người tầm thường. Ông ghen ghét, đố kị với Tả quân Lê Văn Duyệt, bậc đại thần có công lớn với tiên triều, triệt tiêu những kẻ chống đối, kể cả anh em hoàng gia quốc thích (mẹ con nhà Tống Thị Quyên). Trong sự khám phá của Trần Thùy Mai, Minh Mạng lạnh lùng, nghiệt ngã, tàn nhẫn trên chính trường bao nhiêu thì trước tấm chân tình của con người, ông lại tỏ ra dịu dàng, trắc ẩn bấy nhiêu. Ông động lòng trước tấm chân tình của Miên Tông, trước số phận đau thương của Đăng Hưng, say đắm trước tài sắc và cá tính của Quý nhân Nguyễn Thị Bảo. Đặc biệt, Minh Mạng còn dám nhận lỗi và sửa sai bởi chút nữa “đã vô tình phạm vào thiên đạo” [33, tr. 168] khi định xử tử ngay con ruột của mình (Bạch Hào Tử). Sau ánh sáng của hào quang thiên tử, sau ngai vàng lộng lẫy quyền uy, ở góc khuất tâm hồn những đấng quân vương, là những khoảnh khắc rất đời thường. Khai thác nhân vật qua góc nhìn đời thường, Trần Thùy Mai đã phát hiện soi chiếu nhân vật từ cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” (Nguyễn Minh Châu) trong con người họ. Điều này đã đem đến cho các nhân vật trong Từ Dụ thái hậu những gương mặt sống động, chân thực.
Trong Từ Dụ thái hậu Trần Thùy Mai còn chú ý đến những bậc đại thần trung nghĩa. Nhà văn nhìn thấy Thượng thư Trương Đăng Quế chính trực, mạnh mẽ, quyết đoán có giây phút yếu lòng trước Từ Dụ thái hậu. Những giây phút “cố ghi vào trí nhớ hình ảnh long lanh” [33, tr. 461] của Từ Dụ thái hậu trước lần bái biệt là lúc Trương Đăng Quế được sống thật lòng mình, được trải lòng mình, bộc lộ những tâm tư thầm kín đã kìm nén, che giấu bấy lâu nay. Còn trong tâm hồn Phạm Đăng Hưng thì đầy ắp sự giằng xé, dằn vặt với bao suy tư, phiền muộn giữa khát vọng, ý thức trách nhiệm của một kẻ sĩ (quan Ngự sử) với sự độc đoán, hà khắc của đấng tối cao (vua Minh Mạng), giữa trách nhiệm, tình thương yêu vợ con và khát khao được yêu thương, được chăm sóc bởi bàn tay của Hạnh Thảo. Trong sự nhìn nhận của Trần Thùy Mai, Phạm Đăng Hưng không chỉ là một kẻ sĩ chân chính, một vị quan thanh liêm, ngay thẳng chốn quan triều mà còn là một con người có đời sống nội tâm phong phú. Viết về họ, Trần Thùy Mai đã bằng cái nhìn mới, đặt lịch sử trong vô vàn những mối quan hệ đời thường để kéo nhân vật trở về với kích cỡ của một con người bình thường với bao điều bí ẩn trong thế giới tâm hồn họ.
Một điểm đặc biệt trong Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã từ góc nhìn riêng của nữ giới để khám phá thế giới của những bà hoàng phi tần trong vương triều Nguyễn, bằng “một thế giới đời thường, rất gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt của những người đàn bà: mâm cơm, bát rượu, chén bánh, mang thai, sinh nở, nuôi dạy con cái, ái tình…” [65].
Từ một góc nhìn khác về nhân vật so với chính sử, Trần Thùy Mai đã tiếp cận khám phá một Nhị phi khát khao, đam mê quyền lực và nhỏ nhen, ích kỉ. Bà đố kị với sắc đẹp, sự được sủng ái của các phi tần (Tam phi Ngọc Bình, Tiệp dư Ngô Thị Chính…), sẵn sàng vì một món ăn mà chà đạp, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác; lợi dụng Cam Lộ để chia rẽ hạnh phúc của Hằng và Miên Tông; xem con
cháu yêu quý như những con bài chính trị để trả thù những mối hận riêng tư, hay để sắp đặt, chi phối, lũng đoạn triều chính…Sự ham muốn uy quyền, danh vọng đã khiến Nhị phi đánh mất đi tất cả vẻ đẹp nữ tính và những khát vọng chân chính về tình yêu và hạnh phúc đời thường của một người phụ nữ. Vì thế, càng lên tới đỉnh cao của quyền lực, Nhị phi càng trở nên trống trải, cô đơn, hạnh phúc tình yêu thương chỉ như cơn gió thoảng qua.
Đối với Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai không nhằm tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa hay thần thánh hóa nhân vật lịch sử mà đặt nhân vật vào vòng xoáy của cuộc sống thường nhật chốn hoàng cung, trong những mối quan hệ để có thể đem đến một cái nhìn mới về nhân vật. Với tác giả, Từ Dụ thái hậu không chỉ là một bà hoàng cao quý mà còn là một người vợ thủy chung, luôn san sẻ mọi nỗi niềm với chồng; một người con hiếu thảo, giàu tình thương yêu với cha mẹ; một người mẹ đau đớn khôn nguôi trước sự ra đi của những người con; là người bạn tri kỉ với Hạnh Thảo, Nguyễn Thị Bảo…Trong Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai còn khám phá những cảm xúc rất riêng trong chiều sâu đời sống nội tâm nhân vật còn đầy ắp những nỗi hờn giận, trách móc, đau khổ, bế tắc đến tuyệt vọng khi Miên Tông phản bội trong tình yêu. Trong bà còn là những giây phút rung động, bồi hồi “đôi mắt còn rơm rớm ướt” [33, tr. 461] trước những lời bộc bạch, giãi bày tâm tư, tình cảm của Trương Đăng Quế. Trần Thùy Mai hé mở những góc khuất trong thế giới tinh thần của Từ Dụ thái hậu, khiến thế giới bản thể con người được soi ngắm một cách sâu sắc, mới mẻ. Trong Từ Dụ thái hậu, từ góc nhìn đời tư – thế sự, người đọc nhận thấy rõ nét chất đời thường của bậc quốc mẫu dù đang ở đỉnh cao.
Nhờ vào những sự việc, chi tiết hư cấu mà Trần Thùy Mai có thể khỏa lấp những chỗ trống, chỗ còn hoài nghi trong chính sử. Mặt khác, nhà văn cũng đem đến cái nhìn đa diện về con người, khiến cho người đọc không chỉ được sống với quá khứ mà còn đối thoại với những nhân vật lịch sử ấy. Việc đời thường hóa nhân vật lịch sử là cách Trần Thùy Mai thể hiện tinh thần dân chủ, cái nhìn bình đẳng về hiện thực lịch sử và bản chất con người trong quá khứ. Che đi ánh sáng hào quang của nhân vật không có nghĩa là nhà văn nói chệch sự thật lịch sự mà nhằm đưa nhân vật trở về với bản ngã vốn có của họ, khiến nhân vật trở nên chân thật, gần gũi với cuộc sống trần thế hơn.
Bằng cách này, nhà văn cũng gửi gắm tình cảm sâu kín và cả những tư tưởng triết lí nhân sinh, giúp người đọc gia tăng sự biểu biết về một thời kì lịch sử đã qua và tìm ra cho mình cách sống, cách suy nghĩ và nhận thức về cuộc sống.
Để có thể “tiểu thuyết hóa” nhân vật, Trần Thùy Mai còn rất ý thức sử dụng kĩ thuật dòng ý thức. Kĩ thuật dòng ý thức là một trong những kĩ thuật tự sự của văn học phương Tây hiện đại đã được nhiều nhà văn Việt Nam tìm tòi, khai thác, xem nó như một phương tiện để đi sâu vào địa hạt tinh thần của con người. Đặc điểm nổi bật của kĩ thuật dòng ý thức là “rất coi trọng ý thức và những phản ánh tâm lí của nhân vật. Sự kiện và chi tiết do vậy chỉ thực sự có ý nghĩa khi được lọc qua “trung tâm ý thức” của
nhân vật. Những hình ảnh hiện thực mà nó phản ánh cũng không phải là “hiện thực của hiện thực” mà hiện thực của nội tâm, tâm linh gắn với tâm trạng nhân vật” [26].
Trong tiểu thuyết hiện đại, các nhà văn thường sử dụng thủ pháp dòng ý thức như một kĩ thuật đắc dụng để đi sâu vào tâm tư, tình cảm nhân vật.
Cũng như các nhà tiểu thuyết hiện đại khác, trong Từ Dụ thái hậu Trần Thùy Mai cũng sử dụng kĩ thuật dòng ý thức để khai thác đời sống nội tâm, bí ẩn của con người.
Có thể thấy, trong Từ Dụ thái hậu, đầy ắp những hồi ức triền miên và những suy tư bất định, thời gian, không gian thường bị xáo trộn theo dòng tâm tưởng của nhân vật khi chìm đắm trong ý thức để trở về với kỉ niệm của thời đã qua. Thời gian của quá khứ và hiện tại hòa vào với nhau tạo nên một dòng ý thức bàng bạc trong tâm trạng con người. Bằng những suy tư, trăn trở kiếm tìm quá khứ, Trần Thùy Mai để các nhân vật được thoát khỏi hiện thực đời sống đầy rầy mưu mô, tính toán. Trong đời sống tâm tưởng của hoàng hậu Tống Thị Lan, in hằn những hoài niệm về người con trai yêu quý đã mất – Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, về gia đình, về những năm tháng thăng trầm cùng Gia Long phiêu bạt ở phương Nam “những ngày long đong mà vô cùng hạnh phúc ấy” [32, tr. 16] và những phút giây hiếm hoi được ăn bữa cơm bên chồng. Kí ức về người con trai hiện về trong sự im lặng, cõi thực và cõi mơ như mờ nhòe trong phút giây sắp lìa xa cõi trần của hoàng hậu đã soi tỏ phần thẳm sâu tâm hồn vị hoàng hậu đáng thương, tội nghiệp.
Kĩ thuật dòng ý thức thông qua những kí ức với những liên tưởng, hồi ức xưa cũ đã phá vỡ trật tự tuyến tính của sự kiện, cốt truyện. Trong những ngày vinh hiển đại định, trước lời khơi gợi của Nhị phi Trần Thị Đang, những kí ức xa xưa, những hình ảnh cũ mập mờ về những ngày đen tối nhất về thời khắc đầy đau thương mất mát trong cuộc đời bà hoàng tội nghiệp đã hiện lên trong tâm trí vua Gia Long Những mảng kí ức đan xen giữa thực tại và quá khứ khiến tâm hồn hoàng đế trầm lắng, xót thương, ăn năn, day dứt, “bao giờ cũng thế, khi người thân mất rồi, người ta mới nhận ra và ận hận: Sao mình đã sống vô tâm như thế” [32, tr. 65]. Thế giới tâm hồn, tình cảm vì thế được soi rọi, khám phá, lí giải. Trong dòng kí ức của công chúa Ngọc Tú, em gái của Gia Long cũng vậy. Những hồi ức về hạnh phúc hiện lên cùng nỗi ám ảnh về khoảnh khắc đau thương phò mã Điến đã quên thân cứu Chúa trước sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn. Kí ức ấy càng bộc lộ vẻ đẹp trung trinh tiết liệt của công chúa Ngọc Tú.
Kí ức của quá khứ gần với kí ức thực tại thoáng qua còn được Trần Thùy Mai đan xen khiến biên độ kí ức của nhân vật có khi được thu hẹp, rút ngắn lại. Đây là cách hữu hiệu để lột tả nỗi đau đớn, bi kịch tâm hồn con người. Có thể thấy rõ sự chấn thương, khủng hoảng tâm lí của Tam phi Ngọc Bình khi nhớ lại câu chuyện bánh ít lá gai mà Nhị phi đã “cho tình địch trẻ tuổi một đòn tối tăm mặt mũi” [32, tr. 26]. “Hôm qua, trước mắt mọi người thì nàng là người đàn bà diễm phúc nhất, là phi tần được sủng ái nhất” [32, tr. 19], nhưng ngay hôm nay, bây giờ đây nàng lại đang cảm nhận được sự hổ nhục, xót xa, “mới dám khóc, khóc tức tưởi, tủi hờn”. Những vết thương
tinh thần của con người hiện lên rõ nét hơn qua cách thu hẹp biên độ kí ức một cách linh hoạt, uyển chuyển của nhà văn. Trong tâm hồn của Tam phi Ngọc Bình, nỗi ám ảnh về quá khứ, về hình ảnh người chồng Quang Toản cứ như vết sẹo vô hình luôn thường trực. Trong viện Tần Trang, giữa giây phút ân ái với hoàng đế Gia Long nàng vẫn “thấy vua Tây Sơn Quang Toản hiện ra, người đầm đìa máu” [32, tr. 59]. Nỗi đau thương khắc sâu trong tâm hồn nàng, như vậy, đã được nhà văn khám phá, lý giải.
Thủ pháp dòng ý thức đã trở thành phương tiện hữu hiệu để Trần Thùy Mai có thể đi sâu vào thế giới tâm linh của con người một cách sáng tạo, độc đáo. Bằng chứng là nhà văn đã sử dụng hồi ức, hoài niệm, những dòng suy tưởng, giấc mơ của nhân vật để khám phá những sâu kín của tâm hồn con người và dự báo trước những tai biến sắp xảy ra. Hình ảnh của Tả quân Lê Văn Duyệt trong giấc mơ của Phạm Đăng Hưng gợi nhắc ông câu chuyện “người đời sẽ còn tốn nhiều giấy mực nữa, mà đời đời sẽ không nói hết” [33, tr. 31] về Mỹ Đường và Tống Thị Quyên. Giấc mơ ấy khiến ông linh cảm về đại họa: “- Chẳng bao lâu nữa, cả nhà họ Lê ta sẽ gặp nạn lớn”. Đăng Hưng dù đang trọng bệnh rất gần ranh giới của sinh tử nhưng vì ân tình và sự ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Tả quân, coi ông như một người tri kỉ, vì vậy ông không thể làm ngơ trước đại họa diệt vong họ Lê. Thu hẹp biên độ kí ức của nhân vật, Trần Thùy Mai đã làm nổi bật sự ân tình nghĩa hiệp của Đăng Hưng. Lời nhắn nhủ của hồn Tả quân:
“Cứu được dòng dõi nhà ta, chỉ có ông mà thôi. Vậy nếu còn nghĩ tình ta, xin ông hết sức cố gắng” [33, tr. 32] đã trở thành sự thôi thúc hành động của con người trượng phu, đại nghĩa Đăng Hưng. Các giấc mơ trong Từ Dụ thái hậu là cách nhà văn dẫn dắt, tạo độ giãn cho câu chuyện, nhằm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Thông qua chúng, nhà văn có thể hé mở những ẩn khuất, tâm tư thầm kín trong đời sống nội tâm của nhân vật, giải quyết các vấn đề cuộc sống, những vấn đề lịch sử.
Trần Thùy Mai cũng sử dụng thủ pháp dòng ý thức để có thể chiêm nghiệm, nhìn nhận số phận con người trong vòng quay nghiệt ngã của bánh xe lịch sử đã xô đẩy họ trong cuộc tranh giành quyền lực. Sự éo le của cuộc đời đã đẩy Hạnh Thảo về với nhà Nguyễn. Nỗi ám ảnh và sợ hãi của Hạnh Thảo, người nô tì tài giỏi, nhưng cuộc đời thăng trầm được nhìn nhận như hệ quả của sự xô đẩy trớ trêu mà cuộc đời dành cho nàng. Từng làm nô tì cho hoàng hậu, từng chứng kiến bao tranh giành quyền lực nơi chính trường, hậu cung và những âm mưu hiểm độc của lòng người, Hạnh Thảo nhận ra sinh mệnh con người như ván cờ sinh tử, đi lạc nước thì mang họa sát thân, muốn được sống yên ổn cũng không thể. Ý thức về gốc gác nhà Tây Sơn cùng mặc cảm thân phận nên trong tâm hồn Hạnh Thảo luôn có sự đấu tranh ghê gớm. Nàng phải gác lại khát vọng được sống đúng với mình để cầu bình yên và tạo những điều tốt đẹp nhất cho Phạm Đăng Hưng: “Thôi đừng tiếc, mình có ra đi, cả nhà Phạm thượng thư mới được bình yên…” [32, tr. 173].
Tóm lại, Trần Thùy Mai đã rất ý thức làm tăng thêm chất đời thường cho nhân vật lịch sử cùng việc sử dụng kĩ thuật dòng ý thức. Việc tiểu thuyết hóa nhân vật giúp