Nghệ thuật kết cấu

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 62 - 68)

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI

3.1. Nghệ thuật kết cấu

3.1.1. Linh hoạt điểm nhìn trần thuật

Nếu trước năm 1986, kết cấu tự sự trong tiểu thuyết lịch sử chủ yếu là điểm nhìn

“toàn tri” – cái nhìn mang tính chất cộng đồng thì sau năm 1986, đặc biệt là đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết lịch sử có sự dịch chuyển trong điểm nhìn trần thuật. Cái nhìn “toàn tri” dần vắng bóng, nhường chỗ cho sự đa dạng hóa, cá thể hóa điểm nhìn trần thuật.

Chính sự thay đổi này tạo nên cái nhìn chiều sâu cho tác phẩm văn học, vừa tạo độ tin cậy về hiện thực lịch sử, vừa có khả năng đối thoại với hiện tại.

Bằng sự thay đổi điểm nhìn trần thuật, các nhà văn có điều kiện khám phá mọi ngóc ngách của đời sống, những ẩn khúc bên trong tâm hồn con người trong những hoàn cảnh và bối cảnh cụ thể, chiều sâu bản thể con người. Biên độ phản ảnh và “tầm đón nhận” của độc giả được mở rộng khiến cho sự kiện lịch sử, con người lịch sử hiện lên chân xác, cụ thể, phản ánh rõ đặc điểm tính cách, đời sống nội tâm, những góc khuất, mảng tối vốn bị phủ bởi ánh hào quang của lịch sử, đồng thời, mở rộng xu hướng chiêm nghiệm, luận giải mang tính chất đối thoại về lịch sử.

Trong Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã có nhiều sáng tạo trong kết cấu tự sự, trong đó, đầu tiên là sự linh hoạt điểm nhìn trần thuật.

Có thể thấy rất rõ là trong Từ Dụ thái hậu, người kể chuyện thường ẩn đi, chỉ

“tựa vào điểm nhìn nhân vật để kể” (Trần Đình Sử) giúp người đọc như đang hiện diện ngay trong bối cảnh ấy, chứng kiến, lắng nghe các sự việc, sự kiện đang xảy ra. Điều này tạo nên cái nhìn khách quan, nhiều chiều khiến những cuộc đối thoại, tự thoại hiện lên chân xác. Người đọc có cảm giác đang được chứng kiến nó... Người kể chuyện tựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể, để làm sáng tỏ, lai lịch xuất thân của họ, giúp người đọc hiểu được số phận nghiệt ngã, nỗi cô đơn, tủi phận – thấu hiểu đời sống tâm tư, tình cảm của nhân vật lịch sử qua sự phản chiếu của lịch sử. Có thể thấy rõ điều đó qua các câu chuyện của Hoàng hậu Tống Thị Lan và Nhị phi Trần Thị Đang trong Chương 4 - Nhị phi và Tả quân); Hạnh Thảo trong Chương 31- Lai lịch của Hạnh Thảo…Điều này cũng giúp gỡ giải mắt xích quan trọng, giải quyết sáng tỏ những mâu thuẫn, sự đối kháng và nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột giữa hệ thống các nhân vật.

Trần Thùy Mai đã lựa chọn điểm nhìn trần thuật trong sự tương quan với cuộc đời Phạm Thị Hằng. Lựa chọn Phạm Thị Hằng – nhân vật chính, làm tiêu cự điểm nhìn trần thuật. Với điểm nhìn này, tuy phạm vi bối cảnh không gian thu hẹp nhưng lại có thể làm sáng tỏ chân thực những mảng tối – sáng, thiện – ác trong cuộc sống hậu cung, đồng thời tạo ra cái nhìn đa diện, nhiều chiều về đời sống con người. Nghĩa là

“điểm nhìn này dễ đem lại ấn tượng về một góc quan sát hẹp, về cách cảm nhận có thể đượm màu sắc cảm tính của giới!” [62]. Nhưng việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật trong mối tương quan với cuộc đời nhân vật Phạm Thị Hằng, đã giúp người đọc nhận ra được tính cách, bản chất của nhân vật thông qua những chi tiết, sự việc.

Trong Từ Dụ thái hậu, điểm nhìn trần thuật thường có sự đan xen, dịch chuyển.

Nhiều nhân vật trong câu chuyện lịch sử, luân phiên đóng vai trò người kể chuyện, với cách bày tỏ riêng về hiện thực cuộc sống. Nhiều điểm nhìn cùng tồn tại, chồng chéo, đan móc vào nhau để mở ra những phát hiện, khám phá mới mẻ cho người đọc về đối tượng, về những vấn đề lịch sử được nói tới, đồng thời, tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Số phận đáng thương, tội nghiệp của Tam phi Ngọc Bình được soi chiếu bởi cái nhìn nhân hậu, bao dung của hoàng hậu Tống Thị Lan đối với thân phận phi tần trong cung cấm, bởi cái nhìn đồng cảm, xót thương của nô tì Hạnh Thảo cho người cùng giới, bởi cái nhìn sâu sắc, tinh tường của Phạm Đăng Hưng với nạn nhân của khát vọng quyền lực, bởi cái nhìn của Nhị phi Trần Thị Đang khinh miệt, đố kị, ghen ghét với người được sủng ái.

Sự tương tác giữa điểm nhìn của người kể chuyện với một hoặc nhiều nhân vật ở Từ Dụ thái hậu tạo nên sự đan xen, hòa phối của nhiều quan điểm, tư tưởng cùng chiều hoặc đối nghịch. Những câu chuyện, những biến cố của vương triều Nguyễn, vì thế, không chỉ được nhìn qua người kể chuyện mang tính khách quan mà còn được nhìn qua diễn ngôn của nhân vật, cái nhìn mang tính chủ quan. Sự tương tác này không chỉ diễn ra các chương trong tác phẩm mà còn biểu hiện cụ thể trong từng chương. Trong chương 48, Tru diệt, cuộc họp bàn về bản án Lê Văn Duyệt được nhìn từ điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của Đô sát Phan Bá Đạt, Trương Minh Giảng, Bình Thái quận công, vua Minh Mạng. Quan Thượng thư Vũ Xuân Cẩn thì

“công tâm bàn việc” [33, tr. 97], ai có tội người đó chịu. Phan Thanh Giản – Cơ mật viện đại thần xin vua “giảm bớt tội tru di tam tộc và tội khai quật mồ mả” [33, tr. 100].

Trương Đăng Quế - Thượng thư bộ Binh, “khéo léo gỡ tội cho Đức ông” [33, tr. 101]

tạo ra sự tương tác giữa điểm nhìn của người kể chuyện với một hoặc nhiều nhân vật, Trần Thùy Mai đã để họ bày tỏ chính kiến về nhân vật khác cũng như quan điểm của bản thân mình. Vì thế, hiện thực được đánh giá ở nhiều chiều kích khác nhau, dưới các góc nhìn khác nhau, tạo nên bức tranh lịch sử đa chiều, chân thực.

Trong Từ Dụ thái hậu, việc chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật và đa dạng hóa điểm nhìn của nhiều nhân vật, Trần Thùy Mai đã làm nổi bật sự đa dạng, phức tạp của đời sống chính trị, xã hội triều Nguyễn lúc bấy giờ, bày tỏ được quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá nhân vật và sự kiện lịch sử của mình. Cách đánh giá của Phạm Đăng Hưng, Trương Đăng Quế về vua Minh Mạng thật xác đáng khi họ coi Minh Mạng là người văn võ song toàn, kế thừa những đức tính, bản lĩnh, “thông minh, cương quyết có mọi đức tính tốt của cha” [32, tr. 140], người kế nghiệp xứng đáng nhà Nguyễn, là người họ sẵn sàng tận tâm tận lực phò giúp vua, ổn định triều

chính, dẹp yên phản nghịch, xây dựng quy chế, nền nếp vương triều. Song Minh Mạng cũng là người lạnh lùng, độc đoán thậm chí là bảo thủ trong chính sách cai trị, đồng thời họ cũng nhận rõ hạn chế trong bản chất của chế độ chuyên chế. Tương tự, với Nhị phi Trần Thị Đang, Minh Mạng vừa là một ông vua vừa là đứa con hiếu thảo biết nghe lời mẹ, sẵn sàng chiều ý mẹ dù phải dùng bất kì thủ đoạn nào, thậm chí phải trả giá bằng cả sinh mạng con người...Còn đối với quần thần, phi thiếp, nô tì,...hoàng đế Minh Mạng mang khí chất thiên tử, dù nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân từ, đáng được muôn người kính nể, trọng vọng.

Trong Từ Dụ thái hậu, điểm nhìn của người kể chuyện còn di chuyển từ bên ngoài vào bên trong nhân vật giúp nhà văn đi sâu khám phá đời sống tinh thần, những góc khuất trong tâm hồn, nỗi niềm trăn trở, suy tư của nhân vật về con người và thời cuộc. Giữa những dòng đối thoại thường xuất hiện đan xen những lời độc thoại nội tâm khiến những uẩn khúc trong cõi lòng của họ được soi chiếu, soi tỏ. Khi nói về nỗi cay đắng, uất ức trong lòng của phi tần Nguyễn Thị Bảo, Trần Thùy Mai đã dịch chuyển điểm nhìn của người kể chuyện vào bên trong để thấu hiểu cho số kiếp của

“một người đàn bà bị bỏ rơi, một mình sinh con nuôi con, tất nhiên là đau lắm, tủi nhục lắm” [33, tr. 166], đồng thời, giúp người đọc nắm bắt được mạch tâm lí của nhân vật, hiểu được số phận nghiệt ngã của nhân vật, đồng thời tạo ra được sự gần gũi, cảm giác được trực tiếp lắng nghe, sống và trải nghiệm cuộc sống qua sự phản chiếu của lịch sử trong tác phẩm.

Có thể nói, trong Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, sự linh hoạt điểm nhìn trần thuật tạo nên những hiệu ứng và hiệu quả bất ngờ cho việc phát triển cốt truyện cũng như khắc họa nhân vật lịch sử. Những câu chuyện của quá khứ được hiện lên chân thực, cụ thể. Các sự kiện, vấn đề xảy ra trong triều đình nhà Nguyễn được dẫn dắt, lý giải bằng cái nhìn khách quan hơn. “Câu chuyện lịch sử được hiện tại hóa như đang vận động đang diễn ra, đang song hành cùng con người hôm nay” [1, tr. 388]. Vì thế, tác phẩm có “cấu trúc mở, giàu tính đối thoại, nói về quá khứ nhưng chất chứa những suy ngẫm sâu sắc về hiện tại. Và những sự kiện của lịch sử luôn hiện diện trong tư thế đang vận động ở thì “hiện tại chưa hoàn thành” [1, tr. 339].

3.1.2. Đa chiều hoá cốt truyện

Theo Lí luận văn học, cốt truyện là “một hệ thống các tình tiết, biến cố phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các nhân vật, các cá tính hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [12, tr. 172 - 173]. Tiểu thuyết lịch sử là thể loại tự sự lớn, có khả năng bao quát ánh hiện thực lớn, có nhiều dữ kiện lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử có thật, nên cần có sự đổi mới sáng tạo cốt truyện để tạo độ mở và biên độ trong khung tự sự.

Từ Dụ thái hậu là cuốn tiểu thuyết lịch sử được xây dựng từ các nguồn tư liệu của chính sử, dã sử và dân gian nhằm làm sống lại lịch sử triều Nguyễn, khám phá

những bí ẩn lịch sử từ số phận cá nhân và tìm ra mối liên kết giữa quá khứ với hiện tại.Vì vậy, việc việc tạo dựng cốt truyện từ các chiều hướng khác nhau sẽ giúp nhà văn khai thác chủ đề cũng như làm rõ những xung đột mâu thuẫn của lịch sử trong tác phẩm. Chính vì thế, tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai kết tạo khung tự sự theo hướng đa chiều hóa cốt truyện, tức là cốt truyện được xây dựng theo nhiều hướng khác nhau, vừa theo cốt truyện truyền thống vừa theo cốt truyện của văn xuôi tự sự đương đại.

Đa chiều hóa cốt truyện trong Từ Dụ thái hậu chính là sự phản ánh lịch sử theo dòng sự kiện, tái hiện bức tranh toàn cảnh vương triều Nguyễn gia đoạn đầu qua bốn đời vua. Các sự kiện đóng vai trò trung tâm chi phối cấu trúc tự sự của Từ Dụ thái hậu được kết hợp với hư cấu nghệ thuật khiến cho con người lịch sử vương triều Nguyễn hiện lên đa dạng, phong phú với những khám phá thú vị, độc đáo riêng mà không mất đi tính chân thực của nó. Bức tranh toàn cảnh về đời sống vương triều Nguyễn từ chính trường đến hậu cung nửa đầu thế kỉ XX hiện lên chân thực, sinh động và phong phú. Những sự kiện nổi bật liên quan đến chính trường nhà Nguyễn từ việc kế vị ngôi vua (hoàng tử Đảm – sau là vua Minh Mạng và hoàng tôn Đán, hoàng tử Miên Tông - vua Thiệu Trị và Miên Hoằng, Hồng Nhậm – vua Tự Đức và Hồng Bảo) đến những vụ án chấn động lịch sử (thông dâm giữa mẹ con Tống thị tại Anh Duệ Vương phủ, anh em huyết thống hoàng gia hãm hại nhau giữa vua Tự Đức và Hồng Bảo)…đều được Trần Thùy Mai kiến tạo, xây dựng và đặt trong những tình huống gay cấn khi “những xung đột đã phát triển gay gắt, không thể điều hòa được và tự nó sẽ làm bùng nổ một cuộc đấu tranh quyết liệt” [12, tr. 175]. Tất cả tạo độ căng của cốt truyện, tựa như những thước phim lịch sử được đầu tư công phu tỉ mỉ đầy hấp dẫn cuốn hút người xem. Chẳng hạn, ở chương 67 Mâm cơm cúng, biến cố trung tâm chính là việc vua Thiệu Trị phế trưởng lập thứ, tức là đưa Hồng Nhậm lên ngôi vua dẫn đến việc Hồng Bảo mưu đồ tạo phản. Mở đầu là sự việc nhóm loạn thần đứng đầu là Hồng Bảo uống rượu thề quyết sát hại vua, kế đến là việc tên hầu Vạn Khoái sang Xiêm cầu viện, bị bắt, lộ huyết thư của Bảo. Sự phát triển của câu chuyện được đẩy lên cao khi vua Tự Đức lệnh bắt giam Hồng Bảo; Tĩnh Hảo rời phủ Diên Phúc vào cung cầu cứu cho Bảo;

cuộc đối thoại giữa Tự Đức và Trương Đăng Quế về tội đồ của Hồng Bảo. Đỉnh điểm cao trào chính là nhóm tôn phù Hồng Bảo mưu ám sát vua lại giết nhầm công chúa Tĩnh Hảo - chị gái vua Tự Đức. Kết thúc của câu chuyện, những sự việc chi tiết nảy sinh từ biến cố trung tâm ấy hình thành, là mắt xích của sự đối kháng, xung đột mâu thuẫn giữa hai bên dẫn tới nhóm phản thần bị trừng trị và cái chết bí ẩn của Hồng Bảo.

Toàn bộ biến cố của chương này là nguyên nhân, là cái cớ để lý giải các sự kiện ở chương sau, chương 68 Sức tàn phá của một bài thơ, và sự ra đời bài “Răng cắn lưỡi”

của Nguyễn Văn Ninh.

Sự đa chiều hóa cốt truyện trong Từ Dụ thái hậu còn được Trần Thùy Mai triển khai bằng cách tái hiện cuộc đời của nhân vật trung tâm. Cuộc đời của Phạm Thị Hằng

gắn liền với cuộc sống ở chốn hậu cung đầy mâu thuẫn, xung đột của nhà Nguyễn và những cuộc chiến ngầm tranh giành địa vị quyền lực của các cung tần, mỹ nữ. Cuộc đời Phạm Thị Hằng từ khi 13 tuổi bước chân vào vương triều Nguyễn cho đến khi thành thái hậu tôn quý được chia ra ba chặng, mỗi chặng gắn với những sự kiện, sự việc tiêu biểu của lịch sử: chặng 1- Duyên kiếp và định mệnh, chặng 2 – Thăng trầm và mất mát, chặng 3 – Gặp gỡ.

Mỗi chặng đời là gắn liền với mốc thời gian cụ thể của cuộc đời Từ Dụ thái hậu đã được Trần Thùy Mai miêu tả đan xen trong những câu chuyện, những sự việc không chỉ liên quan đến chính trường mà còn là cuộc chiến tranh giành quyền lực chốn nơi hậu cung của những phi tần mỹ nữ. Chính vì vậy, cuộc đời Từ Dụ thái hậu hiện lên chân thực, sinh động, những mảng tối, góc khuất đời sống con người cùng những biến động của vương triều Nguyễn được lột tả rõ nét, đa chiều.

Những giấc mơ, những cơn mộng mị đan xen nhau trong Từ Dụ thái hậu tạo nên một thế giới ảo mộng, mờ nhòe cũng chính là cách Trần Thùy Mai tạo nên sự đa chiều cho cốt truyện. Hồn Tả quân Lê Văn Duyệt chập chờn hiện lên, báo mộng cho Đăng Hưng cứu giúp dòng họ Lê khỏi sự tiệt diệt, khi Đăng Hưng thiếp đi trước bài vị thờ vọng; giấc mơ gặp mẹ giúp Thiệu Trị bừng tỉnh kịp thời cứu Hằng thoát khỏi sự ám sát của đội quân áo đen, chính là những yếu tố giúp Trần Thùy Mai mở rộng cốt truyện, làm cho Từ Dụ thái hậu nới giãn sự dồn ép của các sự kiện lịch sử, tăng tính huyền ảo, tạo nên sự hứng thú, hấp dẫn người đọc.

Như vậy, việc đa chiều hóa cốt truyện là cách Trần Thùy Mai nới rộng khung tự sự cho Từ Dụ thái hậu nhằm có thể chuyển tải những sự kiện, sự việc trung tâm của lịch sử triều Nguyễn mà không rơi vào sự cứng nhắc, rập khuôn. Sự đa chiều hóa cốt truyện cũng giúp mạch chuyện trở nên linh hoạt uyển chuyển, chân dung, tính cách nhân vật hiện lên chân thực và đa diện.

3.1.3. Lồng ghép, đan xen các kiểu văn bản

Liên văn bản, theo quan niệm của Kristeva là “chỗ giao cắt của các mặt phẳng văn bản khác nhau”, là “sự đối thoại của các kiểu viết khác nhau”, cho phép tác giả

“có khả năng xáo trộn những văn bản có sẵn với nhau” [8]. Đó là sự biến đổi các mã văn hóa khi chuyển từ hệ thống kí hiệu này sang hệ thống kí hiệu khác, tạo sự kiên kết.

Trong Từ Dụ thái hậu, tính liên văn bản khá đa dạng. Trần Thùy Mai đã lồng ghép, đan xen nhiều kiểu văn bản khác nhau, tạo độ mở cho kết cấu khung tự sự, “cho phép tác giả dễ dàng mở rộng quy mô truyện kể, bao quát không gian rộng lớn với nhiều sự kiện, nhiều tuyến nhân vật, để tạo nên những bộ trường thiên tiểu thuyết”

[23].

Trước hết, Trần Thùy Mai sử dụng là kĩ thuật “lồng truyện”, một trong những biểu hiện của tính liên văn bản. Mỗi câu chuyện nhỏ được nhà văn tách thành một truyện ngắn hoàn chỉnh về mặt nội dung và hình thức mà không phá vỡ cấu trúc của tác phẩm nhằm góp phần làm rõ lai lịch, nguồn gốc cũng như căn nguyên xung đột,

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)