CHƯƠNG 2. KHUÔN MẶT CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI
2.2. Chân dung con người chốn vương triều Nguyễn
2.2.2. Con người thân phận trong bí ẩn hậu cung
Trong tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai luôn có cái nhìn đầy cảm thông, sẻ chia đối với thân phận người phụ nữ nơi chốn hậu cung, trong cơn biến thiên của lịch sử. Nhà văn khám phá bên trong thế giới tinh thần của họ để nhận ra những
tiếng kêu của thân phận cô đơn, sầu tủi, những mất mát, đắng cay trong kiếp nhân sinh.
Trần Thùy Mai ưu ái và dụng công xây dựng thành công những nhân vật, vì thế, thế giới nội tâm của nhân vật trong nỗi đơn côi, sầu bóng, họ càng hiện lên chân thực.
Tống Thị Lan, vợ đầu của Gia Long hoàng đế đã giành cả tuổi thanh xuân làm trọn đạo hiếu của một người con dâu, để Gia Long mưu đồ việc lớn, thực hiện khát vọng bá bương của mình. Nhưng giờ đây, khi nhà Nguyễn toàn thắng, Gia Long lên ngôi hoàng đế, hoàng hậu lại sống âm thầm, cô đơn với nỗi ám ảnh về người con trai đã mất, “đứa con thân thương giờ đây đã trở thành tro bụi” [32, tr. 16], về kí ức thời vợ chồng mặn nồng, son sắt, và hơn hết là sự trống trải trong sâu thẳm cõi lòng trước sự thơ ơ, lạnh lùng, của người chồng. Cái chết như một sự giải thoát trong những năm tháng sống lặng lẽ, sầu thương cho số phận một “bà hoàng tội nghiệp” giữa chốn cung đình lạnh lẽo và thiếu vắng tình người.
Nhưng có lẽ, trong số những nhân vật nữ chốn hậu cung đầy bí ẩn, đáng thương nhất là Tam phi Lê Thị Ngọc Bình. Vòng xoay nghiệt ngã của bánh xe lịch sử, của cơn bão táp chiến tranh đã đẩy người phụ nữ tài sắc vốn là hoàng hậu nhà Tây Sơn trở thành vợ của hoàng đế nhà Nguyễn. Sống nơi hoàng cung tráng lệ, xa hoa nhưng Ngọc Bình chưa một lần nở nụ cười,chưa được nếm mùi vị của tình yêu và hạnh phúc mà người phụ nữ luôn khát khao. Thân phận như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, giày xéo, hành hạ tinh thần nàng chỉ vì là hoàng gia của nhà Tây Sơn – kẻ thù không đợi trời chung với nhà Nguyễn. Tam phi là nạn nhân còn sót lại của chiến tranh, là “công cụ”
để Gia Long thỏa mãn tinh thần chiến thắng của mình. Nhưng đau đớn hơn, “mồ mả Tây Sơn chỉ có thể khai quật một lần, còn Ngọc Bình hoàng hậu Tây Sơn, chính là một ngôi mộ sống, hết ngày này sang ngày khác liên tục bị khai quật, cày xới” [32, tr. 13].
Ngọc Bình chới với, chông chênh giữa bờ vực của sự tuyệt vọng, cô đơn, lẻ loi nơi cung đình thiếu vắng hơi ấm của tình thương, tình người.
Cũng như Tam phi Ngọc Bình, sự biến chuyển của thời cuộc đã xô đẩy Hạnh Thảo về với nhà Nguyễn, vì vậy, nguồn gốc xuất thân cũng là điều ám ảnh đáng sợ đối với nàng. Bí ẩn về gia thế của mình khiến Hạnh Thảo cũng trở nên mong manh trước những cơn cuồng phong bão táp chốn hậu cung. Vốn gốc gác nhà Tây Sơn, thân cô thế độc, ngay cả khi được Phạm Đăng Hưng cưu mang, nàng vẫn sợ liên lụy tới gia đình nhà Phạm thượng thư. chịu nhiều mất mát, đau thương, Cũng như Ngọc Bình, số phận Hạnh thật tội nghiệp và đáng thương.
Võ Thị Hảo cũng khai thác hình tượng người phụ nữ rơi vào bi kịch trong cơn bão táp thời đại. Trong Giàn thiêu, “cuộc đời Ngạn La là những chuỗi bất hạnh khi bị người cha ruồng bỏ, thậm chí tìm cách giết hại. Hai lần nàng trở thành cung nữ của vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, bị đưa lên giàn thiêu để táng xác theo vua. Đón nhận cái chết nhưng Ngạn La vẫn mãi xinh đẹp, trong trẻo, ngây thơ và tốt bụng giữa chốn cấm cung đen tối, bẩn thỉu” [60, tr. 89]. Viết về giới mình, Võ Thị Hảo thể hiện
cái nhìn trân trọng, ngưỡng mộ với vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thánh thiện, luôn khát khao được yêu thương, được hạnh phúc giữa chốn cung triều đầy những mưu mô và tội ác.
Cả Ngạn La và Tam phi Ngọc Bình đều là những người phụ nữ tài sắc, phải hứng chịu sự nghiệt ngã trong cơn biến vần của lịch sử. Họ hiện ra trong tiểu thuyết của Võ Thị Hảo và Trần Thùy Mai bằng tất cả niềm cảm thương và trân trọng khát vọng chân chính, cao đẹp của con người.
Trong Từ Dụ thái hậu, khi xây dựng hình tượng nhân vật nữ, Trần Thùy Mai thường đặt họ trong những điểm nhìn khác nhau để khai thác thế giới nội tâm đầy bí ẩn của họ.
Nhị phi Trần Thị Đang là người mãnh mẽ, quyết đoán, tài trí và xảo quyệt, luôn đam mê quyền lực và danh vọng, nhưng ẩn đằng sau con người quyền nghiêng thiên hạ ấy là một nỗi hờn tủi, nỗi cô đơn. Niềm đam mê quyền lực như che lấp, làm mờ đi tất cả những điều khát khao tốt đẹp của người phụ nữ trong bà, đó là tình yêu và hạnh phúc. Bà thiếu đi cái tâm của bậc quốc mẫu, “sự nhân hậu bao dung của một người mẹ” [32, tr. 127]. Suy cho cùng, từ khi sống cho đến lúc mất đi, Nhị Phi Trần Thị Đang có được gì? Phải chăng chỉ là nỗi khiếp sợ, sự đề phòng, cảnh giác và ái ngại của mọi người không muốn đối đầu với bà, những người tận tâm, tận trung với Nhị phi cũng thiếu vắng, một người bạn tâm giao, người tri kỉ lại càng không, họa chăng cũng chỉ là những tên thái giám, nô tì xu nịnh. Nhị phi cô độc, lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Trần Thị Đang đứng trên tột đỉnh của vinh quang cũng chính là lúc bà đang ở điểm rơi của sự cô đơn tột cùng.
Không chỉ những bậc vương phi, cung nữ trong hậu cung mà những phụ nữ bình thường khác cũng mang trong mình sự mặc cảm về thân phận. Nàng Đẩu Nương, một mỹ nữ, đệ nhất danh cầm thành Phú Xuân được Bình Thái phu nhân (mẹ Đinh Cam Lộ) tiến cử vào ban nhạc của phủ Trường Khánh. Với tài gảy đàn, giọng ca đầy mê hoặc, Đẩu Nương được nhiều người ái mộ, trong đó, có hoàng tử trưởng Hồng Bảo.
Nhưng nàng ca trẻ bị Bình Thái phu nhân mắng chửi. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh, định kiến “xướng ca vô loài” khiến cho Đẩu Nương thấy xấu hổ và tủi nhục, bởi nàng
“là người con gái có suy nghĩ, tự biết thân phận xướng ca” [33, tr. 278]. Nàng lại trở về với cuộc sống trong tình cảnh cô sầu, lẻ loi, nỗi ám ảnh về thân phận xâm chiếm tâm hồn người con gái tài hoa ấy. Bản Nam ai như khúc nhạc lòng mà Đẩu Nương gửi gắm nỗi niềm sầu tủi, thê thiết vào đó.
Bằng sự thấu cảm và trái tim đầy cảm xúc, Trần Thùy Mai thể hiện một cách tinh tế mà sâu sắc khi viết về thân phận của giới mình với những niềm riêng ẩn sâu trong thế giới tinh thần của họ. Lật từng trang viết của nữ nhà văn, người đọc như cảm nhận được trong tận sâu nơi góc khuất tâm hồn của các nhân vật nữ dù bất cứ địa vị xã hội nào, luôn ẩn chứa sự khắc khoải, lẻ loi, cô đơn với những cung bậc cảm xúc khác nhau
về nỗi đau thân phận. Chính vì vậy, ám ảnh nỗi cô đơn thân phận là một trong những phương diện nội dung đựơc nhà văn thể hiện khá thành công trong Từ Dụ thái hậu.
Trong cuộc sống đầy âm mưu thủ đoạn chốn cung cấm, đã biến nhiều người thiếu nữ thanh xuân trở thành những người lắm mưu nhiều kế. Tuy nhiên, dưới góc nhìn đời tư thế - sự, bằng cảm hứng nhân văn, Trần Thùy Mai soi chiếu thế giới con người chốn hậu cung với những điểm nhìn khác nhau để khám phá, phát hiện ở chốn ấy vẻ đẹp của tài năng và phẩm hạnh. Phạm Thị Hằng, Hạnh Thảo, Quý nhân Nguyễn Thị Bảo, hoàng hậu Tống Thị Lan, Thái trưởng công chúa Ngọc Tú...là sự hòa kết giữa tài năng với đức hạnh cùng tấm lòng nhân hậu, bao dung với vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn cùng lối sống trọng đạo lí, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Những người phụ nữ ấy là biểu tượng cho hình mẫu người phụ nữ Việt Nam thánh thiện, nữ tính.
Trong Từ Dụ thái hậu, Hạnh Thảo tuy thân phận nô tì nhưng mang cốt cách thanh tú, biểu trưng cho cái đẹp của đức hạnh và trí tuệ. Xuất thân từ nhà Tây Sơn, Hạnh Thảo về với vương triều Nguyễn, cuộc đời của nàng cũng chịu nhiều thăng trầm, mất mát và đau thương. Một cô gái xinh đẹp, nết na, nổi tiếng là người đầu bếp có “tài nấu ăn xuất chúng” [32, tr. 50], là chủ nhân của những món ăn, thức uống trứ danh từ cao lương mĩ vị đến bình dân, thôn dã. Người thiếu nữ có khuôn mặt hiền hậu, đoan trang, không chỉ giỏi ẩm thực, mà ở nàng còn có bóng dáng của người thầy thuốc tận tâm khi cứu giúp Phạm Thị Hằng qua cơn thập tử nhất sinh, giúp Hiền tần Ngô Thị Chính có được sử yêu chiều của Minh Mạng nhờ bài thuốc Xuân dược bí truyền...Ở Hạnh Thảo, không chỉ có tài năng mà còn là người có phẩm hạnh tốt đẹp, trong sáng, sống trọng tình trọng nghĩa. Chính vẻ đẹp thánh thiện, đôn hậu ấy của nàng đã làm lay động, cảm phục của biết bao nhiêu người. Hạnh Thảo sống đúng với thiên chức bổn phận của mình, lấy ân đức để hóa giải hận thù, bởi nàng quan niệm, hận thù của chiến tranh chỉ mang lại đau thương, mất mát, chết chóc cho con người, bởi một mạng của một người nô tì để đánh đổi lại mạng của vua là “cái giá quá rẻ”, nàng “nguyện không lấy cái ác để đáp trả với cái ác” [32, tr. 299]. Đó chính là nhân cách cao đẹp, tấm lòng nhân hậu đáng trân trọng của một người nô tì thân phận thấp hèn. Ánh sáng của lương tâm, vẻ đẹp của tình người tỏa ra từ cô gái ấy đã xua đi bao nỗi đau buồn, sự mất mát trong lòng người, xua tan những bóng đêm hắc ác, những mưu đồ hiểm sâu nơi chốn hậu cung đầy cạm bẫy. Trong sâu thẳm con người Hạnh Thảo là trái tim giàu xúc cảm chứa chan tình yêu thương, là lòng trắc ẩn đối với bao kiếp người nơi chốn hậu cung, đặc biệt là số phận những người phụ nữ bị ruồng bỏ, hắt hủi (Tam phi Ngọc Bình, Quý nhân Nguyễn Thị Bảo), người nô tì xấu số, đáng thương (Hà Nhi)...Có thể nói, Hạnh Thảo “là gạch nối giữa thế giới cung đình đầy bóng tối với thế giới thiện lành...Đó là người lưu giữ những vốn liếng của văn hóa Phú Xuân còn sót lại sau cuộc chiến tàn khốc Nguyễn – Tây Sơn” [49].
Trăn trở, suy ngẫm về tài năng phẩm hạnh cũng chính là cách Trần Thùy Mai bộc lộ cài nhìn đầy trân trọng, yêu thương với nhân vật của mình. Sau bức màn hào hoa tráng lệ chốn hoàng cung, giữa những cuộc tranh đua quyền lực, vẫn còn đó những con người là hiện thân cho vẻ đẹp đức hạnh như hoàng hậu Tống Thị Lan, Thái trưởng công chúa Ngọc Tú. Hoàng hậu Tống Thị Lan, sống nơi hoàng triều lộng lẫy, xa hoa, lặng lẽ sống thanh đạm ăn chay, tụng kinh niệm phật, sống nhẫn nhịn, không đua chen, đấu đá giành quyền lực. Bà tâm niệm lẽ đời vô thường “ở cho đúng bản phận của mình thì không ai làm gì mình được” [32, tr. 47]. Với bà, số phận mỗi con người đều đáng được trân trọng và yêu thương, không kể địa vị, giàu sang hay thấp hèn. Thái trưởng công chúa Ngọc Tú, vợ của phò mã Điến, người phụ nữ chưa sáu mươi tuổi tóc đã bạc trắng nhưng luôn dành được sự quý trọng, kính nể của Gia Long và Minh Mạng, bởi công chúa là người trung trinh tiết liệt, tính rất hiền lành, luôn độ lượng, bao dung với tất cả mọi người. Công chúa Ngọc Tú luôn tậm niệm, “cứu được một người phúc đẳng hà sa” [32, tr. 227], đã phàm là con người có tài đức, phẩm hạnh thì đáng được quý trọng trong sự khắc nghiệt của chế độ phong kiến, đặc biệt là người phụ nữ. Vẻ đẹp phẩm hạnh của Thái trưởng công chúa Ngọc Tú như hiện thân của đức Phật từ bi độ lượng, của Quan Âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh nơi chốn trần gian đầy rẫy mưu mô và tội ác.
Có thể nói, hoàng hậu Tống Thị Lan và Thái trưởng công chúa Ngọc Tú là những người phụ nữ trải qua nhiều mất mát, đau thương trong cuộc đời, nhưng họ là hiện thân cao đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống: bền bỉ chịu đựng, giàu đức hi sinh, bao dung và độ lượng.
Sống trong xã hội phong kiến với những luật lệ, điển chế khắt khe, con người (đặc biệt là người phụ nữ) khó có thể được tự do để thỏa niềm đam mê, khát khao cũng như thể hiện tài năng của mình. Với sự trân trọng, yêu thương và đồng cảm với người phụ nữ, Trần Thùy Mai đã đi sâu và khám phá vẻ đẹp tài năng, phẩm hạnh của họ. Quý nhân Nguyễn Thị Bảo, người con gái tài sắc, nết na của vùng đất Kim Long nổi tiếng trồng hoa trà mi, vốn xuất thân từ con gái thầy đồ Ngạn, có tài “văn hay chữ tốt” [32, tr. 209]. Chính tài năng, sắc đẹp, cách ứng đối khéo léo của một cô gái có phong cách, khẩu khí khác thường đã phải lòng vua Minh Mạng. Không như những phi tần, cung nữ khác, Nguyễn Thị Bảo thích thơ nhạc, sống ung dung, tự do, không cầu cạnh, xu nịnh bon chen nơi cửa quyền, dù chức vị thế nào vẫn “nguyện giữ phẩm cách và bổn phận của mình” [32, tr. 308]. Có tài sắc, nhân đức, trọng danh dự, giàu lòng vị tha, dù “bị bỏ rơi, một mình sinh con nuôi con” [33, tr. 167] nhưng nàng không oán trách, hờn giận mà chỉ muốn sống tĩnh tâm, tự do thư thái và thanh bần. Chính tài thơ văn, cốt cách ung dung, tự do, phóng khoáng cùng với phẩm hạnh cao đẹp của Nguyễn Thị Bảo đã ảnh hưởng rất lớn đến con trai nàng – Tùng Thiện vương Miên Thẩm, một tài năng thi ca xuất chúng.
Cũng như Nguyễn Thị Bảo, người bạn tâm giao của mình, Phạm Thị Hằng tuy sống nơi thâm cung bí hiểm nhưng ở nàng vẫn ánh lên vẻ đẹp vĩnh cửu của trí tuệ và tâm hồn. Nàng miễn nhiễm với tất cả cuộc tranh quyền đoạt lợi. Phạm Thị Hằng không chỉ sống và nghĩ cho mình, mà cao đẹp hơn chính là việc nàng luốn hết lòng, luôn sống vì người khác bằng tình cảm cao quý thiêng liêng và sự nhân ái. Nàng như bông hoa thanh khiết chốn hậu cung đầy mưu mô và tội ác. Bằng niềm tin và sức sống mãnh liệt, bản lĩnh trí tuệ và đức hạnh cao đẹp, Phạm Thị Hằng đã vượt qua muôn vàn sóng gió trở thành bậc quốc mẫu lừng danh trong lịch sử dân tộc. Tấm lòng yêu thương, hiền đức, anh minh của Từ Dụ thái hậu như vầng sáng vĩnh hằng xua tan đi những bóng đen của quyền lực và hận thù. Đó chính là vẻ đẹp của tình người, vượt lên trên ham muốn tầm thường, những tham vọng quyền lực để đọng lại nơi Từ Dụ thái hậu cái đẹp cao cả và sáng ngời đức hạnh. “Từ Dụ thái hậu như một tượng đài với trái tim bao dung và đức hạnh hiền minh đã trở thành cái đẹp vĩnh cửu” (Tịnh Thy).
Có thể nói, những người phụ nữ trên là biểu tượng cho vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn và phẩm hạnh con người Việt. Khám phá vẻ đẹp ấy, Trần Thùy Mai bày tỏ niềm trăn trở, suy tư cũng như ngợi ca, trân quý những giá trị cao đẹp về Tài - Đức của con người trong xã hội khắc nghiệt và bảo thủ lúc bấy giờ. Họ mang trong mình những vẻ đẹp vĩnh cửu và bất diệt và luôn hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mĩ giữa chốn hoàng cung vốn đầy âm mưu và hiểm độc.
Trong bức tranh đa diện về cuộc sống nơi cung triều Nguyễn, Trần Thùy Mai chú ý nhiều đến số phận và bi kịch của con người trong xã hội phong kiến đầy biến động và phức tạp. Viết về người phụ nữ, Trần Thùy Mai đã đi sâu vào đời sống nội tâm của họ để khám phá những nỗi đau mất mát, bi bịch trên con đường kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc - Tam phi Lê Thị Ngọc Bình, công chúa Ngọc Ngôn, Vương phi Tống Thị Quyên, Phạm Thị Hằng...Những người phụ nữ ấy đã trải qua, chịu đựng bao đau thương, sự đổ vỡ trong tình yêu, hạnh phúc khiến họ bị ruồng bỏ, xa lánh, hoặc bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát. Chính sự khắc nghiệt, tàn bạo của chế độ phong kiến đương thời đã vùi dập, chà đạp, tàn phá những khát vọng chân chính và đẹp đẽ.
Khát khao tình yêu và hạnh phúc luôn là khao khát tốt đẹp nhất mà người phụ nữ luôn hướng tới, nhưng sự nghiệt ngã, hà khắc của chế độ lại đẩy họ rơi vào bi kịch của những khát vọng ấy. Cuộc đời tài sắc của Tam phi Lê Thị Ngọc Bình là hiện thân của đau đớn trong bi kịch tình yêu và hạnh phúc. Trong hoàng cung vương triều Nguyễn.
Ngọc Bình chỉ là “một tử tội còn sống” [32, tr. 23] “một tù binh đáng thương”, khi hoàng đế tìm đến để thỏa mãn ham muốn, “chỉ để tận hưởng cảm giác của người chiến thắng” [32, tr. 112 - 113]. Nàng quẫy đạp trong nỗi đau đớn giày vò không chỉ thể xác mà còn về tinh thần. Tam phi trở nên lẻ loi, cô quạnh nơi chốn hoàng triều uy nghi, lộng lẫy. Phải chăng, tình yêu mà Gia Long dành cho nàng như một thú vui với một kẻ
“nô lệ tinh thần”, để nhà vua trút bao “hằn thù trên thân xác người vợ cũ của vua Tây Sơn” [32, tr. 126]. Ngọc Bình càng khát khao tình yêu, hạnh phúc bao nhiêu thì lại