CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI
3.5. Giọng điệu nghệ thuật
3.5.4. Thể hiện sự triết lý, suy nghiệm
“Sau 1986, ngày càng xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết đề cập sâu sắc những vấn đề triết lý, nhân sinh, về thân phận con người. Số phận cá nhân, bi kịch cá thể trở thành vấn đề nổi bật trong nhiều tác phẩm. Con người ngày càng cảm nhận sâu sắc chính mình. Quan tâm đến đời tư, nhiều cuốn tiểu thuyết đề cập đến vấn đề sống chết của con người. Nhiều tác phẩm trở thành triết luận của nhà văn về sự sống, cái chết ở đó giọng chủ là giọng triết lí” [3].
Cũng như các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại, giọng triết lý, suy nghiệm trong Từ Dụ thái hậu, trước hết được thể hiện bằng những suy tư của con người về lẽ sống chết. Bao năm sống trong vương triều Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt đúc kết những triết lí thâm thúy: “Suy cho cùng nhiều việc liên quan đến tính mạng, danh giá con người, thực ra cũng là những ván bài sinh tử mà thôi” [32, tr. 39]. Ranh giới giữa sống và chết đôi khi nhạt nhòa, mong manh hơn bao giờ hết. Để sinh tồn, con người phải lựa chọn, phải làm bằng mọi giá để được sống. Mượn hình ảnh cỏ cây, Nhị phi Trần Thị Đang khái quát nên một triết lý mang tính quy luật: “Loài cỏ cây chen lấn nhau để giành đất sống, loài người cũng vậy. Trong chốn cung đình này càng phải
vậy! Một là đạp người khác xuống để vươn lên, hai là chịu giày xéo dưới gót chân người khác” [32, tr. 68]. Con người muốn được ngồi trên ngai vàng, đạt được đỉnh cao danh vọng và quyền lực thì không từ bỏ một thủ đoạn nào, miễn sao đạt được nó, đó cũng là triết lý mà Tống Thị Quyên cũng từng khẳng định với hoàng tôn Đán: “Từ xưa đến nay người ta bóp cổ nhau đâm chém nhau, vu oan giá họa cho nhau để giành ngôi báu” [32, tr. 144]. Trần Thùy Mai đã để cho các nhân vật bộc lộ suy nghĩ, chiêm nghiệm về sống – chết, được – mất cũng như thái độ sống, đối nhân xử thế ở đời.
Bằng ngôn ngữ và giọng điệu sắc sảo, giọng triết lý nhân sinh về thân phận con người cũng là góc chiếu về những vấn đề xã hội và lịch sử đương thời, là quan niệm, thái độ, cách ứng xử của họ trước thời cuộc. Mỗi nhân vật mang trong mình những tư tưởng, triết lý riêng, nhìn nhận, đánh giá những sự việc xảy ra trong đời sống theo cách riêng của mình, vì vậy, những giao diện của đời sống được phản ánh đa dạng, luôn có khả năng mở rộng, đụng chạm đến nhiều vấn đề. Tả quân Lê Văn Duyệt từng khẳng định với Phạm Đăng Hưng: “Nơi đâu có quyền lực, ở đó có âm mưu và tranh đoạt…Chúng ta không thể tránh sự thực đó. Trái lại, phải biết biến nó thành có lợi cho ta, hoặc ít nhất, cũng làm cho nó không làm hại được ta” [32, tr. 80]. Những kinh nghiệm chốn sa trường, sự thấu hiểu tận sâu bí ẩn chốn cung triều, cùng con mắt tinh anh nhìn đời, nhìn người, của Lê Văn Duyệt đã khiến triết lí ấy trở thành như bài học sâu sắc cho bao người, nếu muốn sống và tồn tại trong chốn vương triều này.
Và chính Đăng Hưng chia sẻ cũng như ngầm báo với Lê Văn Duyệt về triết lí sống để tránh tai họa: “khôn hơn vua, tài hơn vua chính là cái họa lớn nhất từ cổ chí kim” [32, tr. 205]. Đó cũng là quan điểm của Trương Đăng Quế khẳng định với Hạnh Thảo khi luận bàn về Tả quân Lê Văn Duyệt. Quế nhận thức được sự nghiệt ngã của chuyện binh quyền, cho nên, với chàng “không có quyền lực thì không làm được gì đáng kể” [33, tr. 119]. Triết lí của Đăng Quế cũng là phương pháp mà Minh Mạng dùng để cai trị đất nước khi vua tuyên bố thẳng thắn với Phạm Đăng Hưng: “Chỉ những kẻ đại ác mới làm được những việc đại thiện mà thôi! [32, tr. 341]. Và muốn loại bỏ công thần của đại triều, Minh Mạng nhận thấy không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều, bởi “lâu ngày họ giống như cây đại thụ, gốc rễ lớn sâu, cành lá dài rộng, muốn bứng đi đâu có dễ” [32, tr. 384]. Trước những tư mưu toan tính, suy nghĩ nông nổi, non nớt của con dâu Tống Thị Quyên, hoàng hậu Tống Thị Lan từng khuyên bảo, cẩn trọng: “Đừng thấy hoàng thượng vui vẻ tưởng dễ nhờn.
Con hổ khi đang nằm chơi trông cũng rất hiền lành, nhưng đừng vì vậy mà tưởng là con mèo con ạ!” [32, tr. 48].
Bằng việc thể hiện sự triết lí, suy nghiệm, Trần Thùy Mai đã không ngừng suy tư về học vấn, đạo đức về tình yêu, hạnh phúc con người trong cuộc sống. Cùng các giọng điệu khác, giọng triết lí, chiêm nghiệm là chìa khóa soi tỏ những góc khuất, bề sâu cuộc sống vương triều Nguyễn, khám phá đời sống tâm tư tình cảm của con người, đồng thời, cho thấy nỗ lực đổi mới thi pháp thể loại cũng như tài năng và bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Trần Thùy Mai.
Tiểu kết
Bằng việc mở rộng khung kết cấu tự sự; nghệ thuật xây dựng nhân vật hấp dẫn, độc đáo; sự khéo léo, uyển chuyển qua nghệ thuật tạo dựng không – thời gian; khả năng sử dụng linh hoạt, tinh tế ngôn ngữ và giọng điệu tự sự trong Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã thành công trong việc tái hiện chân thực bức tranh toàn cảnh về lịch sử, văn hóa vương triều Nguyễn giai đoạn đầu. Đồng thời, thông qua những thủ pháp nghệ thuật ấy, nhà văn khắc họa rõ nét tính cách, thế giới tinh thần của nhân vật, giúp người đọc đi sâu khám phá con người tâm lí, con người bản thể trong cuộc sống đời thường, qua đó, độc giả như được trải nghiệm, được sống trong bầu không khí lịch sử xa xưa, không xa lạ mà hiện lên rất đỗi chân thực, gần gũi với cuộc sống hiện tại của chúng ta.