CHƯƠNG 2. KHUÔN MẶT CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI
2.1. Sắc diện cuộc sống vương triều Nguyễn
2.1.2. Cung đình triều Nguyễn – những sắc màu văn hóa Huế
Từ Dụ thái hậu là bức tranh sống động về đời sống văn hóa Huế đương thời. Ở đấy, cốt cách văn hóa tinh thần Huế thấm sâu vào bản tính, vào nếp nghĩ, tư tưởng và tình cảm trong bản thể của con người. Đọc Từ Dụ thái hậu, ta bắt gặp những nhân vật biểu tượng cho hồn cốt, đặc trưng văn hóa xứ kinh kì. Nơi đây, ánh sáng của tình người, của lương tri luôn hiện hữu, vượt lên mọi ranh giới và chiến thắng bóng tối cũng như những cái xấu xa, tầm thường.
Hòa ái, khoan dung ấy chính là luôn nghĩ cho người khác, nghĩ cho người khác cũng chính là nghĩ cho mình, là sự cung kính khiêm nhường, nhẫn nhịn và kiên nhẫn.
Ở họ luôn chứa đựng tình yêu thương rộng lớn đối với con người, niềm tin vào phần tốt đẹp, phần thiện căn trong mỗi con người, dù họ là ai, xuất thân hay địa vị như thế nào; luôn lắng nghe thấu hiểu, bao dung, rộng lượng để hòa đồng, vượt qua mọi thiên
kiến hẹp hòi của xã hội; luôn hướng đến con người với niềm tin vào ánh sáng để khơi dậy những phẩm hạnh đáng quý. Khoan dung độ lượng đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hóa được lòng người, mang lại niềm tin, khẳng định danh dự và phẩm hạnh của mình.
Vốn xuất thân thuộc dòng dõi hoàng gia, cuộc đời Thái trưởng công chúa Ngọc Tú cũng chịu biến ải, đau thương. Chồng bà – Phò mã Điến, vì lòng trung nghĩa đã xả thân cứu chúa. Khi nhà Nguyễn định đại vinh quang, bà không đòi hỏi công lao, cầu xin điều gì mà chỉ sống một mình, không tái giá, chỉ ăn chay niệm Phật, một lòng hướng thiện, từ bi. Công chúa là hiện thân cho vẻ đẹp đằm sâu trong tâm hồn con người Huế. Một người phụ nữ đức độ bao dung, giàu lòng vị tha. Bà mang cái tâm từ bi của Phật, cứu độ chúng sinh, gạt bỏ đi nỗi hận thù, tranh đoạt mà sống khiêm nhường, cung lễ, an phận dù công lớn với tiên triều. Chưa bao giờ công chúa đòi hỏi oán thán gì, cũng không bao giờ mưu lợi cá nhân. Những gì Gia Long ban tặng, bà đều đem làm thiện nguyện giúp đỡ người nghèo khó. Vẻ đẹp tâm hồn cao thượng, thánh thiện đáng ngưỡng mộ của công chúa chính là việc đối đãi với nô tì Hạnh Thảo, vốn gốc tích nhà Tây Sơn – kẻ thù không đội trời chung với nhà Nguyễn. Mối thâm thù ấy không còn quá nặng trong lòng, công chúa Ngọc Tú đã vượt qua mặc cảm thù hận, đã bao dung độ lượng với Hạnh Thảo, đồng cảm với nỗi đau và sự bất hạnh với nàng.
Chính tấm chân tình cao đẹp ấy, Hạnh Thảo cảm nhận công chúa như vị Quan Âm Bồ Tát với “nụ cười bao dung hiền hòa” [32, tr. 300]. Bỏ qua nỗi đau của quá khứ, bà dang rộng vòng tay đón nhận nàng làm con nuôi với tấm lòng yêu thương và trân quý.
Dùng ân đức để cảm hóa lòng người, chia sẻ yêu thương cũng chính là lúc công chúa nhận được yêu thương nhiều hơn. Suy cho cùng, kẻ có tội hay không có tội, người tốt hay kẻ xấu…cái chết của con người đều là sự mất mát lớn lao nhất. Quyền lực và sự tranh đoạt chỉ đem lại cho con người sự đau thương và bi kịch. Chính vì điều đó, công chúa không khỏi chạnh lòng, xót xa, thương cảm cho số kiếp của Tống Thị Quyên, cho số phận oan nghiệt dòng dõi họ Lê, thấu hiểu nỗi đau thế thái nhân tình, bà cầu siêu cho những oan hồn siêu thoát, thoát tai kiếp trần thế, yên nghĩ cõi vĩnh hằng.
Tấm lòng của Thái trưởng công chúa Ngọc Tú như tấm gương không bụi mờ, soi chiếu và tỏa sáng cho mọi kiếp người.
Sự hòa ái, khoan dung còn hiện hữu trong vẻ đẹp tâm hồn hoàng hậu Tống Thị Lan, con người đức hạnh, thuận hòa. Dù không còn sự ân sủng của hoàng đế Gia Long, nhưng bà chưa bao giờ một lời oán trách mà sống một cuộc đời thanh bạch, ăn chay niệm Phật. Hoàng hậu luôn giữ mối hòa thuận đối với các phi tần, không tranh đoạt; hóa giải hiềm khích giữa Nhị phi Trần Thị Đang với Tam phi Lê Thị Ngọc Bình;
ra sức cảm hóa, khuyên bảo, nhắc nhở con dâu Tống Thị Quyên tránh mưu đồ bá vương để khỏi rước họa vào thân. Đặc biệt, đối với nô tì Hạnh Thảo, người mà bà đã từng thắc mắc về nguồn gốc xuất thân, bằng sự thấu hiểu đồng cảm với thân phận
người phụ nữ, với đôi mắt hiền dịu, tấm lòng khoan hòa, hoàng hậu đã bỏ qua định kiến mà thương yêu, quý mến Hạnh Thảo.
Phải chăng, vẻ đẹp đức hạnh lòng khoan dung của hoàng hậu Tống Thị Lan và Thái Trưởng công chúa Ngọc Tú là sự kết tinh hài hòa và trọn vẹn trong Phạm Thị Hằng (sau là Từ Dụ thái hậu), con dâu Minh Mạng, vợ Thiệu Trị và mẹ của Tự Đức.
Từ Dụ thái hậu là bà hoàng quyền lực nhất nhưng cũng chính là đức thánh mẫu trong tâm thức con người triều Nguyễn. Từng trải qua và chứng kiến nỗi đau, sự mất mát ở chốn hậu cung, là nạn nhân của những mưu đồ tranh giành quyền lực, hơn ai hết, Phạm Thị Hằng hiểu rằng chỉ có sự bao dung, nhân từ, đức độ mới cảm hóa và thức tỉnh được lòng người. Nàng như ngôi sao lấp lánh trong màn đêm thăm thẳm đầy bí ẩn nơi cung cấm. Trước hết, nàng đồng cảm, sẻ chia với những kiếp phi tần trong chốn cung đình (Ngô Thị Chính, Nguyễn Thị Bảo…); thấu hiểu nỗi buồn tủi, cô đơn và mặc cảm của người phụ nữ chung chồng không được sủng ái, mà vị tha, bao bao dung.
Bằng tình yêu thương với bao kiếp người, Hằng xin vua Minh Mạng lập viện Giáo dưỡng, cứu giúp những cung nhân già nua, không nơi nương tựa, những người trong hoàng gia khiếm khuyết về thể trạng và tinh thần (Vú Sửu, Ngọc Ngôn); âm thầm chăm sóc nuôi dạy Lê Diễn – giọt máu cuối cùng của họ Lê thành người và “đề xướng việc gỡ tội cho con cháu của Mỹ Đường và Mỹ Thùy” [33, tr. 456]. Trước âm mưu của kẻ thù, đẩy vào chỗ chết, Từ Dụ thái hậu bằng sự uy nghiêm và mạnh mẽ, tài trí và khôn khéo, đức độ và nhân từ mà không cần đến vũ lực, đã xóa tan mọi nghi hoặc, thấu tỏ cảm hóa lòng người và đánh thức phần lương tri, tâm tính tốt đẹp ở họ. Đặc biệt, thái hậu khoan hồng, độ lượng đối với những kẻ có tội, những người đã từng hại mình (Hạnh Nhi, Giám Đỗ, Bình Thái phu nhân và Đinh Cam Lộ…). Từ Dụ thái hậu công tư phân minh, lấy ân trả oán, lấy đức để hóa giải hận thù và cũng “có thể khoan dung với cả những kẻ thù nguy hiểm nhất” [33, tr. 451]. Dù biết Hồng Bảo tâm đồ phản trắc, cấu kết vây cánh, lật đổ ngôi vương, nhưng Từ Dụ thái hậu vẫn một lòng bao dung, bởi đó là anh em cốt nhục với vua. Sự nhân ái, bao dung, vị tha của bà như nguồn sáng vĩnh hằng xua tan đi những bóng đen của mưu đồ và tội ác.
Khi ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, bậc quốc mẫu thánh minh từ chối buông rèm thính chính, không can dự vào chính sự, bởi bà nhận thức rằng đó chính là sự lạm quyền, làm chức. Dù sống trong nhung lụa vàng son, nhưng Từ Dụ thái hậu luôn cần kiệm, không xa hoa, lãng phí. Bà giản dị, đơn giản mực thước từ những gì nhỏ nhặt nhất. Bà có một tình yêu thương lớn lao với vạn vật, muôn loài, bởi với Từ Dụ thái hậu, vạn vật, muôn loài đều có sinh mệnh riêng của chúng, đáng được yêu thương và trân trọng. Ân đức của Từ Dụ thái hậu vừa là nguồn cội, vừa là tấm gương cho những người con học tập và noi theo, trong đó, vua Tự Đức nổi tiếng hiếu thuận, độ lượng. Từ Dụ thái hậu là một người phụ nữ đặc biệt, “tính giản dị, khiêm nhường, lòng nhân và tình thương người của bà như một dòng nước dịu mát giữa sự tàn khốc
của những âm mưu chốn cung đình, những khúc quanh đau buồn của lịch sử” (Trần Thùy Mai).
Nơi vương triều Nguyễn, còn đó biết bao nhiêu con người mang trong mình tấm lòng dịu hiền, nhân ái, bao dung. Hiền tần Ngô Thị Chính hiền thục, khoan nhu, lễ phép, tính nết đoan trang và có tình thương người sâu sắc; Quý nhân Nguyễn Thị Bảo với tài năng thơ phú, sống ung dung, chan hòa; Hạnh Thảo vượt lên sự hằn thù và định kiến, để sống trọn với chức phận, danh phẩm của mình, khoan hòa với mọi người…Thiết nghĩ, vàng ngọc châu báu không phải là thứ trang sức đẹp nhất với mỗi người, mà đó chính là tình yêu thương và lòng từ bi.
Tất cả những con người ấy là những miền sáng trên phông nền vốn đen tối và đầy rẫy tội ác chốn cung cấm. Những vẻ đẹp cốt cách của con người và văn hóa Huế hiện hữu và sáng lấp lánh nơi họ. Chính điều đó tạo nên những giá trị vĩnh hằng về văn hóa và tinh thần Huế, hiện hữu cho giá trị nhân bản cao đẹp nhất. F. Voltaire từng nói: “Sự khoan dung là vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp vũ trụ”. Đề cao những giá trị đạo đức, đối xử khoan hồng, độ lượng, tha thứ, sống yêu thương luôn có thể cảm hóa được người khác và đó cũng chính là cách “trả thù” hữu hiệu nhất của mỗi chúng ta.
Huế, mảnh đất kinh kì với bề dày về văn hóa - lịch sử, mang trong mình những nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, đây là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến – triều Nguyễn tồn tại gần 143 năm. Cũng như bất kì các triều đại khác, việc quy định và đặt ra những lễ nghi, phép tắc là yếu tố tiên quyết để vua cai trị và điều hành đất nước.
Lễ nghi cung đình là việc thể hiện tính chất trang nghiêm, trang trọng trong các sự kiện trọng đại của vương triều, hay để ban thưởng những người trong hoàng gia, quan thần có công trạng lớn, người đỗ đạt cao hoặc để mừng dịp lễ tết…Lễ nghi triều Nguyễn hết sức phong phú nhưng rất nghiêm chuẩn và khắt khe. Việc đặt ra các nghi lễ qua các đời vua nhà Nguyễn nhằm thể hiện quyền uy và củng cố địa thống trị một cách triệt để, vốn là bản chất của chế độ quân chủ chuyên chế.
Trên cơ sở kế thừa và tiếp biến những lễ nghi từ những triều đại trước, đặc biệt là sự chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, nhà Nguyễn đã thiết chế hóa, trang trọng hóa các lễ nghi, trở thành hệ quy chiếu chuẩn mực cung đình để làm khuôn mẫu thực hiện. So với các triều đại trước (gần nhất là thời chúa Nguyễn và Tây Sơn), lễ nghi cung đình Huế trở nên đa dạng và hệ thống hóa một cách bài bản, trịnh trọng. Trở thành điển lễ riêng với những đặc trưng nổi bật trong đời sống mọi mặt của hoàng gia và phù hợp với bối cảnh lịch sử đương thời. Việc định hình, khôi phục và phát triển hoàn thiện các nghi lễ, chính là cách các vua triều Nguyễn khẳng định sự tiến bộ về mọi mặt như hành chính, quân sự, ngoại giao…cho đến đời sống chốn hậu cung.
Mặt khác, bốn đời vua Nguyễn trong Từ Dụ thái hậu đều chịu ảnh hưởng mãnh mẽ của tư tưởng Nho giáo, chính vì vậy, việc xây dựng quy chế, điển lễ nhằm khẳng
định tính chính thống của giai cấp thống trị và đề cao tư tưởng trung quân. Trong những nghi thức trang nghiêm, sang trọng của vương triều Nguyễn, mỗi bậc quân vương còn mục đích hướng đến sự hưng thịnh, vững bền của quốc gia, sự trường tồn của dòng tộc, ngoài ra còn đáp ứng những nguyện vọng cấp thiết, những mục đích tối cao của vua và cả vương triều Nguyễn. Sự nghiêm cẩn, sang trọng của lễ nghi cung đình triều Nguyễn biểu hiện ở quy mô tính chất cùng với các nghi thức tiến hành như lễ Đăng quang, lễ Tấn phong Hoàng quý phi, lễ Nạp phi, lễ Phong tước Công, lễ Thôi nôi...Trong đó, lễ Đăng quang là nghi lễ quan trọng bậc nhất của đại triều. Ví như, lễ Đăng quang của vua Tự Đức - người kế thừa ngôi báu của Thiệu Trị, chính thức mở đầu một triều vua, một giai đoạn mới của chế độ. Lễ Đăng quang là sự kiện trọng đại, ảnh hưởng trực tiếp đến đại cục của một quốc gia. Lễ được tổ chức trước khi phát tang tiên đế (vua Thiệu Trị mất) tại điện Thái Hòa, với đầy đủ thành phần hoàng gia, quan lại với phẩm phục chỉnh tề, tổ chức trong một không gian trịnh trọng, bề thế, trang nghiêm: “Trong điện Thái Hòa, quan tài vua để ở gian giữa, phía trước ngai vàng. Hội đồng phụ chính gồm bốn quan đại thần đang đứng trước thềm điện. Dưới thềm là một tấm chiếu rất lớn. Các hoàng tử quỳ trên chiếu. Đăng Quế bước ra, tuyên đọc di mệnh của hoàng đế Thiệu Trị [33, tr. 379]. Thuận theo di chiếu của tiên đế, Hội đồng phụ chính nhận lãnh di chiếu, đã “tuyên đọc trước tất cả các thần công hoàng tử và các quan trong triều. Kính cẩn theo di mệnh, xin rước hoàng nhị tử Hồng Nhậm lên ngôi báu, tức vị hoàng đế thứ tư nhà Nguyễn! [33, tr. 380].
Trong giờ phút thiêng liêng, trang trọng, “Hồng Nhậm đứng dậy, bước lên thềm.
Nhã nhạc tấu khúc “Tam luân cửu chuyển”. Trương Đăng Quế khoác áo hoàng bào cho Hồng Nhậm, rồi bưng mũ triều thiên đặt lên đầu Tân hoàng đế. Hồng Nhậm bước lên ngai. “Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!” “Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. Các hoàng tử và các quan phủ phục tùng tung hô.
Trong những quy chế, lễ nghi có sự hiện diện của nhã nhạc cung đình, văn hóa ẩm thực Huế, yếu tố tâm linh, tín ngưỡng dân gian...Đặc biệt, Nhã nhạc cung đình là yếu tố không thể thiếu trong các lễ lớn của triều Nguyễn. Trong Từ Dụ thái hậu, nhã nhạc cung đình là loại hình nghệ thuật mang tính nghi lễ, như bản Đăng Đàn, múa Bát Dật, khúc Tam luân cửu chuyển, múa Lẫn mẫu xuất lân nhi…hiện diện trong những lễ trọng đại như lễ Đăng quang, lễ Tấn phong Hoàng quý phi, lễ Nguyên tiêu, lễ Nạp phi…Xuất phát từ quan niệm của Nho giáo, “Lễ” vốn là trật tự của trời đất, Vua là thiên tử (con trời), thay trời để điều hành, cai trị xã tắc, nên phải lấy “Lễ” làm đầu.
“Lễ” bao giờ cũng đi kèm với phần nhạc.
Triều Nguyễn cũng như bao triều đại khác, luôn đề cao nghi lễ và tính nghiêm chuẩn của nó, nhằm khẳng định lòng tự tôn và ý thức tự cường dân tộc, sự lớn mạnh, vĩnh cửu của triều đại, thể hiện được tầm nhìn, vai trò của người đứng đầu trong việc điều hành, cai trị được xây dựng trên nền tảng triết lý, tưởng tưởng của Nho giáo
“Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín”, đồng thời, ổn định trật tự xã hội, đi vào quy chuẩn,
mực thước, các mối quan hệ được đặt đúng vị trí, có tôn ti trật tự của nó với những quy định chặt chẽ, ràng buộc. Mọi lễ nghi được hoàng đế triều Nguyễn đặt ra phải tuân thủ một cách nghiêm túc theo quy chế điển lễ vương triều, từ những việc nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ chính trường cho đến hậu cung đều một mực chấp hành và làm việc chỉn chu, nghiêm cẩn, đúng quy lệ. Mỗi nghi lễ, đều được tổ chức một cách phù hợp, trịnh trọng, đảo báo tính linh thiêng, sự quy chuẩn đúng với tính chất của nó, phù hợp với địa điểm, không gian, thời gian, thành phần, lễ phục, như lễ Đại triều ở điện Thái Hòa, lễ Thường triều ở điện Cần Chánh, tế Nam Giao thường vào tháng ba…
Trong những nghi thức, lễ tế vương triều Nguyễn vẫn chịu sự ảnh hưởng và chi phối sâu sắc của đời sống tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian. Xuất phát từ nhu cầu hiện thực, mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên, vừa thể hiện khát vọng của bậc đế vương cho quốc thái dân an vừa đảm bảo tính nghiêm cẩn, linh thiêng và khẳng định tính chính danh, cương vị của hoàng triều, như lễ tế đàn Nam Giao, lễ Phong thần, lễ Nguyên tiêu...Trong đó, lễ tế Đàn Nam Giao (lễ tế đất trời) là nghi lễ quan trọng hàng đầu, được cử hành trọng thể trang nghiêm, xếp vào hàng Đại tự lễ của triều Nguyễn. Lễ tế Nam Giao được tổ chức quy mô nhất, tốn nhiều công của nhất trong số các lễ nghi triều Nguyễn. Đây là Đại lễ nên tất cả phải chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng để đảm bảo tính trang trọng, uy nghiêm. Những người tham dự chính thành phần hoàng gia là những hoàng tử, hoàng tôn mười tuổi (không có nữ giới) trở lên mới được phép dự lễ, “tất cả mặc áo nhiễu đỏ thắt lưng đen, đầu chít khăn, chân mang hia đen” [33, tr.
152]. Việc tuân thủ các quy định, khuôn phép trong quá trình tiến hành lễ là vô cùng quan trọng. Trước lễ tế ba ngày, hoàng đế Minh Mạng đã tới ở Trai Cung, ăn chay nằm đất để chuẩn bị lên đàn tế. Trong thời gian hoàng thượng trai giới, “các hoàng tử phải trang nghiêm kính cẩn, không gây tiếng ồn, không làm cản trở công việc chuẩn bị tế lễ” [33, tr. 153], trừ những quan lại, công thần có phận sự, “để bảo đảm cho lễ tế, tất cả các dân chúng đều bị cấm tuyệt không được lai vãng, không chăn thả gia súc gần đó, không đánh nhạc, thổi còi, ai trái lệnh đều phải tội chém”. Kiến trúc đàn tế đàn tế gồm ba tầng: Thiên, địa, nhân. “Trai cung được xây trên mặt bằng của nhân đàn, là một tòa cung điện nhỏ, bên trong bài trí đơn giản nhưng rất uy nghiêm” [33, tr. 156].
Ngoài lễ tế Nam Giao (lễ tế quy mô lớn, bề thế, trọng đại) thì đối với hoàng gia, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được điển chế hóa cao độ qua nhiều thiết chế và lễ nghi cung đình, trở thành quốc lễ thông qua hệ thống miếu điện ngay trong Hoàng thành, ở các lăng tẩm như Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu.
Bên cạnh các lễ thức kể trên còn một số nghi lễ khác trong hoàng gia được nhắc qua như lễ Mừng thọ (thái hậu), lễ Tiểu tường (giỗ đầu), lễ Ngũ đại đồng đường…Hoặc đối với những bậc công thần, hiền tài, để ghi nhận công lao, sự cống hiến của họ đối với tiên triều, nhà Nguyễn đề ra một số nghi lễ như lễ Phong tước, lễ Ban thưởng người có công, lễ Tiễn đưa đại thần nhậm chức, lễ đón Tân khoa. Ngoài ra đối với kẻ loạn đảng, chống đối triều đình, khi bị trừng trị thì tiến hành lễ Dâng tù...