Cung đình triều Nguyễn – phía khuất lấp của lịch sử

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 32 - 39)

CHƯƠNG 2. KHUÔN MẶT CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG TỪ DỤ THÁI HẬU CỦA TRẦN THÙY MAI

2.1. Sắc diện cuộc sống vương triều Nguyễn

2.1.1. Cung đình triều Nguyễn – phía khuất lấp của lịch sử

Từ Dụ thái hậu đã tái hiện được bối cảnh lịch sử đa diện của nhà Nguyễn trong buổi đầu khôi phục và xây dựng đất nước. Sau sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn, vua Gia Long lên ngôi thống nhất sơn hà, “mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm trên đất nước ta” [27, tr. 72].

Gia Long sau niềm vui chiến thắng, vinh quang rực rỡ cùng những dư chấn cũ của lịch sử để lại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến biến động của triều đình.

Việc Gia Long trả thù nhà Tây Sơn rất tàn bạo, tiêu hủy lăng mộ vua Quang Trung, tận diệt Quang Toản, lấy công chúa Ngọc Bình (vợ Quang Toản, em gái công chúa Ngọc Hân), giết hại hai công thần từng vào sinh ra tử với mình là Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường đã để lại nhiều điều tiếng cho sau này. Vấn đề triều chính nhà Nguyễn bấy giờ trở nên phức tạp và rối ren hơn, bởi sự kết đảng chia phe phái chạy đua quyền lực đã hình thành. Lúc này, “triều đình đang chia làm hai phái:

một phái ủng hộ hoàng tôn Đán, cháu đích tôn của hoàng hậu; phía kia ủng hộ hoàng tử Đảm, con trai của Nhị phi” [32, tr. 49], cùng với những chính sách cứng rắn và tàn bạo của Gia Long là những đợt sóng ngầm cho những biến cố lịch sử, những mầm loạn của triều Nguyễn sau này. Thời Gia Long là khoảng thời gian triều Nguyễn vừa phải giải quyết việc nội triều như củng cố chính sách, luật lệ để xây dựng và ổn định đất nước vừa giải quyết vấn đề ngoại bang gắn với với hoạt động giao lưu, thông thương với các nước phương Tây. Nhưng nhìn chung, về cơ bản mọi mặt của triều Nguyễn bước đầu đã định hình.

Đến thời Minh Mạng trở đi, nhà Nguyễn đã trở nên ổn định, phát triển và hoàn thiện hơn. Minh Mạng văn võ song toàn, nhìn xa trông rộng, hoàng đế đã làm những cuộc cải cách triệt để trên nhiều phương diện từ đời sống chính trị, xã hội, văn hóa, ngoại giao, đưa đất nước đi vào quy cũ. Việc giải quyết nội triều được vua ưu tiên quan tâm hàng đầu, bởi những cuộc đấu tranh giữa các thế lực, chia bè kết phái, tranh quyền đoạt vị và sự thanh trừng nội bộ. Đặc biệt, việc vua Minh Mạng “bỏ trưởng lập thứ”; đưa ra luật Tứ bất lập (không hoàng hậu, không tể tướng, không trạng nguyên và không thái tử); sáng tác Đế hệ thi Phiên hệ thi nhằm thiết thế hóa quyền lực và dòng dõi chính thống hoàng gia chính là nguyên căn gây nên những biến động lịch sử đương thời. Mặt khác, vua còn tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm như nạn giặc cướp Đá Vách ở Quảng Ngãi lộng hành, quấy nhiễu nhân dân; tội gian tấu trong thi cử (Giáp Văn Thân tấu gian bài thi của Trương Đăng Quế, đánh rớt, để đưa người nhà trở thành thủ khoa); bọn quan tham vơ vét của dân (Lê Quốc Huy nổi tiếng tàn độc, ăn

mòn của dân đến tận khố); thiên tai lụt lội, nạn đói ở miền Bắc và miền Trung khiến đời sống nhân dân đói khổ. Loạn phía Bắc dẹp chưa xong thì tiên triều phải đối phó với giặc Phan Bá Vành nổi lên ven biển Thái Bình, phương Nam có giặc Sư Kế nổi loạn. Sau khi dẹp xong giặc Phan Bá Vành, ở phía Bắc thì Lê Duy Lương xưng dòng dõi vua Lê nổi lên cát cứ.

Minh Mạng tập trung xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền, thuần phục nhà Thanh, tôn sùng Nho giáo, cấm đạo Thiên chúa. Đối với các nước phương Tây, chính sách trở nên thụ động do lạnh nhạt và nghi kị, chủ yếu “bế quan tỏa cảng”.

Nhưng cũng chính từ những sự cứng rắn, độc đoán của hoàng đế, triều Nguyễn vẫn phải đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề. Lê Chất mất, cái chết đột ngột và nghi án của Lê Văn Duyệt cũng chính là mầm mống cho những cuộc nổi loạn. Bạch Xuân Nguyên lòng tham vô đáy, tận dùng quyền thế thu lợi cho bản thân gây nên “biến loạn thành Phiên An”. Gia tướng họ Lê nổi dậy (Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt), tiến dinh Bố chánh, bắt Bạch Xuân Nguyên thiêu sống, chiếm sáu tỉnh miền Nam. Miền Bắc anh rể Lê Văn Khôi là Nông Văn Vân hưởng ứng nổi dậy ở châu Bảo Lạc. “Lê Văn Khôi đã chiếm hết sáu tỉnh miền Nam, chặn hết đường chở lúa gạo ra miền Trung. Loạn quân đã kêu gọi cả người Hoa kiều, cả các cố đạo cùng giúp sức. Ở miền Bắc thì anh rể Khôi là Nông Văn Vân đang từ châu Bảo Lạc tỏa về chiếm hết cả một dải dọc theo sông Lô, hăm họa tiến đánh cả đồng bằng sông Hồng…” [33, tr. 80].

Nhưng nhờ tài cai trị điều hành đất nước, thuật dùng người đã giúp Minh Mạng bình trị thiên hạ, dẹp yên loạn đảng, phản nghịch đưa trật tự xã hội đi vào guồng quay vốn có của nó.

Có thể nói, trong suốt thời gian trị vì của mình, vua Minh Mạng đã thay đổi rất nhiều việc từ nội trị, ngoại giao, cho đến cải cách xã hội cùng những việc trong dòng họ. Thời Minh Mạng, được xem là thời kì phát triển và thịnh trị nhất của các triều vua nhà Nguyễn.

Kế tục sự nghiệp, cơ đồ của tiên đế và vua cha đi trước, thời kì vua Thiệu Trị mọi việc đã ổn định. Về đối ngoại, vua cơ bản vẫn theo những chính sách đã có từ trước, nhưng việc ứng phó với phương Tây trở nên phức tạp và khó khăn hơn, nhất là việc truyền giáo của Đạo Thiên chúa. Thiệu Trị theo tư tưởng của Nho giáo, bản tính vốn hiền thuận khiêm cung, hòa ái. Trong Từ Dụ thái hậu, hai vấn đề khiến cho Thiệu Trị nặng lòng nhất chính là việc đưa Thành phi – Phạm Thị Hằng lên Hoàng quý phi và “lựa người nối nghiệp để yên xã tắc” [33, tr. 375]. Tuy nhiên, thời kì trị vì bảy năm, nhà vua đã có những quyết định khiến nảy sinh những mầm mống của phản nghịch, loạn đảng. Việc chiều theo ý của Thái thái hậu Trần Thị Đang để chân tay thân tín của bà lên nắm những vị trí trọng yếu của quốc gia và đồng thuận việc tổ chức lễ “Ngũ đại đồng đường” đã mặc nhiên định vị kế nghiệp cho Hồng Bảo, đó là căn nguyên gây nên những tai biến, sóng gió trong vương triều Nguyễn kéo đến tới đời vua Tự Đức. Đồng thời, hoàng đế phế trưởng lập thứ, đưa Hồng Nhậm lên ngôi dẫn đến sự phản nghịch

của Hồng Bảo và bọn loạn thần, rồi đại nghi án lịch sử - cái chết bí ẩn của Hồng Bảo, vua Tự Đức không phải là con của Thiệu Trị. Đó là những tồn nghi của lịch sử mà đến bây giờ vẫn chưa thể giải thích một cách thỏa đáng.

Một vấn đề lớn mà bốn đời vua Nguyễn trong Từ Dụ thái hậu phải đối mặt, chính là những cuộc chiến chốn hậu cung của những phi tần, cung nữ. Bởi, hậu cung có ảnh hưởng và tác động ghê gớm đến chính trường và nội triều. Muốn ổn định triều chính, trước tiên phải ổn định được nội cung, bởi “nội cung là trái tim, triều đình là bộ não” [33, tr. 347].

Thực tế, đây là một vấn đề mà bất cứ một triều đại phong kiến nào cũng có, gây ra không ít sóng gió biến động đến triều chính, chịu tác động trực tiếp là hoàng đế. Đó là những âm mưu chính trị bằng những thủ đoạn thâm độc, nham hiểm nhằm củng cố và lũng đoạn quyền lực, câu kết vây cánh, can dự triều chính (Nhị phi Trần Thị Đang);

sự thanh trừng, tận diệt vì hận thù cá nhân và danh vị (Trần Thị Đang với Tống Thị Quyên); sự hờn ghen, đố kị, hiềm khích vì sự sủng ái và quyền lợi cá nhân (Nhị phi Trần Thị Đang với Tam phi Lê Thị Ngọc Bình, Đinh Cam Lộ với Phạm Thị Hằng)…Những toan tính, mưu đồ đã gây nên thảm họa đối với bao số phận con người chốn cung cấm; những cái chết oan ức, đáng thương vô tội; nỗi đau thương mất mát vẫn luôn hiện diện nơi hào quang cung cấm vương triều Nguyễn. Chính cuộc sống chốn cung đình đầy rầy mưu sâu kế hiểm đã biến những người thiếu nữ thanh xuân trở thành những người lắm mưu, nhiều kế. Thậm chí có những người trở thành tội đồ, làm đảo điên, loạn biến nơi tưởng chừng như bình yên nhất trong chốn hoàng thành – hậu cung.

Tóm lại, bối cảnh không gian lịch sử triều Nguyễn qua tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu hiện lên đầy thăng trầm và biến động, không chỉ nơi chính trường mà còn chốn hậu cung, không chỉ hiện hữu nơi bề mặt mà khuất lấp, ẩn sâu trong tâm địa con người. Sóng gió bão táp của thời đại là điều mà bất kì một vương triều quân chủ chuyên chế nào cũng không thể thoát ra khỏi quy luật tất yếu, trong guồng quay của bánh xe lịch sử vốn đầy khắc nghiệt.

Chốn hậu cung triều Nguyễn với bao con người tồn tại, cũng chính là nơi diễn ra những cuộc chiến ngầm với đầy rẫy những âm mưu và thủ đoạn. Mọi mục đích họ đều hướng đến để củng cố địa vị quyền lực, chi phối trực tiếp tới chính trường nhà Nguyễn. Con người chỉ vì hờn ghen, đố kị, vì ham muốn vinh quang, danh vọng mà sẵn sàng hãm hại nhau, bài trừ nhau không kể thân thích, máu mủ. Phải chăng hậu cung là chốn phơi bày rõ nhất bộ mặt cũng như bản chất của con người; nơi tưởng chừng như một mặt nước yên lặng nhưng ẩn sâu dưới mặt nước lặng lẽ đó là những dòng cuồng lưu dữ dội và đáng sợ.

Tuy không phải chánh cung, nhưng Nhị phi Trần Thị Đang là người nắm quyền lực cao nhất. Tâm địa và động cơ của bà không nằm ngoài mục đích chính trị, thanh trừng kẻ chống đối mình. Nhị phi vì oán ghét Tam phi Ngọc Bình mà lấy cớ vu tội

“khi quân phạm thượng” cho nàng, tận diệt huyết thống; dùng thân phận của nô tì Hạnh Thảo để chia rẽ Gia Long và các vương phi, hoàng hậu Tống Thị Lan. Nhị phi bước đầu đã đạt được âm mưu giành ngôi hậu, toàn quyền cai quản nội cung khi hoàng hậu mất. Để tiện cho con đường quyền lực của mình không bị cản trở, Trần Thị Đang sát hại Hà Nhi - cung nữ thân tín của hoàng hậu, che đậy sự thật, đổi trắng thay đen và

“có cả một âm mưu được sắp đặt để Đảm giành được vị chủ tế trong lễ tang hoàng hậu”.

Chính Thượng thư Phạm Đăng Hưng nhìn ra và thấu tỏ “đã có một thế lực lộng hành như vậy ngay trong chỗ cao sâu nhất của cung đình [32, tr. 80].

Không chỉ âm mưu sắp đặt chuyện nội cung, can dự chính triều, Nhị phi Trần Thị Đang tranh giành quyền lực nhằm củng cố địa vị của mình. Những vương phi khác là cái gai trong mắt, Nhị phi đều tìm cách nhổ đi, tiêu cùng diệt tận. Vụ án thông dâm giữa giữa mẹ con Tống thị làm kinh động vương triều, cũng chính do một tay bà sắp đặt, dẫn đến kết cục bi thảm của mẹ con Quyên và Đán. Đó là thủ đoạn nhẫn tâm và xảo quyệt của Trần Thị Đang – Từ Khánh Thái hậu. Không chỉ vậy, thái hậu sợ rằng việc cai quản nội cung, quyền lực của mình sẽ mất đi nếu Ngô Thị Chính lên làm hoàng hậu, bà đã ép vua Minh Mạng phải nung chảy ấn vàng. Thái hậu độc đoán và xảo quyệt, để giành phần thắng có lợi cho mình mà không từ thủ đoạn nào: dùng Đinh Cam Lộ để chia rẽ tình cảm giữa Phạm Thị Hằng và Miên Tông; sai người ám sát Hằng khi bị giam trong biệt thất; loan tin đặt chuyện Hằng tư thông với Trương Đăng Quế; bày ra việc Chiếc khánh chạm phượng, lễ Ngũ đại đồng đường để sắp đặt chuyện chính thất của vua và nối ngôi cho mẹ con Cam Lộ; mượn giấc mơ của vua về Thần phi Hồ Thị Hoa để đuổi Nguyễn Thị Bảo về quê…Tiêu biểu cho bản chất thâm hiểm của Thái hậu chính là việc dùng người chết (Hồ Thị Hoa – mẹ của Miên Tông) và thần thánh (cô đồng ở Hòn Chén, nhập hồn tiên đế Gia Long) để sắp đặt triều chính và nội cung (đưa Cam Lộ lên Hoàng phi và con trai là Hồng Bảo lên ngôi vua). Với Thái hậu, không việc gì là bà không làm miễn sao đạt được mục đích của mình bằng bất cứ giá nào. Vua Thiệu Trị từng nhận xét một cách thẳng thắn với Thành phi Phạm Thị Hằng về thái hậu: “Tổ mẫu là người đàn bà độc đoán, tham quyền, hiếu sự, thích sắp xếp định đoạt theo ý mình, chỉ vì những ý muốn rất nhỏ nhặt mà không từ việc tày trời nào không dám làm” [33, tr. 283], và với thái hậu, niềm đam mê, khát vọng của bà chính là

“sắp đặt triều chính”, “trò chơi thiết kế quyền lực” [33, tr. 290]. Với thái hậu, quyền lực là tất cả, dường như tham vọng ấy không bao giờ vơi cạn. Vì vậy, “xưa nay chỉ vì âm mưu mà cấm cung trở thành chiến trường đôi khi cũng còn khủng khiếp hơn chiến trận của đàn ông” [33, tr. 291]. Nội cung bí ẩn, lòng người sâu hiểm, nơi tưởng chừng như bình yên nhất nhưng chính là nơi nguy hiểm nhất, luôn ẩn chứa những cơn cuồng phong dữ dội.

Trần Thị Đang không chỉ tham vọng thâu tóm quyền lực trong hậu cung mà còn khuynh loát cả chính sự đương triều. Qua Ván bài tứ sắc với Tả quân Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng, tâm cơ Nhị phi là để “người anh hùng” và “bậc trí giả” ấy đi theo,

ủng hộ và phò tá cho mình, kết vây cánh, xây dựng lực lượng (đặc biệt những đại thần trong triều) khẳng định uy quyền và thâu tóm quyền lực. Nhưng mục đích sâu xa động cơ ấy của bà chính là việc đưa hoàng tử Đảm lên ngôi. Bà cất cử con trai mình là Kiến An công Nguyễn Phúc Đài, em vua Minh Mạng giữ chức Tổng trấn Bắc Thành; sắp đặt, hối thúc Thiệu Trị tước phong cho tay chân của mình nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình: “Đô úy Đinh Văn Thắng làm Tổng quản Ngự lâm quân trấn giữ hoàng thành. Đồng thời, phong Trần Giám là chưởng cơ đội quân Dực Chấn, chuyên túc trực bảo vệ hoàng đế. Hai người này, một người là em ruột của Đinh Cam Lộ, một người là Tổng quản thái giám Trần” [33, tr. 344].

Bất thành trong việc lôi kéo Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt, Nhị phi tìm mọi cách để trừng trị kẻ dám chống đối mình. Bà cùng con trai – vua Minh Mạng đề xướng

“Tứ bất lập” nhằm giảm uy danh loại bỏ công thần, đồng thời, là chỗ dựa vững chắc cho Nhị phi toàn quyền cai quản nội cung suốt đời; lợi dụng vụ gian lận ở kho thóc Quảng Nam, mưu diệt Đăng Hưng vì “cái tội dám hỗn láo, dám thách thức thế lực của ta, của con ta” [32, tr. 231]; mượn tay Lê Văn Duyệt để giải quyết vụ án Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột, vừa “khử được những mưu đồ tôn phù Mỹ Đường, vừa ly gián được hai gã đại thần cố mệnh” [32, tr. 334]. Thái hậu không chỉ dùng Lê Văn Duyệt để loại bỏ dòng huyết chính thống ra khỏi cuộc tranh đua quyền lực, mà còn tận tâm tru diệt toàn nhà Tả quân, không để mầm mống gây họa sau này.

Quyền lực và danh vọng như trò chơi vương quyền. Trò chơi ấy phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cũng có khi là cả sinh mạng con người. Để có được danh vị cao sang, chí tôn thiên tử mà “từ xưa đến nay, người ta phải bóp cổ nhau, đâm chém nhau, vu oán giá họa cho nhau để giành ngôi báu” [32, tr. 144]. Không chỉ Trần Thị Đang, Hiền tần Ngô Thị Chính vốn hiền thục, được Minh Mạng yêu quý cũng tâm đồ kết giao, bàn tính thông gia với Trương Đăng Quế để phụng sự đưa Miên Hoằng lên ngôi; Tống Thị Quyên, vợ của Anh Duệ Vương hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (mất sớm) vốn nhỏ nhen, đố kị cũng mưu đồ chính sự để khôi phục ngôi báu cho con trai là Hoàng tôn Đán (sau đổi là Tôn thất Mỹ Đường); Đinh Cam Lộ ghen ăn tức ở, âm mưu loại trừ Phạm Thị Hằng, giành ngôi cho con là Hồng Bảo: “Con nhất định phải làm vua! Phải làm vua mới sống được! Mất ngôi báu tức là mất mạng” [33, tr. 374]. Ngay cả Bình Thái phu nhân (mẹ ruột Cam Lộ) cũng xúi giục con gái và cháu ngoại Hồng Bảo phải lật đổ ngôi vương, giành lại cho mình: “Ở nhà dân thường thì dễ, chứ nhà vua chúa là vậy, mạnh thì được, yếu thì thua. Một là làm vua, hai là chết! Nó chết thì mình sống, nó sống thì mình chết!” [33, tr. 374]. Hồng Bảo, anh của vua Tự Đức, cùng tên hầu Vạn Khoái kết bè với Đinh Văn Thắng, Giám Trần; cầu viện Anh, Pháp, Xiêm La; nhờ sự giúp sức của linh mục để mưu đồ tạo phản giết vua Tự Đức, cướp ngôi, là minh chứng rõ ràng nhất cho những tranh đấu quyền lực, mưu đồ bất chính và lòng tham danh vọng của con người.

Một phần của tài liệu Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Từ Dụ Thái Hậu Của Trần Thùy Mai.pdf (Trang 32 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)