CHƯƠNG 1: NHỮNG CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHỦ ĐỀ THẾ SỰ
1.2. Cơ sở lịch sử - văn hóa – xã hội hình thành chủ đề thế sự trong thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm
1.2.3. Cơ sở xã hội hình thành chủ đề thế sự trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
đề thế sự chúng tôi đi tìm hiểu trên các khía cạnh mà chủ đề thế sự phản ánh, đề cập đến.
1.2.3.1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội, tư tưởng - văn hóa thế kỷ XVI Về hoàn cảnh lịch sử - xã hội
Từ đầu thế kỷ XVI, xã hội phong kiến nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng về chính trị và xã hội với nhiều biến động, xáo trộn lớn. Tầng lớp thống trị từ vua đến quan lại đều trượt dài trên con đường sa đọa, nhà nước phong kiến suy thoái trầm trọng. Nổi bật là những vị vua cuối triều Lê là Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông được dân gian mỉa mai gọi là “Vua Quỷ, Vua Lợn”, vua “bù nhìn”. Dưới sự thống trị của triều đình chuyên chế đồi bại đó cùng với sự áp bức bóc lột của bọn quan lại, cường hào địa chủ, đời sống của nhân dân lại càng khốn khổ. Thiên tai làm cho mất mùa đói kém diễn ra liên miên càng khiến cho đời sống người dân lao động lâm vào cảnh khổ cực, điêu đứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân từ Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và lan đến cả kinh thành Thăng Long khiến nhà Lê nhanh chóng đứng trước bờ vực của sự diệt vong, sụp đổ. Chỉ mấy chục năm đầu thế kỉ XVI (1504 – 1527) có tới sáu vua Lê (Túc Tông,Uy Mục, Tương Dực, Quang Trị, Chiêu Tông, Cung Hoàng) lần lượt kế tiếp nhau nối ngôi, rồi lại lần lượt bị phế truất.
Cũng trong khoảng đầu thế kỷ XVI, ngay trong nội bộ giai cấp phong kiến cũng diễn ra các cuộc tranh giành, xung đột giữa các tập đoàn khác nhau mà nổi bật là cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều giữa nhà Lê với nhà Mạc và cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Cuộc nội chiến giữa hai vương triều Lê, Mạc kéo dài ngót 60 năm (từ năm 1533 – 1592) khiến đất nước chìm trong binh đao, khói lửa, loạn lạc.
Chính hiện thực tàn khốc ấy đã khiến cho tầng lớp quan lại trí thức nho sĩ đương thời đứng trước nhiều sự lựa chọn tiếp tục trung thành phụng sự nhà
Lê bằng cách chọn về ở ẩn để giữ được khí tiết của bậc nho sĩ hay đem tài năng ra phụng sự nhà Mạc phục vụ đất nước, có người chọn trung thành với nhà Lê, có người vừa theo nhà Lê lại vừa theo nhà Mạc. Cũng có nhiều nho sĩ chọn con đường cáo quan về sống ẩn dật tại quê nhà do thấy chán nản thất vọng với thực tại trong số đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tất cả những đau thương của lịch sử đã được phản ánh trong văn học một cách sâu sắc và chân thực nhất. Có thể nói chính hiện thực tàn khốc này là điều kiện để văn học thế sự phát huy vai trò của mình trong nền văn học.
Dù chỉ là những cảm hoài, tức sự, hay những vần thơ giãi bày tâm sự, nỗi lòng của mình trước hiện thực đương thời thì đó cũng chính là biểu hiện rõ nét nhất của chủ đề thế sự trong văn học.
Cùng với đó ở giai đoạn này còn có sự giao lưu, tiếp xúc với phương Tây làm thay đổi phần nào nền kinh tế. Nền kinh tế nông nghiệp đã mất đi vai trò chủ đạo do những cuộc chiến tranh kéo dài và tình trạng lấn chiếm ruộng đất của quan lại, địa chủ phong kiến. Thay vào đó nền kinh tế thủ công và thương nghiệp càng có điều kiện để phát triển hơn nữa mà cụ thể về thủ công đã xuất hiện những làng nghề làm gốm, dệt lụa, làm mía đường,…Về thương nghiệp việc buôn bán hàng hóa giao thương với nước khác cũng được đẩy mạnh xuất hiện nhiều thương nhân, trung tâm buôn bán sầm uất như Kinh Kỳ, Phố Hiến, Hội An.
Sự phát triển về mặt kinh tế đã kéo theo những thay đổi về mặt xã hội đó là việc xuất hiện những giai cấp, tầng lớp mới trong xã hội bên cạnh giai tầng phong kiến cũ như vua chúa, quan lại, quý tộc, địa chủ, nông dân… còn có sự xuất hiện của tầng lớp thị dân. Đây được coi là lực lượng xã hội có tác động lớn và làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế đất nước, đem đến những thay đổi lớn về văn hóa, tư tưởng của xã hội đương thời.
Tiền tệ được lưu thông dễ dàng, những đô thị mọc lên, kinh tế hàng hóa phát triển, đồng tiền đã phát huy vai trò của nó trong sinh hoạt xã hội nhưng đồng thời cũng kéo theo đó những hệ quả. Đó là sự chi phối của thế lực đồng tiền làm thời thế đảo điên, tạo nên sự phân cấp ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, các mối quan hệ trong xã hội, gia đình cũng bị sức mạnh của đồng tiền chi phối làm cho các giá trị thiêng liêng về mặt đạo đức, lễ nghĩa, luân thường đạo lí dưới con mắt các nhà Nho thay đổi theo chiều hướng đi xuống.
Có thể thấy những biến động về lịch sử - xã hội, kinh tế là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự thay đổi lớn của bộ mặt xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Về văn hóa - tư tưởng
Về văn hóa: Giáo dục, thi cử cũng đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng “chỉ trong 65 năm nắm giữ vương quyền, nhà Mạc đã tổ chức được 22 kì thi Hội, đào tạo được 485 tiến sĩ và hàng chục trạng nguyên” [74;417].
Trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Giáp Hải, Nguyễn Thiến, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải,… đặc biệt là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Về tư tưởng: Thế kỷ XV, Nho giáo phát triển và đạt tới mức cực thịnh còn Phật giáo, Đạo giáo thì mất dần địa vị do chính sách hạn chế đạo Phật của triều đình nhà Lê sơ. Nhưng sang đến thế kỷ XVI, là một thời đại đầy biến động với những cuộc đấu tranh trong nội bộ giai cấp phong kiến, cùng những cuộc đấu tranh giữa nhân dân với giai cấp phong kiến thống trị vốn đã làm đảo lộn trật tự xã hội, cùng với đó là sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa với sự chi phối mạnh mẽ của đồng tiền và lối sống thị dân đã làm băng hoại của ý thức hệ. Nho giáo đã mất dần vị trí và vai trò độc tôn của mình thay vào đó là những hệ tư tưởng khác như Phật giáo và Đạo giáo lại có điều kiện để phát triển trở lại và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội của nhân dân.
Nền văn hóa, tư tưởng của một quốc gia thường gắn liền với một thể chế chính trị, một chế độ xã hội, được coi là vũ khí tinh thần để phục vụ giai cấp thống trị. Ở thế kỷ XV thì Nho giáo vốn là học thuyết chính thống chiếm vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị của nhà nước phong kiến song từ đầu thế kỉ XVI Nho giáo đã bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu cho thấy sự đi xuống, mất dần vị trí độc tôn vốn có. Giáo lí Nho gia bảo vệ trật tự từ trên xuống dưới trong đó vua sẽ là người ở vị trí độc tôn cao nhất được ví như con trời hay thiên tử là người có quyền hành cao nhất thâu tóm tất cả quyền lực đất nước.
Điều này là hoàn toàn có lợi cho chế độ quân chủ với bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Tuy nhiên ở thời kì này bộ máy thống trị đương thời không vững chắc, nội bộ giai cấp phong kiến mâu thuẫn, làm cho đạo lí Nho gia cũng bị lung lay.
Dưới triều Mạc, giáo lí đạo Khổng luôn được coi là tư tưởng chính thống, nhà nước vẫn dựa vào các kinh sách Nho giáo để củng cố vương quyền, duy trì trật tự xã hội, lập lại kỉ cương, vực hồi đạo lý, hoạch định chính sách cai trị. Cũng như các triều đại khác nhà Mạc cũng rất chú trọng chính sách trọng dụng hiền tài, nho sĩ, tổ chức thi cử tuyển dụng quan lại, tìm người hiền tài cho đất nước nhưng trên thực tế nhiều giá trị tư tưởng Nho giáo đã thay đổi. Nhiều mối quan hệ vốn được Nho giáo coi trọng như quan hệ thầy trò, bạn hữu đã bị đồng tiền chi phối. Đồng tiền có thể giúp con người mua quan bán tước, giúp kẻ hèn kém được trọng vọng nhưng nó cũng làm cho những người có tài năng có nhân cách lại không được trọng dụng đề cao.
Đến thế kỉ XVI, chùa chiền liên tiếp được trùng tu, xây dựng, số người xuất gia tu hành ngay một đông. Một số dòng Thiền tông cũ hồi sinh và một số dòng Thiền tông mới xuất hiện. Phật giáo ngày càng được đề cao, chùa chiền trở thành những trung tâm sinh hoạt văn hóa có sức hút mạnh mẽ mọi tầng lớp xã hội. Bên cạnh Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang cũng mang sắc thái
mới mẻ nhiều đền, miếu, Đạo quán được xây dựng hoặc trùng tu dưới triều nhà Mạc, nhiều câu chuyện li kì về các vị đạo sĩ, các vị pháp sư cũng đã xuất hiện trong các truyền thuyết và các bộ dã sử.
Nếu Nho giáo đề cao lòng trung quân hướng tới bảo vệ giai cấp thống trị và tầng lớp trên của xã hội thì Phật giáo lại có tư tưởng hướng thiện, đề cao lòng từ bi bác ái, phổ độ chúng sinh, đề cao sự bình đẳng không phân biệt giai cấp, tầng lớp, không thiết lập trật tự tôn ti, không sử dụng pháp chế đàn áp con người. Phật giáo đã thể hiện tính chất dân chủ và nhân đạo của nó vì thế được nhiều tầng lớp trong xã hội đương thời ưa chuộng. Trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, con người rơi vào khổ đau cộng với sự cởi mở trong chính sách tôn giáo của nhà Mạc, con người tìm đến với Phật giáo là điều dễ hiểu.
Cũng ở thế kỷ XVI, Thiên chúa giáo đã được truyền bá vào Việt Nam theo sát con đường phát triển của kinh tế hàng hóa và tiền tệ mà lan ra khắp nơi. Tư tưởng chính của tôn giáo này là thờ Đức chúa trời khác hẳn Nho giáo tôn thờ thiên tử - vua. Như vậy, sự phát triển trở lại của Phật giáo, Đạo giáo, và sự truyền bá của tư tưởng Thiên chúa giáo là nguyên nhân khách quan khiến Nho giáo lâm vào tình trạng suy vi mất đi vai trò độc tôn.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội và văn hóa - tư tưởng như vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những sáng tác mang đậm dấu ấn thời đại, giàu tính thời sự, hiện thực.
1.2.3.2. Những tiền đề văn học
Ở giai đoạn thế kỷ XVI, văn học trung đại Việt Nam chuyển dần từ âm hưởng ngợi ca dân tộc ngợi ca vương triều phong kiến sang âm hưởng phê phán hiện thực xã hội. Chế độ phong kiến Việt Nam đã có những biểu hiện khủng hoảng, nội bộ giai cấp thống trị tranh giành quyền lực, nội chiến xảy ra liên miên. Trong một hoàn cảnh lịch sử mới với nhiều thay đổi thì
văn học cũng có những bước chuyển hướng. Văn học vẫn phản ánh những nội dung vốn có và mặt khác còn phản ánh những nội dung mới. Những tầng lớp nho sĩ, trí thức đương thời sống gần gũi với người dân hiểu được hoàn cảnh sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân nên họ đã viết những tác phẩm nói lên nguyện vọng phản ánh mong muốn của nhân dân. Vì vậy văn học giai đoạn này nghiêng về phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh nhu cầu tình cảm của con người.
Cùng với đó là sự phát triển của văn tự Nôm hướng đến tư duy tương đồng với văn tự Hán, ý thức của chủ thể tác giả được đề cao trong quá trình sáng tác văn học. Đặc biệt, với vai trò người kiến tạo như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bản thân ông đã tạo nên những điểm nhìn về thế sự đương thời trong thơ chữ Hán.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà Nho sống vào thời kì mà xã hội có nhiều biến động ông cũng là một nho sĩ nặng lòng với dân với nước cho nên đứng trước sự thay đổi ấy những sáng tác của ông cũng có nhiều tác động, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng nhiều đến phản ánh hiện thực xã hội đương thời.