Sử dụng điển cố, điển tích

Một phần của tài liệu Chủ đề thế sự trong thơ chữ hán nguyễn bỉnh khiêm (Trang 60 - 64)

CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM

3.1. Sử dụng điển cố, điển tích

Trong văn học trung đại phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, việc sử dụng điển cố (điển tích) trong tác phẩm văn học là một nét đặc thù để thể hiện sự uyên bác và tài năng nghệ thuật của người dùng điển, tạo cho tác phẩm tính trang nhã và đạt hiệu quả thẩm mĩ cao.

Điển cố được sử dụng trong tác phẩm văn học có khi là một chữ, một ngữ, một câu hay một tên người, tên đất nào đó được nhà văn, nhà thơ rút ra từ những truyện xưa, tích cũ, câu thơ, câu văn trong kinh sách Trung Hoa.

Qua những điển cố đó, tác giả đã gián tiếp bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình.

Trong quá trình sáng tác văn chương, việc sử dụng điển cố có thể được coi là một biện pháp tu từ đặc biệt giúp nhà văn, nhà thơ xây dựng hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, tượng trưng và sinh động, nó chuyển tải những nội dung rộng lớn (ý tại ngôn ngoại, ngôn tận nhi ý bất tận) mà trong khuôn khổ (tính quy phạm) của thơ ca không cho phép. Điển cố rất kén người sử dụng, không phải ai cũng dùng được mà phải là người có kiến văn sâu rộng.

Từ việc tìm hiểu về chủ đề thế sự trong thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi nhận thấy nhà thơ đã sử dụng rất thành công các điển cố, điển tích trong thơ văn của mình.

Nhìn thấy cảnh chiến tranh ác liệt, giặc giã đốt phá bừa bãi họa lại lan tràn gây nên cảnh loạn lạc, vợ phải lìa chồng, con phải xa bố mẹ, đời sống nhân dân lầm than cực khổ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mượn điển “họa diên Côn ngọc” (họa lan tới tận núi Côn) để phản ánh tình hình xã hội Việt Nam lúc đó:

Thương cập cốc ngưu hình võng giới, Họa diên Côn ngọc hỏa câu phần.

(Hại đến cả trâu trong chuồng, trình ngục bừa bãi, Họa tới tận ngọn núi Côn, lửa thiêu cháy trụi).

(Cảm hứng, bài 7)

Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ra nguyên nhân của thảm cảnh trên là do chiến tranh phi nghĩa gây nên. Đó là những cuộc chiến tranh hùng, tranh bá giữa các quốc gia với nhau, hoặc là những cuộc nội chiến liên miên giữa các dòng họ nhằm tranh giành ngôi báu, quyền lực, đất đai.

Trong bài thơ Tăng thử (Ghét chuột) nhà thơ đã sử dụng điển “Ninh khế Ngụy mã yên – Ninh đạo Lỗ ngưu dốc”, Nghĩa là: Thà nhá cái yên ngựa của nước Ngụy – Thà ăn trộm cái sừng trâu của nước Lỗ và điển “Thành xá ỷ vi gian” nghĩa là: Chốn thành xã dựa vào mà làm điều gian. Dùng những điển này một mặt nhà thơ muốn phê phán nạn tham ô, bóc lột dân chúng của quan lại đương thời, mặt khác, ông cũng muốn nhắc nhở khơi dậy lòng yêu thương con người ở họ.

Những cuộc nội chiến giữa bốn dòng họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn kéo dài liên miên đã làm cho đời sống nhân dân lâm vào cảnh lầm than, cơ cực.

Nguyễn Bỉnh Khiêm coi đó là những cuộc chiến tranh bất nghĩa giống như cuộc chiến tranh giữa Lưu Bang nước Hán với Hạng Vũ nước Sở

Bành, Nhan thọ yểu tôn tiền tửu, Lưu Hạng doanh thâu cục diệu kì.

Bát quái thố thôi thiên vãng phục, Sổ thanh quyên nghiệm thế hưng suy.

(Ông Bành sống lâu, Ông Nhan chết yểu mọi việc như trước chén rượu,

Họ Lưu thắng, họ Hạng thua như một cuộc cờ.

Tám quẻ cứ suy từ vầng trăng qua lại trên trời,

Mấy tiếng chim quyên, có thể từ đó nghiệm ra sự hưng vong của các đời).

(Trung Tân quán ngụ hứng, bài 10) Nhà thơ đã sử dụng điển nói về cuộc chiến tranh giữa nước Hán với nước Sở kéo dài liên miên cũng chỉ vì hai ông vua Lưu Bang và Hạng Vũ đều có tham vọng làm bá chủ thiên hạ, chỉ vì những tham vọng đó mà gây nên cuộc chiến tranh bất nghĩa khiến hai nước lâm vào cảnh khốn khó loạn lạc.

Cuối cùng Lưu Bang thắng còn Hạng Vũ thua phải tự tử vì xấu hổ; nhà thơ đã đưa ra một quan niệm cho thấy chuyện thua được ở đời chỉ như một cục diện đánh cờ phải có kẻ thắng, kẻ thua, người được, người mất. Và cuối cùng tác giả mượn điển về hình ảnh chim đỗ quyên, loài chim này do vua Thục mất nước hóa thành kêu mãi quốc quốc ý muốn nói việc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến sẽ gây ra hậu quả khôn lường có thể dẫ tới họa diệt vong, mất nước.

Đặc biệt ở bài Cảm hứng (tam bách cú), Nguyễn Bỉnh Khiêm giúp người đọc cảm nhận được toàn cảnh suy đồi về mặt đạo đức của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI thể hiện qua ba mươi sáu điển. Vì chiến tranh loạn lạc, vì sự chi phối của đồng tiền mà kéo các mối quan hệ xã hội bị đảo lộn, cương thường lễ nghĩa bị đảo ngược:

… Cương thường ngày một bị bỏ bê.

Phận vị theo lễ, than rằng lúc bỏ lúc theo, Mũ giày cũng theo đó mà điên đảo.

Thờ vua mà bề tôi chẳng ra kẻ bề tôi, Thờ cha mà con chẳng ra con.

Bắn vào vai còn lỡ lòng làm,

Chia bát canh cũng không thấy thẹn.

Vua Sở bề ngoài có sự suy tôn,

Trong cung nước Tùy có sự tư thông với nhau.

Dối trá mà nhường ngôi ở điện Sùng Nguyên, Cưỡng bức mà nhận lấy ngọc tỉ Linh Vũ.

Đám tóc dài tuôn chất độc,

Coi việc thoán nghịch, giết vua như thay chiếc áo.

Phí tổn để xây “cung Nhớ con”, Hối hận khi thấy mộ mẹ…

Đoạn thơ trên nhà thơ đề cập đến sự lộn xộn của các mối quan hệ giữa con người với con người.

Đó là mối quan hệ vua – tôi, được phản ánh qua điển “Sở đế” (Vua nước Sở), điều này muốn nói đến Hạng Vũ vốn là bề tôi của vua nước Sở là vua Nghĩa Đế đã giết vua để cướp ngôi. Qua điển trên nhà thơ đã lên tiếng phê phán những kẻ bề tôi không có lòng trung quân, vì ham muốn quyền lực mà mà họ sẵn sàng phản bội lại đức vua.

Hay mối quan hệ cha – con, vì chức tước địa vị lòng tham vô đáy con người có thể phụ cha thể hiện qua các điển “Tùy cung, Sùng Nguyên chiếu,”.

Dùng những điển này, tác giả lên án những đứa con bất hiếu vì ngôi báu đã nhẫn tâm phụ cha mình. Chẳng hạn, dùng điển “Tùy cung” là nhắc đến Tùy Dạng Đế một đứa con đã dâm ô với vợ lẽ của cha, sau đó giết cha để cướp ngôi… hay ngược lại cha cũng có thể phụ con qua điển “cung Tư Tử” ý nói việc Hán Vũ đế nghe theo lời xúi bẩy của cận thần cho rằng Thái tử Lưu Cứ làm phản bị kết tội oan rồi bị giết, sau Vũ biết bèn cho xây cung Tư Tử (cung Nhớ Con) để ngụ ý nhớ nhung Thái tử là con mình.

Ngoài ra, trong bài thơ còn có một số đoạn Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập đến một số mối quan hệ khác như quan hệ giữa anh – em qua điển “đấu túc”

(đấu thóc), “phủ đậu” (đậu trong nồi) vì ngôi báu anh đã phụ em. Rồi quan hệ vợ - chồng cũng được đề cập đến qua điển “mại tân” (bán củi), điển này nói tới Chu Mã Thần thời Hán vì nhà nghèo phải kiếm củi bán để nuôi thân, đọc sách lấy tiền ăn học, vợ ông thấy vậy liền bỏ đi sau này ông thi đỗ làm quan vợ tìm về nhưng ông không nhận. Như vậy, quan hệ tình cảm vợ - chồng cũng bị danh lợi chi phối

Qua những điển trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phản ánh thành công mối quan hệ giữa con người với nhau cũng chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thành công trong việc phản ánh hiện thực tình hình xã hội Việt Nam thế kỷ XVI. Đó là sự thoái hóa về mặt đạo đức của con người, vì tham vọng quyền lực, địa vị, danh lợi trước mắt mà con người sẵn sàng làm những điều trái với đạo lý cương thường, trái với thuần phong mĩ tục… Tất cả những điều đó đã tạo nên một bức tranh xã hội hỗn độn, đầy rẫy những bất công ngang trái.

Bản thân là một nhà Nho lại có phẩm chất đạo đức trong sáng, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đề cao đạo đức Nho giáo. Cho nên, trước hiện thực hoàn cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam đương thời với nhiều bất ổn, chính trị thì rối ren, đạo đức thì đi xuống, khiến ông không khỏi đau xót ngậm ngùi. Từ hiện thực đau xót ông ghi lại hết những thói hư tật xấu của con người, những tráo trở đảo điên của nhân tâm thế sự, những biến thiên dữ dội của xã hội. Qua những ghi chép đó, người đọc thấy được toàn cảnh bức tranh xã hội thời đó như là “một tấn trò đời”. Đây cũng là mảng thơ ông viết để nói lên tiếng nói phê phán tố cáo, lên án, để rồi từ sự phê phán đó, ông hi vọng sẽ làm thức tỉnh nhân cách đạo đức tốt đẹp vốn có trong mỗi con người góp phần làm bộ mặt xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Chủ đề thế sự trong thơ chữ hán nguyễn bỉnh khiêm (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)