CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
2.1. Chủ đề về chiến tranh phong kiến
Cuộc nội chiến ở Việt Nam thế kỷ XVI là một trong những nội dung lớn được thể hiện rất rõ nét trong thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt là trong những vần thơ chữ Hán. Nhà thơ đã phê phán gay gắt, phản ánh chân thực cuộc chiến giữa các phe phái, các thế lực phong kiến đã gây ra hậu quả nặng nề cho đời sống của nhân dân lao động đương thời.
Trước tiên cần phải khẳng định rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là một cận thần tôn phò nhà Mạc và sống hết mình với triều đại này. Bởi mãi cho tới năm
44 tuổi ông mới quyết định ra thi ứng thí tài năng và đã đỗ trạng nguyên ngay sau đó. Cả một quãng thời gian dài khi còn trai trẻ ông đã phải có sự cân nhắc, chọn lựa cho mình một triều đại để ra phụng sự vậy nên có thể thấy sự tin tưởng và tâm huyết ông dành cho vua quan nhà Mạc là nhất mực trung thành. Cho nên, ông đứng về phía nhà Mạc để lên án chiến tranh chống lại các phe phái, thế lực khác là điều đương nhiên. Điều này đã được thể hiện trong rất nhiều vần thơ tâm huyết:
Trời giúp vua ta khôi phục lại Kinh đô cũ, Cờ quạt, người đi xem cùng reo mừng.
Trăm quan theo hầu dù lọng ngang trời,
Quân thị vệ kể có hàng nghìn, thuyền xe nối tiếp.
Quét sạch, làm mới lại miếu mạo nhà Đường, Quy mô như cũ, hệt cơ đồ nhà Hán.
Nhân dân sau cơn loạn từ lâu sa vào khốn khổ bệnh tật,
Xin ban bố nền chính sự khoan hòa nhân ái để an ủi những kẻ mong được sống lại.
(Hạ ngự giá thướng kinh)
Đây là bài thơ Trạng Trình làm trong dịp mừng vua Mạc đánh tan quân Lê Trịnh chiếm lại kinh thành Thăng Long, bài thơ đã cho thấy được sự vui mừng, tin tưởng của nhà thơ đối với triều Mạc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn theo quân nhà vua đi dẹp loạn với một tinh thần tự nguyện, tấm lòng chân thành dù khi đó ông đã từ quan ở ẩn tại quê nhà và ở độ tuổi ngoài sáu mươi. Ông muốn đem hết tài năng của mình để đem đến sự thái bình thịnh trị cho đất nước thông qua việc làm quan phụng sự nhà Mạc. Nhưng mong ước đó của ông không thể thực hiện được vì sự tranh giành quyền lực của triều đình nhà Mạc và kéo theo đó là tình trạng chiến tranh vẫn diễn ra liên miên không dứt.
Một vùng từ đông đến nam, Đôi đường từ tây sang bắc.
Chiến tranh tiếp liền nhau,
Họa loạn đến như thế này là cùng cực.
(Thương loạn)
Chính vì sự thất vọng đó mà Trạng Trình đã đứng về phía nhân dân lao động để phản đối chiến tranh phong kiến.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có khoảng hơn mười bài thơ chữ Hán viết về chủ đề chiến tranh phong kiến. Có thể thấy rằng những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến với những hậu quả thảm khốc mà nó gây ra như một nỗi niềm đau đáu cứ trở đi trở lại trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một con người có tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng.
Lạc lạc can qua mãn mục tiền, Nhân dân bôn thoán dục cầu tuyền.
Điên liên huề bão ta vô địa, Ái hộ căng linh bản hữu thiên.
(Giáo và mộc tua tủa bày ra trước mắt, Nhân dân trốn chạy muốn tìm nơi an toàn.
Khốn đốn dắt dìu nhau, thở than không có đất, Thương xót che chở cho, may thay còn có trời).
(Cảm hứng thi, bài 3) Cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra rất ác liệt và kéo dài mấy chục năm. Trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên trước hết là hình ảnh của những kẻ nghịch tặc xâm phạm vào kinh đô nhà vua:
Nghịch tặc xương cuồng phạm đế kinh, Chủ ưu thần nhục trọng thương tình.
(Cảm hứng thi, bài 2)
Trước hiện thực kẻ thù đang muốn chiếm kinh đô của triều đình báo hiệu cho một cuộc nội chiến sẽ diễn ra để tranh giành ngôi vương, đồng thời cũng là nỗi niềm của bậc bề tôi với tấm lòng yêu nước, thương dân mong muốn thái bình cho quốc gia.
Cùng với đó nhà thơ còn tái hiện cảnh tranh giành, chém giết lẫn nhau giữa các tập đoàn phong kiến:
Yếm khan nghịch tặc cửu xương cuồng, Hỗ chiến giao tranh bán sát thương.
Liệt hỏa viêm viêm phần ngọc thạch, Cô ưng ngạc ngạc bố loan hoàng.
(Ngán xem nghịch tặc rông rỡ đã lâu, Đánh lẫn nhau chết một nửa.
Lửa dữ cháy bừng bừng thiêu đốt cả ngọc đá,
Một con chim ưng hung dữ khủng bố chim loan chim hoàng).
(Cảm hứng thi, nhị)
Nhà thơ đã phản ánh trực tiếp hiện thực đang diễn ra trước mắt mình với cảnh đánh chém, chết chóc rất khốc liệt giữa các thế lực phong kiến “Hỗ chiến giao tranh bán sát thương”. Cùng với đó là những hình ảnh tượng trưng
“chim ưng, chim loan, chim hoàng” những hình ảnh thường thấy trong văn chương trung đại, chúng đều là những loài vật cao quý tượng trưng cho giai cấp thống trị phong kiến. Hình ảnh chim ưng khủng bố chim loan, chim hoàng là lối viết ẩn dụ về sự mâu thuẫn, giết hại lẫn nhau trong nội bộ giai cấp thống trị giữa triều Lê - Mạc và nội bộ triều Lê.
Có một điều cần phải được khẳng định trước tiên là tư tưởng “lấy dân làm gốc” là một trong những tư tưởng được Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cao và coi trong, ông đã từng khuyên giai cấp thống trị nên biết rằng:
Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng trị tại đắc dân.
(Xưa nay nước lấy dân làm gốc,
Nên biết được nước là do được lòng dân).
(Cảm hứng thi, nhất)
Nhà thơ nhắc nhiều đến dân, coi trọng người dân nên chứng kiến cảnh chiến tranh xảy ra liên miên, gây nên những hậu quả nặng nề trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Chiến tranh đã gây ra những thương vong rất lớn khiến xã tắc bị lung lay, quân lính mệt mỏi, tài sản nhà nước bị hao hụt nặng nề vì phải chi cho các trận chiến. Chiến tranh làm hao tốn sức người, của cải vật chất, kinh tế kiệt quệ
Liên miên chinh phạt vương sư lão, Lũy thế chinh thâu quốc dụng đoàn.
(Liền năm chinh phạt quân nhà vua mệt mỏi, Bao đời xâu thuế vận chuyển của nước kiệt quệ).
(Cảm hứng thi, bài 6)
Chính chiến tranh đã làm cho bao người dân vô tội phải sống trong cảnh cực khổ, điêu đứng, họ là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong xã hội. Họ vừa bị các tập đoàn phong kiến cát cứ từng vùng ra sức bóc lột để xây thành đắp lũy, chế tạo vũ khí, bị cướp mất quyền tự do, bị đối xử tàn bạo phải bỏ quê đi khắp nơi tìm sự an toàn. Nỗi khổ của người dân trở thành một nỗi ám ảnh trong các trang thơ viết về chiến tranh của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chưa ra quân để diệt sạch bọn giặc xấu xa, Dân gặp loạn nhiều người ly tán bốn phương.
(Cảm hứng thi, bài 2)
Thương dân ta bị hãm trong đất giặc chiếm đã từ lâu, Ai có thể cứu vớt thể hiện tấm lòng chí nhân.
Hại đến cả trâu trong chuồng, hình ngục bừa bãi, Họa tới tận ngọc núi Côn, lửa thiêu cháy rụi.
(Cảm hứng thi, bài 7) Chỗ nào cũng có dân phiêu tán nhớ về làng cũ, Bao giờ thì người chiến sĩ ngừng giáo mác.
(Tức sự, bài 2)
Tình cảnh những người dân bị mất đất đai tài sản, bị giam hãm trong đất giặc chiếm đóng, cuộc sống mất đi sự tự do, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh phiêu bạt khắp nơi để tránh chiến tranh mất mát mong giữ được mạng sống của mình. Họ có nhà có đất mà không được ở phải bỏ quê hương và luôn mong nhớ về làng quê nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó máu thịt bao đời nay.
Tâm sự của người dân càng khiến chúng ta phải xót xa, thương cảm cho những cảnh ngộ đó hơn bao giờ hết. Chỉ bằng vài chi tiết thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp ta hình dung ra thảm cảnh của dân chúng và sự tàn ác của lũ giặc ngông cuồng.
Bài thơ Thương loạn là một cái nhìn khái quát về cảnh loạn li, tan thương mà chiến tranh đã gây ra.
Chiến tranh hỗ tương tầm, Họa loạn chí thử cực.
Trắc đát vô nhân đoan, Tàn sát hữu quỷ tặc.
Cư ốc chiết vị tân, Canh ngưu đồ nhi thực.
Nhương đoạt phi kỉ hóa, Hiếp dụ phi kỉ sắc.
Kiến hãm trọng đồ thán, Sở quá sinh kinh cức.
Tiều tụy tư vi thậm, Ai tố mạc năng đắc.
(Chiến tranh tiếp liền nhau,
Họa loạn đến như thế này là cùng cực.
Không có đầu mối lòng nhân biết xót thương, Có sẵn loài giặc quỷ thích tàn sát.
Nhà ở đem phá nát làm củi, Trâu cày đem mổ làm thịt ăn.
Cướp đoạt tài sản không phải là của mình, Hiếp dỗ người không phải là vợ mình.
Mắt thấy nơi nơi đều là lầm than,
Khắp chốn đi qua đều thấy sinh gai góc.
Tiều tụy đến như thế là quá lắm, Thương xót van kêu đâu có được).
Chiến tranh xảy ra liên miên gây nên những hậu quả khốc liệt, nó khiến cho cuộc sống của những người dân lao động bị đảo lộn hoàn toàn. Các tập đoàn phong kiến cát cứ từng vùng họ xây thành đắp lũy lo vun vén của cải vật chất để phục vụ cho lợi ích của họ, chỉ vì nhu cầu chiến tranh họ đẩy người dân lao động vào chỗ cùng cực. Đáng buồn nhất là hình ảnh những loài giặc quỷ gian ác lũ quỷ gian ác chỉ biết say mê giết chóc và ức hiếp người lương thiện cứ hiển hiện khắp mọi nơi, khiến con người luôn phải sống trong sự bất an, không biết cầu cứu, không thể kêu than được.
Cùng với đó là hình ảnh những cánh đồng chỉ có mạ khô, người dân không có lương thực để ăn trong bài Tăng thử (Ghét chuột):
Đồng nội có mạ khô, Kho đụn không thóc thừa.
Vất vả, nghèo khổ người nông phu than vãn, Đói và gầy trên đồng ruộng kêu khóc.
Họ than vãn, kêu khóc cho chính cảnh ngộ của mình. Có thể thấy rằng hình ảnh về người dân “Đói và gầy trên đồng ruộng kêu khóc” là những hình ảnh có sức tố cáo mạnh mẽ về hậu quả tàn khốc, nặng nề mà chiến tranh đã gây ra.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có hàng loạt bài thơ viết bằng chữ Hán như một bức tranh liên hoàn phản ánh cuộc sống cùng cực của nhân dân do cuộc chiến tranh phong kiến gây ra, và đó cũng là cảm hứng sáng tác xuyên suốt toàn bộ tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập.
Một điểm riêng biệt, độc đáo đó là sự xuất hiện của hai bài thơ là Khuê tình (Nỗi lòng chốn phòng khuê) và Thu thanh (Tiếng thu) trong sáng tác chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm.Cả hai bài này ông đã viết về hoàn cảnh, tâm trạng của những người vợ có chồng phải đi chinh chiến:
Hốt văn hàn khí xâm liên mạc, Thỉ giác nhân tình hữu biệt ly.
Khứ mộng bất từ sa tái viễn, U hoài hoàn động cổ tì ti.
(Bỗng luồng khí lạnh thấm nhập vào trong buồng, Khiến người ta mới thấu mối tình kẻ biệt ly.
Mơ mộng tới ải xa mà bấy lâu không tin tức gì,
Lòng buồn văng vẳng tưởng như nghe có tiếng trống trận).
(Khuê tình)
Tiêu điều thu dạ trích hàn canh, Ngọc luật hồi âm ám thổ thanh.
Đán giác thụ gian minh tích tích, Hốt kinh nguyệt dạ hưởng tranh tranh.
Sơ văn thú phụ sầu vô mị,
Tựa xúc hàn tương nhạ bất bình
(Đêm thu vắng chỉ nghe giọt nước đồng hồ thánh thót, Thoáng nghe như có tiếng tơ lòng từ đâu dội đến.
Trong bụi cây nghe có tiếng râm ran,
Dưới trăng lại cũng nghe có tiếng vang vang rất sợ.
Đêm đêm người vợ lính thú đau buồn không ngủ được, Chỉ nghe tiếng dế kêu càng thêm nỗi bất bình).
(Thu thanh)
Hai bài thơ đã đi sâu phản ánh sự mất mát, buồn bã trong tâm hồn con người. Chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc lứa đôi đẩy họ vào tình cảnh cô đơn.
Tình cảnh người phụ nữ một mình trong chốn phòng khuê thật xót xa với xung quanh là bốn bức tường trống trải chỉ cần một cơn gió thu thổi vào phòng cũng khiến người chinh phụ “bỗng” giật mình xót xa về cảnh ngộ của chính mình. Hằng đêm họ luôn mong nhớ về người chồng nơi chiến trận đã xa cách lâu ngày không có tin tức gì, nỗi lo canh cánh về sự an nguy của chồng luôn thường trực. Cùng với đó tiếng trống trận văng vẳng trong lòng như một nỗi ám ảnh về sự xa cách cô đơn, mong nhớ. Những vần thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến chúng ta liên tưởng đến những câu thơ của bà Đoàn Thị Điểm khi viết về tình cảnh của người chinh phụ trong bài Chinh phụ ngâm ở giai đoạn sau này và dường như có sự liên hệ giữa những người khác thời.
Vượt lên trên sự phê phán chống chiến tranh phong kiến đương thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những vần thơ viết về tâm trạng cô đơn của người chinh phụ, đồng thời lên tiếng đòi quyền sống cho con người, đòi giai cấp thống trị phải trả lại quyền hạnh phúc lứa đôi đặc biệt là hạnh phúc cho người phụ nữ một trong những điều tối kị trong sáng tác của các nhà Nho đương thời. Ở thế kỷ XVI, những vần thơ ấy chính là tiếng nói nhân văn thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng nhà thơ.
Như vậy với việc tìm hiểu về chủ đề thế sự về cuộc nội chiến đã cho chúng ta thấy được hiện thực xã hội Việt Nam ở thế kỉ XVI, một thời kì mà xã hội rối ren, chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên gây nên hậu quả nặng nề cho cuộc sống của nhân dân. Những bài thơ chữ Hán viết về chủ đề nội chiến được coi như những vần thơ phản ánh chân thực hiện thực đáng buồn mà giai cấp thống trị đương thời đã gây ra. Đồng thời qua đó thấy được tấm lòng thương cảm của Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho người dân, ông cũng mong muốn dùng thơ văn để răn dạy những kẻ tham chiến về đạo lý Nho gia, và mong muốn một cuộc sống hòa bình cho dân cho nước.