Chủ đề về giới chức quan lại

Một phần của tài liệu Chủ đề thế sự trong thơ chữ hán nguyễn bỉnh khiêm (Trang 44 - 51)

CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM

2.2. Chủ đề về giới chức quan lại

Thế kỷ XVI, tầng lớp quan lại phong kiến cũng bộc lộ sự xuống cấp nghiêm trọng, họ không còn giữ được vai trò là rường cột của đất nước. Sự khủng hoảng của bộ máy cai trị từ vua chúa đến quan lại quý tộc tầng lớp thống trị đương thời đã bộc lộ bản chất thối nát của quan lại phong kiến. Cũng là một nhà Nho xuất thân từ cửa Khổng sân trình, muốn đem hết tài năng để phục vụ đất nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm sau hơn bốn mươi năm sống và trải nghiệm đã quyết định đi thi cử với mong muốn được phục vụ triều đình, thực hiện hoài bão của một trang nam nhi.

Ông đã đỗ đạt chức vị Trạng nguyên dành chức vị cao được trở thành một vị quan trong triều Mạc. Thế nhưng những điều ông vẫn luôn ấp ủ và

mong muốn được thể hiện thì đã không có cơ hội được thành hiện thực, ông chỉ làm quan vẻn vẹn tám năm sau đó từ quan về sống ẩn dật tại quê nhà. Sở dĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm có hành động dâng sớ xin xử chém những lộng thần trong triều nhưng không được chấp nhận và ông quyết định từ quan để giữ được mình khỏi vòng danh lợi.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thấy được bản chất bóc lột, mưu lợi cho riêng mình của quan lại đương thời, họ không còn là những vị quan thanh liêm có trách nhiệm lo cho dân cho nước mà chỉ lo thu vén cho bản thân.

Đứng trước thực tại đau đớn đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể làm gì để thay đổi được, ông thấy mình bất lực vô dụng và chỉ biết gửi gắm tâm sự ấy vào thơ văn. Đồng thời cũng coi đó là vũ khí sắc bén đả kích vào giai cấp thống trị điển hình là những ông quan lại thời bấy giờ. Trong các sáng tác bằng chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng nhiều bài thơ ngũ ngôn với số lượng lớn câu thơ trong từng bài để phản ánh nội dung này.

Trong bài thơ chữ Hán Tăng thử (Ghét chuột), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng hình ảnh con chuột - một loài vật tuy nhỏ bé nhưng sức tàn phá thì vô cùng to lớn để nhằm ám chỉ những tên tham quan đã vơ vét tài sản, bóc lột dân chúng:

Con chuột kia sao mày bất nhân,

Vụng trộm thêm nhiều âm mưu độc hại.

Đồng nội có mạ khô, Kho đụn không thóc thừa.

Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn, Đói và gầy trên đồng ruộng kêu khóc.

Thà nhá cái yên ngựa của nước Ngụy, Thà ăn trộm cái sừng trâu của nước Lỗ.

Sinh mệnh của dân chúng rất quan trọng, Tàn hại sao mà quá thảm khốc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy thi tứ từ Kinh thi với hình tượng nổi tiếng

“Con chuột lớn” (Thạc thử) là một hình tượng sâu sắc, có quy mô, gây ấn tượng mạnh với người đọc. Ông đã tỏ thái độ rất nghiêm khắc lớn tiếng mắng chửi “con chuột kia sao mà bất nhân” hay chính là lũ tham quan ô lại, những kẻ cầm quyền vốn vẫn luôn được coi là rường cột của một đất nước. Nhưng giờ đây những “con chuột” ấy lại đục khoét của dân, hại dân và hại nước, chúng vét sạch lúa ngoài đồng ruộng lại còn đục khoét cả thóc gạo trong kho đụn khiến người nông phu lâm vào cảnh cơ cực đói khổ.

Như vậy, để thỏa lòng tham lũ quan tham đã không từ mọi thủ đoạn nào, chúng hành động bất nhân biến tài sản chung thành của cải riêng mình, chỉ biết lo cho lợi ích của bản thân. Chúng còn dựa vào chức quyền để làm nhiều điều gian ác, lợi dụng chức quyền để cướp bóc tài sản mà người dân đã bỏ mồ hôi công sức lao động để làm ra.Chính sự đục khoét của chúng khiến nhân dân phải đói khổ kiệt cùng, làm cho xã tắc lung lay. Chúng không hoàn thành trách nhiệm của người làm quan đối với dân chúng đồng thời cũng không hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ dừng ở chỗ phê phán mà còn tỏ ra rất phẫn nộ khi viết về điều này. Ông còn sử dụng những điển cố quen thuộc với thơ cổ điển Việt Nam đó là truyền thuyết về nước Ngụy, nước Lỗ để nhấn mạnh tính quy luật bất biến của ý nghĩa chứa đựng trong bài thơ để từ đó vừa răn dạy, vừa cảnh tỉnh chúng:

Chốn thành xã dựa vào mà làm điều gian, Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mượn ý về việc “Lưu Ngỗi gây ra mối họa loạn đầy, nhưng y là con cáo ở tường thành, con chuột ở đàn xã”. Ý nói loài chuột và loài cáo làm tổ ở tường thành và đàn xã thường không bị người ta bắt vì không ai dám đào phá tường thành là vật để bảo thành còn đàn xã là nơi thờ cúng thần đất của nhà vua không ai dám xâm phạm. Bọn quan lại đã dựa vào

uy thế và sự bao che của nhà nước phong kiến để bóc lột nhân dân nhưng hành động của chúng thần và người đều nhìn thấy được nên ông tin rằng tội ác của chúng gây ra sẽ bị trừng phạt đó như là luật nhân quả mà chúng ta bắt gặp trong đạo Phật:

Mi đã làm mất lòng thiên hạ, Tất sẽ bị thiên hạ giết chết.

Phơi xác mi ở chốn phố, chợ, Quạ và diều rỉa thịt mi.

Để khiến cho những người dân khốn khổ, Cũng được hưởng phúc thái bình.

Để mưu lợi bản thân, quan lại thường cậy vào quyền thế bắt nạt người ngay, hà hiếp nhân dân. Cá lớn nuốt cá bé là hiện tượng trong tự nhiên nhưng cũng là hiện tượng trong xã hội phổ biến đương thời. Lâm quán quan ngư, kiến cự ngư thực tiểu ngư cảm tác (Đến quán xem cá, thấy cá lớn nuốt cá bé, cảm xúc làm thơ) là bài thơ tiêu biểu về việc quan lại cậy thế mạnh hiếp đáp dân chúng để thỏa mãn lòng tham:

Sao mà con cá lớn ở sông kia, Cậy khỏe ăn thịt con nhỏ.

Chẳng khác gì con rắn nuốt ngốn, Cũng giống như con rái cá lùng đuổi.

Ao ngầu bỗng rỗng không, Lòng tham chưa no chán.

Chỉ cốt béo thân mình,

Hình tượng con cá lớn làm trái đức hiếu sinh của tạo hóa, cậy mình khỏe mạnh ăn thịt loài nhỏ yếu hơn. Chỉ vì lòng tham chưa bao giờ no chán, chỉ cốt lo lợi ích cho bản thân mình. Có đâu biết rằng điều đó sẽ quay về làm hại bản thân, một khi lưới to được giăng ra thì loài vẩy cứng mai cũng không

tìm được chỗ nào có thể ẩn nấp. Con cá lớn tượng trưng cho tính tham bạo của bọn người dựa vào thế lực hà hiếp kẻ yếu, bọn chúng nếu không cảnh tỉnh ắt gặp mạt vận thảm hại. Tư tưởng cá lớn nuốt cá bé không phải là ông là người đầu tiên phát biểu nhưng tư tưởng này lại được thể hiện rất hình tượng và mỹ thuật. Trong xã hội đảo điên hỗn loạn ấy những kẻ thấp cổ bé họng đã bị trấn áp bởi bọn quyền thế bề trên, sự áp đặt ấy đến một ngưỡng giới hạn đã dẫn tới tức nước vỡ bờ và thực tế đã cho ta thấy thời ông có biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhỏ nổ ra khắp nơi.

Những tên quan lại đương thời thường cậy vào uy quyền để hà hiếp, áp bức người dân, chúng không từ mọi thủ đoạn nào mà hành động ngang ngược, tàn bạo cốt chỉ đề đem lại lợi ích cho bản thân mình. Chúng cậy mình là thân thích của vua, được vua tin tưởng trọng dụng mà sống ngạo mạn hung hăng, hống hách không ai muốn dính líu đến chúng để mà tự gây phiền phức, chuốc họa cho mình và người thân. Những vị quan chính trực, thanh liêm thì tránh xa không muốn phiền hà cho mình, người dân thì trốn tránh để không bị rước họa vào thân.

Đáng sợ hơn nữa, lũ quan lại tham lam còn tìm cách để hãm hại những người vốn có tính ngay thẳng chính trực để dễ bề mưu lợi cho mình mà không lo sẽ bị người khác ngăn trở. Chúng dùng mưu kế thâm độc để hãm hại họ, chúng tìm mọi thủ đoạn đẩy họ vào con đường tội lỗi, hoặc sàm tấu vu oan giám họa cho họ. Chính những tên tham quan ấy đã làm cho giang sơn xã tắc bị lung lay, triều đình lâm vào cảnh hỗn loạn, lục đục, kỉ cương phép nước thì đi xuống. Chúng chính là những con sâu mọt đục khoét phá hoại từ bên trong nội bộ tầng lớp thống trị đương thời. Những kẻ có quyền lực hoặc thân cận người có quyền lực mà hiểm độc thì hậu quả khôn lường, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng hình tượng con khướu trăm lưỡi lắt léo gian xảo để phê

phán lên án hiện thực ấy. Đồng thời cũng muốn nhắc nhở, thậm chí cảnh báo vua quan đương thời về hiện tượng cần tránh này:

Từ xưa “khéo lời” thật là kẻ đáng sợ, Chớ để bên cạnh nhà vua có kẻ sàm nịnh.

(Bách thiệt)

Cùng với việc sử dụng hình tượng loài khướu lanh chanh, hay hớt lẻo, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dùng điển tôi tớ nhà Tần bày mưu đốt sách chôn trí thức làm cho nhà Tần bị sụp đổ nhanh chóng:

Chỉ theo nhân nghĩa thì mới giúp cho nghiệp Hán, Còn bày ra mưu kế quỷ quyệt chỉ làm đổ máu nhà Tần

(Cảm hứng, bài 6)

Không chăm lo cho nhân dân, không dựng xây đất nước, khi có quyền thì sống hưởng thụ xa hoa, lúc gặp tai ương chỉ biết lo cho riêng thân mình, hèn nhát và bạc nhược trước kẻ thù. Đó là bản chất của không ít quan lại đương thời mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến và tái hiện trong thơ Hán của ông

Một khi nghe thấy quân kị của giặc Hồ đến, Lập cập hai vế đùi trước hãy run.

Dấu diếm vàng bạc phí công chôn vùi, (Cảm thời cổ ý)

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phê phán hàng loạt thói xấu của giai cấp thống trị trong những bài bi kí đó là thói tham lam mưu lợi; “bị che lấp bởi vì vật dục, trở nên kiêu xa, biển lận, gian tà, thiên lệch, không có điều gì không làm. Lo thời, thương đời ông đã phê phán bọn quý tộc, quan liêu thối nát, bọn nhà giàu lòng dạ hiểm ác. Trong Trung Tân quán bi kí, ông viết: “Khi ở triều đình thì tranh nhau cái danh, khi ở chợ búa thì giành nhau cái lợi; khoe là

sang thì lầu son gác tía, khoe là giàu thì vũ trụ tạ ca lâu; thấy người ngoài đường có người chết đói, không dám bỏ một đồng tiền ra cứu giúp; thấy cánh đồng có người nằm sương, không chịu bỏ một nắm rạ ra để che đậy”…

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho chúng ta thấy được bản chất xấu xa và tính cách tham bạo của giai cấp quan lại phong kiến.

Trong thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm bên cạnh việc phê phán sự áp bức, bóc lột, mưu lợi bản thân của giai cấp quan lại, ông còn chỉ ra được thói xa hoa đồi trụy chỉ biết hưởng thụ:

Sữa người cho lợn uống

Giọt nước tròn nhỏ từ con cóc ngọc Gỏi chả từ cá chép cá giếc vàng Liễn bưng vào canh chim sẻ vàng Mâm bồng dâng lên nem gà gô

Giá đáng vạn tiền không buồn nhúng đũa Chán ngấy vị ngon nồng của bát trân.

(Cảm hứng, tam bách cú)

Hình ảnh của những tên quan lại được ví như loài cáo gian xảo, ác độc.

Chúng sống hưởng thụ một cách xa xỉn đồ ăn thức uống toàn món ngon trên trời dưới nước đủ cả, thức ăn đáng giá cả vạn tiền ấy vậy mà chúng không buồn nhúng đũa, chán ngấy những hương vị thơm ngon ấy. Đọc những vần thơ này khiến người đọc không khỏi bức xúc, thấy phẫn nộ mà muốn được ra tay trừng trị những tên quan ô lại, dâm ô này.

Trong khi những tên tham quan đang hưởng thụ cuộc sống vật chất cao lương mĩ vị, có kẻ hầu người hạ, thì một bức tranh tương phản đối lập với cảnh tượng trên là hình ảnh những người dân đen lại đang phải chịu cảnh sống cơ cực, đói khổ trăm bề:

Già ốm lăn xuống ngòi rãnh Chết đói nằm đầy cổng làng

Dân khốn quẫn trộm cắp nhiều khắp Đời loạn lạc anh hùng nổi dậy.

(Cảm hứng, tam bách cú)

Nếu như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du sau này có viết những điều “sở kiến”, cảnh điêu đứng mất mùa, lúa mạ khô ngoài đồng hay cảnh dân bị ly tán chết nằm nơi cống rãnh… cũng chỉ thể hiện tâm trạng xót xa, thương cảm đối với dân đen mà căm ghét bè lũ sống phè phỡn trên nước mắt và mồ hôi của dân. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ phơi bày để tố cáo, không chỉ thể hiện tâm trạng thái độ của mình mà còn đi vào phân tích cái thủ đoạn che chắn “cáo mượn oai hùm, ruồi nương đuôi kí”.

Tìm hiểu căn nguyên sâu xa của mọi thủ đoạn và đành bất lực trước tệ nạn danh lợi chức quyền nên ta càng cảm nhận được cái uẩn ức đầy bi kịch trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phản ánh được bản chất xấu xa và tính cách tham bạo của giới chức quan lại.

Một phần của tài liệu Chủ đề thế sự trong thơ chữ hán nguyễn bỉnh khiêm (Trang 44 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)