CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
2.3. Chủ đề về đồng tiền
Nội dung thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập đến vấn đề đồng tiền để phản ánh sự đi xuống về mặt đạo đức do sự chi phối của quyền lực, của đồng tiền. Là nhà Nho đề cao nhân nghĩa, nay lại thấy những biến động dữ dội của thời cuộc, các giá trị truyền thống đạo đức bị đảo lộn, thấy con người trở nên vị kỷ hơn, vụ lợi hơn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất đau xót mà từ đó đưa những điều ấy vào trong từng trang viết của mình như một cách thức để giải tỏa đồng thời để nhắn nhủ mong ước những điều tốt đẹp hơn sẽ đến.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong một thời đại mà chế độ phong kiến Việt Nam xảy ra nhiều biến động, những kỉ cương, chuẩn mực của nho giáo bị rạn nứt, biểu hiện qua sự xáo trộn và đổ vỡ của các mối quan hệ từ gia đình
đến xã hội. Hiện thực cuộc sống được Nguyễn Bỉnh Khiêm phơi bày, đó là thói đời đạo lý đảo điên vì sự phân biệt giàu nghèo, về tệ tham nhũng cùng lối sống xa đọa của giai tầng bóc lột là cảnh đời cay cực của dân cùng; về thảm cảnh chiến tranh… Không chỉ phơi bày để tố cáo, phê phán hiện thực hay để bộc lộ tâm trạng đau xót thương cảm mà Nguyễn Bỉnh Khiêm còn đưa ra phân tích dưới con mắt của nhà triết học. Mọi diễn thái đều có căn nguyên nhưng rồi chính sự phân tích này càng làm cho con người rơi vào bi kịch bởi những nỗi đau thời thế, nỗi đau thân phận không có lối thoát, không có cơ hội để giải tỏa.
Có thể thấy rằng trước thế kỉ XVI, nhà nước phong kiến Việt Nam vốn coi trọng nông nghiệp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sự phát triển nền nông nghiệp với cơ chế tự cung, tự cấp là chính. Sang thế kỉ XVI, bên cạnh nền kinh tế nông nghiệp vẫn duy trì thì xuất hiện hình thức kinh tế thương nghiệp do sự tiếp xúc giao lưu với nước ngoài, sự phát triển của thương nghiệp đã làm bộ mặt xã hội có nhiều thay đổi hình thành nên lối sống thị dân. Cùng với đó là sự chi phối của đồng tiền trong xã hội, đồng tiền với sức mạnh vạn năng của nó có thể làm thay đổi mọi điều trong cuộc sống con người, nó chi phối đến mọi mặt nhưng cũng chính vì đồng tiền mà tạo nên các thói quen và hành động xấu của con người trong xã hội.
Nếu viết về chiến tranh và chế độ quan lại phong kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm lên án tố cáo, phê phán mạnh mẽ gay gắt thì khi viết về sự chi phối của đồng tiền những vần thơ của ông càng thể hiện sự đau xót trước hiện thực đang diễn ra. Là một nhà nho chính thống, một con người mà cả cuộc đời luôn theo đuổi giáo lí Nho gia và luôn khao khát tìm cách để giáo lý ấy trở thành chuẩn mực có thể giáo hóa con người như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì những thay đổi của hiện tại đương thời thật khó lòng mà chấp nhận được.
Bằng sự quan sát khả năng chiêm nghiệm của bản thân mình, nhà thơ đã nhìn rất rõ những mặt trái của đồng tiền cũng như những tác động tiêu cực của nền
kinh tế hàng hóa đến đời sống xã hội dân sinh, tư tưởng, đạo đức của con người. Điều dễ nhận thấy trong những sáng tác thơ văn giai đoạn này là sự phê phán hiện thực xã hội chủ yếu trên bình diện đạo đức, phản ánh nhiều giá trị chuẩn mực trong quá khứ đã bị đồng tiền làm cho mất đi.
Từ thực trạng trên nhà thơ đã dành một mảng thơ viết về thói đời, khuyên răn đời, qua những bài thơ đó người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước thói đời ô trọc, trước các mối quan hệ con người với nhau trong gia đình và ngoài xã hội là mối quan hệ luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Lúc này các mối quan hệ giữa con người với nhau luôn lấy tiền tài, địa vị, danh lợi làm thước đo giá trị… Tất cả những thói hư tật xấu của con người đều được nhà thơ phản ánh một cách chân thực và sinh động.
Bài thơ chữ Hán Cảm hứng (tam bách cú) như một bản tổng kết về sự thay đổi đến mức điên đảo của xã hội đương thời trong đó có tình trạng đồng tiền tác động chi phối làm lung lay mọi trật tự xã hội vốn có, khi đồng tiền nằm trong tay giai cấp thống trị khuynh đảo xã hội, trở thành khẩu trọng pháo phá vỡ từng bức tường thành của quan hệ phong kiến. Bắt đầu từ vua – tôi quan hệ cao nhất theo cương thường Nho giáo, tiếp đến là quan hệ cha – con, anh – em…
Với vua, tôi bất trung, với cha con bất hiếu, con nhẫn tâm đem lòng sài lang mà đối đãi với cha:
Sự quân thần bất thần, Sự phụ tử bất tử.
Tạ kiên thị nhẫn vi,
Phân canh diệc võng quý.
(Thờ vua tôi chẳng ra tôi, Thờ cha con chẳng ra con.
Bắn vào bả vai là việc lỡ làm,
Chia một chén canh nói chẳng hổ thẹn).
Lúc này trong xã hội “Hơi đồng ngày càng lan mùi tanh”, cách ứng xử của con người đối với con người theo Nguyễn Bỉnh Khiêm thật đáng hổ thẹn.
Trong gia đình thì anh em không thuận hòa, không kính trên nhường dưới, sống với nhau mà không yêu thương nhau:
Bất hữu, huynh phỉ huynh, Bất cung đệ phỉ đệ.
(Không biết hữu ái, anh chả ra phận anh, Không biết cung kính, em chẳng ra phận em).
(Cảm hứng, tam bách cú)
Đồng tiền đã làm đổ vỡ những quan hệ xã hội được xây dựng bởi đạo lý, lòng tin, tình nghĩa, hình thành nên một lối sống mới chạy theo danh lợi, tiền tài.
Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Trung Tân quán ngụ hứng đã tổng kết về đường đời và con người bằng cái nhìn của một nhà thơ mang phong cách triết gia khi ông nhìn thấy cái phần chưa hoàn thiện, cái phần khiếm khuyết của con người
Hiểm mạc hiểm thế đồ, Bất tiễn tiện kinh cức.
Nguy mạc nguy nhân tâm, Nhất phóng tiện quý quắc.
(Không gì hiểm bằng đường đời, Không cắt đi thì toàn là gai góc.
Không gì nguy bằng lòng người, Buông lỏng ra thì đều là quỷ quái).
Những vần thơ trên đã cho thấy được rằng con đường khó đi và nhiều chông gai nhất chính là đường đời, con đường mà mỗi người đều phải trải qua
trong cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không có tư tưởng vững vàng, kiên định thì rất dễ sa ngã, mắc phải những sai lầm trên con đường ấy. Sự đổi thay của lòng người cũng là một điều rất đáng sợ, một trong những mối nguy hiểm mà chúng ta không thể thấy rõ ngay được, nếu không cẩn trọng thì sẽ gặp phải tai ương, hiểm họa là khôn lường bởi mấy ai đo được lòng người ra sao.
Là một nhà nho hành đạo, luôn muốn giữ gìn những giá trị đạo đức, cương thường của Nho giáo nên đứng trước hiện thực xã hội điên đảo chạy theo đồng tiền, danh lợi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những vần thơ khuyên răn con người nên làm tròn bổn phận của mình:
Vua và tôi phải có nghĩa với nhau, Cha và con cái tình thân là tột độ.
Chồng và vợ kẻ xướng có kẻ tùy,
Anh và em người cung thì có người dễ.
Chơi với bạn thì giữ điều tín, Giáo hóa như thế thực là đẹp.
(Cảm hứng, tam bách cú)
Ông quan niệm làm bề tôi phải hết lòng thờ chúa, phận làm con phải biết hiếu kính với cha mẹ mình, là anh em phải giữ đạo khoan hoà, là vợ chồng sống với nhau có tình có nghĩa, là bạn bè thì phải lấy chữ tín làm hàng đầu. Để làm được điều ấy trong cuộc sống con người phải luôn làm điều thiện, sống nhân ái, chan hòa giàu tình yêu thương.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phản ánh được vai trò của đồng tiền trong buổi đầu của xã hội manh nha yếu tố tiền tư bản nên đồng tiền đã bắt đầu len lỏi phá vỡ các quan hệ đạo lí, tình người trong xã hội. Đồng tiền làm cho con người ta có vị thế trong xã hội được trọng hay bị khinh rẻ, được gần gũi hay bị xa lánh còn anh em họ hàng hay mất anh em họ hàng. Trạng Trình luôn đặt
đồng tiền trong sự đối lập giữa hai thái cực để thấy uy lực của nó nhưng dù sao Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mới chỉ bắt đầu nhận thức và khái quát về sức mạnh vai trò của đồng tiền trong việc “hủy diệt đạo lý, li tán nhân dân”. Đồng tiền biến con người thành giả dối, thấp kém.