CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
2.4. Chủ đề về thành thị
Sự xuất hiện của những bài thơ viết về thành thị trong thơ chữ Hán là không nhiều so với những vần thơ viết bằng chữ Nôm, trong thế đối sánh ấy những vần thơ thế sự viết về sự phê phán, chối bỏ lối sống thành thị được viết bằng chữ Hán cũng đem đến cho thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm một cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn. Nó cho thấy sự mở rộng của một tư duy nghệ thuật, tư duy thế sự.
Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Trung Tân quán bi kí, có viết: “Khi ở triều đình thì tranh nhau cái danh, khi ở chợ búa thì giành nhau cái lợi”. Đứng trước hiện thực đương thời ấy, ông đã cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc để tìm về một cuộc sống an nhàn, thanh tao:
Di vinh cửu dĩ từ hiên miện, Hành kỉ sơ vô quý thánh hiền.
(Bỏ lại sự vinh hoa từ lâu đã giã từ ngựa xe mũ áo,
Việc sửa mình từ đầu đã không hổ thẹn với các bậc thánh hiền).
(Trung Tân quán ngụ hứng) Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm đến với cuộc sống chốn thôn quê để vui thú điền viên sống cuộc đời không màng danh lợi:
Phiền hiêu nhà khước lợi danh quan, Liêu ngụ nhàn trung dưỡng đắc nhàn.
(Gạt bỏ hết ồn ã, nhàn chính là dứt lợi danh,
Hãy gửi thân vào cảnh nhàn khắc nuôi dưỡng được sự nhàn).
(Trung Tân quán ngụ hứng)
Trong chùm thơ viết ở quán Trung Tân đã cho thấy được một nho sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm chán ghét chốn danh lợi, quan trường với sự tranh quyền đoạt lợi, với nhiều toan tính bon chen; hai chữ “lợi danh” xuất hiện trở đi trở lại: “Thao thao yếm kiến lợi danh trường” (Chán ngấy cái trường danh lợi cuồn cuộn) hay “Yếm tha danh lợi khổ tương tranh” (Chán cho kẻ kia tranh giành nhau khổ sở vì lợi danh).
Trong sự đối chiếu với những vần thơ viết bằng chữ Nôm thì vấn đề về lối sống thành thị đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm khắc họa rõ nét cụ thể, sinh động hơn:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
(Thơ Nôm - bài 73) Vật vờ thành thị làm chi nữa,
Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê.
(Thơ Nôm – bài 61) Bạc vàng là của trữ tiêu dùng,
Thành thị vốn đua tranh giành giật.
(Thơ Nôm – bài 79) Đường lợi há theo thị tỉnh,
Cảnh thanh chiếm hết giang sơn.
(Thơ Nôm - bài 142)
Bên cạnh những bài thơ viết về sự phê phán, chán ghét lối sống thành thị chốn quan trường danh lợi thì Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có bài thơ chữ Hán khen ngợi tác dụng thông thương của cái chợ. Đó là hình ảnh về một ngôi chợ đang bày hàng buôn bán hay cũng chính là hình ảnh thu nhỏ về lối sống thành thị với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, việc trao đổi buôn bán, thông thương diễn ra dưới sự kiểm soát của triều đình:
Thương cổ cư hành thì cộng tiện, Hóa tài mậu dịch vật giai thông.
Chế tòng hoàng lập nhân tình toại, Thuế bất vương trưng thiên hạ công.
(Việc buôn bán nơi này nơi khác luôn luôn được tiện lợi, Hàng hóa mọi thứ đều trao đổi thông thương.
Chế độ do nhà vua lập ra mọi người đều vừa ý, Vua không đánh thuế vì thiên hạ là chung).
(Thị thi )
Có thể thấy rằng trong thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm hiếm có bài thơ nào ca ngợi về lối sống thị dân, có thể xem bài thơ như một điểm sáng trong những vần thơ thế sự chữ Hán viết về thành thị:
Chiêu đại thẩn kim vương chính cử, Thụ triền y cựu cổ di phong.
(Triều đại rạng rỡ, huống nay lại thi hành nền vương chính, Thì hãy giữ phép lập chợ búa như cách đời xưa để lại).
(Thị thi)
Với hai câu kết của bài thơ chợ đã cho thấy được một sự mong muốn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với triều đình là hãy thi hành chính sách để những ngôi chợ được hoạt động buôn bán thuận lợi điều này sẽ góp phần đem đến cho người dân một cuộc sống mới no đủ ấm áp hơn. Những vần thơ mang giá trị tiến bộ và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Qua việc tìm hiểu chủ đề thế sự về vai trò của đồng tiền, lối sống thị thành thì hầu hết trong các sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nổi bật là những vần thơ phê phán, khinh miệt đồng tiền, lên án lối sống thành thị.
Những bài thơ đó dường như có bước đi thụt lùi so với tư tưởng đương thời như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã nhận xét: “Và một cách không tự
giác, trong khi phê phán những yếu tố khác lạ đang nảy sinh trong lòng xã hội như một xu thế tất yếu thì chính ông lại tỏ bày thái độ cản phá bước tiến của lịch sử nói chung… Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hiện diện như một cây đại thụ văn hóa phong kiến, thiên về phê phán để khẳng định chuẩn mực đạo đức cũ, khác xa lối phê phán đồng tiền, phê phán lối sống thị thành và phê phán xã hội kiểu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này…” [68;
5].
Tiểu kết chương 2
Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm là thơ văn của một nhà Nho có tấm lòng ưu thời mẫn thế, một con người luôn lo cho nước cho dân, quan tâm sâu sắc đến thời cuộc. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phản ánh được phần nào đó tình trạng bế tắc của xã hội Việt Nam với những cuộc nội chiến gay gắt giữa các tập đoàn phong kiến đương thời đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho đời sống của nhân dân lao động, cùng với đó là sự áp bức, bóc lột của giai cấp quan lại quý tộc đương thời tất cả đã làm cho xã hội trở nên rối ren, điên đảo. Những giá trị về mặt đạo đức cũng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, chính sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa với sự chi phối của đồng tiền đã làm cho hiện thực cuộc sống trở nên suy đồi những chuẩn mực đạo đức Nho giáo đã bị thay đổi. Trước hiện thực ấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết lên những vần thơ thế sự
vừa để phản ánh nhân tình thế thái đồng thời cũng muốn khuyên răn, giáo huấn con người hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn.
Qua những vần thơ viết về chủ đề thế sự chúng ta thấy được Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ có một tầm tư tưởng, một tầm trí tuệ, một tình yêu đất nước, con người rất sâu nặng. Chính những điều đó đã làm cho văn chương của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ.
CHƯƠNG 3
CÁC BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CHỦ ĐỀ THẾ SỰ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Chủ đề thế sự trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện rõ nét hơn qua những biện pháp nghệ thuật độc đáo như điển cố, điển tích, các hình tượng nghệ thuật và sự vận dụng linh hoạt các thể thơ,… Phần viết dưới đây sẽ đi phân tích các biện pháp nghệ thuật đó.