Cú bị bao làm định ngữ

Một phần của tài liệu Đối chiếu cấu trúc ngữ pháp của cú bị bao trong tiếng việt và tiếng anh (Trang 44 - 47)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ CÚ BỊ BAO

1.2. Cú bị bao trong câu tiếng Việt

1.2.6. Cú bị bao làm định ngữ

CBB có thể làm định ngữ của câu, định ngữ của danh từ hoặc danh ngữ.

Theo Nguyễn Tài Cẩn, ‘Ở tiếng Việt, khi dùng danh từ để giữ một chức vụ này hay một chức vụ khác ở trong câu, thường thường người ta còn hay đặt thêm vào bên cạnh nó một số thành tố phụ để cùng nó tạo thành đoản ngữ. Loại đoản ngữ có danh từ làm trung tâm như thế – có thể gọi tắt là danh ngữ - trên đại thể có đặc điểm về tổ chức như như sau:

a/ Bộ phận trung tâm – do danh từ đảm nhiệm – chiếm vị trí nằm ngay giữa lòng đoản ngữ.

b/ Các thành tố phụ – gọi chung là định tố – chia làm hai bộ phận : một số được phân bố trước trung tâm tạo thành phần đầu của đoản ngữ, và một số nữa thì được phân bố sau trung tâm, tạo thành phần cuối của đoản ngữ. Trong danh

ngữ tiếng Việt, không có loại định tố nào có trật tự tự do, khi thì ở trước khi thì ở sau.’

[8, 203] .

Ông cũng nói rõ: ‘Ở phần đầu của danh ngữ trong tiếng Việt, có cả thảy 3 loại thành tố phụ – 3 loại định tố.

a/ Định tố “cái”, ví dụ: Cái cậu học sinh ấy.

b/ Định tố chỉ số lượng, ví dụ: Mấy cái cậu học sinh ấy.

c/ Định tố chỉ ý nghĩa toàn bộ, ví dụ: Tất cả mấy cái cậu học sinh ấy. [1, 229]

Đối với phần cuối cuối của danh ngữ, ông nói: “Trong tiếng Việt, có thể dùng những từ loại sau đây để làm định tố cuối :

a/ danh từ, ví dụ: - vườn cau, vườn (của) cha tôi b/ tính từ, ví dụ: - ghế dài, một cái ghế rất tốt c/ động từ - bàn học, cái bàn kê trong góc

d/ từ chỉ trỏ - sáng nay, người ấy e/ từ chỉ vị trí - nhà trong, cổng trước

f/ từ chỉ số - giường một, ngày 27’ [8, 237] .

Ngoài khả năng dùng từ, ở tiếng Việt lại còn có khả năng dùng cả một mệnh đề làm định tố, đặt ở phần cuối danh ngữ.” [8, 243].

Một kết cấu chủ -vị khi dùng bổ nghĩa cho một danh từ hoặc danh ngữ trung tâm được Nguyễn Tài Cẩn gọi là định tố [8,243]. Trong luận án, chúng tôi gọi kết cấu chủ-vị đứng sau một danh từ hoặc danh ngữ và bổ nghĩa cho danh từ hoặc danh ngữ là định ngữ.

Theo Nguyễn Thiện Giáp, ‘Định ngữ là một bộ phận của danh ngữ, chỉ ra những đặc trưng của danh từ trung tâm. Có ba loại định ngữ:

a/ Định ngữ hạn định có tác dụng thu hẹp ngoại diên của danh từ trung tâm;

b/ Định ngữ miêu tả thêm vào nghĩa của danh từ một nét riêng của một cá thể hay những cá thể cụ thể được nói đến trong câu. Trong tiếng Việt, định ngữ miêu tả đi với danh từ đơn vị mà không bao giờ đi với danh từ khối.

c/ Định ngữ chỉ xuất là định ngữ cho biết vật sở chỉ của danh ngữ bằng cách định vị nó vào chỗ của người nói, của người nghe, hay ở một chỗ xa người nói nhưng người nghe có thể trông thấy được, hoặc bằng cách quy chiếu với thời điểm phát ngôn. Định ngữ chỉ xuất có thể là những từ trực chỉ như: này, ấy, kia … và cả những ngữ đoạn vị từ hoặc tiểu cú như: bức tranh ấy, bức tranh treo trên tường ấy, cuốn sách mà anh vừa mua ấy.’ [18, 185].

CBB làm định ngữ luôn ở vị trí sau danh từ trung tâm. CBB làm định ngữ cho danh từ thì nó không thuộc bậc câu, nên không được xem là một thành phần câu. Trong câu ‘Chẳng phải nói, cái vùng nước mà tôi / vừa vác máy ảnh đến để chụp bổ sung cho bộ sưu tập//thật là thơ mộng.’ (8, 261) CBB làm định ngữ cho danh từ

cái vùng nước’ tạo thành danh ngữ ‘cái vùng nước mà tôi / vừa vác máy ảnh đến để chụp bổ sung cho bộ sưu tập’ giữ chức năng làm chủ ngữ trong câu.

CBB làm định ngữ trong danh ngữ tiếng Việt có thể bắt đầu bằng những kết từ như mà, do, về, của. Tuy nhiên, những từ này có thể được tỉnh lược tùy theo nghĩa của câu. Ví dụ như trong câu ‘Mấy anh thợ cày của những điền chủ / đã nộp đủ thuế // bạo dạn tiến đến trước mặt ông Lý. (9, 482), từ của không thể tỉnh lược, nhưng trong câu ‘Số tiền (của) mẹ / cho con đã tiêu hết rồi.’ từ của có thể tỉnh lược. Kết từ do được dùng để nhấn mạnh CBB và có thể tỉnh lược mà không làm thay đổi nghĩa của câu, ví dụ ‘Cái (mà) tôi thích là những rặng mai trong vườn và dáng hiền

lành thùy mị của những người con gái.’ (2, 23). Có một số trường hợp ta có thể dùng của, mà hay do đều được, ví dụ như:

- Tôi rất thích mặc quần áo của mẹ tôi may.

- Tôi rất thích mặc quần áo do mẹ tôi may.

- Tôi rất thích mặc quần áo mẹ tôi may.

Theo Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp, định ngữ câu là loại thành phần phụ có thể đứng trước nòng cốt câu hoặc chen giữa chủ ngữ và vị ngữ, có nhiệm vụ biểu thị những ý nghĩa hạn định về tình thái hoặc cách thức cho sự tình được nêu trong câu. CBB làm định ngữ câu thường bắt đầu với các phụ từ như: với, cứ, cứ như, theo, theo như … và được đánh dấu bằng từ thì. [44, 260]

- Theo như tôi / biết (thì) anh ấy // đang gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Đối chiếu cấu trúc ngữ pháp của cú bị bao trong tiếng việt và tiếng anh (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(225 trang)