Chương 2. CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CUỘC ĐẤU TRANH VỪA ĐÁNH, VỪA ĐÀM TỪ NĂM 1972 ĐẾN NĂM 1973
2.2. Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” và diến tiến trên bàn đàm phán Hội nghị Paris
2.2.2. Thắng lợi lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” và ký kết Hiệp định Paris
Trước những giằng dai, lật lọng trên bàn đàm phán của Mỹ và hành động tăng cường viện trợ cho Chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương nhận định rằng, Mỹ sẽ tập trung đánh phá ác liệt miền Bắc trở lại, toan tính dùng sức mạnh quân sự để kết thúc đàm phán và chiến tranh trên thế mạnh. Đó là nỗ lực quân sự cuối cùng của Mỹ, chắc chắn sẽ rất quyết liệt, nhưng đó là nỗ lực của kẻ bại trận, nỗ lực trên thế thua. Trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn của đối phương cả trên bàn đàm phán lẫn trên mặt trận quân sự, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Đúng như dự kiến, sau ngày trúng cử Tổng thống lần hai (7-11-1972) R.Ních-xơn đã ráo riết chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Mỹ trở giọng đe dọa, phá ngang làm cho cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris bị gián đoạn. Ngày 14-12-1972, R.Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và các tướng lĩnh Hoa Kỳ hy vọng bằng chiến dịch này, có thể phô trương một lần nữa sức mạnh quân sự của Mỹ, trấn an Chính quyền Sài Gòn, nắn được phía Việt Nam và buộc Việt Nam phải có những nhượng bộ Mỹ trên bàn đàm phán. Để biện minh cho hành động tàn bạo, điên cuồng này, ngay từ ngày 16- 12, Kitsinhgiơ đã tổ chức họp báo đổ lỗi cho phía Việt Nam trì hoãn các cuộc thương lượng, kéo dài đàm phán.
Cuộc tập kích diễn ra 24 trên 24 giờ bằng máy bay B.52 vào Thủ đô Hà Nội và đất cảng Hải Phòng, bắt đầu từ chiều tối ngày 18-12 đến ngày 29-12.
Đây là cuộc tập kích trên không với quy mô lớn nhất, cường độ cao nhất vào miền Bắc Việt Nam với mật danh "Linebacker II". Theo số liệu do Mỹ công bố, trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động gần 200 máy bay B52 (tức là một
nửa số máy bay B52 mà Mỹ có lúc đó) vào khoảng 1000 máy bay ném bom chiến thuật (1/3 số lượng máy bay ném bom chiến thuật của Mỹ). Trong chiến dịch có tổng cộng 741 lượt B52 bay vào ném bom trong đó có 725 lượt thực sự ném bom miền Bắc Việt Nam, trong khi vẫn có 212 lượt B52 đi ném bom ở miền Nam Việt Nam. Hỗ trợ cho B52 là 3920 lượt máy bay ném bom chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ. Tổng cộng đã có 15.000 tấn bom đã được thả xuống những nơi được Mỹ coi là 18 mục tiêu công nghiệp và 14 mục tiêu quân sự quan trọng trong đó có 8 trận địa tên lửa SAM. Theo Gi.Amtơ thì sự đánh phá của không quân Mỹ là "sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam" [1,tr.143]. R.Ních-xơn hy vọng với sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, Mỹ sẽ đạt được mục đích, sử dụng loại vũ khí chiến lược đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân dân Việt Nam. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại miền Bắc Việt Nam là rất nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng bị tàn phá, các nhà xưởng, nhà máy điện, và các khu dân cư trở thành đống gạch vụn. Ở Hà Nội, riêng tại phố Khâm Thiên bom trải thảm đã phá sập cả dãy phố, sát hại 287 dân thường, làm bị thương 290 người, 178 trẻ em trở thành mồ côi, trong đó có 112 mồ côi cả cha lẫn mẹ [8]. Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn cùng với các bệnh nhân và bác sĩ, y tá. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2.200 người, trong đó con số tại Hà Nội được thống kê là 1.318 người [8]. Hành động quân sự này của Chính quyền R.Ních-xơn đã bị dư luận thế giới, kể cả đồng minh của Mỹ trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và dư luận Mỹ lên án gay gắt.
Tuy nhiên, Mỹ đã phạm phải một sai lầm là đánh giá quá thấp lực lực lượng phòng không của đối phương, tin tưởng quá mức vào các biện pháp gây nhiễu điện tử, cho rằng có thể dễ dàng "bịt mắt" rada và tên lửa phòng không của VNDCCH. Ngay từ tháng 7-1965, khi Mỹ dùng B52 đánh phá ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay
"bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy lính Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng. Hai năm sau, năm 1967, trong buổi làm việc với Bí thư Đảng ủy – Chính ủy và Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục căn dặn:
"Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua nhưng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội" [103, tr.2].
Đối phó với chiến dịch hủy diệt của Mỹ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra lệnh cho bộ đội phòng không – không quân chuyển sang trạng thái chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Trong ngày chiến đầu đầu tiên (đêm ngày 18 rạng ngày 19-12-1972) quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3 máy bay B52 (hai chiếc rơi tại chỗ), 4 máy bay chiến thuật và bắt sống 7 giặc lái. Chiến thắng này đã cổ vũ tinh thần ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân cả nước. Rõ ràng B52 không phải là thứ vũ khí siêu đẳng không thể bắn hạ.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, bắt 43 giặc lái trong đó có 33 giặc lái B52. Bộ đội tên lửa, lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch đã bắn rơi 30 máy bay chiến lược B52 góp phần quyết định đánh thắng cuộc tập kích đường không của địch [116, tr.578]. Ngược với sự trông đợi của phía Mỹ, cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vấp phải sự giáng trả mãnh liệt và hiệu quả.
Ngày 22-12-1972, phía Mỹ gửi công hàm đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ, dự định vào ngày 03-1-1973. Công hàm của phía Mỹ nêu rõ: Nếu đề nghị trên đây được chấp thuận, Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra vào ngày 30-12-1972.
Trên cơ sở nhận định rằng, đây là "bước đường cùng trong thế yếu" của Mỹ, Bộ Chính trị quyết định chấp nhận đề nghị trên của phía Mỹ nhằm đi tới
việc ký kết Hiệp định, hoàn thành nhiệm vụ "Đánh cho Mỹ cút" như phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra.
Trong công hàm trả lời phía Mỹ ngày 26-12, Chính phủ VNDCCH cho rằng, sau khi tình hình trở lại như trước ngày 18-11-1972, cuộc họp giữa cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thuỷ và Kitsinhgiơ sẽ được tiến hành, dự định vào ngày 08-1-1973.
Nỗ lực cao nhất và cuối cùng của Mỹ đã thất bại. Mỹ ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, phong trào phản chiến diễn ra trong khắp nước Mỹ. Tổng thống R.Ních-xơn đã buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào, chấm dứt chiến dịch ngày 30-12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris. Như vậy
"cố gắng cuối cùng của Ních-xơn chẳng đem lại gì cho nước Mỹ cả…Bởi vì cuộc ném bom đã buộc Ních-xơn và Kitsinhgiơ phải chấp nhận chính những điều mà họ bác bỏ suốt tháng 10, tháng 11 và tháng 12" [1, tr.426].
Về phía Việt Nam, chiến thắng oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" đã tạo thế và lực mới cho Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Ngày 8-1-1973, cuộc đàm phán giữa VNDCCH và đại diện phía Mỹ chính thức được mở lại.
Trong đợt gặp riêng cuối cùng này (8 đến 23-1-1973) chủ trương của ĐLĐVN là vẫn "giữ nguyên những dự thảo Hiệp định 20-10, chỉ mềm dẻo ở một số điểm không trái với nguyên tắc cơ bản của ta mà ta có thể chấp nhận được". Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc phê phán những hành động ném bom trở lại của Mỹ, cho rằng Mỹ cần chấm dứt những hành động vô nhân đạo và khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam: "Bây giờ các ông muốn giải quyết hòa bình thì chúng tôi giải quyết hòa bình. Các ông tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi tiếp tục đánh không hề khiếp sợ, không hề khuất phục" [101, tr.2]. Nhìn chung, trong các ngày 8, ngày 13-1-1973, cuộc gặp gỡ riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thuỷ và đại diện phía Mỹ Kítxinhgiơ đã giải quyết những bất đồng còn lại giữa hai bên đã được khắc phục. Vị thế của người chiến thắng đã giúp Việt Nam giữ vững được văn bản
thỏa thuận ngày 20-10-1972 và thêm được nhiều điều cụ thể theo yêu cầu vào các nghị định thư. Phía Mỹ phải gạt bỏ những cản trở của Sài Gòn, mặc dù Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn muốn bác bỏ bản Hiệp định. Cách thức và lịch trình ký kết Hiệp định đã được thống nhất.
Ngày 23-1-1973, Hiệp định và các Nghị định thư được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và H.Kitsinhgiơ ký tắt. Ngày 27-1-1973, Hiệp định và các nghị định thư được các Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ các bên tham gia kí chính thức.
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều, nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam; nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tư do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình...
Ngày 28-1-1972, Hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở VNDCCH, được cụ thể hoá bằng công hàm chính thức của Tổng thống Mỹ gửi Thủ tướng VNDCCH.
Ngoài Hiệp định, hai bên còn ký 4 nghị định thư về ngừng bắn và các Ban liên hiệp quân sự, về Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế, về trao trả nhân viên các bên bị bắt, về tháo gỡ, vô hiệu hoá mìn ở miền Bắc; hai bên cũng đạt được 8
"hiểu biết" (Understanding)1 - thực chất như các điều khoản chính thức nhưng do lý do tế nhị về ngoại giao nên không đưa vào Hiệp định hay Nghị định thư.
1 1. Tầu sân bay Mỹ đậu xa bờ biển Việt Nam.
2. Mỹ chấm dứt hành động trinh sát đối với lãnh thổ nướpc Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
3. Nhân viên dân sự Mỹ làm việc trong các lực lượng vũ trang Sài Gòn sẽ rút trong 12 tháng.
4. Trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với việc trao trả nhân viên dân sự Việt Nam bị giam giữ.
5. Hiểu biết về Lào, Campuchia: ghi lại những vấn đề liên quan đã nêu trong thông điệp của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ cộng hoà gửi Tổng thống Mỹ ngày 21.10.1972.
6. Về mối quan hệ giữa Uỷ ban quốc tế và Hội nghị quốc tế.
7. Định nghĩa từ "của các bên" trong điều 8a, 8b của Hiệp định.
8. Định nghĩa từ "nhất trí" trong các điều 12a, 12b, 18f của Hiệp định.
Ngày 02-3-1973, 12 đoàn đại biểu của các Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, VNDCCH, CHMNVN, Hunggari, Ba Lan, Inđônêxia, Canađa đã họp Hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định, các Nghị định thư về Việt Nam.
Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Đến đây, kế hoạch đấu tranh ngoại giao gồm ba bước mà Bộ Chính trị đã đề ra kết thúc thắng lợi. Đây là Hội nghị ngoại giao dài nhất trong lịch sử với thời gian 4 năm 9 tháng, qua 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp riêng, thể hiện rõ nét nhất, hiệu quả nhất, thành công nhất của nghệ thuật kết hợp đánh – đàm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bản Hiệp định phần nào thể hiện sự mềm dẻo và nhân nhượng của Việt Nam đối với Mỹ. Theo A.Giônơ kết quả ngoại giao đã phản ánh kết cục "khó hiểu" của chiến tranh mà mỗi bên phải chấp nhận thành công của mình bởi trong bối cảnh lúc đó thì không thể có một hiệp định chỉ mang thắng lợi cho một bên. Việc kí Hiệp định còn thể hiện sự tính toán chiến lược của Đảng để giành thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Ban chấp hành Trung ương ĐLĐVN tuyên bố việc kí kết Hiệp định đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ và chuẩn bị kết thúc cuộc chiến tranh ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
TIỂU KẾT CHƯƠNG
Thắng lợi to lớn, toàn diện của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ trong hai năm 1970, 1971 đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân Việt Nam mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 - năm nước Mỹ bước vào cuộc vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với thời gian mở màn, hướng đánh, quy mô sử dụng lực lượng và cường độ cuộc tiến công chiến lược khiến Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn bất ngờ, choáng váng, bị thiệt hại nặng nề. Cuộc tiến công chiến lược đã giáng những đòn tiêu diệt rất quan trọng vào lực lượng chính quy của quân đội Sài Gòn, đập vỡ nhiều tuyến phòng ngự cơ bản vòng ngoài rất mạnh và rất kiên cố của
địch từ bắc Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cuộc tiến công chiến lược 1972 nổ ra giáng một đòn sấm sét vào chủ trương củng cố thế trận phòng ngự hòng giữ nguyên hiện trạng chiến trường của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, khẳng định bước phát triển mới cả về thế và lực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược 1972 trở thành một yếu tố quan trọng, quyết định trong diễn tiến trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Nắm vững phương châm "vừa đánh, vừa đàm" nhằm kéo Mỹ
"xuống thang", giành thắng lợi từng bước và lợi dụng sức ép của dư luận đối với Ních-xơn đang tăng lên từng ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tại Hội nghị Paris, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, Việt Nam mềm dẻo trong sách lược, kịp thời và chủ động đưa ra những đề xuất mới, những sáng kiến quan trọng buộc phía Mỹ phải đi đến công nhận Dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Với bản chất lật lọng, ngoan cố, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện do phía Mỹ đưa ra trên bàn đàm phán, tập đoàn cầm quyền Mỹ ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược, sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược và chiến thuật ồ ạt đánh phá dữ dội Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác trên miền Bắc vào những ngày cuối năm 1972. Bằng trí thông minh và lòng quả cảm, quân và dân miền Bắc đã giáng trả đích đáng, bắn rơi nhiều "pháo đài bay" B-52 và nhiều máy bay chiến thuật Mỹ, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không", đập tan cố gắng quân sự cuối cùng và đánh bại âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ.
Bị thất bại nặng nề cả về quân sự, chính trị trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam, cuối cùng, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Một lần nữa chủ trương, sách lược "vừa đánh, vừa đàm" phát huy tác dụng, thể hiện tài thao lược, mưu lược dẫn dắt chiến tranh của bộ não lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở hiện thực và pháp lý quan trọng để đưa cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.
Chương 3