Chương 3. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.3. Độc lập, tự chủ trong quan điểm, đường lối, mềm dẻo, linh hoạt trong biện pháp, sách lƣợc
Để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới là cần có đường lối đối ngoại đúng đắn. Tính đúng đắn của đường lối đối ngoại trước tiên và cụ thể nhất thể hiện qua sự độc lập, tự chủ của đường lối.
Là một nước nhỏ, dễ bị chi phối bởi lợi ích của các cường quốc, Việt Nam đã sớm ý thức và kiên trì đường lối độc lập, tự chủ. Năm 1969, đẩy mạnh đấu tranh đánh - đàm, trong bối cảnh xu thế hòa hoãn đang thắng thế và mâu thuẫn giữa hai nước XHCN lớn ngày một gay gắt; mỗi nước đều có tính toán riêng trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ muốn lợi dụng xu thế hòa hoãn và khoét sâu mâu thuẫn giữa Trung Quốc, Liên Xô, để gây áp lực cho Việt Nam.
Trong tình thế khó khăn đó, ngoại giao “đánh, đàm” của Việt Nam không được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Với Liên Xô, Liên Xô cũng có những đề nghị Việt Nam đàm phán trên điều kiện thấp và đàm phán sớm. Có thể nói rằng,
đây là những yếu tố tác động trực tiếp tới việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam nói chung, đường lối, chủ trương đối ngoại nói riêng; và trong bối cảnh đó, việc giữ vững đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ không phải là việc đơn giản. Tuy nhiên, Việt Nam độc lập trong đường lối, tiếp tục và chủ động đánh – đàm. Có thể nói rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến gian khổ, đặc biệt trong cuộc đấu tranh "vừa đánh, vừa đàm", việc nắm vững độc lập, tự chủ trên chiến trường và trong đàm phán càng khó khăn hơn, nhưng cũng nhờ nắm vững ngọn cờ ấy mà cách mạng Việt Nam đã giành thêm được thắng lợi mới. Nhờ kiên quyết mục tiêu này mà trong quá trình đấu tranh chống Mỹ cách mạng đã tạo được thế, được lực, đón được thời, tiến từ yếu đến mạnh để đánh thắng kẻ thù. Cách mạng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh, kết hợp hài hòa giữa tiến công quân sự với đấu tranh với địch trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Paris, buộc Mỹ phải tôn trọng độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Nắm vững và giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ, cách mạng Việt Nam còn nhận được sự đồng tình ủng hộ, sự giúp đỡ quý báu của những người bạn có lương tri trên toàn thế giới. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam lại lan rộng và diễn ra dồn dập đến thế. Hình thức đấu tranh ngày càng quyết liệt, từ biểu tình phản đối đến đốt thẻ quân dịch, tự thiêu, đốt cờ Mỹ. Độc lập, tự chủ trong đường lối, Việt Nam còn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ to lớn, có hiệu quả của bè bạn trong hệ thống XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, ngay cả khi trong nội bộ hệ thống XHCN có mâu thuẫn, bất đồng.
Giữ vững đường lối đánh – đàm độc lập, tự chủ, Đảng hết sức mềm dẻo, linh hoạt trong biện pháp, sách lược đấu tranh ngoại giao, nhằm đạt thắng lợi cao nhất.
Sau khi Mỹ chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Đảng lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước đánh địch cả trên chiến trường kết hợp với đấu tranh trên bàn Hội nghị. Trên mặt trận quân sự, quân và dân miền
Nam giành thêm được những thắng lợi lớn trong đó phải kể đến chiến thắng đường 9 – Nam Lào đập tan cuộc phản kích "Lam Sơn 719". Lúc này Mỹ đã chấp nhận cuộc họp bốn bên bao gồm: VNDCCH, VNCH, Chính phủ CMLTCHMNVN và đại diện của Mỹ. Mặc dù Việt Nam đã có những thắng lợi về quân sự, nhưng vẫn chưa có đòn quyết định để xoay chuyển cục diện chiến tranh. Thế và lực của cách mạng miền Nam chưa đủ mạnh để áp đảo đối phương trên bàn thương lượng. Trong tình hình đó, tại Hội nghị Paris, Việt Nam dùng nhiều phương thức đấu tranh, vận dụng sách lược mềm dẻo, lựa đúng thời điểm để đưa ra những đòn tiến công nhằm tác động đến dư luận nước Mỹ và dư luận thế giới, làm phân hóa sâu sắc nội bộ Chính quyền Mỹ, Chính quyền Sài Gòn, nội bộ Mỹ - Thiệu. Các giải pháp đưa ra thể hiện sự mềm dẻo của Việt Nam, từ giải pháp 10 điểm (5-1969) đòi Mỹ rút nhanh, rút hết quân về nước, rút xuống còn đề nghị 8 điểm (9-1970) nói rõ thêm ba điểm về ngừng bắn. Tiếp theo Việt Nam lại hạ thấp yêu cầu, chỉ đưa ra giải pháp 7 điểm (1-7-1971), gắn thời hạn rút hết quân và thả tù binh.. Nghệ thuật chỉ đạo đàm phán đã cho thấy sự mềm dẻo trong sách lược của Đảng, làm phân hóa sâu sắc nội bộ đối phương, Việt Nam có thêm thời gian để củng cố lực lượng, phát triển thế và lực trên chiến trường.
Tháng 9-1972, Bộ Chính trị ĐLĐVN phân tích tình hình đàm phán, nhận thấy Mỹ âm mưu kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử. Ở miền Nam, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã bước đầu hồi phục, chiếm lại thành cổ Quảng Trị.
Bộ Chính trị xác định rõ thêm mục tiêu giải pháp: Yêu cầu lớn nhất là chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ, chấm dứt chiến tranh bằng không quân và thả mìn ở miền Bắc. Việc chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ và ngừng bắn ở miền Nam đưa đến việc công nhận thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai địa bàn ở miền Nam. Đạt yêu cầu này là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị chỉ thị cho Đoàn đàm phán ở Paris tranh thủ chấm dứt chiến tranh trước bầu cử Mỹ. Tại phiên họp ngày 8-10-1972 – phiên họp bước ngoặt của diễn đàn đàm phán bí mật, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã trao cho
H.Kitsinhgiơ dự thảo Hiệp định về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và dự thảo Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Hiệp định nhằm giải quyết vấn đề chính trị và quân sự: Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam đã công nhận, chấm dứt chiến sự, rút quân Mỹ, trao đổi người các bên bị bắt trong chiến tranh, ngừng bắn, có kiểm soát và giám sát quốc tế ở Việt Nam, Mỹ chịu trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Sức mạnh tấn công của bản
“Dự thảo Hiệp định 8-12-1972” là ở chỗ Việt Nam tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam. Theo dự thảo, vấn đề miền Nam được giải quyết theo hai bước, bước một giải quyết dứt điểm một vài nguyên tắc về các vấn đề chính trị và quân sự. Bước hai, hai bên miền Nam sẽ giải quyết các vấn đề cụ thể về quân sự, chính trị của miền Nam. Sách lược “giải quyết theo hai bước”
không đòi xóa Chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu là một đột phá tháo gỡ bế tắc, kéo dài quá trình thương lượng. Thực chất dự thảo hiệp định tập trung giải quyết vấn đề ngừng bắn, Mỹ rút quân, trao trả tù binh hai bên, còn về chính trị thì giữ nguyên trạng. Như vậy, có thể khẳng định rằng, kinh nghiệm quan trọng từ quá trình Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh – đàm từ năm 1967 đến năm 1973 là: Độc lập, tự chủ trong quan điểm, đường lối, mềm dẻo, linh hoạt trong biện pháp, sách lược.