Chương 3. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.4. Tận dụng thế thắng trên chiến trường, tạo những bước đột phá thích hợp trên bàn đàm phán
Sau khi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, Chính phủ VNDCCH và MTDTGPMNVN đưa ra tuyên bố về thiện chí cùng Mỹ và Chính quyền Sài Gòn họp Hội nghị bốn bên, cùng các bên đưa cuộc họp đến kết quả.
Lúc 10g30, ngày 25-1-1969, Hội nghị đàm phán bốn bên về Việt Nam long trọng khai mạc. Tuy nhiên, suốt mấy tháng trời, Hội nghị không có tiến triển. Để phá vỡ bế tắc và mở cuộc tấn công mới, Trần Bửu Kiếm, Trưởng đoàn đại biểu MTDTGPMNVN đưa ra một giải pháp toàn bộ về vấn đề Việt
Nam. Đây là lần đầu tiên MTDTGPMNVN đưa ra một giải pháp toàn bộ về vấn đề Việt Nam và tại cuộc đàm phán Paris, đại diện của MTDTGPMNVN cũng là đại diện đầu tiên đưa ra giải pháp hoàn chỉnh với một thái độ xây dựng và những yêu cầu nói chung là phải chăng. Chính Kitsingiơ đã hiểu đây là một đòn tiến công ngoại giao sắc bén của Mặt trận và nhận xét: Riêng việc tồn tại một kế hoạch hòa bình của Cộng sản mặc dù bản thân nó là một sự bất ngờ đã gây ra ngay lập tức sự phản ứng trong quốc hội, trong các phương tiện truyền thông và trong dư luận công chúng. Họ gây sức ép với chính phủ đừng bỏ qua cơ hội đó.
Từ đầu Hội nghị Paris Hoa Kỳ luôn luôn nêu vấn đề rút quân miền Bắc với lý do quân Mỹ và quân miền Bắc Việt Nam đều là “ngoại nhập”. Âm mưu của Mỹ là tách cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam khỏi hậu phương lớn miền Bắc, để có thể giành thắng lợi dễ dàng ở miền Nam Việt Nam. Phía Việt Nam không phủ nhận cũng không thừa nhận. Lần này, Đề nghị mười điểm đưa ra sách lược “vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Đây là một sách lược quan trọng và rất sáng tạo. Đưa ra công thức này, MTDTGPMNVN hàm ý không phủ nhận vấn đề quân miền Bắc, nhưng lại khẳng định vấn đề này sẽ do các bên Việt Nam giải quyết, không liên quan gì đến phía Mỹ. Bởi vậy, Giải pháp toàn bộ mười điểm được dư luận thế giới kể cả ở Mỹ hoan nghênh và ủng hộ rộng rãi. Với Giải pháp mười điểm, Việt Nam đặt cơ sở cho cuộc đàm phán, giành quyền chủ động trên bàn Hội nghị và chiếm lĩnh trận địa dư luận. Giải pháp mười điểm góp phần củng cố cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Vai trò của MTDTGPMNVN được đề cao.
Ngày 18-12-1972 (giờ Paris), phía Mỹ gửi cho đại diện VNDCCH tại Pháp một công hàm đề nghị nối lại đàm phán bất cứ lúc nào sau ngày 26-12- 1972. Đúng vào thời điểm đó, máy bay B.52 của Mỹ bắt đầu cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam. Kế hoạch tập kích chiến lược này đã được Chính quyền Mỹ chuẩn bị từ
khi nhằm dùng sức mạnh quân sự để gây tổn thất lớn nhất có thể cho VNDCCH và ép Việt Nam chấp nhận điều kiện của Mỹ tại bàn đàm phán Paris. Chiến dịch đánh phá bằng máy bay chiến lược B52 với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam cho thấy bản chất nham hiểm của Chính quyền Ních-xơn.
Quân và dân Việt Nam kiên quyết giáng trả, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ. Nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân Hà Nội và Hải Phòng, bình tĩnh, vững vàng trước sự tàn phá của bom Mỹ, kịp thời phòng chống máy bay Mỹ, hạn chế thương vong về người và tổn thất về tài sản. Dư luận thế giới lên án và phản đối mạnh mẽ hành động chiến tranh tàn bạo của Chính quyền Mỹ. Bị thất bại nặng nề, ngày 22-12, Chính quyền Mỹ gửi công hàm đề nghị H.Kitsinhgiơ và Lê Đức Thọ gặp nhau vào ngày 3- 1-1973 và nếu VNDCCH chấp nhận thì Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở lên từ ngày 30-12-1972. Bộ Chính trị họp, đánh giá đây là
“bước đường cùng trong thế yếu” của Mỹ. Chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội của quân dân Việt Nam đã tạo thế vững mạnh cho hai đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN khi bước vào vòng đàm phán cuối cùng.
Từ những luận giải trên đây, một kinh nghiệm được đúc rút là: Tận dụng thế thắng trên chiến trường, tạo những bước đột phá thích hợp trên bàn đàm phán.