Chương 3. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.1. Kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, chủ động đưa đối phương vào thế vừa đánh, vừa đàm
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng xác định rõ tầm quan trọng to lớn của những nhân tố bên ngoài đối với cuộc kháng chiến, chỉ rõ Việt Nam hoàn toàn có khả năng tranh thủ được các nhân tố đó để gia tăng sức mạnh của dân tộc. Không tận dụng được các nhân tố bên ngoài, không
vận dụng được sức mạnh của các lực lương cách mạng và tiến bộ trên thế giới, kháng chiến khó giành được thắng lợi, hoặc phải đấu tranh lâu dài, mà vẫn không thể thắng lợi hoàn toàn. Tất nhiên, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ có thể giành được thắng lợi chủ yếu là do quyết tâm của nhân dân Việt Nam, do sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam, nhưng yếu tố quốc tế luôn tác động, ảnh hưởng và quyết định một phần rất quan trọng, cần vận dụng tối đa các nhân tố quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại kết hợp với sức mạnh nội lực để đi tới thắng lợi.
Thắng lợi của chủ trương "vừa đánh, vừa đàm" thể hiện cao độ yêu cầu và nguyên tắc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là thắng lợi của Mặt trận thống nhất nhân dân ba nước Đông Dương thông qua sự phối hợp chiến đấu của quân dân Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia. Đặc biệt, thắng lợi trong bản Hiệp định Paris, Mỹ cũng phải cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Lào, Campuchia là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ phải chấm dứt mọi hoạt động ở Campuchia và Lào. Hiệp định Paris cũng đẩy Mỹ vào xu thế rút lui quân sự ở Đông Dương, đưa đến một giải pháp về Lào với Hiệp định Viêng Chăn tháng 2-1973, mở đường cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975, góp phần quan trọng làm thất bại kế hoạch của Mỹ ủng hộ chính phủ phản động ở Campuchia, tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến Campuchia giành thắng lợi tháng 4-1975.
Trong phạm vi thế giới, thắng lợi của quá trình "vừa đánh, vừa đàm"
trên chiến trường và bàn Hội nghị là thắng lợi của Mặt trận nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ, đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Việc Mỹ phải rút quân về nước và thất bại tại Việt Nam đã hạ thấp uy thế của Mỹ trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ phải chấp nhận rút khỏi một cuộc chiến tranh xâm lược hao người tốn của nhất mà không đạt được mục tiêu cơ bản. Thắng lợi của cuộc đấu tranh "vừa đánh, vừa đàm"
dưới sự lãnh đạo của Đảng với việc Mỹ phải rút quân về nước đã chứng tỏ một điều rằng: "Biết dựa vào sức mình là chính và biết phát huy những thuận
lợi của thời đại, biết phát động một cuộc chiến tranh nhân dân phù hợp với những đặc điểm và hoàn cành của nước mình, có cách đánh giỏi, thì có đầy đủ khả năng đánh thắng và nhất định thắng mọi kẻ thù xâm lược, kể cả đế quốc Mỹ" [52, tr.414].
Giữ vững thế chủ động tiến công là nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, là quy luật giành thắng lợi của cách mạng và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam.
Nắm vững tư tưởng chủ động tiến công, Đảng dẫn dắt cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945) thắng lợi, đưa đến sự ra đời của nước VNDCCH, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện đấu tranh "vừa đánh, vừa đàm"
(1967-1973) tư tưởng đó vẫn tiếp tục được phát huy.
Với chủ trương, sách lược mới, quân và dân miền Nam đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, gây cho địch một đòn choáng váng, buộc chúng phải hạn chế ném bom miền Bắc và nói chuyện với Việt Nam trên bàn đàm phán. Hội nghị Paris hai bên chính thức được mở, đấu tranh ngoại giao những ngày sau đó buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom và hành động chiến tranh chống nước VNDCCH vào ngày 30-10-1968. Trong giai đoạn này, Việt Nam không đòi hỏi họp Hội nghị bốn bên, cũng không yêu cầu Mỹ phải công khai tuyên bố chính thức ngừng ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống VNDCCH không điều kiện. Đặt trong bối cảnh chiến trường lúc đó, khi mà cuộc tiến công lần hai và ba chưa đạt được hiệu quả, thì thành quả trên bàn Hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đảng đã khéo léo dẫn dắt quân địch vào cục diện vừa đánh vừa đàm, và bước đầu sách lược này được thực hiện thành công. Trên bàn đàm phán, Việt Nam đàm phán với Mỹ với tính chủ động cao, bác mọi đòi hỏi "có đi có lại", chủ động vận dụng sách lược, yêu cầu họp Hội nghị bốn bên.
Bước vào giai đoạn hai, trong các cuộc gặp riêng, công khai hay bí mật, biết cách gạt các mũi tên tấn công, các đòn gây sức ép đối phương bằng
những lý lẽ, lập luận sắc bén, các cách ứng xử quyết liệt, Việt Nam chủ động điều hành cục diện cuộc đánh - đàm, biết phát động và kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta.
Năm 1969, lên thay Giôn-xơn, Ních-xơn điều chỉnh chiến lược toàn cầu từ "phản ứng linh hoạt" sang "ngăn đe thực tế". Áp dụng học thuyết Ních-xơn vào châu Á, Hoa Kỳ chọn Việt Nam làm nơi thí điểm chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách mới. Quán triệt tư tưởng chủ động tiếp tục đưa địch vào thế đánh – đàm, giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi quyết định, ĐLĐVN chủ trương đẩy mạnh cuộc tiến công liên tục, toàn diện vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đánh bại cuộc hàng quân Lam Sơn 719, tiếp tục chủ động mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 vào hướng Quảng Trị thắng lợi, đánh bại cuộc tập kích B52 vào miền Bắc tháng 12-1972. Thắng lợi này làm phá sản chiến lược chiến tranh "Việt Nam hóa", buộc địch phải ký vào bản Hiệp định Paris năm 1973.
Từ thắng lợi của quá trình đánh – đàm dưới sự lãnh đạo của Đảng, một kinh nghiệm được đúc rút là: Kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, chủ động đưa đối phương vào thế vừa đánh, vừa đàm.