3.1. Những quan điểm và phương hướng cơ bản
3.1.1. Những quan điểm và phương hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân
Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra một bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Bước ngoặt của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI là thừa nhận sự tồn tại của
nền kinh tế hàng hóa với những ưu thế của nó nhằm khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế tư nhân cũng được thừa nhận bao gồm kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, tiểu thương, tư sản nhỏ. Quan điểm nền tảng này có ý nghĩa quan trọng cho sự ra đời của hàng loạt các chủ trương phát triển kinh tế tư nhân sau này.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VI, năm 1987, Đảng ta tiếp tục khẳng định: áp dụng nhiều hình thức liên kết, liên doanh giữa các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế và các cấp quản lý nhằm mở rộng sự phân công hợp tác về kinh tế và khhoa học kỹ thuật, các xí nghiệp quốc doanh phải giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ liên kết với các thành phần kinh tế khác.
Tháng 3 năm 1988, Chính phủ ban hành hai Nghị định:Nghị định số 27/NĐ- CP về kinh tế tư doanh và Nghị định số 29/NĐ-CP về kinh tế gia đình, thực tế là thừa nhận quyền hoạt động kinh doanh của kinh tế tư nhân.
Ngày 15/07/1988, Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị cho phép các cơ sở kinh tế tư nhân quy mô nhỏ được hoạt động trong các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải, dịch vụ và cho phép đổi mới chính sách, cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Thực hiện đường lối đó, nhà nước cũng đã ban hành các văn bản pháp quy về kinh tế tư nhân.
Ngày 29/03/1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất” và coi chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trong đó, kinh tế tư nhân, cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu kinh tế của nền kinh tế hàng hóa nước ta.
Ngày 15/04/1991, Luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các DNTN quy mô lớn hoạt động. Điều 3 của Luật DNTN nêu rõ: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của kinh doanh. Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh.
Năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô và địa bàn
hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây có thể coi là một sự đổi mới cả về đường lối, chính sách và cơ sở pháp lý. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân từng bước được nâng lên.
Năm 1992, trong Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận, sở hữu tư nhân được coi là một trong ba loại hình sở hữu trong nền kinh tế. Như vậy, Hiến pháp 1992 đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và ổn định của kinh tế tư nhân.
Ngày 24/05/1993, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 240/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế đại học tư thục trong đó quy định đại học tư thục là cơ sở đại học do tư nhân lập ra và kinh phí hoạt động là do tư nhân đầu tư hoặc đóng góp được đặt trong hệ thống đại học của nước ta. Ngày 13/10/1993, Chủ tịch nước ra Lệnh số 26/ L-CTN công bố Pháp lệnh về hành nghề y, dược tư nhân. Như vậy, các quy định này đã cho phép kinh tế tư nhân được tham dự vào các hoạt động nhạy cảm mang tính xã hội là giáo dục và y tế.
Luật khuyến khích đầu tư trong nước (ngày 22/06/1994) đã tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho đầu tư thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Ngày 12/05/1995, Chính phủ ra Nghị định số 29/CP quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước trong đó có đề cập đến đối tượng khuyến khích đầu tư là các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân.
Vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định và ngày càng được nhấn mạnh rõ nét hơn trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), lần thứ IX (2001) và lần thứ X (2006) cùng các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương các khóa. Đặc biệt tháng 05/2002, Hội nghị Trung ương 5 Khóa IX đã tập tục thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân và ra nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Nghị quyết chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, góp phần giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, huy động các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ quan điểm và đường lối của Đảng đối với kinh tế tư nhân, nhà nước cũng đã có những đổi mới cơ chế đối với kinh tế tư nhân. Điều này thể hiện tập trung ở việc ban hành
Luật doanh nghiệp (12/06/1999) thay cho luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra còn ban hành luật thương mại 1997, Luật các tổ chức tín dụng 1997, luật thuế giá trị gia tăng 1997, luật thuế thu nhập doanh nghiệp 1997,... Hơn nữa, Nhà nước cũng có những chính sách cụ thể hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân như Nghị định số 90/2001/NĐ - CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Quyết định số 94/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động triển khai các công việc cụ thể để hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển.