3.2. Giải pháp cơ bản vận dụng lý luận hàng hoá sức lao động của C.Mác
3.2.4. Giải pháp về cơ chế quản lý hàng hoá sức lao động, thị trường sức lao động và tuân thủ pháp luật về lao động
TTSLĐ là loại thị trường đặc biệt với tính chất, đặc điểm và các hình thức biểu hiện đặc thù khác với các loại thị trường khác, vì nó liên quan tới con người với tư cách là một thực thể kinh tế trong vai trò vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng những hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất ra, mặt khác là thực thể xã hội trong vai trò của một công dân có quyền lợi và nghĩa vụ trước xã hội và cộng đồng.
TTSLĐ ở nước ta được hình thành và phát triển trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Mục đích của TTSLĐ ở nước ta là xây dựng quan hệ lao động mới, phù hợp trên cả 3 mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Do vậy, hoàn thiện cơ chế quản lý HHSLĐ và TTSLĐ ở nước ta hiện nay là nhằm giải phóng SLĐ, tạo môi trường pháp lý và xã hội lành mạnh, thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Trên TTSLĐ, người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng theo quy định của Luật Lao động và trong quá trình lao động, quan hệ này luôn
được sự giám sát, can thiệp của các tổ chức công đoàn. Vì vậy, khi đề cập đến nội dụng quản lý HHSLĐ và thị trường SLĐ cũng có nghĩa là đề cập đến năng lực quản lý nhà nước cũng như vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức công đoàn cơ sở (công đoàn trong các DN, công ty).
Vai trò quản lý nhà nước và giám sát, kiểm tra đối với các DN thông qua sự hoàn thiện của Bộ Luật Lao động, sự hoạt động của các cơ quan chức năng như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động... với mục đích là bảo về quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Hầu hết các DNNN, các công ty CP và một số DN tư nhân có quy mô lớn về lao động, doanh thu ở Quảng Bình hiện nay đều đã thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở. Nhưng có một thực tế nảy sinh có liên quan đến lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong các DN của tỉnh, đó là những bất bình đẳng trong quan hệ lao động giữa các loại hình DN với nhau; thể hiện ở chỗ chênh lệch về thu nhập hay tình hình tuân thủ pháp luật của nhiều DN tư nhân chưa nghiêm. Năm 2005, qua điều tra 503 DN của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn 17 DN(chiếm 5,4 %) chủ DN chưa đóng bảo hiểm cho công nhân, trong lúc đó có 9 DN vẫn trích 5% tiền lương của công nhân nhưng không đóng bảo hiểm cho người lao động. Hoặc như ở thành phố Đồng Hới có gần 756 cơ sở sản xuất, công ty có tiếp nhận lực lượng lao động phổ thông ở các huyện như (Lệ Thuỷ, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch...
Ưu điểm của các DN này là đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nhưng các chủ DN ít quan tâm đến đời sống của người công nhân. Thể hiện ở chỗ nhiều DN có hàng trăm công nhân như Công ty xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh; Nhà máy thanh nhôm định hình... nhưng không có chỗ ở cho người lao động thuê, buộc họ phải thuê nhà trọ với giá đắt (so với thu nhập), điều kiện sống trong các căn hộ cho thuê rất tồi tàn, thậm chí trong một căn phòng rộng 15m² nhưng có đến 6 người thuê. Công nhân trong các DN tư nhân điều kiện ăn ở khó khăn như vậy, nhưng ở một số Công ty lớn của Nhà nước điều kiện ăn, ở cũng không được cải thiện đáng kể, vì thiếu sự quan tâm của lãnh đạo DN. Phần lớn thời gian lao động sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, người lao động ít có điều
kiện tham gia những buổi văn nghệ, thể thao, đi tham quan du lịch. Buổi sáng đến chỗ làm việc, tối về chỗ trọ, chế độ phép, ốm đau... không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đã thế, quyền lợi vật chất của họ cũng bị cắt xén. Một kiểm tra mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại công ty TNHH Hoà Ninh cho thấy, DN này có gần 400 công nhân nhưng chỉ có 165 người được đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Công ty còn đặt ra " lệ làng" trích 3% lương của công nhân làm quỹ "
phúc lợi " với việc chi tiêu không minh bạch. Người lao động vì kế sinh nhai phải vào làm việc tại các DN, nhưng họ phải được tôn trọng, được giải quyết các quyền lợi.
Điều đó được thể hiện qua mức lương và các chế độ xã hội tối thiểu khác (bảo hiểm, ốm đau, tai nạn...). Sau đó là chỗ ở, các hoạt động thể thao, văn hoá...Và để có được các quyền lợi chính đáng của mình, các DN phải có các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Dựa vào thực tế của các DN ở Quảng Bình, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức công đoàn cơ sở đối với các DN, cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
Các tổ chức công đoàn phải được thành lập trong mọi DN (Theo luật Công đoàn- chương 3, điều 16). Chúng ta đã có quy định pháp lý ràng buộc mọi DN thuộc các thành phần kinh tế phải hỗ trợ kinh phí cho công đoàn hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn phát huy vai trò của họ, không được ngăn cản, hạn chế vai trò hợp pháp của cán bộ công đoàn (Thông tư liên liên bộ số 119- 2004 ngày 8/12/2004 giữa Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thông tri số 58 ngày 10/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Để làm tốt vai trò của mình cán bộ công đoàn trong các DN phải được đào tạo, tập huấn để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời rèn luyện cho mình một bản lĩnh chính trị trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động.
Những cán bộ công đoàn phải là những người có tâm huyết, nhiệt tình trong công tác, biết đặt lợi ích của người lao động lên trên lợi ích cá nhân, nắm vững luật lao động và các văn bản pháp lý có liên quan để hướng dẫn người lao động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng, đúng luật.
Để phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn trong các DN hiện nay cần phải xây dựng cơ chế và quy chế hoạt động cụ thể của từng tổ chức công đoàn và mối quan hệ giữa công đoàn và lãnh đạo các DN, nhất là các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vì ở những DN này, người chủ DN ít quan tâm đến tổ chức công đoàn, thậm chí không muốn hình thành tổ chức công đoàn sẽ bất lợi cho họ trong SXKD, trong việc đảm bảo quyền lợi vật chất và tinh thần của người lao động. Mặt khác, để tổ chức công đoàn vững mạnh, hoạt động có hiệu quả phải có đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách có cuộc sống vật chất đảm bảo để họ toàn tâm, toàn ý phục vụ công tác. Trong năm 2005, Liên đoàn Lao động tỉnh liên kết với Trường Chính trị tổ chức 4 lớp tập huấn về lý luận chính trị, pháp luật và công tác nghiệp vụ cho 308 cán bộ công đoàn cơ sở, trong chỉ có 67 cán bộ công đoàn ở DN(chiếm 20%) và cũng chủ yếu là cán bộ công đoàn của các DNNN. Điều đó cho thấy, cán bộ công đoàn cơ sở trong các DN ở Quảng Bình hiện nay chưa được quan tâm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và định hướng cho phong trào công đoàn cơ sở. Liên đoàn Lao động tỉnh cần phải xác lập được cơ chế thông tin để nhanh chóng nắm bắt và có sự hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ cũng như việc giải quyết tranh chấp lao động của người lao động ở các DN. Cán bộ công đoàn ngoài phẩm chất chính trị, lập trường, quan điểm phải có phương pháp lãnh đạo tốt, một mặt phải nắm vững nguyên tắc, tuân thủ pháp luật, mặt khác, phải biết tuyên truyền, vân động, thuyết phục, phải biết thương thảo với các bên nhằm đảm bảo quyền lợi giũa người sử dụng lao động và người lao động.
Cùng với việc nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, của các tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình cần quan tâm hoàn thiện hệ thống thông tin lao động, dịch vụ và việc làm. Tuy nhiên để làm được điều đó cần phải có sự hỗ trợ về kinh phí, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và cả nguồn nhân lực. Chẳng hạn hệ thống máy vi tính nối mạng giữa các DN, các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm giúp cho người sử dụng lao động nắm được những thông tin nhanh chóng, chính xác, khả thi về cung cầu lao động để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Vấn đề thông tin nói chung và thông tin lao động, giới thiệu việc làm nói riêng hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với các cơ quan nhà nước, các cấp lãnh đạo, DN và người lao động. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng xây dựng chính phủ điện tử, Nhà nước, tỉnh cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, phải có một đội ngũ cán bộ chuyên môn và chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tin học, điện tử để xây dựng chương trình, thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, an toàn. Cần quy hoạch, sắp xếp lại hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo được nhu cầu đào tạo và giới thiệu việc làm đối với các DN và người lao động. Để quản lý tốt các hoạt động của các cơ sở, các trung tâm DVVL, cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các DN, trung tâm DVVL với các trung tâm đào tạo nghề để qua đó giúp cho người lao động có cơ hội được hướng dẫn chọn nghề và chọn DN để làm việc sau khi được đào tạo. Điều này sẽ làm cho người lao động an tâm, phấn khởi sau khi đăng ký học nghề và có ý thức trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề, vì họ hy vọng sẽ được làm việc cho DN mà họ chọn.