CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH LÀO CAI
2.1. Các sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu của tỉnh Lào Cai
Nổi bật với sự kết hợp giữa homestay và trekking, du lịch cộng đồng bắt đầu đi vào hoạt động ở Lào Cai từ những năm 93-94 bắt đầu từ hai xã thuộc Khu du lịch Sapa, huyện Sapa, dần dần chiếm được cảm tình của đông đảo du khách quốc tế và phát triển mạnh hơn sau năm 2009. Đây là sản phẩm thường được kết hợp với sản phẩm du lịch đi bộ mạo hiểm (Trekking) hoặc chinh phục đỉnh Fanxipan. Các bản làng của Sapa, Bắc Hà được khai thác vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc vào hoạt động du lịch thông qua việc cung cấp dịch vụ nghỉ đêm tại nhà người dân trong bản, đi bộ vượt rừng, núi để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và trải nghiệm cuộc sống, nét sinh hoạt của cư dân địa phương.
Hiện nay, du khách có khá nhiều lựa chọn cho sản phẩm du lịch homestay:
tại Sapa có xã Bản Hồ, Thanh Phú, bản Tả Van, bản Giàng Tà Chải, Tả Phìn. Tại Bắc Hà có bản Trung Đô, bản Phố Mới… Các hộ gia đình cung cấp dịch vụ nghỉ đêm cho khách đều đã nâng cấp các hạng mục công trình cơ bản trong nhà như khu vệ sinh, khu buồng ngủ, chăn ga, gối đệm đều sạch sẽ, hợp vệ sinh ở mức tối thiểu.
Trải nghiệm sản phẩm homestay, du khách còn được hòa mình vào không gian sinh hoạt truyền thống của gia đình đa thế hệ cùng với chủ nhà và cũng là cơ hội để thưởng thức thiên nhiên trong lành, yên tĩnh chốn núi rừng. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, sản phẩm homestay đã kết hợp thêm với nhiều loại hình khác như tắm lá thuốc dân tộc; một ngày làm nương cùng bà con… tạo thêm sự gắn kết cộng đồng và cơ hội trải nghiệm cho du khách.
2.1.2 Sản phẩm du lịch tâm linh.
Nếu như sản phẩm du lịch homestay và chợ phiên thu hút phần đông thị trường khách Quốc tế thì sản phẩm du lịch tôn giáo tín ngưỡng lại là thế mạnh để Lào Cai khai thác thị trường khách nội địa. Du khách đến với Lào Cai không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi đền cổ mà chính là bởi không gian thiêng liêng của những truyền thuyết về các vị tướng nhà trời huyền thoại hay niềm tin vào tín ngưỡng thờ mẫu và sự tôn kính các vị danh tướng.
Nhắc tới du lịch tâm linh Lào Cai là nhắc tới đền Thượng - đền Mẫu; đền ông Hoàng Bảy (Bảo Hà) - đền Cô Đôi Tân An. Đây là hai cặp điểm đến có lượng
44
khách hành hương và chiêm bái đông nhất tỉnh Lào Cai, đặc biệt là trong những dịp lễ hội và đầu xuân. Những địa danh đặc trưng này không chỉ nằm trong danh sách các di tích quốc gia của Lào Cai mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du lịch.
- Đền Bảo Hà (hay còn gọi là đền Ông Hoàng Bảy) với mùa lễ hội được kéo dài từ tháng Giêng tới tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong đó những ngày lễ chính của đền là: Lễ thượng nguyên (rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên). Du khách đến với đền Bảo Hà không chỉ bởi quang cảnh hùng vĩ nơi chân núi Cấm, bên dòng sông Hồng cuộn đỏ mà còn bởi sự linh thiêng của ngôi đền.
- Đền Cô Đôi Tân An nằm đối diện với Đền Bảo Hà, qua sông Hồng, ngày 17 tháng Giêng hằng năm là ngày hội đền và cũng là ngày giỗ của cô Đôi được phối thờ tại đây. Đền Bảo Hà hợp cùng Đền Cô Tân An trở thành "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy" là địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách mỗi năm trong hành trình "Du lịch về cội nguồn", nhất là dịp đầu Xuân mới.
- Cụm di tích đền Thượng, đền Mẫu lại là nơi đón tiếp du khách thập phương tìm tới bởi vẻ đẹp cổ kính, sự linh thiêng, uy thế của một ngôi đền trấn ải nơi vùng biên. Lễ hội chính của đền Thượng là vào ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày kỵ của đức thánh Trần). Bên cạnh đó, kể từ sau năm 1991 vào ngày rằm tháng Giêng người dân Lào Cai lại nô nức tham dự lễ hội tại đền Thượng với mong cầu bình an.
Sự linh thiêng của các điểm đến tâm linh ở Lào Cai còn có sự gắn kết với các địa phương lân cận, do đó du khách thập phương thường kết hợp các điểm đến tâm linh vào một chương trình hành hương trong chuyến du xuân. Các tuyến du lịch tâm linh trong đó có Lào Cai mà được du khách ưa chuộng như: Đền Bảo Hà - Bảo Thắng - Đền Mẫu - Đền Thượng (Lào Cai) và ngược lại; tuyến du lịch về nguồn dọc sông Hồng: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.
2.1.3 Sản phẩm du lịch thăm chợ phiên truyền thống.
Chợ phiên truyền thống vùng cao của Bắc Hà (Lào Cai) đã từng được Tạp chí Rough Guide của Anh vinh danh là một trong 25 điều không nên bỏ lỡ khi đến Việt Nam (Hình 5, Phụ lục hình ảnh, Tr.198), đó là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đến với các phiên chợ vùng cao, du khách có cơ hội thưởng thức hình thức họp chợ truyền thống của từng nhóm người tại mỗi địa phương khác nhau cùng những loại hàng hóa đặc trưng của từng loại chợ phiên. Điều đáng nói ở đây là
45
lịch của các phiên chợ đan xen và gối lên nhau, đủ để phủ kín một tuần thăm quan của du khách:
- Thứ Hai hằng tuần: họp chợ phiên Bản Phiệt thuộc xã Bản Phiệt huyện biên giới Bảo Thắng ngay sát quốc lộ 4D. So với các phiên chợ Lào Cai, chợ Bản Phiệt khá nhỏ và không quá đông đúc nhưng là nơi trao đổi buôn bán của các đồng bào dân tộc trong vùng. Đa số những người đi chợ phiên Bản Phiệt là người Mông trắng.
Chợ bắt đầu từ sớm khi cái lạnh vẫn quyện lẫn hơi sương. Ở miền núi bao giờ cũng vậy, những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất luôn được chọn mặc vào ngày đi chợ hay đi hội.
- Thứ Ba hằng tuần: họp phiên chợ Cốc Ly thuộc huyện Bắc Hà, chợ được chia thành từng khu riêng biệt: khu bán thổ cẩm, khu bán các sản vật miền núi, khu bán gia súc, khu ẩm thực. Bà con tham gia trao đổi mua bán chủ yếu là người H’mông Hoa, người Dao khuyển (Dao Đen) và người Nùng. Cốc Ly không chỉ nổi tiếng bởi phiên chợ "hàng đổi hàng" mà do nằm ngay cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông Chảy nên nơi đây còn là một điểm du lịch hấp dẫn (Phụ lục IIa, Tr.161).
- Thứ Tư hằng tuần: họp phiên chợ Cao Sơn nằm trên địa phận xã Cao Sơn, huyện Mường Khương. Đây là phiên chợ của đồng bào dân tộc Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen sinh sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương. Chợ Cao Sơn được chia thành nhiều khu: khu bán các loại hoa quả, rau củ, khu bán gia súc, gia cầm và đặc biệt là khu vực bán các món đặc sản nổi tiếng của người dân tộc như: thắng cố, rượu ngô Cốc Dâm.
- Thứ Năm hằng tuần: du khách sẽ có cơ hội đến với phiên chợ Lùng Khấu Nhin thuộc huyện Mường Khương, là một trong số những phiên chợ có tiếng của tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc rộng lớn. Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, Lùng Khấu Nhin tràn ngập những màu sắc rực rỡ của váy áo, của chăn đệm, của bắp cải xanh mướt, quýt vàng ruộm... Ngay từ đỉnh con dốc cách chợ một quãng, sắc tươi tắn ấy đã hiển hiện và nỗi bật giữ núi rừng. Người mua bán ở đây là đồng bào các dân tộc H'Mông, Nùng, Mán, Kinh.
- Thứ Sáu hằng tuần: là phiên trao đổi hàng hóa tại chợ Chậu thuộc xã Lùng Vai, một nơi từ lâu đã là trung tâm buôn bán nổi tiếng ở miền Đông châu Thuỷ Vĩ. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi tâm tình của những người bạn tâm giao, nơi hò hẹn của nam, nữ các bản làng.
46
- Thứ Bảy hằng tuần: là một ngày nhộn nhịp của hai phiên chợ Cán Cấu và Mường Khương. Chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) họp ngay ven đường 153, con đường đất đỏ duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Chợ phiên Cán Cấu là chợ của người H’mông, người Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao đó là chỉ họp vào thứ Bảy. Đây được coi là chợ trâu lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chợ Pha Long (huyện Mường Khương) là trung tâm mua bán của bà con các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Tả Gia Khâu của huyện. Khi chợ vào phiên, các tộc người Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy... tụ họp về đây khiến khung cảnh chợ rộn ràng, đông đúc. Trong đó, náo nhiệt, ồn ào và bắt mắt nhất là khu bán hàng thổ cẩm. Phiên chợ Pha Long còn nổi tiếng với lễ hội Gầu Tào mỗi khi Tết đến xuân về.
- Chủ nhật hằng tuần: Trong các phiên chợ họp chủ nhật ở Lào Cai, nổi bật nhất phải kể đến chợ phiên Bắc Hà, được bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á. Chợ Bắc Hà còn là chợ phiên duy nhất cả nước có khu dành riêng cho mua bán ngựa với hàng trăm con ngựa được mua bán mỗi phiên [Phụ lục IIa, Tr.163].
Chợ phiên Sapa nằm ngay trung tâm thị trấn. Vào ngày chủ nhật tại đây có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các món ăn dân tộc cùng nhiều lâm sản quý.
Đây còn là dịp bà con vùng cao đi chợ và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...
Một phiên chợ đặc biệt nữa mà du khách mê chim họa mi không nên bỏ lỡ đó là chợ “mi chiến Mường Khương”, điểm tập kết của hàng trăm chú chim họa mi tinh nhuệ của các lão làng trong nghề luyện chim họa mi của tỉnh Lào Cai mang tới.
Chợ họp ngay tại trung tâm huyện Mường Khương, cách thành phố Lào Cai gần 50km và là nơi thu hút dân mê họa mi chiến từ khắp nơi trên cả nước phải tìm tới đây để có cơ hội chiêm ngưỡng dàn chim họa mi chiến và trao đổi kinh nghiệm, bí quyết trong nghề.
Ngoài ra, du khách còn có thể ghé chợ Lùng Phình (Bắc Hà), Mường Hum (Bát Xát) vào ngày chủ nhật trong tuần.