CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH LÀO CAI
2.5. Thực trạng về hoạt động quản lý điểm đến
2.5.1. Nguồn nhân lực
Theo thống kê tạm thời, đến năm 2013 tổng số lao động trong ngành du lịch của tỉnh là 8150 lao động, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng người trong độ tuổi lao động của tỉnh và tỷ lệ này hầu như không biến động trong vòng gần 10 năm qua (Biểu đồ 2.7, Phụ lục I, Tr. 103). Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn từ 2006 - 2013 là 6%. Cơ cấu giữa nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp có một sự chênh lệch khá lớn (Biểu đồ 2.6, Phụ lụ I, Tr. 102) và tỷ lệ đó cũng chưa được cải thiện nhiều trong vòng 7 năm qua. Trong khi nguồn lực trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch chỉ chiếm khoảng 30 - 40% thì lực lượng lao động gián tiếp lại chiếm tới 60 - 70% tổng nguồn nhân lực du lịch của toàn tỉnh.
58
Tuy vậy, nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lào Cai cũng đã có những bước phát triển rõ rệt trong những năm qua nhờ vào những hoạt động đào tạo nguồn nhân lực được các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy. Tỉnh đã tăng cường trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức SNV, EU, ILO triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên ngành khách sạn, lữ hành, tiếng Anh, tiếng Pháp; liên kết với các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Mở Hà Nội, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Hoa Sữa tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch.
2.5.1.1. Về đội ngũ Hướng dẫn viên, Thuyết minh viên
Trong năm 2013, toàn tỉnh có 470 hướng dẫn viên và thuyết minh viên, trong đó có 200 hướng dẫn viên và 270 thuyết minh viên [34, Tr.21]. Tuy vậy số lượng hướng dẫn viên quốc tế tại Lào Cai còn hạn chế, chỉ có 120 hướng dẫn viên trong năm 2013. Đội ngũ hướng dẫn viên tại Lào Cai được các công ty du lịch và khách du lịch đánh giá khá tốt, tuy nhiên chất lượng hướng dẫn viên còn một số hạn chế:
trình độ ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống chưa tốt, đặc biệt đối với hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số; hiểu biết của hướng dẫn viên về các điểm du lịch còn chưa sâu sắc...
2.5.1.2. Về lực lượng lao động trong các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng
Lao động tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh được tuyển chủ yếu là lao động địa phương đến từ Lào Cai và lao động đến từ các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Tuyên Quang... Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung và các khách sạn, nhà hàng nói riêng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng và duy trì chất lượng lao động như: số lượng lao động qua đào tạo thiếu; việc tuyển lao động có trình độ cao, lao động quản lý gặp nhiều khó khăn; lao động thường xuyên nghỉ việc nên gây xáo trộn nhất định cho các hoạt động của doanh nghiệp...
Nhìn chung, từ năm 2011 - 2013, tỉnh đã đào tạo nghiệp vụ du lịch cho 145 hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn, 45 học viên được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) tại Tả Phìn, Tả Van (Sapa), 20 học viên tại các cơ quan, doanh nghiệp du lịch được đào tạo trình độ tiếng Pháp, 50 học viên được đào tạo về kỹ năng quản lý du lịch và nâng cao ý thức về phòng chống lao động trẻ em. Tuy vậy do việc phát triển nhanh
59
chóng của quy mô và những đòi hỏi về nâng cao chất lượng của du lịch tỉnh Lào Cai, nguồn nhân lực du lịch Lào Cai vẫn còn yếu và thiếu so với yêu cầu, đặc biệt là lực lượng lao động có kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm, lực lượng lao động quản lý.
Các cơ sở đào tạo về du lịch của tỉnh còn non trẻ, thiếu giáo viên, các chương trình đào tạo và cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
2.5.2. Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 2.5.2.1. Về hệ thống giao thông
Toàn tỉnh hiện có 04 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 451km gồm quốc lộ 70, 4D, 4E, 279; 10 tuyến tỉnh lộ được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng [5];
Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường du lịch thuộc huyện Bắc Hà, hoàn thành tuyến đường Violet thuộc thị trấn Sa Pa, tiếp tục thi công các tuyến đường du lịch Phéc Bủng - Cốc Ly (huyện Bắc Hà) dài 15km… từ nguồn vốn ngân sách và hạ tầng du lịch quốc gia. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông xe vào tháng 9 năm 2014 tạo cơ hội tốt cho việc tăng lượng khách đến với Lào Cai; hệ thống đường sắt đáp ứng năng lực vận chuyển 01 triệu lượt khách/năm. Tháng 1 năm 2012, Bộ Giao thông Vân tải đã công bố quy hoạch sân bay Lào Cai.
Đường bộ: Hiện có 04 tuyến đường quốc lộ đi qua bao gồm: quốc lộ 70, 4D, 4E, 279 kết nối Lào Cai với các tỉnh lân cận. Đặc biệt Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai rút ngắn khoảng thời gian đi lại từ Hà Nội - Lào Cai xuống còn 3 giờ, là trục giao thông quan trọng để phát triển du lịch. Toàn tỉnh có 10 tuyến đường tỉnh lộ kết nối các huyện trong tỉnh với chiều dài khoảng 300km và 1.000km các đường liên xã, liên thôn. Tuy nhiên, do địa hình núi cao, hiểm trở, mưa lũ nên các tuyến đường có hạn chế về độ rộng, thường xuyên bị xuống cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông, trong đó có việc di chuyển đến các tuyến, điểm du lịch quan trọng.
Đường sắt: tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có chiều dài 296km hiện có năng lực vận chuyển từ 4.000 - 5.000 khách/ngày [34, Tr.25]. Tính đến nay, đường sắt vẫn đang là phương tiện chủ lực vận chuyển khách du lịch tới Lào Cai và trong tương lai cũng vẫn là lựa chọn cho tour du lịch Hà Nội - Lào Cai - Sapa bởi đảm bảo tính đa dạng phương tiện vận chuyển. Tuy vậy, chất lượng đường sắt, toa xe, nhà ga chưa thực sự cao bởi không thể tách rời khỏi hoạt động chung của ngành đường sắt Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều hãng kinh doanh vé tàu đầu tư, nâng cấp
60
toa xe như Victoria, Orient Express, Friendly…nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hạng sang nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao vì các hãng vẫn phải chịu ảnh hưởng do việc phân phối vé, hạn chế số lượng toa xe lưu hành từ phía đường sắt Việt Nam.
Đường thủy: hiện tại vẫn có 2 tuyến sông Hồng và sông Chảy chạy dọc tỉnh, tạo thành một hệ thống giao thông đường thuỷ liên hoàn, tuy nhiên do có nhiều ghềnh thác, mùa mưa nước chảy xiết, mùa khô nước cạn nên khả năng khai thác vào hoạt động du lịch còn hạn chế. Trên thực tế, du khách vẫn có thể lựa chọn một chương trình đi từ Lào Cai, thăm chợ Cốc Lếu, xuống thuyền xuôi theo sông Chảy chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và thăm hang Cô Tiên…
Về hệ thống phương tiện vận chuyển: Tính đến năm 2013, đã có 10 hãng tàu du lịch và 05 hãng xe khách chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hà Nội với khoảng trên 1000 đầu xe ôtô các loại phục vụ vận chuyển khách du lịch đến các điểm du lịch, tăng 200 đầu xe so với năm 2010 [34, Tr.26].
2.5.2.2. Về hệ thống thông tin liên lạc, điện nước
Đã đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tại các huyện, thành phố, các thôn bản có du lịch phát triển và bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách.
Hệ thống điện: Hiện đã có 9/9 huyện, thành phố đã có điện lưới quốc gia.
Điện năng tại Lào Cai được lấy từ 3 nguồn gồm: điện lưới quốc gia, các công trình thuỷ điện trên địa bàn và điện mua trực tiếp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng năm vẫn xảy ra tình trạng cắt điện do thiếu sản lượng điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân cũng như hoạt động kinh doanh du lịch.
Hệ thống cấp thoát nước: Nguồn nước cung cấp cho Lào Cai hiện nay đều lấy từ các sông, suối, hồ và một phần từ nước ngầm. Hệ thống cấp nước sạch mới có ở 8 trung tâm huyện lỵ và thành phố Lào Cai với hơn 30.000 hộ dân. Hệ thống thoát nước tập trung ở một số khu đô thị là chính, nhưng chất lượng xử lý hệ thống nước thải còn nhiều hạn chế. Một số điểm du lịch, nước thải từ sinh hoạt của người dân và các cơ sở kinh doanh du lịch chưa được xử lý theo quy định.
Hệ thống thông tin liên lạc: Lào Cai đã và đang triển khai các dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông có công nghệ hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, có độ bao phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin liên lạc ngày càng mở rộng, mạng thông tin di động đã
61
phủ sóng rộng khắp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ đa số người dân. Hiện, toàn tỉnh có 181 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, 912 trạm phát sóng di động, phủ sóng 100% tới trung tâm các xã. Mạng truyền dẫn cáp quang được đầu tư đến 9/9 trung tâm huyện và 99% xã. Năm 2013, đã triển khai 22 điểm phục vụ internet công cộng đến thôn bản tại 4 xã thuộc chương trình 36 xã điểm nông thôn mới [34, Tr. 26].
2.5.3. Về vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch 2.5.3.1. Về cơ sở lưu trú
Số lượng cơ sở lưu trú toàn tỉnh vào năm 2013 là 450 cơ sở với trên 5.400 buồng khách và đã tăng lên gần gấp đôi so với năm 2006, tốc độ tăng trưởng nhanh và đều (Biểu đồ 2.8, Phụ lục I, Tr.103). Tuy nhiên số lượng cơ sở lưu trú được xếp hạng (từ 1 sao trở lên) vẫn còn thấp chỉ với 80 cơ sở, chiếm gần 18% với 2300 buồng ngủ. Mặc dù vậy nhưng chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú ngày tăng, đảm bảo yêu cầu về không gian, vệ sinh, an toàn, các dịch vụ bổ sung trong khách sạn, nhà nghỉ phong phú, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Bên cạnh hệ thống khách sạn, nhà nghỉ còn có hơn 100 nhà nghỉ lưu trú tại gia (homestay) ở các thôn bản phát triển du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Sapa và Bắc Hà như: Tả Van, Thanh Phú, Cát Cát, Trung Đô... Loại hình này được du khách quốc tế ưa chuộng hơn so với khách nội địa, có tới hơn 40% khách quốc tế lựa chọn hình thức lưu trú tại homestay trong khi chỉ có hơn 4% du khách nội địa lựa chọn loại hình này trong chuyến đi của mình (Bảng 2.1 & 2.2 , Phụ lục I, Tr.111&114).
Ngoài một số khách sạn lớn của nước ngoài, của các doanh nghiệp lớn được đầu tư chất lượng cao như: Khách sạn Victoria, Khách sạn Swiss - Bellhotel Lào Cai hay khu Ecolodge... đã tạo dựng được thương hiệu và góp phần đáp ứng nhu cầu của dòng khách cao cấp. Còn lại các cơ sở lưu trú khác vẫn tồn đọng tình trạng chất lượng dịch vụ kém, đầu tư thiếu đồng bộ, không theo quy chuẩn riêng hoặc kinh doanh tự phát, tuy có thể giải quyết được tạm thời việc thiếu phòng nghỉ vào các mùa cao điểm nhưng lại khiến cho chất lượng chung của dịch vụ cơ sở lưu trú tại Lào Cai chưa đồng đều.
2.5.3.2. Về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Hệ thống các nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú, hiện có hàng trăm nhà hàng riêng lẻ và các nhà hàng nằm trong các
62
khách sạn với hàng nghìn chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Mặc dù vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, nhân sự tại các nhà hàng còn thiếu tính chuyên nghiệp...
2.5.3.3. Về cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí
Hàng loạt các khu vui chơi giải trí như: Khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng, Cát Cát (Sapa), Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn. Các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm... bước đầu được hình thành nhưng chưa tạo được dấu ấn về tính đặc sắc của sản phẩm.
Hệ thống các cơ sở phục vụ hoạt động vui chơi giải trí đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Hiện nay, hoạt động giải trí chính của khách tại các điểm du lịch là dựa vào cảnh quan thiên nhiên như: đi bộ dạo phố, ngắm cảnh hay đi chợ, thăm quan tìm hiểu văn hóa các dân tộc.... Tỉnh còn thiếu hệ thống thiết chế văn hóa như: rạp chiếu phim, bảo tàng, sân khấu ngoài trời, công viên giải trí. Vì vậy, việc quy hoạch đầu tư phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cần phải được quan tâm hơn nữa.
2.5.3.4. Các trung tâm thương mại và dịch vụ
Hệ thống các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư trong những năm qua tuy nhiên mới chỉ tập trung ở một số trung tâm du lịch lớn của tỉnh, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai như: Trung tâm thương mại quốc tế Lào Cai, Trung tâm thương mại Kim Thành...Tuy vậy, hệ thống các trung tâm thương mại, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm... còn thiếu, chưa đa dạng.
2.5.4. Xúc tiến, quảng bá và đầu tư
2.5.4.1. Thu hút đầu tư: Trong vòng 3 năm 2011 - 2013, tỉnh đã thu hút được trên 20 nhà đầu tư đến khảo sát và đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty du lịch Saigon...
Đồng thời thu hút được trên 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn và khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên vẫn tồn đọng những hạn chế trong hoạt động đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch như:
63
Hệ thống các điểm vui chơi, giải trí chưa đầy đủ và thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch nội địa.
Cơ sở hạ tầng tại các tuyến điểm, đặc biệt là hệ thống nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe chưa được quan tâm đầu tư là nguyên nhân gây nên tình trạng mất vệ sinh tại các điểm du lịch (Hình 24, Phụ lục hình ảnh, Tr. 207).
Các dự án đầu tư lớn tập trung chủ yếu vào huyện Sapa và thành phố Lào Cai, chưa phân bố đều đầu tư hay quy hoạch du lịch tới các huyện khác trong tỉnh, dẫn đến tình trạng có nhiều xã chưa hề có hoạt động du lịch, thậm chí là cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cũng nghèo nàn và yếu.
Một số tuyến đường giao thông tới các tuyến, điểm du lịch trọng điểm đã xuống cấp, thiếu các trạm dừng chân, ngắm cảnh, điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch trên tuyến du lịch.
2.5.4.2. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch: Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bắt đầu được chú trọng triển khai và bước đầu thu được hiệu quả. Nhiều công cụ quảng cáo, truyền thông, xúc tiến được triển khai bao gồm:
Pa-nô, áp phích ngoài trời: được đặt tại một số cửa ngõ của các trung tâm du lịch chính để quảng bá cho các hoạt động du lịch của địa phương (Hình 15, Phụ lục hình ảnh, Tr.203). Tuy vậy số lượng chưa nhiều và chưa thực sự thống nhất về thiết kế, hình ảnh để tạo ấn tượng và định vị hình ảnh của điểm đến Lào Cai đối với du khách.
Ấn phẩm quảng cáo: một số sách hướng dẫn, tập gấp, bản đồ như sách ảnh
“Hướng dẫn du lịch Lào Cai”, bản đồ du lịch Lào Cai, tờ rơi giới thiệu về du lịch Lào Cai đã được tổ chức in ấn và phát hành (Hình 14, Phụ lục hình ảnh, Tr.202), chủ yếu phục vụ cho các chương trình thúc đẩy du lịch cụ thể (như chương trình xúc tiến du lịch Về nguồn của 3 tỉnh Tây Bắc).
Hoạt động tuyên truyền với các phương tiện truyền thông: truyền thông tại Lào Cai thông qua các phương tiện nghe nhìn và Báo Lào Cai được thực hiện với sự phối hợp của Sở Thông tin và Truyền thông. Các tin, bài và hình ảnh thường xuyên được cập nhật thông qua các chuyên mục, chuyên đề du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương để xây dựng những tư liệu quảng bá cho du lịch Lào Cai như đài VOV, VTC 14, VTV4..