CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH LÀO CAI
2.4. Thực trạng về sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Lào Cai
Trong khuôn khổ phần phân tích này, tác giả tập trung vào thực trạng của từng sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất của Lào Cai để giúp người đọc có cái nhìn tổng quát cũng như dần đi sâu vào phân tích quá trình phát triển của sản phẩm. Để từ đó giúp người đọc hình dung được lợi thế và hạn chế mà từng sản phẩm đang mắc phải, tạo cơ sở cho việc đưa ra các đề xuất giải pháp hợp lý và có tính thực tế nhất có thể áp dụng cho từng sản phẩm sau này.
2.4.1. Hoạt động du lịch cộng đồng.
Lào Cai luôn được coi là tỉnh đi tiên phong trong việc mạnh dạn phát triển loại hình du lịch homestay và tiến tới là du lịch cộng đồng, mang đến cho du khách những lựa chọn linh hoạt và hấp dẫn hơn trong việc khám phá và tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Từ những năm 90, Lào Cai đã bước đầu hiện thực hóa mô hình sản phẩm du lịch homestay tại khu du lịch Sapa, địa điểm đầu tiên tại hai xã Bản Hồ và San Sả Hồ (tiêu biểu là bản Cát Cát) vào khoảng những năm 93-
50
98. Thời gian đầu, mô hình này còn gặp khá nhiều khó khăn do định hướng chưa cụ thể, hầu hết các hộ kinh doanh tự phát, sự quản lý của nhà nước đối với loại hình này còn chưa chặt chẽ do thiếu kinh nghiệm. Đa số các hộ kinh doanh loại hình lưu trú đều có sự đầu tư và hoạt động dưới sự hướng dẫn của các công ty lữ hành, và trở thành điểm lưu trú độc quyền của các công ty đó như Đức Minh, Topas, Ninh Hồng…Bên cạnh đó, con em của bà con các dân tộc cũng được hướng dẫn và đào tạo thành nhân viên của công ty để hoạt động như những người dẫn đường trong các chương trình trekking. Đội ngũ hướng dẫn viên người dân tộc lúc này chủ yếu tập trung tại các công ty có tiếng của Sapa và một phần nhỏ thuộc về trung tâm thông tin du lịch Sapa. Thực tế này tuy chưa mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho bà con, song đã đánh dấu bước khởi đầu cho việc phát triển của loại hình này ở Lào Cai trong những năm tiếp theo.
Loại hình du lịch gắn liền với cộng đồng này của Lào Cai, tiêu biểu là khu du lịch Sapa thực sự khởi sắc từ năm 2009 với mô hình được nhân rộng ra gần 10 xã và không chỉ tập trung tại Sapa như thời gian đầu mà đã mở rộng sang huyện Bắc Hà. Sau thời gian đầu còn non nớt về kinh nghiệm, đồng thời được sự hỗ trợ của các dự án về phát triển du lịch cộng đồng như “Dự án chuyển giao công nghệ du lịch cộng đồng” của Hiệp hội các trường đại học vùng Vancouver Canada, thực hiện đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức cho bà con ở hai xã Tả Van và Tả Phìn, tiến hành từ 2003 - 2008; hay “Dự án hỗ trợ du lịch bền vững” của hai tổ chức kết hợp là Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức phát triển của chính phủ Hà Lan (SNV), thực hiện từ năm 2008 tại Cát Cát và Xín Chải… Mô hình sản phẩm du lịch homestay của Lào Cai đã dần đi đúng hướng và có những thành tựu đáng kể. Từ 2 xã tiên phong cho mô hình dịch vụ homestay, đến năm 2013 toàn tỉnh Lào Cai đã có tới 13 xã thuộc 2 huyện Sapa và Bắc Hà được nhân rộng mô hình này với hơn 120 cơ sở lưu trú tại nhà dân (Phụ lục I, Biểu đồ 2.1, Tr.
100), riêng xã Tả Van có tới 42 hộ kinh doanh dịch vụ homestay có giấy phép của Ban quản lý, xã Bản Hồ cũng lên tới 24 hộ kinh doanh loại hình này
Cùng với sự phát triển của loại hình du lịch độc đáo này, lượng khách du lịch đến với Lào Cai nói chung và lượng khách trải nghiệm du lịch cộng đồng nói riêng cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong vòng 5 năm từ 2009 đến 2013, lượng khách thăm quan theo hình thức du lịch homestay đã tăng 4,5 lần, từ 32.000 khách năm
51
2009 lên tới hơn 145.000 lượt khách năm 2013 và mang lại doanh thu cho du lịch tỉnh là 29 tỷ đồng trong cùng năm đó [34, Tr. 23]. Tuy nhiên, loại hình này mới chỉ thu hút lượng khách nước ngoài là chủ yếu, chưa có bước chuyển mạnh đối với thị trường khách Việt Nam.
Người dân tham gia vào du lịch cộng đồng được các dự án hỗ trợ, tập huấn kĩ năng giao tiếp, tổ chức vệ sinh nhà ở và thành lập các đội văn nghệ tại xã, bản, sẵn sàng biểu diễn khi du khách có nhu cầu (Hình 29 & 30, Phụ lục hình ảnh, Tr.210 - 211). Bên cạnh đó, Dự án “Hỗ trợ du lịch bền vững” cũng khuyến khích các hộ dân trong thôn bảo tồn và phát triển một số ngành, nghề truyền thống, như dệt thủ công, thêu may thổ cẩm, rèn, đúc, chạm khắc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Với những chuyển biến tích cực trong việc cung cấp dịch vụ, lượng khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến đây đã tăng nhanh chóng và mang lại lợi ích ngày càng rõ rệt cho cộng đồng địa phương, thể hiện ở thu nhập của bà con đã được cải thiện tích cực. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình vào mùa cao điểm lên tới 10 - 15 triệu/ tháng. Điển hình như xã Tả Van, trong số 42 hộ kinh doanh lưu trú, có tới 15 hộ thường xuyên có khách, và tháng cao điểm có thể đón tới 300 khách/ tháng. So với các huyện hoặc thôn, bản chưa có loại hình homestay phát triển, đồng bào chỉ trông vào mức thu nhập dao động từ 200.000đ - 400.000đ/
tháng, thì mức thu nhập bình quân trên chính là bằng chứng rõ nhất để chứng thực đóng góp tích cực của hoạt động du lịch cộng đồng trong hoạt động xóa đói giảm nghèo (theo Phỏng vấn tại Tả Phìn, Bản Hồ và Thanh Kim).
Đến với Lào Cai, du khách hiện có rất nhiều lựa chọn cho các tuyến du lịch cộng đồng rất hấp dẫn như kết hợp loại hình thể thao trekking với lưu trú homestay tại Sapa như:
Tuyến Sapa - Ý Linh Hồ - Lao Chải - Tả Van (chương trình Trekking, nghỉ homestay 2-3 ngày).
Tuyến Sapa - Lao Chải - Tả Van - Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài - Sapa (Trekking và homestay từ 2-4 ngày).
Tuyến Sapa - Séo Mí Tỷ - Tả Trung Hồ - Thanh Phú - Bản Hồ - Sapa (chương trình trekking, homestay 4-5 ngày)
52
Trong đó có rất nhiều điểm du lịch được khách nước ngoài đặc biệt quan tâm như: Thung lũng Mường Hoa - Bãi đã chạm khắc cổ Sapa (thuộc 3 xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van); điểm du lịch thôn Tả Phìn; điểm du lịch bản Cát Cát…
Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà lại mang tới cho du khách những tuyến du lịch homestay kết hợp với chương trình thăm quan các phiên chợ truyền thống hay các lễ hội đặc trưng của bà con các dân tộc, xây dựng mô hình làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tập trung tại các thôn Bản Phố 2, Tả Van Chư, thôn Trung Đô…Tính đến nay đã có tới trên 45 hộ của thôn Trung Đô tham gia vào cung cấp dịch vụ homestay với mô hình thôn văn hóa, nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của thôn bản và các dân tộc. Bà con thành lập đội văn nghệ của bản, ký cam kết về vệ sinh, an ninh, an toàn để đảm bảo môi trường thôn bản luôn sạch sẽ, đảm bảo. Các nghề truyền thống tìm được cơ hội phát triển, các món ăn truyền thống cũng được duy trì và phát huy để phục vụ du khách thưởng thức ngay tại địa phương. Du lịch phát triển, đời sống của bà con các dân tộc bước sang một ngã rẽ mới với nhiều triển vọng hơn, từ thu nhập cho tới nhận thức đều được cải thiện rõ rệt.
Lào Cai không phải là tỉnh duy nhất áp dụng thành công và phát triển loại hình du lịch homestay ở Việt Nam, nhưng có thể tạm gọi là tỉnh đạt được nhiều thành công về loại hình du lịch này bởi lợi thế đa dạng và phong phú về các nguồn lực tự thân. Bản Lác (Mai Châu) cũng là một điểm du lịch homestay phát triển từ những năm 90, có sự tương đồng về thời gian hoạt động và tích lũy kinh nghiệm với Sapa, Lào Cai. Tuy lượng khách du lịch đến với bản Lác, Mai Châu có phong phú và đa dạng hơn so với Sapa, Lào Cai nhưng xét về tính hấp dẫn thì du lịch homestay ở Mai Châu lại không có được sự trải nghiệm đa dạng như ở Lào Cai. Ở Mai Châu, chỉ có đồng bào người Thái làm du lịch homestay, tập trung tại các bản: Lác, Pom Coọng, Văn, Vặn, Chiềng Sại…trong đó bản Lác và Pom Coọng là hai điểm hút khách lớn nhất. Lợi thế của Mai Châu là về sự tiếp cận điểm đến dễ dàng hơn, du khách đến trong ngày hoặc đi vào hai ngày cuối tuần bởi cung đường thuận tiện, thời gian hợp lý. Trong khi đó, một chương trình du lịch tới Sapa, Lào Cai thông thường ít nhất phải đảm bảo thời lượng 3 đêm - 2 ngày, kết hợp đa phương tiện (tàu hỏa và xe ô tô). Mặc dù hành trình di chuyển dài song du khách đến với loại hình homestay của Sapa, Lào Cai lại được thưởng thức tính đa dạng, phong phú về hoạt
53
động du lịch kết hợp với tính đa dạng văn hóa tại địa phương. Nếu như trải nghiệm homestay tại Mai Châu, du khách chỉ được tìm hiểu không gian văn hóa của đồng bào Thái, thì đến Sapa, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa của đa dân tộc: Dao, Tày, Dzáy, H’mông. Mỗi lần di chuyển địa điểm, du khách sẽ được tiếp cận với một nét văn hóa khác của nhóm dân tộc địa phương nơi đoàn dừng chân. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của Lào Cai trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng mà không khu vực nào ở Việt Nam có được.
Mặc dù đang đi đúng hướng và trên đà phát triển, song loại hình du lịch cộng đồng của Lào Cai vẫn đang tồn tại những khó khăn thách thức cần được cải thiện như:
- Sản phẩm du lịch chưa phong phú, mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp dịch vụ lưu trú (housestay), mặc dù đã có một số hộ gia đình biết cách lồng ghép các hoạt động khác như dạy nấu ăn, tái hiện việc làm bánh truyền thống trong ngày lễ tết và hướng du khách tới các hoạt động thường ngày như: làm vườn, làm ruộng…nhưng số đó còn rất ít, nên chưa tạo được sức hấp dẫn với du khách (Hình 31, Phụ lục hình ảnh, Tr.211).
- Bà con các thôn bản chưa có điều kiện và khả năng tiếp xúc với công nghệ nên việc tự quảng bá dịch vụ là rất khó. Họ chủ yếu phụ thuộc vào các công ty du lịch, các trung tâm thông tin, nên nguồn thu nhập không ổn định. Có thể dễ dàng nhận thấy, các gia đình có nguồn khách đều đặn thường có nhiều thanh niên, khả năng tiếp xúc công nghệ tốt, có học vấn tương đối cao hoặc có người nhà làm việc tại các cơ quan nhà nước.
- Hoạt động du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau trong cộng đồng. Mặc dù mỗi xã đã thành lập một Ban quản lý về du lịch, nhưng khả năng quản lý và hoạt động chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và cấp phép cho cơ sở lưu trú. Chưa tạo được các hoạt động chung hoặc loại hình kinh doanh liên kết giữa các hộ.
- Cơ sở hạ tầng của các điểm hoạt động du lịch cộng đồng chưa đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức. Vì trên thực tế có những đầu tư hạ tầng phụ thuộc vào các ban ngành khác như giao thông, thông tin liên lạc… nên các điểm du lịch cộng đồng của Lào Cai rơi vào tình trạng phát triển cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch, nhưng đường xá, thông tin liên lạc lại chưa đáp ứng được cho phát triển du lịch.
54
Nhìn chung, sản phẩm du lịch cộng đồng hiện đã đang và sẽ là một lợi thế của du lịch Lào Cai trong việc phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Với những tiềm năng tốt về giá trị văn hóa, về đa dạng dân tộc cũng như sự linh hoạt và nắm bắt nhanh nhạy của cộng đồng Lào Cai, sản phẩm du lịch cộng đồng thực sự đã chứng tỏ khả năng và sức mạnh của mình trong việc thúc đẩy du lịch phát triển và cải thiện đời sống cho dân cư địa phương. Đây là một loại hình cần được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh phát triển một cách chuyên nghiệp và đã dạng sản phẩm hơn nữa trong thời gian tới để tạo bước tiến vững cho du lịch văn hóa của Lào Cai.
2.4.2. Hoạt động du lịch tâm linh.
Du lịch tôn giáo, tín ngưỡng vẫn luôn là loại hình phát triển mạnh của du lịch Lào Cai và có sức hút lớn với thị trường khách nội địa. Trong khi chỉ hơn 20% đối tượng khách quốc tế lựa chọn thăm quan đền chùa thì có tới gần 53% du khách Việt Nam chọn phương án này, đứng đầu trong các mục đích du lịch trong bảng bình chọn (Bảng 2.1-2.2, Phụ lục I, Tr.110&113). Trên thực tế, số lượng đền, chùa của Lào Cai không phải là nhiều, theo ước tính sơ bộ, toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 24 đền, chùa được công nhận di tích. Và số lượng đền chùa có tính tâm linh thiêng liêng như hai cặp điểm đến: đền Bảo Hà - đền Cô Đôi Tân An; đền Thượng - đền Mẫu càng ít hơn nữa nhưng số lượng khách chiêm bái hay hành hương lại luôn biến động nhanh chóng. Theo con số thống kê chưa chính thức, vào những ngày chính hội, mỗi ngày đền Bảo Hà đón tới hơn 6.000 du khách. Ngoài ra, vào những ngày thường, đặc biệt là vào mùa xuân, thời điểm sau Tết Nguyên đán, đền Bảo Hà luôn tấp nập khách thập phương tới thăm quan, chiêm bái, cầu tài, cầu lộc. Ngoài đền Bảo Hà, cụm đền Thượng, đền Mẫu cũng oằn mình gánh một lượng khách khổng lồ đổ về đây vào những dịp chính Hội hoặc lễ hội của vùng.
Năm 1993 là năm đền Bảo Hà bắt đầu mở cửa đón khách, từ một điểm đến thuần túy về tín ngưỡng cho cư dân địa phương, sau hơn hai thập kỷ, ngôi đền đã trở thành điểm đến hấp dẫn du lịch và là một tài nguyên quý giá của Lào Cai trong việc phát triển du lịch văn hóa, loại hình du lịch tâm linh, và Đền Cô đôi, đền Thượng, đền Mẫu cũng phát triển trong hoàn cảnh tương tự. Không chỉ được công nhận di tích quốc gia bởi kiến trúc, vị trí và tính lịch sử mà những ngôi đền trên còn là điểm đến thiêng liêng trong tâm trí du khách thập phương và đó là yếu tố ảnh
55
hưởng mạnh nhất tới quá trình phát triển của loại hình du lịch này theo cách “một đồn mười, mười đồn trăm” nên lượng khách đến với các ngôi đền thiêng của Lào Cai ngày càng đông.
Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tâm linh mà các điểm đến được hưởng những lợi ích chính đáng như: có cơ hội được trùng tu, tôn tạo; cải thiện môi trường xung quanh của các khu đền, chùa; kích thích sự phát triển của các hoạt động dịch vụ khác…Hiện nay, các ngôi đền đều đã được trùng tu tôn tạo khang trang nhưng vẫn đảm bảo gìn giữ theo kiến trúc cũ và bảo vệ các giá trị lịch sử còn tồn tại. Các hoạt động diễn xướng trong các lễ hội được phát huy dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước, có kiểm soát để ngăn chặn và hạn chế các hoạt động trá hình, trục lợi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận thấy những hạn chế còn tồn đọng trong loại hình du lịch này, đặc biệt là đối với hoạt động thăm quan chiêm bái đơn thuần của du khách quốc tế:
- Thiếu lực lượng hướng dẫn viên có trình độ hiểu biết tốt về tôn giáo, tín ngưỡng và kỹ năng hướng dẫn, cung cấp thông tin tại điểm đền, chùa nên đa số du khách khi đến thăm quan tại đền, chùa ở Lào Cai chỉ đơn giản là đi thăm cảnh quan, chiêm ngưỡng các hiện vật, kiến trúc mà chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, văn hóa của điểm thăm quan.
- Phương pháp quản lý lễ hội của địa phương chưa thực sự hợp lý, còn nhiều lỗ hổng nên các tệ nạn xã hội vẫn tồn đọng. Trong các chương trình du lịch có kết hợp chiêm bái và tìm hiểu lễ hội, du khách thường là nạn nhân của các tệ nạn xã hội như trộm cắp, móc túi, chèo kéo và tăng giá dịch vụ mặc dù tỉnh Lào Cai cũng đã rất nỗ lực trong việc điều hành và kiểm soát các hoạt động trong phạm vi lễ hội nhưng chưa đạt được hiệu quả cao. Do đó, tỉnh cũng đã có những động thái tích cực trong việc tìm hiểu và học hỏi từ các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội liên vùng, liên tỉnh như Nam Định, Ninh Bình…để tìm ra phương án chung về quản lý lễ hội, hạn chế các tệ nạn, các tồn đọng, vướng mắc để loại hình du lịch tâm linh và lễ hội của Lào Cai được phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.
2.4.3. Sản phẩm du lịch thăm chợ phiên truyền thống.
Sản phẩm du lịch thăm chợ phiên truyền thống của bà con vùng cao là một điểm nhấn trong mọi chương trình du lịch dành cho du khách quốc tế. Đầu tiên phải