Nhóm đề xuất, giải pháp về sản phẩm du lịch văn hóa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh lào cai (Trang 81 - 86)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐỀ XUẤT GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH LÀO CAI

3.2. Nhóm đề xuất, giải pháp về sản phẩm du lịch văn hóa

Với mục đích hàng đầu đặt ra cho luận văn là nghiên cứu sự phát triển du lịch văn hóa của tỉnh Lào Cai, đối chiếu với giai đoạn phát triển trên thực tế của điểm đến du lịch Lào Cai, tác giả mong muốn đưa ra những đề xuất hữu ích để góp phần định hướng phát triển du lịch văn hóa tỉnh Lào Cai phù hợp với giai đoạn hiện tại nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của du lịch toàn tỉnh, song vẫn đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa theo hướng bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển du lịch văn hóa, nhấn mạnh vào các sản phẩm đặc trưng, tiếp cận thị trường mới và chú trọng nâng cao năng lực nguồn nhân lực để đảm bảo công tác quản lý điểm đến là những việc làm cần thiết nhất của du lịch Lào Cai.

3.2.1 Xây dựng sản phẩm đặc thù

Phát triển sản phẩm trong giai đoạn này đối với du lịch Lào Cai không còn là việc khảo sát thị trường hay xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch mà là tập trung vào việc phát triển sản phẩm đặc thù nhằm định vị thương hiệu cho du lịch văn hóa Lào Cai. Đồng thời cũng phải chú trọng tới việc làm mới sản phẩm để đa dạng hóa thị trường khách tạo cơ hội cho du lịch văn hóa của tỉnh Lào Cai được quảng bá thông qua kênh khách hàng.

Để phù hợp với giai đoạn phát triển của du lịch Lào Cai, việc xây dựng sản phẩm đặc thù để khẳng định thương hiệu cho du lịch Lào Cai nói chung và du lịch văn hóa nói riêng là việc làm cấp thiết nhất. Và dựa vào phân tích về tiềm năng cũng như thực trạng của Lào Cai hiện nay, tác giả luận văn xác định chọn sản phẩm du lịch cộng đồng làm sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch văn hóa tỉnh Lào Cai.

3.2.1.1. Định hướng phát triển.

- Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng theo hướng chuyên sâu và đa dạng hóa các hoạt động trong sản phẩm để tạo sức hút.

80 3.2.1.2. Hoạt động cụ thể.

- Khai thác sâu hơn sản phẩm homestay hiện có: nâng cấp từ một sản phẩm cung cấp dịch vụ nghỉ bản tại nhà dân đơn thuần thành sản phẩm homestay đúng nghĩa bằng việc kết hợp với các hoạt động, sinh hoạt thường nhật như:

Chương trình nghỉ bản, học nấu ăn theo cách bản địa: chủ nhà hướng dẫn du khách từ những bước đầu như lựa chọn, tìm nguyên liệu, cách làm và thưởng thức.

Sản phẩm có thể áp dụng cho một địa bàn hoặc nhiều địa bàn kết hợp để du khách thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi tộc người trong suốt hành trình.

Chương trình nghỉ bản, trải nghiệm công việc nhà nông: Du khách được đón tiếp và hướng dẫn sinh hoạt theo đúng thói quen của gia đình và trải nghiệm các công việc trên nương như chủ nhà. Sản phẩm này thực hiện theo lịch nông nghiệp của bà con vùng cao, để đảm bảo du khách cảm nhận được không khí làm việc trong mùa vụ.

Chương trình nghỉ bản, trao đổi tri thức, kinh nghiệm dân gian: Loại hình này hướng du khách vào việc tìm hiểu và trải nghiệm các kinh nghiệm và nguồn tri thức dân gian về thuốc nam, về những cách chữa bệnh của đồng bào vùng cao. Du khách được nghỉ tại nhà dân, được theo chủ nhà vào rừng học về các loại lá thuốc, tìm hiểu cách người bản địa kết hợp các cây thuốc với nhau tạo nên những hỗn hợp thuốc tắm điều trị cho từng loại bệnh.

Chương trình nghỉ bản và trao đổi về ngôn ngữ: Loại hình rất phù hợp với các đối tượng học sinh, sinh viên, những du khách tìm hiểu, nghiên cứu về ngôn ngữ, tộc người trên thế giới. Là cơ hội cho họ trải nghiệm văn hóa đặc trưng của từng nhóm dân tộc, học ngôn ngữ địa phương và trao đổi ngôn ngữ của họ với người dân địa phương.

3.2.1.3. Đề xuất nhân mô hình.

Hiện nay, có hai mô hình hoạt động du lịch cộng đồng rất đáng quan tâm và nên được nhân rộng tại Sapa đó là:

Doanh nghiệp O’chau Sapa - mô hình câu lạc bộ hướng dẫn viên địa phương của chị Tẩn Thị Su, nơi đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng nghề hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng cho con em các dân tộc tại Sapa. Giáo viên dạy ngoại ngữ cho học viên của trung tâm này là các tình nguyện viên đến từ các nước, có những bạn là kết hợp chuyến du lịch dài ngày với hoạt động tình nguyện, có bạn lấy hoạt

81

động tại đây như một chương trình thực tập… Dù xuất phát từ mục đích gì thì kết quả cuối cùng vẫn là chia sẻ, cung cấp kiến thức và trao đổi kinh nghiệm miễn phí với bà con các dân tộc nhằm tạo điều kiện xây dựng một nền tảng cơ bản cho sự phát triển vững chắc sau này.

Doanh nghiệp SapaNapro - tắm lá thuốc người Dao của anh Lý Láo Lở, là doanh nghiệp xã hội đầu tiên của 12 tỉnh miền núi phía Bắc, thành lập năm 2006.

Năm 2003, được sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên từ Đại học Dược và Đại học Nông Nghiệp Hà Nội bà con đã phân loại được các loại thuốc theo mức độ dược tính và độc tính để ngoài việc phát triển sản phẩm tươi còn cho ra đời sản phẩm bán mang về. Năm 2006 thành lập doanh nghiệp, bắt đầu với sự kết hợp của 14 hộ dân, đến năm 2014 đã lên tới 72 hộ dân trong xã, đặc biệt năm 2012 doanh nghiệp kết nạp các hộ nghèo nhất của xã vào hợp tác. Do đó sau 7 năm hoạt động, SapaNapro đã góp phần giải quyết 4 vấn đề: bảo tồn tài nguyên thuốc của người Dao, gìn giữ và phát huy tri thức thuốc dân gian, thu hút thanh niên trong xã về làm việc và giải quyết về kinh tế cho các hộ nghèo trong địa bàn. Doanh nghiệp hoàn toàn hoạt động dưới sự điều hành của bà con người Dao, tất cả các hộ dân là chủ của công ty và chỉ cử ra một giám đốc đại diện là người sẽ giao dịch với các tổ chức và Chính quyền.

Doanh nghiệp chỉ hướng dẫn chăm sóc bảo vệ và chia sẻ kinh nghiệm cây thuốc còn bà con chịu hoàn toàn trách nhiệm với ruộng và tán rừng nơi ruộng nhà mình đặt tại đó, bởi vậy bảo vệ tán rừng cũng là bảo vệ nguồn sống của gia đình. Lợi nhuận được chia theo hình thức cổ đông để đảm bảo quyền lợi và khuyến khích bà con tham gia hăng hái hơn.

3.2.2. Xây dựng sản phẩm mới, làm mới và đa dạng hóa sản phẩm cũ.

Bên cạnh việc tập trung phát triển sản phẩm đặc thù, du lịch văn hóa Lào Cai cũng cần phát triển các sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ để kéo dài giai đoạn phát triển của điểm đến, hạn chế sự nhàm chán về sản phẩm, tạo ra các sản phẩm thay thế tiếp theo, khơi gợi nhu cầu khám phá với du khách.

3.2.2.1. Xây dựng sản phẩm mới.

- Mở rộng cung đường cho sản phẩm sang Mường Khương, Bắc Hà để giảm tải cho Sapa. Lấy Sapa làm bài học kinh nghiệm để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững ngay từ đầu cho 2 địa bàn trên và chú trọng vào sản phẩm đặc thù như:

+ Chợ phiên Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (Mường Khương), chợ Bắc Hà.

82

+ Nhân mô hình homestay tại Bắc Hà, mở rộng thêm các xã, thôn bản khác ngoài Trung Đô và bản Phố. Chú ý tới các điều kiện của Lùng Khấu Nhin (Mường Khương), đây là điểm có điều kiện tốt để mở rộng địa bàn du lịch.

- Xây dựng sản phẩm tôn vinh sắc hoa vùng cao: Sản phẩm này nên phát triển tại Bắc Hà nơi có mùa hoa mận tam hoa vào đầu xuân và hai mùa hoa tam giác mạch vào tháng 4 - 5 và tháng 10 - 11 hằng năm. Sản phẩm này không chỉ tạo điểm nhấn cho du lịch văn hóa tại Bắc Hà mà còn là cơ hội xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc. Chủ trương hành động là khuyến khích bà con trồng thêm diện tích tam giác mạch và bảo vệ diện tích rừng mận tam hoa.

- Xây dựng sản phẩm về nghệ thuật dân gian: tìm hiểu, khai thác và hệ thống các bộ môn nghệ thuật dân gian của tỉnh Lào Cai từ đó xây dựng các tiết mục biểu diễn, các sản phẩm có chất lượng để thiết lập các suất diễn trong tuần / tháng. Hiện nay các tiết mục văn nghệ tại Hàm Rồng hay tại khu nhà thờ vào mỗi tối thứ Bảy chưa có sự đầu tư đúng đắn nên không đọng lại với người xem về tính nghệ thuật hay không gian nghệ thuật của loại hình này.

3.2.2.2. Làm mới các sản phẩm cũ.

- Sản phẩm du lịch tâm linh, tín ngưỡng: Lào Cai có nhiều đền chùa được người dân truyền tụng là linh thiêng như Đền Mẫu, Đền Thượng, Đền ông Hoàng Bảy ở Bắc Hà,..., có thể kết hợp tâm linh và các lễ hội lân cận, thu hút khách du lịch nội địa từ miền Trung và miền Nam nhiều hơn nữa. Hiện tại Lào Cai cũng đang kết hợp với Phú Thọ, Yên Bái mở tuyến du lịch tâm linh Sông Hồng. Du lịch tâm linh, tín ngưỡng có tiềm năng phát triển ở khu vực các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên.

- Chương trình thăm chợ phiên vùng cao: Ngoài các phiên chợ truyền thống, phổ biến hiện nay đối với du khách trong và ngoài nước và còn giữ khá nguyên vẹn không gian và bản sắc như Bắc Hà, Mường Khương, Cán Cấu, Cốc Ly…Nên có giải pháp thay thế cho các chợ phiên truyền thống có nguy cơ bị mai một và thành lập các khu chợ đặc trưng chỉ dành cho du lịch như:

+ Hiện nay, trong số các chợ phiên nổi tiếng của Lào Cai thì chợ phiên Sapa vào Chủ nhật hằng tuần đang chịu ảnh hưởng lớn của sự thương mại hóa. Giải pháp của ban quản lý “Nhà du lịch Sapa” đang thực hiện là tập trung bà con vào buôn bán tại hội trường của trung tâm du lịch song chưa hiệu quả bởi khả năng tiếp cận của du

83

khách với khu họp chợ không cao. Tác giả luận văn đề xuất tái lập không gian chợ phiên Sapa tại vị trí khu vực nhà thờ đá và chân núi Hàm Rồng vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần để đảm bảo không gian và hình thức sinh hoạt giao thương tại chợ của bà con được bảo tồn. Nên chuyển hình thức quản lý đang áp dụng tại Hội trường trung tâm du lịch ra địa bàn này để quy hoạch và đảm bảo không gian chợ cho bà con.

+ Đối với bà con ở các xã, thôn bản xa trung tâm du lịch Sapa nhưng có điểm dừng chân, điểm du lịch hoặc điểm thăm quan như Tả Phìn, Thanh Kim… cần thiết lập các khu chợ nhỏ hoặc khu tập trung bán hàng thủ công truyền thống, đặc trưng của địa bàn đó. VD: tại Tả Phìn, Thanh Kim đều có nghệ thuật làm thổ cẩm truyền thống; Tả Phìn có thêm sản phẩm thuốc là dân tộc dùng cho tắm chữa bệnh và sản phẩm bán mang về dùng chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cho phụ nữ. Vậy đề xuất lập các lán hàng thủ công, thổ cẩm, tập trung bà con làm hàng tại chỗ để trình diễn về kỹ thuật và bán sản phẩm, đề xuất này đồng thời giải quyết vấn đề nạn đeo bám bán hàng rong của bà con.

+ Chương trình du lịch lễ hội: Hiện nay, chương trình du lịch lễ hội tại Lào Cai mới chỉ thu hút được lượng khách trong nước, những người có điều kiện tiếp cận nhanh, dễ dàng tới điểm diễn ra lễ hội. Đối với các đối tượng khách quốc tế thường chỉ tiếp cận với lễ hội theo kiểu may - rủi, bởi lịch lễ hội của địa phương không cố định.

Thậm chí những lễ hội phổ biến được đưa vào du lịch như: lễ hội đua ngựa Bắc Hà (lịch lễ hội đã diễn ra vào 8/6/2010; 9/4/2011; 9/6/2012 và 8/6/2013). Như vậy tính ổn định không cao nên khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng chương trình và quảng bá cho loại hình du lịch này. Thêm vào đó, việc thông báo lịch lễ hội chỉ diễn ra trước 2 tháng, thời gian này là quá ngắn đối với việc xúc tiến bán tour cho đối tượng khách quốc tế.

Do đó, tác giả luận văn đề xuất việc thiết lập một hệ thống lịch lễ hội cố định, đặc biệt là các lễ hội lớn của vùng cao như đua ngựa Bắc Hà, lễ hội trên mây Sapa…và công bố lịch lễ hội sớm trước 6 tháng là ít nhất để tạo điều kiện cho các công ty du lịch chào bán sản phẩm theo từng mùa và từng giai đoạn.

3.2.3. Tiếp cận thị trường khách mới

Việc tiếp cận thị trường khách mới là một yếu tố hỗ trợ cho việc đổi mới sản phẩm cho du lịch văn hóa Lào Cai. Đổi mới sản phẩm không chỉ là thao tác xây

84

dựng sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ mà còn dùng chính xác sản phẩm truyền thống, phổ biến để thu hút thị trường khách mới. Tác giả luận văn đề xuất các hành động thực tiễn trong vấn đề này nhằm đa dạng hóa thị trường khách, hỗ trợ quá trình phát triển của các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống:

- Sản phẩm du lịch homestay, chợ phiên truyền thống chưa có sức hút đối với đối tượng khách nội địa. Do đó, dựa vào lợi thế của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tác giả đề xuất xây dựng các tour cuối tuần, nghỉ homestay, thưởng thức hoạt động văn nghệ dân gian và kết hợp với photo tour (loại chương trình du khách được trải nghiệm các địa điểm đẹp để chụp ảnh).

Với loại hình này, sẽ quy hoạch các khu gần trung tâm du lịch Sapa như: Cát Cát, Giàng Tà Chải, Bản Hồ làm nơi đón tiếp khách Việt. Dàn rộng khu vực du lịch homestay của khách quốc tế sang các vùng như: Thanh Kim, Tả Phìn, Thanh Phú…(Sapa), Trung Đô, bản Phố Mới…(Bắc Hà) và Lùng Khấu Nhin (Mường Khương). Việc này để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu về không gian nguyên sơ của khách quốc tế và nhu cầu không gian mới lạ nhưng không xa trung tâm của khách nội địa, đồng thời thiết lập cơ sở ban đầu cho việc phát triển các sản phẩm homestay ở các địa bàn mới như Mường Khương.

- Thu hút thị trường khách các nước Châu Á bằng sản phẩm du lịch chữa bệnh mà trong đó hoạt động tắm lá thuốc và các sản phẩm về lá thuốc của Tả Phìn, Thanh Kim đã được biết đến. Vậy, tác giả luận văn đề xuất việc thúc đẩy xúc tiến bán các sản phẩm này từ phía Lào Cai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thị trường châu Á là chủ yếu để họ tiếp cận với loại sản phẩm này dễ dàng hơn. VD: chương trình ở homestay + khách sạn 3 ngày, 2 đêm có tặng voucher (phiếu khuyến mại) tắm lá thuốc truyền thống của người Dao ngay tại homestay…để kích cầu du lịch.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh lào cai (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)