CHƯƠNG 1: VĂN XUÔI CỦA MỘT NHÀ THƠ
1.3. VĂN XUÔI CỦA XUÂN DIỆU LÀ VĂN XUÔI CỦA MỘT NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐI TÌM CÁI ĐẸP
1.3.2. Hành trình đi tìm cái đẹp của Xuân Diệu
Xuân Diệu đến với cái đẹp từ trong cảm xúc, trong thiên nhiên, trong nghệ thuật. Nhưng để có được một quan niệm đầy đủ về cái đẹp, Xuân Diệu phải trải qua một quá trình nhận đường, tìm kiếm. Và hành trình đi tìm cái đẹp của ông là hành trình tìm về với bản ngã của mình. Bởi lẽ, biết thưởng thức cái đẹp, say vơi cái đẹp và làm ra cái đẹp là một tư chất đáng qúi của con người.
Xuân Diệu đến với cuộc đời bằng tâm hồn của một thi sĩ yêu đời, đắm cảnh. Cùng với những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường Tây học, cái đẹp trong ông thêm hương sắc và có vẻ đẹp riêng. Hình ảnh của người họa sĩ trong Phấn thông vàng đã bày tỏ lòng mình qua những bức vẽ, chàng tìm đến nơi đẹp nhất, nơi đó "Rừng đẹp, hình thông bông nắng săn sàng
51
làm khung cho một cảnh tự tình"(25, T2, tr. 12). Họa sĩ thấy cảnh đẹp, nhưng quái ác thay, cảnh không thể làm chàng khỏi cô đơn; chàng "lại buồn rầu thêm". Rõ ràng cái đẹp mơ hồ, trừu tượng không thể là cái đẹp hoàn hảo, mĩ mãn. Theo Xuân Diệu, cái đẹp chỉ thật đẹp, thật hoàn hảo khi cái đẹp ấy gắn với cuộc đời, làm đẹp cho đời, mang lại ý nghĩa cho đời. Cái đẹp ấy chỉ thật đẹp khi nhận được chân lý của cuộc đời- cái đẹp hướng thiện, làm giàu cho đời "Chỉ sợ ta nghèo không đủ tình để phung phí" (25, T2, tr.18). Chàng họa sĩ ấy đã tìm thấy được lòng mình, tìm thấy cái đẹp khi gắn lòng mình với đời sống "Trên trời bao la, Phấn thông vàng đương bay lan trong tám hướng cửa cõi đời"(25, T2, tr.15).
Người họa sĩ trong Phấn thông vàng phải chăng là hình ảnh của người nghệ sĩ Xuân Diệu? Và hành trình của người họa sĩ ấy đi tìm cái đẹp, cũng là hành trình của Xuân Diệu đi tìm cái đẹp? Đó là quá trình trưởng thành về nhận thức và tư tưởng của con người: cái đẹp ở quanh ta, cái đẹp không chỉ có ở cái cao thượng, mơ hồ, mà ở trong những điều nhỏ nhặt nhất, bình thường nhất; cái đẹp không chỉ ở màu sắc, hương thơm mà còn ở tấm lòng biết chia sẻ, rung động, biết yêu, biết ghét và biết căm thù.
Từ những tác phẩm thơ, văn đầu tiên của Xuân Diệu, ta thấy đó là những tác phẩm ghi dấu bước chân đầu tiên của Xuân Diệu về cái đẹp. Tuy còn mơ màng, mung lung, xa vời, nhưng nhận thức ấy lại rất cần thiết để tạo tiền đề sau này cho Xuân Diệu đến với cái dép. Nếu như xưa kia, Xuân Diệu chỉ thấy biển ở Qui Nhơn, mùi nước mắm ở Gò Bồi là đẹp, là thương;
sau đó ra Huế, cũng thấy Huế đẹp, Huế thương, Huế dịu dàng; và Hà Nội lại càng quyến rũ hồn nhà thơ hơn... thì sau này (sau 1945), Xuân Diệu đi đến đâu cũng thấy đẹp: từ Mã Phí Leng đến đảo Cô Tô; từ vùng đất Thái Bình đến tuyến lửa khu IV... đâu đâu cũng chan chứa vẻ đẹp, cho dù bức tranh nghệ thuật ấy còn thô nhám, chưa tu chỉnh, nhưng cũng đủ sức lay động tình người ở vẻ đẹp nhân văn của nó.
Nói như vậy không có nghĩa phủ định cái đẹp mơ màng, lãng mạn, cho nó thoát ly cuộc đời. Trái lại, quan niệm về cái đẹp của Xuân Diệu sau này chân thực hơn, đúng nghĩa hoàn mĩ hơn. Hành trình đi tìm cái đẹp của Xuân Diệu là hành trình đi tìm cái đẹp chân thực; cái đẹp ẩn chứa cái thiện. Xuân Diệu đi tìm cái đẹp trong tự nhiên, trong nghệ thuật đồng thời lại tìm thấy vẻ đẹp trong cuộc sống. Một số' phận, một cuộc đời của má, của bà lão, của lũ chó mèo hoang và của cả cái giường...bỗng như được thoát thai, đổi đời qua ngòi bút hướng thiện của Xuân
52
Diệu. Xuân Diệu vừa là người nghệ sĩ, vừa là nhà nhân đạo. Hành trình đi tìm cái đẹp của Xuân Diệu không giống như một số cây bút văn xuôi khác, chẳng hạn như Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cũng đi tìm cái đẹp, nhưng đó là những cái đẹp khá cầu kỳ, cái đẹp mang màu sắc truyền thống (những nét văn hoa của cái ăn, cái chơi, cái học như: "Phở", "chén trà sương", nét chữ, thả thơ...). Đọc Vang bóng một thời, ta thấy Nguyễn Tuân quả là người nghệ sĩ tài hoa, đã kỳ công trau chuốt những vẻ đẹp cho đời. Nhưng dù có đẹp, có sang thì vẫn không dấu được sự tiếc nuối quá khứ. Còn Xuân Diệu chỉ phác họa sơ nét tạo dáng vẻ đẹp và trang trí nó bằng tâm hồn- chính tâm hồn nhà thơ làm cho cái đẹp trở nên hoàn mĩ, gắn với thời đại mà nó tồn tại.
Trong bài ký Đời trẻ, Xuân Diệu có nhắc đến hình ảnh của một bà cụ "từ Hàng Bè Hà Nội ra đi, bỏ lại hết cả cơ nghiệp. Bà cụ thỉnh thoảng vẫn còn thở dài nhớ của; những lúc trời hè nồng nực, chui vào bếp lửa nấu những bát chè đậu đen, nặn từng đĩa bánh trôi để bán, bà cụ cũ kỹ thở hắt hơi ra... ý chừng bà vẫn ngấm ngầm than phiền kháng chiến khổ sở"(25, T2, tr.414).
Nhưng cuộc sống kháng chiến, niềm vui kháng chiến đã khiến "Bà cụ cảm nghe cuộc đời mới chung quanh bà có cái gì say sưa, phấn khởi lắm. Nhưng buồn lo lặt vặt tan đi đâu hết. Bà cụ chạy theo thời trẻ, trẻ với thời."(25, T2, tr.415). Rõ ràng cái đẹp trong cuộc sống là vô tận, nhà văn phải là người mang cái đẹp để trang điểm cho đời, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn, "nếu con người biết đi với thời gian, luôn luôn đổi mới tâm hồn, thì một ngày kia, các tế bào của thân thể đến lúc phải già, mà tâm hồn con người đến chết vẫn trẻ" (25, T2, tr.416).
Đến với những sáng tác văn xuôi nghệ thuật của Xuân Diệu, dù là truyện ngắn hay ký, qua sự tìm hiểu nêu trên, chúng tôi nhận thấy đó là những sáng tác của một tâm hồn con người yêu đời, đắm cảnh. Văn xuôi nghệ thuật của Xuân Diệu mang tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ, của một nghệ sĩ dành cả cuộc đời mình đi tìm cái đẹp. Người nghệ sĩ ấy làm đẹp cho đời qua những trang văn bằng cảm nhận của chính mình. Dù được sáng trước hay sau 1945, văn xuôi nghệ thuật của Xuân Diệu giần không khí tâm trạng, thấm đẫm chất nhân văn và mang mầu sắc văn chương.
53