Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
1.3. Các y ếu tố liên quan đến hoạt động phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh
1.3.1. Nhà trường THPT trong công tác giáo dục học sinh
Để thực hiện mục tiêu giáo dục đã xác định, nhà trường cần thực hiện các nhiệm vụ giáo dục cụ thể chứa đựng những nội dung giáo dục toàn diện nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh:
- Giáo dục đạo đức: tổ chức và hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu về những giá trị của đạo đức để từ đó có thể làm xuất hiện thái độ đồng tình, chấp nhận thực hiện các yêu cầu của chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ. Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh trước hết là giáo dục lòng yêu quê hương, giáo dục tình cảm gắn bó với ông bà, cha mẹ, anh em và những người xung quanh; hình thành ý thức, thái độ, tình cảm tích cực đối với truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo dục cho học sinh thái độ đối với cộng đồng, hình thành cách sống mình vì mọi người, kết hợp hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Hình thành cho học sinh quan niệm đúng đắn về tình bạn,
tình yêu, tình cảm gia đình, biết tự trọng, trung thực, giúp đỡ và sống bao dung với mọi người xung quanh.
- Giáo dục trí tuệ: tổ chức và hướng dẫn người học nắm vững hệ thống tri thức khoa học, phổ thông, cơ bản, hiện đại phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn về tự nhiên, xã hội, con người. Rèn luyện cho học sinh kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực và phẩm chất trí tuệ, tư duy sáng tạo. Bồi dưỡng cho người học thế giới quan khoa học, những phẩm chất tốt đẹp của người công dân.
- Giáo dục thẩm mỹ: giáo dục cho học sinh năng lực nhận thức và cảm thụ cái đẹp trong tự nhiên, cuộc sống, nghệ thuật cũng như vẻ đẹp chân chính ở mỗi con người. Bồi dưỡng cho học sinh tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn trước cái đẹp, từ đó giáo dục học sinh thái độ đúng đắn khi nhận xét, đánh giá cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật.
- Giáo dục thể chất: tổ chức, điều khiển, hướng dẫn học sinh tìm hiểu hệ thống tri thức phổ thông, cơ bản, hiện đại về thể dục thể thao, vệ sinh, giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ và phát triển sức khỏe. Rèn luyện cho học sinh những kỹ năng, kỹ xảo cơ bản về thể dục thể thao và các bài tập thể dục nhằm nâng cao thể lực. Giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe cho bản thân qua đó giáo dục những phẩm chất nhân cách khác.
- Giáo dục lao động – hướng nghiệp: tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động lao động nhằm hình thành cho học sinh thái độ tích cực đối với lao động, yêu quí lao động, có kỹ năng lao động tập thể, kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay…Hướng nghiệp nghề giúp cho học sinh trong việc lựa chọn và tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai theo năng lực, hứng thú của bản thân và theo nhu cầu nhân lực của xã hội.
Trong sự phát triển nguồn nhân lực cho đất nước Việt Nam đang đổi mới hiện nay, yêu cầu cấp bách là nâng cao chất lượng người lao động, đào
tạo nhân tài, đào tạo con người có nhân cách phù hợp với xã hội mới. Đó là nguồn lao động có học vấn, có kiến thức chuyên môn sâu và kiến thức đa ngành, có năng lực sáng tạo, sức khỏe và có những phẩm chất đạo đức như lòng nhân ái, sự đồng cảm với nhân loại, quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, dân tộc, hài hòa lợi ích của cá nhân, gia đình. Để hình thành được những con người có phẩm chất cơ bản đó phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hợp tác, đồng bộ và hỗ trợ cho nhau giữa ba môi trường giáo dục và gia đình, nhà trường và xã hội thành một quá trình thống nhất liên tục, tác động mạnh vào quá trình phát triển nhân cách của học sinh.
Quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh có sự tác động của nhà trường, của đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng, gia đình, các phương tiện thông tin đại chúng, nơi các em sinh sống… trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Sự phát triển giáo dục thể chất giúp học sinh có sức khỏe để hoạt động, phát huy khả năng lao động, sáng tạo. Học sinh có thể học tập, sinh hoạt thích nghi với các yêu cầu của xã hội. Sự phát triển về đạo đức, tình cảm, tâm lý, thấy được trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình, trước hết là ông bà, cha mẹ và đối với xã hội, từ đó tạo cho học sinh niềm vui, hạnh phúc của mình và giữ gìn mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.
1.3.1.2. Mục tiêu giáo dục của trường trung học phổ thông
Trường THPT là cấp học cuối cùng của Giáo dục phổ thông, nối tiếp cấp THCS và có trách nhiệm hoàn thành việc đào tạo tiếp thế hệ học sinh đã qua các cấp học trước đó của trường THCS, đồng thời liên thông với Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học. Trường THPT có nhiệm vụ tạo nguồn quan trọng cho đào tạo nhân lực ở các trình độ cao hơn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu giáo dục của trường THPT “nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của Giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông
và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động” [Điều 27, Luật GD-2005].
Trường THPT có “chức năng kép”: chuẩn bị cho học sinh những tri thức và kỹ năng về khoa học xã hội, nhân văn, toán học, khoa học tự nhiên, kỹ thuật để họ có thể học lên ở bậc học cao hơn, vừa chuẩn bị cho các em trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Trường THPT phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ kiến thức khoa học, kỹ năng cơ bản, khả năng thích ứng và đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống. Từ nền tảng đó phát triển học sinh hệ thống phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Vì vậy trường THPT phải chú trọng hiệu quả giáo dục về mặt thực hành, gắn giáo dục với cuộc sống, với việc làm, với cuộc sống nghề nghiệp, kết hợp giữa con người nhân văn và con người xã hội. Học sinh được đào tạo tại các trường THPT phải có nhân cách toàn diện, kiến thức khoa học, kỹ năng cơ bản để bước vào cuộc sống tự lập của người lao động năng động, sáng tạo, hòa nhập được với xã hội hiện đại.