Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
1.6. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THPT
Học sinh THPT từ 15 tuổi đến 18 tuổi thuộc giai đoạn đầu của tuổi thanh niên. Đây là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể tuy còn kém so với người lớn. Thời kì này chấm dứt sự phát triển dữ dội mất cân đối của lứa tuổi thiếu niên và chuyển sang thời kì phát triển tương đối êm ả, cân đối về mặt thể chất..Cụ thể như sau:
- Trọng lượng: trọng lượng của các em vẫn còn tăng rất nhanh, các em nam đã đuổi kịp và bỏ qua các em nữ.
- Chiều cao: vẫn tiếp tục phát triển nhưng chậm lại so với thiếu niên.
- Hệ thần kinh: cấu trúc của hệ thần kinh và chức năng của não phức tạp hơn, các em có khả năng phát triển mạnh về tư duy ngôn ngữ và phẩm chất ý chí khác.
- Hệ xương: các em đã tương đối rắn rỏi và có thể tham gia vào những công việc tương đối nặng của người lớn.
- Giới tính: đa số các em đã kết thúc tuổi dậy thì, những dấu hiệu của giới tính được phát triển làm cho bề ngoài của nam và nữ thay đổi một cách rõ rệt.
-Tri giác: học sinh THPT có khả năng điều khiển quan sát của mình theo kế hoạch chung và chú ý tất cả các khâu trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, quan sát đạt hiệu quả cao khi có sự hướng dẫn của giáo viên.
-Trí nhớ: có khả năng nhớ nhanh, trí nhớ có chủ định giữ vai trò chủ đạo.
- Hoạt động tư duy có sự thay đổi quan trọng. Tư duy chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn. Tính phê phán của tư duy cũng phát triển. Đó chính là cơ sở để hình thành thế giới quan. Tuy nhiên, không phải học sinh phổ thông nào cũng đạt đến mức tư duy đặc trưng cho lứa tuổi như vậy.Việc giúp các em phát triển khả năng nhận thức là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường mà trực tiếp là các giáo viên. Đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học là việc làm phải tiến hành thường xuyên, liên tục để giúp học sinh hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách.
Tóm lại: các em ở tuổi thanh niên học sinh đã đạt đến mức trưởng thành về mặt cơ thể. Vào lứa tuổi này, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng của thời kỳ phát dục để chuyển sang thời kỳ ổn định hơn, cân bằng hơn xét theo bình diện hoạt động hưng phấn và ức chế của cơ quan thần kinh cũng như các mặt khác về phát triển thể chất. Các em có sức lực dồi dào, bắp thịt nở nang, thân hình cân đối, rất khỏe mạnh và đẹp. Sự hoàn thiện về mặt cơ thể như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí ở lứa tuổi này.
1.6.2. Nảy sinh cảm nhận về “tính chất người lớn” của bản thân Là nét tâm lí đặc trưng xuất hiện trong giai đoạn chuyển từ lứa tuổi thiếu niên sang thanh niên. Thực tế cho thấy sự nảy sinh cảm nhận đó ở lứa tuổi thanh niên là một trong những yếu tố tâm lý góp phần tạo nên những mối quan hệ bất bình ổn giữa cha mẹ và con cái, làm cho tần số giao tiếp giữa cha mẹ và con cái giảm xuống, thay vào đó là nhu cầu giao tiếp của thanh niên với bạn cùng lứa. Trước các vấn đề như thế giới quan, lựa chọn nghề nghiệp
hay những giá trị đạo đức thì ảnh hưởng của bố mẹ và người lớn tuổi lại mạnh hơn. Gia đình và thầy cô luôn đóng vai trò là người bạn đồng hành cùnh các em, định hướng, động viên khích lệ các em phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của mình, nhìn nhận và đánh giá các vấn đề một cách khách quan.
1.6.3. Sự phát triển tự ý thức
Vị thế xã hội của lứa tuổi đầu thanh niên có nhiều thay đổi so với lứa tuổi trước đó. Các quan hệ của thanh niên được mở rộng và họ có các cách ứng xử phù hợp với vị thế của mình. Học sinh THPT đứng trước một thách thức khách quan của cuộc sống, đó là chuẩn bị lựa chọn cho mình một hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT, phải xây dựng cho mình một cuộc sống độc lập trong xã hội.
Các chức năng tâm lý có nhiều thay đổi, đặc biệt trong phát triển trí tuệ hay khả năng tư duy. Hoạt động tư duy của thanh niên rất tích cực và có tính độc lập, tư duy lý luận phát triển mạnh. Sự phát triển mạnh của tư duy lí luận liên quan chặt chẽ đến khả năng sáng tạo. Học sinh THPT đánh giá các bạn thông minh trong lớp không dựa vào điểm số mà dựa vào cách thức giải bài tập. Họ có xu hướng đánh giá cao các bạn thông minh và những thầy cô có phương pháp giảng dạy tốt, tôn trọng những suy nghĩ độc lập của học sinh, phê phán sự gò ép, máy móc trong phương pháp sư phạm.
Một hiện tượng thường gặp là học sinh THPT bắt chước thầy cô giáo hay người mẫu lý tưởng nào đó mà họ chọn cho mình, từ cách ăn mặc, cử chỉ, dáng đi…
Thanh niên chú ý nhiều hơn đến những phẩm chất nhân cách có tính bền vững như các đặc điểm trí tuệ, năng lực, tình cảm, ý chí, thái độ đối với lao động, quan hệ với những người khác trong xã hội…
Nói chung, học sinh lứa tuổi này hay xem xét vẻ bên ngoài của mình vì chúng cho rằng điều này có thể tạo cho mình uy tín và sự mến phục trong bạn
bè cùng lứa tuổi. Và trong đánh giá những phẩm chất của cá nhân, thanh niên thường khao khát muốn hiểu họ là người như thế nào, xứng đáng với cái gì và có năng lực gì.
1.6.4. Sự hình thành thế giới quan
-Tính tích cực nhận thức: các em phát triển hứng thú nhận thức đối với những vấn đề thuộc qui tắc chung nhất của vũ trụ, những qui luật phổ biến của tự nhiên, xã hội và sự tồn tại của con người…từ đó các em xây dựng quan điểm riêng của mình trong các lĩnh vực khoa học, các vấn đề xã hội, tư tưởng, chính trị, đạo đức…Các em có khuynh hướng sống một cuộc sống tích cực đối với xã hội, mang lại lợi ích cho người khác, quan tâm đến đời sống tinh thần hơn vật chất.
Các nhà giáo dục cần phải tôn trọng ý kiến của học sinh, biết lắng nghe ý kiến của các em, đồng thời có biện pháp khéo léo để các em hình thành được một biểu tượng khách quan về nhân cách của mình.
1.6.5. Sự phát triển tình cảm
Đời sống tình cảm của học sinh THPT rất phong phú, đa dạng, thể hiện rõ trong tình bạn. Nhu cầu tình bạn, tâm tình cá nhân tăng lên và tình bạn của các em rất bền vững, có khi kéo dài suốt đời. Đồng thời nhu cầu về tình bạn khác giới cũng tăng lên rõ rệt. Đó là cơ sở làm xuất hiện tình yêu ở lứa tuổi này. Ở đây vai trò của nhà trường và gia đình là vô cùng quan trọng nhằm giúp các em giữ được sự trong trắng, hồn nhiên, tươi sáng và là bạn tốt của nhau.
1.6.6. Hoạt động học tập
Thái độ học tập tích cực, điều này đòi hỏi học sinh phải năng động và có tính độc lập cao, đồng thời phải phát triển tư duy lý luận sâu sắc. Các em có nhu cầu nguyện vọng chọn nghề nghiệp cho tương lai, do đó hoạt động học tập mang tính hướng nghiệp.
Tóm lại, ngoài việc học tập các môn học trên lớp, học sinh THPT nhận thấy rằng có nhiều điều học được từ thực tiễn. Với nhu cầu giao tiếp và tự khẳng định ngày càng phát triển, học sinh có nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội. Tùy thuộc vào sở thích, năng lực và điều kiện của cá nhân mà các em chọn loại hình tham gia cho phù hợp. Việc tham gia vào các hoạt động xã hội này có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển tâm lí, nhân cách, làm phong phú đời sống tinh thần và tích lũy kinh nghiệm xã hội.