1.2. Khi người Man tộc là chủ nhân của lịch sử
1.2.2. Những nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của cư dân phương Tây trung đại thế kỉ V-X
Những người Man tộc với trình độ văn minh thấp kém còn ở trong tình trạng công xã thị tộc khi đến mảnh đất La Mã tràn đầy tư hữu đã không thể không tiếp nhận truyền thống này được. Quá trình người Man tộc tiếp nhận tư hữu, chuyển biến từ công hữu sang tư hữu chính là một phần của quá trình phong kiến hóa ở Tây Âu diễn ra tiêu biểu ở vương quốc Frank. Với quá trình phong kiến hóa một đơn vị kinh tế - xã hội mới ra đời ở Tây Âu đó chính là các lãnh địa phong kiến hay các trang viên phong kiến. Trên khắp Tây Âu trung đại các lãnh địa xuất hiện ở khắp nơi, tuy có địa hình và quy mô khác nhau nhưng nhìn chung lãnh địa là những đơn vị kinh tế tự cấp, tự túc, là nơi sinh sống của hai tầng lớp chủ yếu trong xã hội lúc bấy giờ là lãnh chúa và nông nô. Nghiên cứu sinh hoạt văn hóa của cư dân phương Tây trong thời kì này chủ yếu là nghiên cứu đời sống văn hóa trong các lãnh địa.
1.2.2.1. Đời sống hàng ngày ở các lãnh địa
Nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt
Hầu hết cư dân nông thôn sống trong các lãnh địa hay trang viên. Một đơn vị lãnh địa thường bao gồm một ngôi làng, nhà hay lâu đài của lãnh chúa, nhà thờ và những mảnh đất nông nghiệp bao quanh. Lãnh chúa cùng bộ máy giúp việc cai quản tất cả trang viên, đảm bảo rằng những người sống trong nó tuân thủ những quy định đặt ra và làm đúng bổn phận của họ. Những quy định đặt ra tập trung vào việc canh tác trên những mảnh đất của lãnh chúa và trả tiền cho sự thuê mướn bằng các sản phẩm họ tạo ra. Lãnh chúa còn là quan tòa chính, người quyết định luật và dùng quyền lực của mình để trừng trị những người phá luật của ông ta. Về sau khi các lãnh địa có quyền miễn trừ, các lãnh chúa có quyền lực như những ông vua trong lãnh địa của mình.
Nằm trong các trang viên trung đại, những ngôi nhà của nông nô thường rất đơn giản. Tầng lớp này phải trải qua phần lớn ngày ở bên ngoài. Nhà của họ thường kín gió và thiếu ánh sáng bởi những cửa sổ không kính. Tường của ngôi nhà được làm từ những vật cứng như đá tại địa phương nhưng thường là từ bùn, vách đất. Người ta sẽ dựng nhà bằng
những khung gỗ và phủ lên nó một hỗn hợp từ phân, rơm và đất sét. Bên trong căn nhà thì trần trụi, xơ xác. Có một lò đá giữ ấm đặt giữa phòng chính nhưng không có ống khói như vậy căn phòng sẽ rất tối và đầy khói. Vì vậy, người ta thường ngồi trên những chiếc ghế thấp để tránh khói trong nhà. Để có ánh sáng, cư dân bóc vỏ những cây bấc và ngâm chúng vào trong mỡ nhằm làm chúng cháy như những cây nến nhỏ. Mọi thứ được giữ sạch khi có thể. Những sàn gỗ thường trở nên mòn, rỗng vì đó là kết quả của sự lau chùi thường xuyên.
Cuộc sống gia đình thường mang tính cố kết hơn cuộc sống gia đình của cư dân phương Tây ngày nay. Cả gia đình cùng ăn, ngủ, trải qua thời gian nhàn rỗi cùng nhau trong một hoặc hai căn phòng. Nhà của nông dân nghèo thường chỉ có một phòng khá rộng, là nơi ở, làm việc, tiếp khách, nấu bếp, ăn uống, ngủ, đều ở đó. Ở nhiều trang ấp miền Tây nước Pháp, gần đây vẫn còn nhiều nhà như thế. Bên cạnh nhà ở người ta phải đào hầm để ủ rượu, xây vựa để chứa thóc, dựng các kho đựng lúa, kho để cỏ khô và xe bò, rồi chuồng bò, máng ăn, chuồng lợn. Những ngôi nhà có chủ giàu có thường được thiết kế công phu, tỉ mỉ hơn.
Vào mùa đông, để chống rét, không có các phương tiện sưởi ấm thật tốt như ngày nay nhưng chất đốt có rất nhiều. Người ta đã có than bùn, than đá dù mới chỉ khai thác ở quy mô rất nhỏ, củi, gỗ chỗ nào cũng có và theo thông lệ bấy giờ, người nghèo nhất có thể vào nhặt cành khô trong rừng bên cạnh thậm chí là chặt cả cây tươi. Than củi nhẹ, dễ nhóm là loại chất đốt hảo hạng để nấu bếp nhanh, nếu dùng để sưởi cá nhân thì không vệ sinh.
Thông thường, người ta nhóm lửa trong lò sưởi bằng những thân hoặc gốc cây to, cho lửa đượm. Chỉ dân nghèo thành phố và dân các vùng ít rừng phải cam chịu những ngọn lửa leo lét, đốt bằng cỏ khô và phân bò.
Để vận chuyển nhiều nguyên liệu, đồ dùng cũng như lúa mì, rơm, cỏ khô… trước nhà của các cư dân thường có những chiếc xe đẩy tay có hai bánh lớn bằng gỗ Xe được làm bằng gỗ có kết cấu thô sơ có hai cây dài song song để cầm đẩy và hai cây này cũng là đáy của xe, với hàng loạt cây gỗ đóng nối hai cây. Xung quanh là những cây gỗ nhỏ để giữ đồ trên xe. Xe có hai bánh gỗ lớn hai bên giúp xe di chuyển dễ qua những nơi gồ ghề hay sâu lún. Trên vành gỗ của bánh xe cũng được bọc bởi 6 miếng sắt nhỏ để xe chịu lực nhiều hơn.
Bên cạnh chiếc xe đẩy ở trước nhà thường là những đống rơm. Rơm được dùng cho rất nhiều mục đích ở thời trung đại, từ lợp mái nhà cho đến làm nệm. Cỏ khô cũng là sản phẩm quan trọng. Cùng với rơm, hạt khô chúng trở thành nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Tuy nhiên thức ăn thường rất hiếm vào cuối mùa đông nên người ta thường giết lợn và dê để dùng và cũng vì không đủ thức ăn nuôi chúng. Mỗi nông dân đều được chia
phần trong bãi cỏ của làng và làm cỏ khô trở thành nhiệm vụ chung. Những người nông dân làm công việc cực nhọc mỗi ngày trừ ngày chủ nhật và những ngày lễ thánh. Họ làm việc dưới ánh mặt trời sáng chói hay những ngày mưa phùn, tuyết cóng. Bữa ăn của họ nghèo nàn, chỗ ở ẩm thấp những ngày mưa, tuyết. Tất cả những điều này đã góp phần giải thích tại sao nhiều người nông dân châu Âu lại không sống quá 25 tuổi.
Nông dân cũng là lực lượng chính làm ra những công cụ của họ và một số đồ dùng mặc dù lúc này đã có các thợ thủ công làm đồ gốm, sản phẩm thuộc da và sắt. Bên cạnh gỗ và da, chất liệu quan trọng khác là sừng từ gia súc hay những con cừu. Nhẹ và chắc, không hấp thu nước hay hương vị như gỗ và không đòi hỏi quá nhiều sức lực để tạo hình như gỗ hay sắt, sừng rất được ưa chuộng. Những cái muỗng thời bấy giờ được làm chủ yếu bằng sừng, một tác giả đã viết “với một cái liếm nó sẽ luôn được giữ sạch như một con xúc xắc”
[61; Tr. 10].
Đồ đạc trong một ngôi nhà rất đơn giản, sơ sài, thường chỉ có giường và hòm.
Giường rất to, vì phải chứa từ hai đến sáu người (trong truyện Cậu bé tí hon, các con gái của yêu tinh ngủ chung trên một chiếc giường thời Trung cổ). Nhà nghèo lấy thùng độn cỏ, túi nhồi rơm làm gối. Gia cảnh khá hơn, có thêm một nệm rơm và thậm chí giàu có sẽ sở hữu một hay nhiều nệm lông. Thành ngữ “ngủ trên giường lông” là để chỉ cảnh tiện nghi phong phú lắm. Những loại thảo mộc như cây oải hương, cây cúc ngoài và một vài loại khác được rắc lên nệm. Những loại cây có hương thơm mạnh trên không chỉ làm cho giường ngủ có mùi dễ chịu mà còn có tác dụng ngăn bọ chét hay những loại côn trùng khác.
Người ta cũng có khăn trải giường, bằng đay hoặc gai, ráp hay mịn tùy theo gia cảnh, tùy theo tài khéo léo của bà nội trợ. Nhưng người nghèo và ở một vài tu viện, chỉ có chăn mỏng bằng xéc (trường hợp này, người ta để nguyên quần áo đi ngủ, chỉ cởi áo khoác ngoài và quần lao động). Vải trải giường không dắt, mà để lòa xòa xuống đất hoặc rủ xuống.
Gối thì cuộn vào tấm ga dưới, tấm ga trên thì “lộn” lên làm chăn như ngày nay. Mùa đông, một số nhà có chăn lông, với nhà giàu là lông chồn, lông sóc, với nhà dân thường là lông cáo, lông thỏ.
Vật dụng giản đơn nhất mà nhà nào cũng có là cái hòm, gọi là huche, thường có bốn chân, bằng gỗ được đẽo khá xù sì, thô ráp. Nó được đặt thẳng xuống nền đất nện, vừa dùng làm tủ vừa dùng làm ghế. Quần áo cất vào đó được cuộn tròn kỹ lưỡng và có thể bỏ thêm rễ i-rít, oải hương hoặc nghệ tây cho thơm. Hòm còn dùng để cất các giấy tờ (mua bán, vay nợ, biên lai …), tiền bỏ trong ví da hoặc túi vải. Mặc dù hòm có bản lề nặng và một hoặc hai
khóa to song chủ nhân vẫn cẩn thận kê hòm ngay sát giường ngủ và nếu có thêm hòm nhỏ để cất những giấy tờ và đồ quý, thì hòm này đặt ngay dưới giường để tránh mất cắp. Ở các nhà to, người ta tạo chỗ để quần áo riêng thường nằm cạnh phòng ngủ.
Khi đồ đạc nhiều dần lên, các nhà có một cái bàn, thường đặt trên mễ, như vậy sau khi dùng song có thể cất đi. Nếu là bàn to, nặng (nhất là trong bếp hoặc phòng ăn, tức là trong các phòng mà bàn đã trở thành đồ chuyên dùng), thì kèm theo một số ghế đẩu ba hoặc bốn chân, xếp dưới mặt bàn. Ngoài những ghế đẩu nói trên còn có ghế to, hoặc ghế cathèdre có một hoặc hai chỗ dành cho chủ nhà hoặc người nào có vị trí cao nhất. Trong nhà bếp lớn của quý tộc, chiếc ghế đó dành cho đầu bếp. Những chiếc ghế thời kì này đa phần làm từ gỗ cứng, muốn êm ái hơn thì bọc nệm nhưng việc đó chỉ thuộc những nhà quyền quý.
Bát đĩa đơn giản là đồ gốm bằng đất hoặc đồ thiếc gò. Người ta dùng bát để ăn chung các món nước. Ngoài ra có đồ để nhắm rượu, những chiếc cốc có nắp và thùng đựng rượu vang hoặc rượu trắng. Bếp được trang bị như ở một số trang trại ngày nay: một cái kiềng (vì nấu trong lò sưởi), một hoặc nhiều nồi đất hay đồng, chảo đồng, muôi, cối chày để làm một số loại nước xốt nhất là món nước xốt tỏi là một trong những gia vị chính của thời Trung cổ, nay vẫn còn ở vùng Midi (nằm ở phía Nam nước Pháp). Nhà giàu hơn thì số lượng dụng cụ trên nhiều hơn, ngoài ra có thêm vỉ nướng, chậu đồng, giá để củi, que xiên.
Trong bếp hoặc các khu phụ cũng có chậu lớn để giặt và tắm hay các thùng để đựng mỡ, nhào bột, rìu bổ củi, rồi xô, xẻng, chổi…
Trái ngược với những ngôi nhà nhỏ bé, sơ sài của người nông dân. Lãnh chúa và gia đình ông ta sống trong những ngôi nhà lớn được xây bằng đá. Nó được bao quanh bằng những khu vườn và những chuồng ngựa và được bảo vệ bằng một bức tường cao và thỉnh thoảng là bởi một con hào. Riêng ra với nhà thờ, ngôi nhà của lãnh chúa là trung tâm của đời sống cộng đồng, nó có một sảnh lớn để có thể trở thành nơi xử án và là nơi tổ chức các lễ hội, tiệc hè trong trang viên cũng như sau vụ thu hoạch và các lễ cơ đốc. Lãnh chúa cũng cho đặt máy xay bột chạy bằng sức nước, máy ép nho hay lò nướng bánh trong trang viên tuy nhiên số lượng thường đơn nhất để ông ta có thể thu phí của tất cả mọi người.
Bên trong ngôi nhà lớn hay những lâu đài của lãnh chúa tất nhiên sẽ có đầy đủ những vật dụng cơ bản đã kể trên: những chiếc ghế lớn dài, bàn, giường ngủ… tuy nhiên chúng đều to hơn và được trang trí nhiều hơn. Và trong ngôi nhà cũng thường treo những vật trang trí như đầu thú, tù và hay sừng dê kết hoa quả khô, đây là biểu tượng cho sự giàu có và phong phú. Người trung đại còn có câu nói, muốn biết địa vị xã hội của một gia đình
nào đó hãy nhìn vào cửa sổ của họ. Nhà của những gia đình nghèo thường có những lỗ trống nhỏ, được bao phủ bởi những cánh cửa chớp bằng gỗ. Những cánh cửa nhỏ này có thể được đóng vào đêm hoặc khi thời tiết lạnh. Những nhà sung túc có những cửa sổ hai bên có cánh và ở giữa là hai khung mắt cáo được che bởi vải lanh đã được ngâm trong nhựa thông và mỡ động vật. Những cửa sổ loại này dẫn được ánh sáng, chặn gió và có thể được tháo ra vào những ngày có nắng. Vào thời kì này, kính thủy tinh rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có nhà thờ hay cung điện hoàng gia mới có cửa sổ có kính. Quý tộc và thương nhân thường làm cửa sổ bằng gỗ và các tấm sừng thay cho kính và cũng dẫn nhiều ánh sáng tuy nhiên sẽ khó khăn khi nhìn qua nó. Sừng còn gọi là nhựa của thời trung đại bởi vì nó rẻ và dẻo, dễ uốn nắn. Để làm kính cửa sổ bằng sừng, sừng sẽ được ngâm mềm bằng cách ngâm nước trong ba tháng, sau đó tháo và tách ra rồi làm cho láng và bóng lên cho đến khi nó trở nên trong suốt có thể nhìn xuyên được.
Sự quan tâm đến trang phục và dáng vẻ bên ngoài
Nếu như cư dân Hy-La thường mặc những trang phục dài quấn từ vải thì bộ quần áo của cư dân Trung cổ giai đoạn đầu đơn giản hơn với chất liệu thô ráp, có nguồn gốc chính từ bộ quần áo thời cổ và xứ Gaule. Đối với nam giới, từ bộ quần áo xứ Gaule, người ta có các loại quần gọi là braies bao gồm quần dài, quần đùi, quần lót bằng vải hoặc bằng da, bó lấy người bằng một thắt lưng - braiel. Áo phụ nữ dài và áo của nam ngắn, trừ loại lễ phục hoặc áo thầy tu vốn bắt chước từ thời cổ đại. Những phụ nữ trẻ độc thân thường buông xõa tóc của họ, những người phụ nữ đã kết hôn được yêu cầu phủ lên tóc của họ một mảnh vải lanh được gọi là khăn trên đầu. Việc này sẽ là dấu hiệu của một người phụ nữ giản dị, thùy mị.
Vào mùa đông tuy có các lò sưởi nhưng phần lớn lò sưởi lại để thất thoát ra ngoài gần hết hơi nóng vì vậy người ta phải mặc ấm. Người nghèo mặc nhiều lớp quần áo hơn còn những nhà quyền quý có những chiếc áo lông thú sang trọng. Trời nóng lại gây khó khăn khác. Nhà thờ, lâu đài thoáng mát hơn vì phòng có vòm cao còn nhà của nông dân thì bức bí và vì những bộ quần áo họ mặc lúc này còn dày và nặng. Chính vì vậy nhiều thợ thuyền và nông dân đã cởi trần, chỉ mặc quần đùi khi làm việc như ta thấy trên một bức chạm nổi ở Amiens (nằm ở Bắc Pháp ngày nay).
Thời kì này còn nhiều cư dân đi đất, một số xỏ tất. Tất được đan bằng sợi hoặc khâu lại từ những miếng vải cắt đúng chân, như kiểu ghệt tức các miếng da để bọc và bảo vệ ống chân, được giữ bằng những dây nịt hoặc thêu. Tất đôi khi có đế, như vậy khỏi phải xỏ chân vào đôi giày nào khác khi đi trong nhà. Về sau, giày bằng vải hoặc da mềm trở nên phổ biến
thậm chí vào mùa đông, nhiều người có dép nhẹ lót lông. Khi phải đi ra ngoài, người ta đi ủng bằng da bò có đóng đinh, guốc hoặc bốt và đôi khi có thêm ghệt da hoặc ghệt vải.
Trong trang phục, còn có găng tay, bằng vải hay bằng da. Găng tay đã xuất hiện từ thế kỉ VI trước công nguyên. Người cổ Hy Lạp lúc ăn giống như người Ấn Độ và Trung Đông ngày nay đều dùng tay bốc. Có điều trước khi bốc thức ăn, họ có đeo găng tay. Chính vì vậy, trong lịch sử, găng tay là dụng cụ dùng lúc ăn. Đến thời trung đại, các bà quyền quý thêu găng tay, tá điền nộp găng tay cho lãnh chúa như một phần của tô tức. Thách thức ai, người ta vứt găng tay xuống đất hay tặng ai găng tay có nghĩa mời chào, ban phát. Thợ săn có thói quen để cho chim ưng, chim cắt đậu trên nắm tay của mình cho nên họ phải mang găng da dày. Nông dân thì có những bao tay khi làm ở nơi có gai, nghạch. Sau khi tôn giáo châu Âu tiếp nhận găng tay liền thay đổi công năng của nó. Các thần chức đeo găng tay trắng biểu thị sự thanh khiết và mộ đạo. Cho đến nay vẫn là nghi thức của một số giáo phái.
Áo thánh và áo tế đạo Kitô là trang phục của những người có thánh chức tôn giáo.
Nó xuất hiện từ thời cổ La Mã. Đến thế kỉ VI – VII trở thành áo chuyên dụng của giáo hội, đến thế kỉ X được định hình. Trang phục áo tế lễ khác nhau tùy theo giáo phái và nghi thức và tên gọi cũng khác nhau. Đông chính giáo gọi là áo thánh, Ki-tô giáo gọi là áo tế. Áo tế tương đối hoàn hảo. Bộ áo tế của cha cố thường gồm tám cái, trong đó áo khoác, vạt cổ, đai tay phải đều cùng một màu. Quy định màu sắc áo tế có năm màu: đỏ, trắng, lục, tím, đen.
Mỗi màu sắc dùng trong mỗi trường hợp, biểu thị ý nghĩa khác nhau. Ngoài ra, bộ lễ phục của giám mục còn có mũ, dây chuyền thập tự, găng tay, gậy. Khi được phong giáo hoàng còn có áo khoác ngắn, mũ 3 tầng.
Quần áo ngủ không phổ biến vào thời kì này vì cư dân thường ngủ trần, trên đầu có thể phủ miếng vải mỏng hoặc mũ vải. Mốt mặc áo ngủ được thực hiện đầu tiên trong giới tu sĩ, để giữ đứng đắn. Quy chế của nhà thương quy định các thầy dòng và các xơ mặc áo đi ngủ. Tu sĩ ngủ có nệm rơm riêng, còn dân chúng thì thường nhiều người ngủ chung một giường. Do đó để khỏi ngượng, chỉ khi nằm trong chăn mới người ta mới cởi áo, đặt nó trong tầm tay để khi dậy lại khoác vào ngay trước khi đi ra khỏi giường. Ở một số vùng nông thôn nước Pháp ngày nay do không có phòng riêng, cả nhà ngủ cùng một phòng, người ta vẫn lên giường rồi mới cởi áo theo kiểu Trung Cổ.
Người ta ăn, uống như thế nào?
Thức ăn cơ bản cho mọi tầng lớp xã hội trung cổ là bánh mì, thịt, rau và các loại hạt. Bánh được làm từ lúa mì, lúa mạch hay đại mạnh. Lúc đó cư dân chưa biết đến khoai