CHƯƠNG 2: SỰ TRỞ LẠI CỦA ĐỜI SỐNG THÀNH THỊ (THẾ KỈ XI - XIII)
2.2. Đời sống văn hóa của cư dân phương Tây trong các thế kỉ XI - XIII
2.2.2. Giáo hội và dân chúng
Từ cuối thế kỉ X, tình hình các nước Tây Âu trở lại yên tĩnh. Dân số Tây Âu bắt đầu tăng lên. Nhiều cánh rừng được khai phá, nhiều mảnh đất được khai hoang để tăng diện tích canh tác. Đời sống vật chất khá lên và điều kiện ăn ở được cải thiện. Nhưng thực ra, khả năng chế ngự tự nhiên của con người vẫn còn rất hạn chế, tính mạng của họ vẫn thường xuyên bị thiên tai và dịch họa đe dọa. Trong hoàn cảnh như vậy, con người dưới tác động của Giáo hội đã hướng toàn bộ sinh hoạt tâm linh vào việc cầu xin sự che chở của ơn Trên, tạ ân phúc lành của Thượng Đế… Do đó, họ muốn rằng những nơi thờ phụng Chúa phải là chốn đẹp đẽ nhất, uy nghiêm nhất. Tóm lại, chúng phải xứng với vị trí tôn quý của chúa.
Cùng với đó, Giáo hội Công giáo lúc này được xem là lực lượng giàu có nhất về kinh tế, là
tinh thần và như vậy cũng đã hội tụ đủ những điều kiện vật chất và tinh thần để dựng nên những công trình kiến trúc tuyệt tác trong thời kì này. Một nhà viết sử biên niên đương thời đã nhận xét rằng các nước châu Âu đã được bao phủ “bởi một áo choàng trắng gồm các nhà thờ mới” [15; Tr. 109]. Người ta xây dựng nhà thờ ở khắp nơi: xây lại những nhà thờ cũ bị nạn binh đao kéo dài nhiều thế kỉ tàn phá, dựng lên những nhà thờ mới ở những vùng đất mới khai phá, dựng thêm tu viện để đào tạo thêm giáo sĩ, thiết kế các nhà nguyện mới nhằm đáp ứng lòng mộ đạo của các tín đồ.
Dân số tăng nhanh đã cung cấp một lượng nhân công không nhỏ cho việc xây dựng.
Nhiều người đã xây dựng không công vì lòng mộ đạo hoặc do bị lao dịch cưỡng bức. Thợ đẽo đá, thợ làm hồ, thợ trang trí… các kiến trúc sư đồng thời cũng là những nhà xây dựng xuất hiện nhiều. Họ cũng sử dụng nhiều tiến bộ kĩ thuật đương thời vào các công trình xây dựng mới: guồng quay nước có mặt khắp nơi trong các thế kỉ XI-XIII, cách thắng ngựa hoặc bò vào xe được cải tiến cho phép chở các vật nặng hơn, đã có máy nâng đá lên cao, việc sử dụng sắt phổ biến đã cho phép chế tác những công cụ sắc bén và chắc chắn hơn, dùng phương pháp đẽo đá mới theo cạnh thay vì theo chính diện… Những kĩ thuật mới này cho phép nâng cao năng suất lao động, xây dựng những công trình đồ sộ hơn, chắc chắn hơn và đẹp hơn.
Thực vậy, ảnh hưởng của Công giáo giờ đây lớn đến mức người ta không thể quan niệm nổi còn một người dân nào – dù thuộc tầng lớp, giai cấp nào – lại không phải là tín đồ của nó. Tôn giáo và cuộc sống đã hòa lẫn làm một. Vua Saint Louis (1214-1270) không chỉ cầu kinh một lần, vị vua này cầu kinh hai lần một ngày, trong đó một lần cầu hồn người chết và một lần cầu kinh trong ngày. Thánh đường đã trở thành căn nhà chung cho tất cả. Người ta đến đó để cầu nguyện, hành lễ, nhảy múa và khi đêm xuống, nhà thờ trở thành chỗ ngủ của người nghèo và khách hành hương. Và như vậy, nhà thờ thời kì này lại càng phải rộng, cao và chắc chắn hơn. Những nhà thờ cũ đã bị phá hủy dễ dàng trong cơn binh đao hoặc bởi thiên tai vì bộ sườn gian chính của nó làm bằng gỗ. Chính vì vậy, giờ đây người ta phải thay gỗ bằng đá. Mặc khác, để những bài thánh ca tuyệt vời mà dàn đồng ca cử lên trong các dịp lễ long trọng có thể đến được tai tất cả các con chiên dự lễ thì khoảng không gian trong giáo đường cần phải kín và được uốn lượn sao cho âm thanh không bi loãng vào không khí mà vẫn giữ nguyên độ vang và độ rõ ban đầu của nó.
Để đáp ứng điều kiện trên, vòm nhà thờ phải được xây bằng đá uốn theo hình bán nguyệt. Làm cách nào để xây được một cái vòm như vậy ?. Đó là vấn đề chính mà các kiến trúc sư phải giải quyết khi xây những nhà thờ mới.
Thực ra, kỹ thuật xây vòm đá hình bán nguyệt đã được biết đến dưới thời Đế chế La Mã nay nó được các nhà xây dựng thời Trung cổ dùng lại với nhiều cải tiến. Trước hết, nó dùng được để đỡ bộ sườn mà giờ đây cũng được xây bằng đá. Kế đó, nó được xây kéo dài ra, nghĩa là trần nhà thờ giờ đây là một vòm bán nguyệt liên tục (giống như trần đường hầm trong lòng đất). Do gốc tích của nó, nghệ thuật kiến trúc này gọi là “Roman”. Lúc đầu, nhà thờ kiểu Roman được xây dựng một cách rất đơn giản ở miền Trung và Nam nước Pháp.
Hai bức tường chạy song song được dựng lên. Trên đó, người ta đặt các viên đá chồng lên nhau theo hình vòng cung sao cho cuối cùng chúng gặp nhau để tạo thành hình bán nguyệt.
Phần phía sau cũng được xây theo nguyên tắc trên, nhưng theo hình tròn. Còn ở hai gian bên, vòm được xây theo hình xương cá.
Một cái vòm bằng đá như vậy tất nhiên rất nặng. Sức đè của nó lên tường hai gian bên là rất lớn. Do vậy, nhà thờ chỉ có thể xây thấp, rất tối và chật. Phải làm sao để tránh sức ép này, mà vẫn không ảnh hưởng đến thế cân bằng của cả công trình và vẫn có thể khắc phục được các nhược điểm vừa kể ?.
Từ giữa thế kỉ XI, các nhà xây dựng đã bỏ nhiều công sức theo hướng trên. Chẳng hạn, người ta tìm cách nới rộng các bức tường ra, gia cố chúng bằng các cột, mà trên đó người ta sẽ xây vòm hình bán nguyệt. Như vậy, toàn bộ nóc vòm sẽ được tựa trên các dãy cột. Còn ở bên ngoài, người ta sẽ xây thêm các tường ốp bằng gạch thật chắc. Việc rọi sáng bên trong được thực hiện bằng cách gián tiếp bởi các cửa sổ của hai gian bên hoặc trực tiếp (hiếm hơn) bởi các cửa sổ bên cao của gian chính. Dù vậy, ánh sáng vẫn thường không đủ.
Nhưng chính điều này đã tạo ra một bầu không khí thích hợp cho công việc cầu nguyện và tịnh tâm.
Từ 1075, kĩ thuật xây dựng trên đã được hoàn thiện. Tám mươi năm sau đó là thời kỳ phát triển cực thịnh của nghệ thuật kiến trúc Roman. Chính ở các tỉnh miền nam Pháp, nghệ thuật Roman đã phát triển mạnh nhất với một số công trình tiêu biểu như: nhà thời Saint Sernin ở Toulouse (tỉnh Languedoc), Notre-Dame du Port ở Clermont-Ferrand (tỉnh Auvergne), nhà thờ Notre-Dame Le Ruy ở tỉnh Velay.
Đầu thế kỉ XII, những kiến trúc sư vùng Normandie đã tìm cách gia cố vòm xương cá bằng hai vòng cung giao nhau: đó là các gân cung giao nhau. Khám phá này sẽ là bước khởi đầu từ năm 1140 cho một loại hình kiến trúc mới: kiến trúc Gothic.
Vào lúc mà ở các vùng Bourgogne (ở miền Trung), Languedoc (miền Nam) và Poitou (trung tâm miền Tây) của nước Pháp nhiều kiệt tác của kiến trúc Roman đang được hoàn tất, thì ở miền Iie-de-France (nơi đặt thủ đô Paris của nước Pháp) đang manh nha một trường phái kiến trúc mới. Bắt đầu xuất hiện từ năm 1140 và lan dần ra khắp các nước Tây Âu trong thế kỉ sau, trường phái kiến trúc mới được các nhà bác học và nghệ sĩ trong thế kỉ XVIII gọi là nghệ thuật Gothic, vì họ vẫn coi đây là tác phẩm của các man tộc German, mà thời đó bị họ gộp lại dưới một tên chung – “người Goth’’.
Từ thế kỉ XII, sự phát triển của kinh tế, hoạt động nhộn nhịp của thương mại đã đem lại sự giàu có cho các thành thị. Do ngày càng đông dân, nhiều thành thị dần dần được mở rộng ra. Và như vậy, cũng cần phải có những thánh đường tương xứng với tầm vóc và sự phồn vinh của chúng. Lòng mộ đạo cũng góp phần không nhỏ trong việc dựng lên những thánh đường đồ sộ. Chính là ngay tại miền Ile-de-France, nơi dưới thời vua Louis VII (1137-1180), trật tự đã được vãn hồi, an ninh được khôi phục, các hoạt động thương mại được phát triển thuận lợi nhờ dòng sông Sein trôi lững lờ và bình ổn mà nghệ thuật Gothic đã ra đời nhờ tài năng của Suger, một quan thượng thư và đồng thời cũng là tu viện trưởng tu viện Saint Denis Thánh đường cùng tên do ông xây dựng là công trình kiến trúc đầu tiên của nghệ thuật Gothic. Nó được dùng làm nhà mồ của các vua Pháp.
Nếu như nghệ thuật Roman cũng được gọi là nghệ thuật thôn dã vì các công trình kiến trúc Roman thường được xây dựng hoặc ở lối vào một khe lũng, trên một ngọn đồi nổi lên giữa một vùng bằng phẳng hoặc giữa một vùng cây xanh tươi thì nghệ thuật Gothic còn được gọi là nghệ thuật thành thị. Các công trình kiến trúc Gothic được xây dựng ngay tại trung tâm các thành thị, giữa các ngôi nhà chen chúc chung quanh. Nơi đó, các tháng đường Gothic nhô lên cao vút; các thánh đường Notre-Dame ở Pari, Chartres, Reims, Bourges, Amiens, Strasbourg… Khác với nghệ thuật Roman, có nguồn gốc từ thời Đế Chế La Mã, nghệ thuật Gothic là sự sáng tạo đặc thù của các nghệ sĩ Pháp. Nó xứng đáng được gọi là nghệ thuật hiên đại. Có người còn đề nghị gọi nó là nghệ thuật Pháp.
Nghệ thuật Gothic mau chóng lan ra các thành thị lớn ở miền Bắc Pháp, rồi đến các thành thị nhỏ hơn, và một phần miền Trung. Tại các nước châu Âu khác, nơi nó được tiếp đón rất nồng nhiệt, nghệ thuật Gothic mang thêm các sắc thái riêng biệt.
So với nông thôn, cuộc sống ở thành thị, nơi mật độ dân số khá cao, diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Người thành thị dường như lúc nào cũng tất bật hơn. Nếp sinh hoạt nhộn nhịp hơn. Ở đây, các trò giải trí vừa nhiều, vừa đa dạng hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng của các chúa phong kiến cũng giảm nhiều. Nhờ đó, cuộc sống ở thành thị xét về nhiều mặt có phần nhẹ nhõm và vui vẻ hơn ở nông thôn.
Phát sinh ngay tại thành thị, nghệ thuật Gothic đã thích ứng với những đặc tính vừa nêu của thành thị. Nghĩa là so với các nhà thờ Roman, các thánh đường xây theo kiểu Gothic phải lớn hơn để dung chứa được nhiều người hơn, phải cao hơn nhưng không được tạo ra nơi người thưởng lãm cảm tưởng rằng chúng muốn đè lên vô số nhà nằm san sát chung quanh. Muốn vậy, dáng vẻ chúng phải nhẹ nhàng, thanh thoát như chúng đang phải cất cánh bay lên bầu trời cao vợi. Được xây lên giữa lòng đô thị đông đúc người, các thánh đường Gothic phải tỏ ra gần gũi hơn với cuộc sống đời thường của thị dân. Chúng không thể là nơi chỉ để cầu nguyện và tịnh tâm, mà còn là chốn mà người dân tìm đến trong những dịp lễ lớn với những trò giải trí vui nhộn như: khiêu vũ, xem kịch, ca hát … Do vậy, các thánh đường Gothic phải được trang hoàng sao cho tạo ra ấn tượng vui vẻ nơi công chúng, nội thất cần đủ ánh sáng để giảm bớt vẻ thâm nghiêm, u trầm của các nhà thờ Roman. Đó là những vấn đền mà nghệ thuật kiến trúc Gothic đặt ra cho các nhà xây dựng.
Như đã đề cập ở trên, đầu thế kỉ XII các nhà xây dựng vùng Normandie đã thử nghiệm một phương pháp nhằm gia cố vòm xương cá: đó là các gân cung giao nhau. Chúng cho phép giảm sức ép mà vòm bán nguyệt đè lên các bức tường bằng cách chia đều sức ép đó lên các cột trụ góc. Nhưng đây chỉ là một giải pháp mới cho một vấn đề đã cũ: vấn đề trần vòm hình bán nguyệt. Lúc đó, các nhà xây dựng Roman chưa khám phá những ứng dụng thực thực tiễn có tính cách mạng của sáng tạo mới này.
Người đầu tiên hiểu được tầm quan trọng của gân cung giao nhau là Suger, Tu viện trưởng Saint Denis đã nhắc ở trên. Ông là người say mê ánh sáng, đối với ông, ánh sáng đóng một vai trò tôn giáo đáng kể: “Nó – ông viết – soi sáng tâm linh con người và dẫn dắt họ bằng ánh nắng tự nhiên đến với ánh sáng đích thực do chúa ban phát” [15; Tr. 119]. Do vậy, ông muốn biến giáo đường cạnh tu viện của ông thành một chốn sáng sủa, nới ánh nắng trần thế báo hiệu một cõi Thiên đàng chan hòa ánh sáng. Nhưng ở những vùng đầy sương mù và nhiều mưa nằm về phía bắc sông Loire (tức miền Bắc Pháp), ánh sáng là cả một vấn đề lớn lao. Làm sao cho ánh sáng thâm nhập được vào bên trong gian chính các nhà thờ, đó là một câu hỏi gai góc đặt ra cho các nhà xây dựng Gothic.
Trong quá trình tìm tòi cho giải pháp trên, Suger phát hiện đáp số nằm ngay trong cấu tạo của các vòm cung giao nhau. Cụ thể là để xây dựng một nhà thờ, trước hết người ta cho dựng những dãy cột chắc chắn đối diện nhau từng đôi một. Mỗi nhóm hai cột đối diện chéo nhau sẽ nâng một vòm cung hình ôvan. Như vậy, cứ mỗi nhóm bốn cột đứng ở bốn góc hình vuông sẽ nâng hai vòng cung hình ôvan bắt chéo nhau. Cấu trúc này rất chắc: các vòng cung sẽ cân đối ngay tại điểm giao nhau (cũng là tâm của chúng, tương đương với đá đỉnh vòm của vòm bán nguyệt trong kiến trúc Roman) và tựa vào các cột. Nhiệm vụ của các vòng cung là đỡ mái.
Cứ tiếp tục công việc như thế đối với từng nhóm bốn cột, người ta sẽ xây được cả gian chính. Do lực của các vòng cung ôvan đã đè lên các cột, người ta không cần phải xây tường dày mà vẫn có thể đục nhiều cửa sổ cao và lớn hơn hoặc có thể để những khoảng trống và xây những gian bên với các dãy cột khác. Và không có gì ngăn cản người ta xây những cột rất cao, lên đến hàng chục mét. Do đó, các thánh đường Gothic thường rất cao: ba hoặc bốn chục mét không phải là chuyện quá hiếm. Do không còn phải xây tường dày, dáng thanh mảnh và chiều cao của công trình cùng với tháp chuông cao vọt, dễ tạo nơi người thưởng lãm ấn tượng rằng: chúng đang vươn bổng lên trời cao. Ấn tượng này càng rõ thêm do ánh sáng dồi dào đủ màu sắc tràn vào trong nội thất qua các cửa sổ bằng kính đủ màu đặt trên cao. Vẻ đẹp phi thường và dáng thanh lịch của các thánh đường Gothic, cùng với âm thanh của các đại hồ cầm, đã tạo ra một bầu không khí trang trọng bên trong. Mặt ngoài của các thánh đường Gothic cũng được trang trí rất đẹp mắt bằng các hình tượng rút ra từ kinh thánh.
Trong thế kỉ XIII, các thánh đường Gothic đẹp nhất lần lượt ra đời ở Paris, Chartres, Reims, Bourges, Mans, Amiens… Sau đó, nghệ thuật Gothic lan tỏa xuống miền Nam và xâm nhập vào những nước theo Công giáo. Các kiến trúc sư người Pháp được mời gọi đến các nước lân bang, kể cả đến những nước rất xa Pháp như Thụy Điển, Hunggary, Hy Lạp và Chypre (nước cộng hòa Síp ngày nay).
Cùng với sự xuất hiện rực rỡ của các nhà thờ các tu viện cũng được xây dựng thêm với quy mô lớn hơn thay cho những tu viện từ thế kỉ IX trở về trước thường có quy mô nhỏ.
Bên trong tu viện có giáo đường, bể chứa nước lớn, khu bệnh xá. Nơi đây cũng có phòng sưu tập các mẫu cây để phân loại và nghiên cứu. Một nhà tu chính, rộng có hàng cột bao quanh. Gần đó là nhà cho các tăng hội, phòng ngủ phía sau là phòng ăn và nhà bếp. Được xây tách biệt với khối công trình trên là nhà xí và nhà tắm. Đến thế kỉ XII những tu viện đã
được mở rộng hay xây mới lớn hơn, gần như mọi thứ thầy tu cần đều có đầy đủ bên trong những bức tường của tu viện. Trong tu viện và thánh đường Canterbury ta có thể thấy công trình chính là nhà thờ, cái lớn nhất và trang trọng nhất. Trên vị trí phía nam nhiều nắng là nhà tu. Nó như một dãy hành lang có hàng cột nhỏ chạy dài bên trên có các tấm hình vuông phủ lên để chắn gió và che mưa. Đây là trung tâm của đời sống tu viện nơi các thầy tu sẽ đi tản bộ, ngồi hay đọc kinh thánh. Một công trình khác là nhà tăng hội nơi các thầy tu sẽ họp dưới sự chủ trì của cha trưởng tu viện để thảo luận những vấn đề quan trọng.
Sinh hoạt trong các tu viện vẫn được giữ nguyên đúng tinh thần mộ đạo của nó.
Những thầy tu đi đến nhà thờ của tu viện tám tiếng một ngày trong một chu kỳ những công việc như phục vụ, trồng trọt không thay đổi. Các phòng ngủ được xây dựng gần nhà thờ để những thầy tu không bị trễ khi đến cầu nguyện. Vào đầu thế kỉ XI, trong một buổi lễ, những thầy tu ở Canterbury ở Anh đã hát 55 bài thánh ca, từng bài liên tục và tất cả cùng đứng hát.
Các nhà thờ dòng thánh Benedict lúc bấy giờ cũng có những chiếc ghế dài để ngủ [61; Tr.
38].
Nhiều dòng tu mới cũng được thành lập trong các thế kỉ XI, XII với những nét đặc trưng riêng của họ. Dòng tu Carthusian được lập bởi thánh Bruno năm 1084. Những thầy tu của dòng này tin vào một cuộc sống nguyện cầu trong im lặng ở các đan viện0F1. Một dòng tu khác là Cistercian do thánh Robert of Molesme lập vào năm 1098. Dòng tu này có cuộc sống khắc kỷ, với họ, làm những công việc khó nhọc là cách tốt nhất để phục vụ chúa. Họ được gọi là những thầy tu trắng vì thường xuất hiện với những chiếc áo xù xì, thô ráp bằng len không nhuộm. Ngoài ra, còn có dòng thánh Francis của thánh Francis Assisi (1182- 1226). Người là con trai của một người đàn ông giàu có, tuy nhiên người từ bỏ hết quyền sở hữu, tài sản của mình để sống cuộc đời của một tông đồ của chúa Jesus. Chính vì vậy, thay vì sống trong đan viện, các thầy tu dòng thánh Francis đi thuyết giáo khắp nơi, tồn tại bằng những bữa ăn xin được giống như chúa Jesus đã làm. Một dòng nữ tu theo thánh Francis cũng được thành lập tên gọi Clare – lấy theo tên thánh Clare một người tu dòng thánh Francis.
Như vậy trong các thế kỉ XI-XIII, vai trò của giáo hội Công giáo lại càng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Giáo hoàng chính là người đại diện của chúa ở trái đất, Giám mục là những
1Đan viện là nơi các tu sĩ thực hành đời sống chiêm niệm cá nhân nhiều hơn, trừ thánh lễ, các Giờ Kinh nguyện được cử hành chung. Tu viện là nơi các tu sĩ thực hành đời sống chung: cùng