Thời đại hiệp sĩ và phong cách hiệp sĩ

Một phần của tài liệu sinh hoạt văn hóa của cư dân phương tây thời trung cổ (thế kỉ v xv) (Trang 78 - 81)

CHƯƠNG 2: SỰ TRỞ LẠI CỦA ĐỜI SỐNG THÀNH THỊ (THẾ KỈ XI - XIII)

2.2. Đời sống văn hóa của cư dân phương Tây trong các thế kỉ XI - XIII

2.2.3. Thời đại hiệp sĩ và phong cách hiệp sĩ

Một hình mẫu lý tưởng của con người trong thời kì này chính là các hiệp sĩ. Họ là hình ảnh đẹp đẽ nhất của Tây Âu thời Trung cổ và chính họ đã làm nên một thời đại chan chứa những lý tưởng cao đẹp - Thời Đại Hiệp Sĩ.

Hiệp sĩ là một tầng lớp đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội Tây Âu trung đại. Chiến tranh liên miên nhất là các cuộc Thập tự chinh đã làm cho số lượng hiệp sĩ ngày một đông hơn. Trong suốt thế kỉ XII tầng lớp hiệp sĩ đã bắt đầu mang đến những thay đổi trong xã hội phong kiến. [54; tr.294-296] Phong cách hiệp sĩ (Chivalry hay Chivalric code) là sự thể hiện một hệ thống những quy tắc mà người hiệp sĩ phải tuân thủ. Thuật ngữ này xuất hiện vào cuối thế kỉ XI và bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ – cheval có nghĩa là “horse” – ngựa để chỉ sự gắn bó của những người hiệp sĩ với con ngựa của mình. [54; tr.294-296] Ở Pháp và Anh vào thế kỉ XII, những quý tộc thường dùng thuật ngữ như miles hay knight để chỉ hiệp sĩ. Từ "hiệp sĩ" trong tiếng Anh là knight có gốc nơi từ tiếng Anh cổ là cniht với nghĩa là một người hầu vào tuổi thiếu niên, hay cũng chỉ có thể có nghĩa đơn giản là một thiếu niên. Do đó, cnithhad hay knighthood cũng dùng để chỉ thời đại hiệp sĩ. Các nhà sử học đã nhận định “hiệp sĩ” là một thuật ngữ của giới tăng lữ nhằm làm biến đổi sự thô lỗ và

cách cư xử thô bạo của tầng lớp kị sĩ lúc bấy giờ. Chức năng chính của họ được giáo hội miêu tả là để bảo vệ kẻ yếu, người nghèo và nhà thờ bằng vũ khí của họ. [62, tr 316-318].

Một hiệp sĩ thường xuất thân từ tầng lớp quý tộc vì trang bị cho bản thân trên chiến trường với ngựa, áo giáp và vũ khí rất đắt đỏ trong thời kì này cho nên người nghèo khó có thể trở thành hiệp sĩ. Dần dà, những nhà quý tộc, những người lãnh đạo trong thời chiến cũng tìm mọi cách gia nhập vào hàng ngũ hiệp sĩ. Những quý tộc giàu có cũng đào tạo những người con trai của họ thành những chiến binh và cuối cùng, trở thành hiệp sĩ, nơi mà họ sẽ được vinh danh vào một buổi lễ tấn phong hiệp sĩ. Từ đó trở đi, tất cả những người quý tộc nam đều được mong đợi sẽ trở thành một hiệp sĩ. Quy trình trở thành một hiệp sĩ gồm 3 giai đoạn: từ người hầu cho các lãnh chúa, người hầu riêng cho các hiệp sĩ và cuối cùng sau khi qua các đợt huấn luyện sẽ được phong làm hiệp sĩ.

Quá trình bắt đầu vào năm một cậu bé được 7 tuổi nếu không đến các tu viện cậu bé sẽ được gửi đến nhà một lãnh chúa như một người hầu. Ở đó, cậu bé sẽ học cách cư xử, phép lịch sự, sạch sẽ và tôn giáo từ những người hầu nữ trong gia đình lãnh chúa và học cách săn bắn cùng cách nuôi chim ưng, một số kỹ năng phụ khác như chuẩn bị ngựa, cưỡi ngựa, cách sử dụng tất cả các loại áo giáp và vũ khí.

Đến năm 14 tuổi, cậu bé sẽ đi theo hầu một hiệp sĩ khác. Điều này cho phép cậu bé học thêm nhiều điều khác từ những trận đấu của chủ. Nhiệm vụ chính của cậu là chuẩn bị ngựa và binh khí cho chủ nhân. Điều này rèn luyện cho cậu tính cách của một hiệp sĩ: kiên nhẫn, rộng rãi và nhất là trung thành. Vị hiệp sĩ kia sẽ chỉ dạy cậu bé mọi điều để trở thành một hiệp sĩ. Khi cậu lớn hơn một ít, cậu sẽ theo chủ vào chiến trường, và giúp đỡ hiệp sĩ đó nếu họ bị thương. Một số cậu bé đã được phong hiệp sĩ ngay trên chiến trường nhờ sự chiến đấu dũng cảm, nhưng hầu hết chỉ được phong tước hiệp sĩ bởi những lãnh chúa sau khi đã huấn luyện hoàn chỉnh.

Cậu bé sẽ trở thành một hiệp sĩ vào khoảng 18-21 tuổi. Một khi đã hoàn tất việc đào tạo, cậu sẽ được phong tước. Khi đó, cậu trai sẽ phải cầu nguyện cả đêm, xưng tội trước ngày phong tước trong một nhà thờ. Sau đó, cậu phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng và quần màu vàng, áo khoác tím, rồi được phong tước bởi vua hay lãnh chúa. Cậu sẽ phải thề tuân theo quy định của một hiệp sĩ và không bao giờ chạy trốn khỏi chiến trường. Mọi phụ nữ sẽ gõ nhẹ lên áo giáp của cậu. Cậu cũng có thể được phong tước ngay trên chiến trường, lúc mà lãnh chúa đơn giản chỉ cần đặt tay hay thanh kiếm của mình lên vai của cậu và nói:

"Anh là hiệp sĩ". Lễ phong hiệp sĩ trở thành một trong những buổi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời một người đàn ông.

Khi đã trở thành một hiệp sĩ, chàng hiệp sĩ trẻ sẽ phải có những cuộc chu du khắp nơi. Hiệp sĩ nào có những người cha giàu có thì cha anh ta sẽ lựa chọn cho cậu một nhóm bạn để hộ tống, hướng dẫn và bảo vệ cậu. [62; tr.319-320] Thú vui của các nhóm hiệp sĩ là chiến đấu. Họ can thiệp vào các cuộc xung đột trong vùng, gia nhập vào các cuộc khắc nghiệt Viễn chinh chữ Thập, các cuộc săn bắn và tham gia vào những cuộc đấu thương, đấu kiếm trên khắp đất nước. Những cuộc đấu đã đem đến cho họ kinh nghiệm quý giá trong chiến đấu. Không chỉ dừng lại ở đó, về sau ngựa và vũ khí của người bại trận cũng được trao cho người chiến thắng và thậm chí ở nhiều nơi các lãnh chúa hay những quý tộc giàu có còn ban thưởng cho các hiệp sĩ chiến thắng. Và cuối cùng, danh tiếng đạt được cũng là điều quan trọng nhất. Các hiệp sĩ của từng vùng được phân biệt bằng các biểu tượng trên áo choàng của anh ta hay trên kiên hoặc cờ, thậm chí là trên dây cương ngựa. Những dấu hiệu này được vẽ hoặc thêu lên áo của chàng hiệp sĩ hay cờ, kiên của anh ta và nó cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Giai đoạn phiêu lưu kéo dài từ 2 đến 3 năm mặc dù có một số hiệp sĩ bị chết trong những cuộc bạo lực hay bị thương nhưng đa phần họ đều quay trở về nhà. Khi đó họ sẽ cưới vợ và nếu có chiến tranh thì sẽ tham gia chinh chiến theo lệnh. Hôn nhân cũng là cơ hội để các hiệp sĩ cải thiện địa vị của mình cũng như gia tăng tài sản của họ với của hồi môn của các cô vợ giàu có. Ngoài ra nếu họ phục vụ tốt hay bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với các vị vua hay các nữ hoàng họ cũng có cơ hội để thăng tiến.

Trái ngược với sự thô lỗ, hung bạo, kiêu ngạo của tầng lớp quý tộc vũ sĩ thời kỳ đầu trung đại, dần dần thời đại hiệp sĩ đã cho ra đời những người đàn ông giỏi cưỡi ngựa và giỏ cung kiếm nhưng rất mực hào hoa, phong nhã, biết tuân thủ theo những quy tắc để xây dựng cho mình phong cách hiệp sĩ. Theo đó một hiệp sĩ được cho là phải dũng cảm, khao khát được tán dương, ca ngợi bởi những chiến thắng, lịch sự, nhã nhặn, hào hiệp và khoan dung.

Trên tất cả, anh ta phải trung thành với lãnh chúa của mình, chính vì vậy tội ác lớn nhất của thời kì này được cho là tội phản bội. Trong các trận đánh bên cạnh sự dũng cảm anh cũng cần phải chiến đấu một cách công bằng, minh bạch. Nếu một hiệp sĩ sử dụng mưu mẹo để chiến thắng đối thủ của anh ta, anh ta sẽ bị xem thường và bị đánh giá là một kẻ hèn nhát.

Anh cũng cần phải quý trọng bạn bè và giữ lời hứa với họ. Một hiệp sĩ phương Tây trung cổ cũng cần phải biết bảo vệ kẻ yếu và đặc biệt hơn là anh phải giúp đỡ, lịch sự và nhã nhặn

với người phụ nữ. Mỗi hiệp sĩ đều có một bóng hồng trong lòng và phải chiến đấu hết mình vì bóng hồng ấy. Điều này khá trái ngược với những người hiệp sĩ ở phương Đông vì những người hiệp sĩ nơi đây dường như không xem trọng người phụ nữ bằng hiệp sĩ phương Tây dù họ vẫn có nhiều nét tương đồng như hào hiệp, giúp đỡ kẻ yếu…

Như vậy, có thể thấy rằng lịch sử Tây Âu trung đại đã từng tồn tại một thời đại hiệp sĩ – thời đại xuất hiện những con người giỏi giang, cưỡi ngựa như bay, bắn cung tên như múa lại hào hoa, phong nhã, trọng danh dự và biết hy sinh. Đặc biệt, tầng lớp hiệp sĩ với phong cách lịch thiệp, quyết liệt xả thân cho một người đàn bà của “lòng họ” mà họ cho là hiện thân của cái đẹp, của sự yếu đuối cần được che chở đã đem đến những thay đổi nhất định trong văn hóa ứng xử của xã hội Tây Âu. Mặc dù những hạn chế của lịch sử là không thể tránh khỏi - lý tưởng và luật lệ cho những hành xử cao quý của một tầng lớp quân sự chiếm số đông trong xã hội bấy giờ chỉ dành riêng cho chính những người thuộc đẳng cấp phong kiến của họ, nhưng hình tượng hiệp sĩ đã trở thành một hình mẫu lí tưởng trong xã hội phong kiến Tây Âu. Đức tính cao quý của họ vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Một phần của tài liệu sinh hoạt văn hóa của cư dân phương tây thời trung cổ (thế kỉ v xv) (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)