CHƯƠNG 2: SỰ TRỞ LẠI CỦA ĐỜI SỐNG THÀNH THỊ (THẾ KỈ XI - XIII)
2.2. Đời sống văn hóa của cư dân phương Tây trong các thế kỉ XI - XIII
2.2.4. Ánh sáng từ các trường Đại học đầu tiên
Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự đòi hỏi của con người về các loại tri thức cũng tăng lên, nhưng các trường học của giáo hội không đáp ứng được những yêu cầu đó, vì vậy trường đại học của thành thị dần dần ra đời. Đầu tiên, từ thế kỉ X, một vài trường đại học đã được thành lập ở các thành phố khác ở Tây Âu. Những trường học thành thị này là cơ sở để phát triển thành các trường đại học sau này.
Trường đại học ra đời sớm nhất ở Tây Âu là trường đại học Bologna ở Italy được thành lập vào thế kỉ XI mà tiền thân của nó là trường Luật Bologna. Sang thế kỉ XII, XIII, nhiều trường đại học khác đã lần lượt xuất hiện như đại học Pari, đại học Orleans ở Pháp, đại học Oxford, đại học Cambridge ở Anh, đại học Salamanca ở Tây Ban Nha, đại học Palermo ở Italy v.v... Khi mới thành lập, các trường học này gọi là “trường phổ thông”
(Etudia generalia), sau dần dần gọi là “trường đại học” (Universitas). Chữ “Universitas”
nghĩa đen là “liên hợp” vì trường đại học lúc đầu thực sự là một tổ chức liên hợp gồm các đoàn thể của sinh viên và giáo sư, những đoàn thể được lập ra để bảo vệ quyền lợi các thành viên giống như các phường hội của thợ thủ công.
Học ở các trường đại học có nhiều loại người. Có những người đứng đắn, muốn học để sau này có địa vị, con cái các gia đình khá giả, dù quý tộc hay không, do cha mẹ cho đến
của sinh viên hay những kẻ mải chơi, lười biếng, vật vờ kéo dài vô cùng tận thời gian gọi là học để an hưởng quyền lợi và gây rối trong thành phố. Thiếu những phương tiệt can thiệp kiên quyết, nhà trường bất lực không ngăn chặn được chúng, song Giáo hội – lại đứng ra bênh vực những “con chiên ghẻ” đó, không để cho luật pháp ngoài đời trừng phạt. Ở Paris, đã thường xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng giữa nhà vua và trường đại học. Ở Oxford, sinh viên và dân chúng đối lập nhau ra mặt.
Đời sống của sinh viên thời đó cũng có nhiều nét giống với thời đại ngày nay. Sinh viên của một trường có thể gồm nhiều quốc tịch khác nhau. Ví dụ như nếu một sinh viên Đức hoặc Pháp muốn học về luật thì hầu như phải đến đại học Padua (Ý) hay một thanh niên Ý muốn học về thần học thì tốt nhất là tới đại học Paris (Pháp). Đại học Orleans thiên về luật La Mã, Montpellier nổi tiếng về y học; Oxford về toán học, thiên văn học, vật lý học... Các sinh viên cũng sống trong các phòng thuê của người dân hoặc trong các ký túc xá.
Cũng cần phải kể đến việc rất ít sinh viên thời Trung cổ có sách và cũng không nhiều thư viện cho mượn sách. Vì thế việc học của sinh viên chủ yếu là ghi chép thật nhiều các bài giảng để sau đó phân tích và thảo luận. Đó là lí do vì sao nền tảng kiến thức của một người thường có được là nhờ sự phân tích và khả năng ghi nhớ nhiều hơn là nhờ đọc sách và nghiên cứu.
Trong số các trường đại học ở Tây âu lúc bấy giờ, điển hình nhất và cũng nổi tiếng nhất là trường đại học Pari ra đời từ thế kỷ XII. Sinh viên ở đây lập thành bốn hội đồng hương là Normandy, Anh, Gaul và Picarde. Các giáo sư cũng gia nhập những tổ chức mà về sau phát triển thành các khoa. Đến cuối thế kỷ XII, các tổ chức của sinh viên và giáo sư mới bắt đầu liên hợp lại bầu ra Hiệu trưởng để điều hành việc giảng dạy và học tập. Năm 1200, quy chế do trường đặt ra được vua Philip II phê chuẩn và như vậy, trường đại học Pari được chính thức thành lập. Trường đại học Pari có bốn khoa là Nghệ thuật, Y học, Luật học và Thần học, trong đó Nghệ thuật là khoa sơ cấp, trương trình học tập là “bảy môn nghệ thuật tự do”. Tốt nghiệp bậc sơ cấp thì được cấp bằng Cử nhân. Các khoa Y học, Luật học và Thần học thuộc về bậc cao cấp. Chỉ những người đã có bằng Cử nhân mới được tiếp tục học. Tốt nghiệp bậc cao cấp thì mới được cấp bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Những người có bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ mới được làm giáo sư giảng dạy ở trường đại học.
Ngôn ngữ dùng để giảng dạy trong nhà trường là tiếng Latin. Phương pháp học tập là lên lớp nghe giảng, ghi chép và thảo luận, trong đó thảo luận giữ vai trò rất quan trọng.
Khi tốt nghiệp sinh viên phải làm luận văn và phải bảo vệ luật văn. Người thầy lên lớp bằng
hai cách: bình giảng từng câu một trong tác phẩm đang học, hoặc tranh luận (đặt câu hỏi), đối chiếu các ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, tức là dạng tam đoạn luận.
Việc bình dạng dựa trên các tác phẩm cổ điển: ngữ pháp của Priseien, Onganon của Aristote, các tác phẩm của Porphyre hay Boèce (ở khoa nghệ thuật); Cách ngôn của Pierre Lombard (khoa thần học)...Trí nhớ vô tận của các thầy cung cấp thêm cho trò nhiều tác phẩm có liên quan để tham khảo, gợi ý những so sánh sâu sắc. Phương pháp giảng dạy ấy, hoặc gần giống như thế, ngày nay vẫn được sử dụng trong các trường Arab, và người ta đã viết về nó những dòng sau đây, có thể ứng với thời Trung cổ mà ta đang nghiên cứu: “Nền giáo dục ấy... hầu như thuần tuý thiên về ngữ pháp và pháp lý, nhưng có chiều sâu. Nó thấm nhuần thần học, dựa trên việc nhớ thuộc lòng một số tác phẩm, có kèm thêm bình luận ”.
Đối lập với lối học “kinh kệ và ngâm vịnh” nói trên, là cách học hiện đại trong đó chỉ cần nhớ các ý chính, nó làm trí nhớ bị mòn vẹt, làm thay đổi cơ bản kiểu cách thông minh của sinh viên” [13; Tr. 99].
Còn về các cuộc tranh luận, tuy có mặt tích cực là tạo cơ hội giao tiếp, trao đổi nhưng nhiều người cũng nhận định chúng là cơ hội để những kẻ ngu dốt tập hợp tất cả những ý kiến khác nhau để rồi biến báo thêm bằng nhiều lới trích dẫn. Một số bậc thầy thông minh vẫn chứng tỏ có sự hiểu biết sáng suốt và đã tạo được những tổng hợp của riêng mình. Hãy nghĩ tới những triết lý của Thomas d’Aquyn, của Bonaventure, Duns Scot, hãy nhớ Hostiensis, Huguceio ... “Thói quen chỉ quyết định điều gì sau khi đã cân nhắc phải, trái, làm cho trí tuệ có thói quen tự do” [13; Tr. 99]. Các sinh viên luật hiện nay vẫn tập tranh luận để định sự đúng, sai của một vấn đề. Vài thế kỷ lý luận một cách kinh viện quả là không vô ích, nó làm cho trí tuệ - đã bị cùn mòn đi từ thời bị xâm lược – sống lại, sắc sảo hơn. Nhờ được rèn đúc theo phương pháp đó, thời Trung cổ đã sản sinh ra một số thiên tài, lại tập hợp được quanh họ một công chúng có thể nghe họ, hiểu họ, do đó buộc họ phải lên tiếng và phát huy hết khả năng.
Như vậy, nội dung học tập trong các trường đại học ở châu Âu thời kì này không phải chỉ là thần học và các thầy giáo không phải là các giáo sĩ mà là những người thường.
Thế là trường đại học đã bắt đầu thoát ly khỏi giáo hội và phát triển một cách tự do. Đây là điều giáo hội không thể chấp nhận được, nên đã tìm cách nắm lấy các trường đại học, loại trừ các giáo sư có tư tưởng chống lại giáo hội và ca ngợi lí trí con người. Đến giữa thế kỷ XIII, trường đại học Pari bị giáo hội khống chế hoàn toàn. Nhiều giáo sư tiến bộ bị đuổi và
thay thế bằng các giáo sĩ. Từ đó môn học chiếm địa vị quan trọng nhất trong trường đại học là Triết học kinh viện.
Triết học kinh viện là một thuật ngữ dịch từ chữ Scolasticus trong tiếng Latinh nghĩa là triết học nhà trường. Nó được xây dựng trên cơ sở thừa kế di sản của Hi Lạp cổ đại và giáo lý ban đầu của đạo Cơ đốc. Nó tìm cách dung hòa giữa niềm tin và lý tính và tìm kiếm sự cứu rỗi cho cả hai. Mặc dù các nhà triết học kinh viện cho rằng sự lập luận tùy thuộc vào truyền thống, sự mặc khải và sự giảng dạy của giáo hội, họ đã cân nhắc những lý lẽ mâu thuẫn của những người có thẩm quyền trước đây trong việc tìm cách giải quyết những vấn đề về thần học phức tạp nhất với sự vận dụng phương pháp biện chứng. Họ đã cố gắng tìm kiếm trong khoa học và đức tin một bằng chứng sau cùng về sự hiện hữu của thượng đế, sự bất tử của linh hồn và giá trị chân lý của những giáo điều.
Triết học kinh viện có một đặc điểm là áp dụng phương pháp biện luận cực kỳ rắc rối, rất chú trọng logic hình thức. Nói chung, các nhà triết học kinh viện cho rằng, đối với các hiện tượng tự nhiên người ta không cần phải quan sát, thí nghiệm mà chỉ cần dùng phương pháp tư duy trừu tượng cũng có thế đạt đến chân lí. Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu về vấn đề khái niệm chung, các nhà triết học kinh viện đã chia làm hai phái là phái duy danh (nominalisme) và phái duy thực (réalisme). Phái duy danh cho rằng khái niệm chung do tư duy con người sáng tạo ra là tên gọi của các vật thể riêng lẻ và các vật thể riêng lẻ có trước khái niệm chung. Đại biểu của phái này là Roscellinus và Abelard trong thế kỷ XII và Duns Scotus thế kỷ XIII. Còn phái duy thực thì cho rằng trước khi có một vật thể nào đó thì khái niệm về vật thể ấy đã tồn tại, đã có thực rồi. Như vậy, duy thực là chủ nghĩa duy tâm hoàn toàn, còn duy danh là trường phái có nhân tố của chủ nghĩa duy vật. Chính vì thế, tuy vẫn tin Chúa, nhưng các nhà duy danh thường bị giáo hội ngược đãi và rút phép thông công, trái lại những người duy thực rất được đề cao, trong đó người tiêu biểu nhất là Thomas Acquynas, quen gọi là Thomas d’Aquin.
Thomas d’Aquin (1225-1274) là một giáo sĩ người Italy, là học trò của Anbe vĩ đại.
Ông đã biên soạn nhiều tác phẩm trong đó quan trọng nhất là Thần học toàn thư (Somme Théologique). Tác phẩm này rất đồ sộ, được chia làm bốn phần, gồm 100 chương trong đó dùng quan điểm của giáo hội để giải quyết 1.000 vấn đề về thần học và bác lại 10.000 thuyết. Ông cho rằng vũ trụ chia thành nhiều đẳng cấp, bắt đầu là phi sinh vật, dần dần lên đến người, tín đồ, thiên sứ, rồi cao nhất là Chúa trời. Mỗi một đẳng cấp thấp đều muốn vươn lên đẳng cấp cao, vì vậy cả hệ thống ấy đều hướng về Chúa trời, Chúa là mục đích cuối
cùng của vũ trụ. Tác phẩm này được giáo hội thừa nhận là một sự tổng kết về giáo lý của đạo Cơ đốc. Do công lao ấy, sau khi ông chết không lâu, đến đầu thế kỷ XIV, ông được giáo hội phong thánh.
Trong số các nhà triết học kinh viện có một trường hợp ngoại lệ đặc biệt, đó là Roger Bacon (khoảng 1214-1292), một giáo sĩ người Anh và là giáo sư trường đại học Oxford. Trái với Thomas d’Aquin, Roger Bacon rất chú ý nghiên cứu vật lí học và hóa học, rất coi trọng phương pháp thí nghiệm và đã có nhiều cống hiến về mặt quang học. Chính ông là người đầu tiên giải thích hiện tượng cầu vồng và cũng là người đầu tiên ở châu Âu đem thuốc súng áp dụng vào lĩnh vực quân sự. Ông đã biết chú ý đến từ tính của nam châm, rất đề cao toán học, coi đó là cơ sở không thể thiếu được của tất cả mọi tri thức.
Đi trước thời đại của mình, ông có nhiều dự kiến thiên tài như người ta có thể chế tạo những loại kính “để ở cự li rất xa mà có thể đọc được những chữ rất nhỏ, phân biệt được những vật hết sức bé, quan sát các vì sao”; có thể chế tạo được những chiếc thuyền đi biển và đi sông rất lớn mà chỉ cần một người điều khiển chứ không cần mái chèo. Ông cũng đã nghĩ đến chiếc xe bốn bánh chạy rất nhanh mà không cần ngựa kéo, nghĩ đến máy bay
“người ngồi trong đó, cánh đập không khí bay như chim”, nghĩ đến cần trục, đến cầu không có cột v.v... Do những hiểu biết sâu rộng ấy, ông được gọi là “nhà bác học đáng khâm phục”, nhưng cũng vì những đế xuất mạnh dạn ấy, ông bị giáo hội kết tội là một tên phù thủy đề xướng dị đoan và bị bắt bỏ ngục. Mãi 14 năm sau ông mới được tha. Lúc đó, ông đã rất già yếu nên hai năm thì chết.
Nhìn chung, trong giai đoạn từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII, nền giáo dục thần học vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sự ra đời các trường đại học của thị dân dù ban đầu vẫn nằm trong sự chi phối của giáo hội nhưng trong nó, cũng đã có những tia sáng, để có thể tạo ra bước chuyển vào những thế kỉ sau.
* *
*
Như vậy, có thể thấy từ khi những thành thị hưng khởi trở lại, cuộc sống của một bộ phận cư dân trung đại đã phần nào phát triển hơn. Những thị dân ngày một giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ không ngừng nâng cao vốn hiểu biết của mình và từ đó các trường đại học đã xuất hiện mang trong mình những bước chuyển về trình độ văn hóa báo hiệu một thời kì chuyển biết thật sự về sau.